Cách THACO dẫn đầu ngành ô tô Việt

0
964

Ngay những ngày đầu năm 2018, Thaco đã chính thức giới thiệu thương hiệu BMW và MINI cũng như trở thành doanh nghiệp nắm giữ nhiều thương hiệu ô tô nhất tại Việt Nam.

Qua việc sở hữu hai thương hiệu này, các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, Thaco sẽ tiếp tục là doanh nghiệp dẫn đầu ngành ô tô Việt Nam, cả về quy mô đầu tư về cả đất đai, nguồn vốn, công nghệ, hợp tác, số lượng thương hiệu nắm giữ, phân khúc ô tô, mức tiêu thụ sản phẩm, số lượng nhân viên…

Chiến lược “lần theo” thị trường + Đầu tư kiểu “tất tay”

Nhìn lại những doanh nghiệp “khởi nghiệp” cùng thời điểm với Thaco, bao gồm cả những doanh nghiệp Nhà nước “hùng mạnh”, thậm chí độc quyền một thời như Vinamotor, Samco… và hàng loạt doanh nghiệp tư nhân như Vinaxuki, T&T thì Thaco đến thời điểm hiện nay đã có những bước tiến thần kỳ. Câu hỏi đặt ra là tại sao trong một môi trường, điều kiện như nhau, nhưng sự thành công hoàn toàn khác nhau. Thậm chí, có những doanh nghiệp có điều kiện tốt hơn rất nhiều nhưng đang bị lu mờ và gần như biến mất. Chiến lược “lần theo” thị trường + đầu tư lớn, mang tính “tất tay” đã giúp Thaco tạo dựng được những nền tảng vững chắc cho sự phát triển sau này.

Thực tế, cú đầu tư “tất tay” vào năm 2002 với hơn 600 tỷ cho nhà máy lắp ráp ô tô với diện tích 36,8ha, công suất 25.000 xe/năm vào Khu kinh tế mở Chu Lai được xem là “bước ngoặt lịch sử” tạo dựng một Thaco đang dẫn đầu ngành công nghiệp ô tô và là một trong 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay (Theo báo cáo mới nhất của VNR500 năm 2017).

Nhưng trước khi có cú đầu tư này, Trường Hải đã có một chiến lược mà người ta gọi là “lần theo” thị trường rất hay. Khi mới được thành lập 1997 với quy mô nhỏ, lựa chọn của Thaco cũng như nhiều doanh nghiệp khác lúc đó là nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng về tân trang lại và bán ra thị trường kết hợp với việc cung cấp linh kiện phụ tùng. Thực tế, vào hoàn cảnh lúc đó, nếu muốn làm trong lĩnh vực ô tô và nhất là tư nhân làm ô tô thì cũng chẳng còn lựa chọn nào khác.

Sự khác biệt của Thaco với nhiều doanh nghiệp nằm ở tính chuyên nghiệp, chất lượng với một hệ thống chăm sóc, bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng có mặt bất cứ lúc nào khách hàng cần, dù là những hỏng hóc nhỏ nhất. Điều đó, giúp Thaco – nói như Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương trong một cuộc gặp gỡ là “kiếm được một mớ”. Nhưng kiếm được một mớ rồi để làm gì? Đầu tư, đầu tư và đầu tư và có lẽ hai từ đầu tư luôn xuyên suốt hành trình hơn 20 năm của Thaco: Chỉ có đầu tư và đầu tư liên tục, không ngừng nghỉ.

Trong năm 2017, Thaco đã bán ra tổng cộng 89.602 xe ô tô các loại và vẫn chiếm giữ 35,8% thị phần ô tô Việt Nam, xếp số 1.

“Một mớ” đó, vào năm 2001 lại được đầu tư liên doanh thành lập công ty sản xuất và lắp rắp ô tô Tracimexco – Trường Hải với sản phẩm chính là các loại xe tải nhẹ mang thương hiệu KIA – một sản phẩm vào thời điểm đó có nhu cầu sử dụng rất cao, nhất là với các thị trường thành phố, thị trấn, thị tứ. Lựa chọn đầu tư “lần theo” nhu cầu thị trường chính là ở chỗ đó. Nhờ thành công đó, nhà máy lắp ráp ô tô tải KIA lớn nhất Việt Nam thời điểm đấy ra đời.

Dùng thương hiệu “nuôi” thương hiệu

Sau bước ngoặt lịch sử đầu tư vào Chu Lai, Thaco không ngừng lớn mạnh nhờ chiến lược tiếp tục đầu tư, lấn sân và thâu tóm thương hiệu, hay nói như một chuyên gia trong lĩnh vực này là lấy thương hiệu “nuôi” thương hiệu. Đây cũng là sự khác biệt rõ nét nhất của Thaco so với hàng chục doanh nghiệp ô tô khác tại Việt Nam.

 

Bắt đầu từ xe tải KIA, Thaco cũng song song đầu tư vào các loại xe khách, xe Bus và hàng loạt các loại xe tải khác và hàng chục năm luôn dẫn đầu thị trường về phân khúc xe thương mại.

Trên nền tảng thành công của xe thương mại và xe du lịch KIA, Thaco thâu tóm thương hiệu Mazda, được đánh giá có phân khúc cao cấp hơn so với KIA với việc thành lập nhà máy Vina Mazda có vốn đầu tư hơn 20 triệu USD.

Một thời gian ngắn ban đầu, Mazda chưa thực sự thành công, nhưng bù lại xe KIA du lịch có sự tăng trưởng vượt bậc. Đến giai đoạn xe du lịch KIA sụt giảm thì các mẫu xe Mazda lại lên ngôi. Nói lấy thương hiệu “nuôi” thương hiệu là ở chỗ đó.

Tương tự, sau thành công vang dội của Mazda, vào năm 2013, Thaco hợp tác sản xuất và lắp ráp xe Peugeot – một trong những thương hiệu ô tô lâu đời nhất và nổi tiếng tại Châu Âu. Có thể nói, cho đến thời điểm này, số lượng xe Peugeot bán ra chưa nhiều, chưa được như kỳ vọng, tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định về lâu dài các mẫu xe Peugeot kỳ vọng sẽ bứt phá. Chuyện lời lãi của những mẫu xe Peugeot chưa nói đến, nhưng nếu có lỗ thì cũng không phải là chuyện phải quá lo lắng vì đã có sự bù đắp từ phân khúc xe thương mại, từ hiệu quả của KIA, của Mazda và đó là điều rất hay ở Thaco – một chuyên gia cao cấp về thị trường ô tô nhận định.

Trước khi hợp tác với BMW và MINI, Thaco, sau khi từ bỏ dòng xe tải Hyundai, đã kịp thâu tóm Fuso – một thương hiệu xe tải nổi tiếng dòng cao cấp. Đây được xem là miếng ghép thứ 6 tạo dựng nên một Thaco hiện nay. Những thương hiệu này dù không có sự phát triển đồng đều về số lượng, nhưng trên thực tế đã bổ trợ cho nhau rất tốt. Và cùng với việc sản xuất, lắp ráp các dòng xe thương mại tải, khách, Bus, chuyên dụng, hàng chục nhà máy, các liên doanh sản xuất linh kiện phụ tùng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa phục vụ trong nước và xuất khẩu đang tiếp tục góp phần khẳng định vị trí dẫn đầu ngành ô tô Việt.

Cho đến thời điểm hiện nay, nhiều người vẫn không thể tin rằng, một doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam lại “nắm trong tay” 6 thương hiệu ô tô nổi tiếng bậc nhất trên thế giới. Nhưng Thaco đã làm được điều đó. Và cùng với tham vọng vươn ra khu vực, thế giới với hàng loạt những dự án đầu tư chiều sâu sẽ giúp doanh nghiệp này không chỉ dừng lại ở vị trí dẫn đầu Việt Nam mà còn dẫn đầu khu vực. Chúng ta hãy tin và hãy chờ.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here