Cách siêu thị Aldi tồn tại và phát triển hơn 100 năm qua

0
1115

Với mục tiêu đem lại những sản phẩm có giá trị tốt nhất cho khách hàng, Aldi tập trung giảm số lượng mã hàng, tối ưu hóa không gian, cắt bớt cả chi phí nhân sự và hoạt động để chuyển nó thành mức giá rẻ cho khách hàng.

Aldi – “bậc thầy” giảm chi phí

Trong khi các siêu thị khác thường áp dụng “nghệ thuật” sắp xếp hàng hóa nhằm kéo dài thời gian mua sắm và “dụ dỗ” các thượng đế chi tiêu nhiều hơn dự định. Chẳng hạn như “giấu” sữa và các thực phẩm thiết yếu ở càng xa càng tốt, hay đem lò bánh mì và thực phẩm tươi sống lên trước để tăng cảm giác thèm mua sắm…

Nhưng khi nhìn vào sơ đồ một siêu thị Aldi, chúng ta có thể thấy Aldi chỉ có một mục đích là tối ưu hóa cả thời gian và năng lượng cho khách hàng.

Hàng hóa “sale” được chất đống ở giữa để khách hàng có thể vừa tham khảo, vừa tiếp tục kế hoạch mua sắm. Các loại nước sốt được chất lên trên kệ đông lạnh để tiết kiệm diện tích, đồng thời giúp khách hàng dễ dàng đưa ra lựa chọn loại sốt nào cho loại thực phẩm nào. Còn các sản phẩm tươi sống và bánh mì được để ở cuối hành trình để không bị đè bẹp bởi các sản phẩm khác.

Nhờ cách bố trí đơn giản như trên, các cửa hàng Aldi luôn có diện tích “khiêm tốn” hơn các đối thủ, giảm được chi phí thuê và hoạt động. Thậm chí một số cửa hàng Aldi còn lắp thêm mái nhà bằng kính để tiết kiệm điện thắp sáng.

Hộp carton “đa năng”

Chiếc hộp carton tưởng chừng như quá đơn giản nhưng lại có tới… 3 công dụng khác nhau tại Aldi!

Không chỉ được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, nhân viên Aldi có thể nhanh chóng xé một phần hộp và chồng chúng lên với nhau, thế là đã có một kệ hàng sẵn sàng được bán, vừa nhanh, vừa đơn giản, lại vừa rẻ nếu so với kệ hàng truyền thống.

Aldi cũng không cung cấp túi nilon để đựng sản phẩm như các siêu thị khác, khách hàng phải tự mang túi từ nhà, mua túi tái sử dụng lúc thanh toán với giá 6 xu một cái, hoặc thậm chí là lấy bất kì một chiếc hộp nào đang trống tại Aldi để… đựng hàng một cách hoàn toàn miễn phí!

Và như thế, những chiếc hộp trống tại Aldi luôn là “cứu tinh” của nhiều người. Nó không chỉ giúp khách hàng đỡ phải mua thêm túi mà còn giúp nhân viên đỡ tốn công dọn dẹp và vứt bỏ những hộp đã qua sử dụng.

Đơn giản mà tốt

Aldi còn luôn chú trọng hạ thấp số lượng mẫu mã sản phẩm trong cửa hàng xuống mức tối thiểu nhất mà không ảnh hưởng tới sự hài lòng của khách hàng.

Điều này không chỉ giúp Aldi dễ dàng quản lý sản phẩm, nó còn trở thành một “át chủ bài” khi thương lượng với nhà cung cấp.

Chẳng hạn như với các siêu thị thông thường, họ phải mua 200 sản phẩm size nhỏ, 500 sản phẩm size vừa và 300 sản phẩm size lớn cùng một mặt hàng. Trong khi đó, Aldi chỉ tập trung mua 1.000 sản phẩm cùng 1 size, qua đó có thể “ép” giá mua đầu vào và bán ra cho khách hàng với mức giá thấp hơn so với đối thủ.

Trên thực tế, nhiều khách hàng còn đánh giá việc “thiếu sự lựa chọn” ở Aldi đã giúp họ tiết kiệm khối thời gian mua hàng. Khiến họ luôn có ấn tượng “hiệu quả và nhanh chóng” khi nghĩ về siêu thị Aldi.

Sức mạnh của “hàng nhà”

Theo khảo sát, gần 90% sản phẩm tại Aldi là những nhãn hàng do chính siêu thị này độc quyền phân phối.

Những sản phẩm này không chỉ giúp Aldi giảm được chi phí đầu vào do cắt bớt trung gian, mà còn cho phép Aldi có thể quản lý chặt chẽ chất lượng, chủ động thay đổi tính chất của sản phẩm để phù hợp với chiến lược kinh doanh chung của cả chuỗi.

Tuy là trường hợp không ai muốn xảy ra, nhưng với các sản phẩm “sân nhà”, Aldi có thể dễ dàng đổi trả và tìm ra nguyên nhân nếu xảy ra hư hỏng hay bất kì vấn đề gì ảnh hưởng tới khách hàng.

Kết hợp với số lượng nhãn hàng được đẩy xuống mức tối thiểu, sản phẩm “riêng” của Aldi sẽ không phải tốn bất kì chi phí quảng cáo nào, tất cả số tiền tiết kiệm đó sẽ được tiếp tục chảy vào túi khách hàng.

Nhân viên ít

Nhờ vào mô hình hoạt động “siêu hiệu quả” của mình, Aldi thậm chí có quyền cắt giảm số lượng nhân viên làm việc xuống mức tối thiểu.

Việc sắp xếp kệ hàng được diễn ra nhanh chóng với các thùng carton “thần thánh”, và khách hàng phải tự đóng gói sản phẩm sau khi thanh toán, khiến số lượng nhân viên tại quầy tính tiền cũng được giảm bớt.

Không những thế, tốc độ tính tiền cao sẽ giảm thiểu nhu cầu “mở line”, giảm số lượng nhân viên thanh toán. Đa phần các siêu thị Aldi chỉ có trên dưới 10 nhân viên làm việc cùng một lúc, một con số rất khiêm tốn so với các đối thủ.

Và lao động miễn phí từ… khách hàng

Các xe đẩy tại Aldi luôn bị khóa lại với nhau và chỉ được mở khi nhét vào đó một đồng 25 xu. Sau khi hoàn tất mua sắm, khách hàng sẽ tự động quay lại và khóa xe đẩy của mình để lấy lại đồng 25 xu đó.

Vì không khách hàng nào muốn mất tiền, nên hầu hết mọi người sẽ trả xe vào đúng chỗ quy định và từ đó Aldi sẽ giảm được thêm được một nhân sự chuyên đi lấy xe đẩy về cho siêu thị. Xe đẩy bị cố định một chỗ cũng sẽ hạn chế tình trạng “chạy” lung tung, qua đó giảm chi phí sửa chữa cũng như thay thế.

Không chỉ “bắt” khách hàng phải tự kiếm bao đựng, Aldi còn giao luôn việc đóng gói hàng hóa lại cho các “thượng đế”. Một khu vực riêng được bố trí bên ngoài quầy thanh toán với kệ vừa tầm tay người giúp khách hàng có thể tự đóng gói sản phẩm. Như đã đề cập ở trên, bố trí này còn hỗ trợ tăng tốc thanh toán, giảm thêm chi phí nhân sự.

Nếu một khách hàng được hỏi: “Bạn có muốn tự đóng gói sản phẩm và đẩy xe về chỗ cũ để đổi lại một khoản tiết kiệm đáng kể hay không?” Chắc chắn rằng vô số người sẽ nhanh chóng đồng ý mà không cần phải suy nghĩ thêm.

Tiết kiệm nhưng không rẻ tiền. Mô hình của Aldi tập trung vào nhiệm vụ “giảm chi phí” cho khách hàng nhưng không đổi lại chất lượng sản phẩm, đó mới chính là thứ mà mọi khách hàng mong muốn.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here