Chiến lược cũng cần thay đổi

0
1080

Trong hoàn cảnh khó khăn, doanh nghiệp (DN) có chiến lược quản trị như thế nào để ứng phó và tìm lối thoát? Với nhiều DN, câu trả lời cho câu hỏi này là “lấy ngắn bù dài”.

Năm 2012, dù kinh tế khó khăn nhưng Công ty Vinamit vẫn đạt doanh thu khả quan nhờ xuất khẩu tăng 60%. Chia sẻ tại diễn đàn FB Forum lần 9, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit, cho biết: “Sở dĩ Vinamit có kết quả này là do kịp thời thay đổi tư duy chiến lược. Trước đó, dù sở hữu tài sản rất lớn là thương hiệu Vinamit nhưng khi kinh tế khó khăn, chúng tôi vẫn loay hoay tìm lối đi. Sau khi Chính phủ công bố hiệp định song phương với Trung Quốc, tôi đã mạnh dạn tiến sâu hơn vào thị trường nước này. Một chiến lược khác là ngừng sản xuất mít sấy phân khúc thấp. Sự thay đổi này khiến mít sấy phân khúc cao vốn là thế mạnh của chúng tôi được bán nhiêu hơn, tập trung hơn mà lại tiết kiệm được chi phí sản xuất”.

Vấn đề là làm sao để kịp thời thay đổi chiến lược trong bối cảnh thị trường thay đổi liên tục. Để có một chiến lược mới hợp lý, ông Viên cho rằng, trước hết DN cần phải biết tiềm năng của mình là gì, nghĩa là cái gì mình đang có mà chưa phát huy hết.

Sau đó, người chủ DN phải lăn lộn nhiều hơn với thị trường để tìm cơ hội cơ hội và chiến lược mới. Đơn cử như trường hợp Vinamit, nếu không tích cực sâu sát với thị trường, sẽ không tìm được hướng đi như hiện tại.

Ở lĩnh vực bất động sản, nhiều DN cũng đã đưa ra chiến lược ngắn hạn để “giải khó” và được đánh giá khá hiệu quả. Đó là chiến lược chuyển hướng từ phân khúc nhà cao cấp sang trung bình.

Với chiến lược này, Tổng giám đốc Công ty Nam Long, cho biết: “Đã giải quyết được hai nhu cầu: đảm bảo doanh số bán hàng cho DN và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”.

Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (Đồng Tháp), bên cạnh chiến lược dài hạn là sản xuất bánh phồng tôm, đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm từ gạo, nước uống đóng chai và sắp tới là phở, bún và hủ tiếu ăn liền.

Doanh thu 6 tháng đầu năm nay của Công ty đã tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Còn Công ty Thủy sản Quốc Việt ở Cà Mau mấy năm gần đây đã đẩy mạnh đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất tôm tẩm bột chiên, tôm luộc xuất khẩu. Hiện nay, các sản phẩm giá trị gia tăng đạt khoảng 70% tổng doanh thu của Quốc Việt.

Tư duy chiến lược ngắn hạn là con đường tồn tại hiệu quả trong khó khăn. Thực tế nhiều DN đang mắc phải sai lầm là quá quan tâm đến thị trường, lợi nhuận mà quên mất chiến lược ngắn hạn để có được sự phát triển về lâu dài và bền vững.

Vì vậy, bài toán cho người lãnh đạo DN thời điểm này là phải làm sao có hiệu quả chứ không phải có bao nhiêu cửa hàng hay quy mô lớn chừng nào. Song song đó là xác định lợi thế cạnh tranh. Cách đơn giản nhất để biết lợi thế cạnh tranh, đó là hỏi khách hàng lý do tại sao họ mua hàng của bạn.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty SFC, thị trường trong nước tuy vẫn còn rất tiềm năng, song như Công ty PNJ đã nhận ra xuất khẩu là một tiềm năng lớn nhưng chưa khai thác, nên chiến lược “ngắn” trong bước phát triển bền vững của họ là hướng đến mục tiêu 50% xuất khẩu.

Nhìn nhận việc thay đổi chiến lược, theo ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win-Win, nếu phải đa dạng hóa để khai thác cơ hội thì DN phải gắn liền với sự phát triển bền vững bằng cách phát huy thế mạnh của mình gắn liền với năng lực lõi, khám phá và khai thác tay nghề tiềm ẩn.

“Để hỗ trợ cho chiến lược được đưa ra, cần đồng bộ hóa các yếu tố cấu thành việc sản xuất, kinh doanh của DN như mô hình quản lý, kiểm soát và đội ngũ nhân sự… Khi cơ hội đến, những câu hỏi như đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh theo hướng nào, huy động nguồn vốn và nhân sự ra sao, làm thế nào để quản lý một cách hiệu quả…, DN phải lời nhanh và chính xác”, ông Năm tư vấn.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here