Nội Dung Chính
Tìm ý tưởng cho event có lẽ là đề tài luôn được giới tổ chức sự kiện quan tâm. Trong thời điểm mà thị trường quảng cáo sôi động như hiện nay, có quá nhiều sản phẩm, quá nhiều sự kiễn diễn ra hàng ngày thì việc trùng lặp hay “đánh cắp” ý tưởng là chuyện thường thấy. Tìm kiếm ý tưởng là một công việc không đơn giản, nhất là từ khi nhận brief từ khách hàng cho đến lúc ra được một kế hoạch hoành chỉnh để giới thiệu đến họ là khoảng thời gian không dài. Vì vậy, việc sáng tạo ý tưởng phải diễn ra thường xuyên, như một thói quen, một phản xạ thì mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng hiện nay và là một yếu tố quyết định khả năng của người làm công việc sáng tạo trong lĩnh vực tổ chức sự kiện. Event Channel xin chia sẻ bí quyết để tìm kiếm ý tưởng không chỉ trong lĩnh vực event mà trong những công việc đòi hỏi sự sáng tạo và năng động.
1. Thường xuyên ghi chép
Việc ghi chép kịp thời rất có ích cho việc sáng tạo của bạn. Đôi khi, một ý tưởng nhỏ xíu nảy ra khi bạn đang đi xe ngoài đường hay trò chuyện với ai đó, bạn tự nhủ rằng “sẽ lưu tâm lại”, nhưng tiếc là sau đó bạn lại quên béng đi, và như vậy là bỏ lỡ mất một ý nhỏ – một phần trong ý tưởng lớn sau này của bạn. Nếu như lúc đó, bạn có giấy viết hoặc lưu trong điện thoại, đến khi cần, bạn có thể mở lại để tìm một chi tiết nhỏ bổ sung cho kế hoạch chưa hoàn thành của bạn, trong vô vàn cái “note” lộn xộn trong cuốn sổ lại có một ý tưởng là điểm quyết định cho kế hoạch tổng thể.
2. Chịu khó tham gia nhiều hoạt động
Bạn bè rủ bạn tham gia buổi khai trương quán bar của người quen họ, hay một câu lạc bộ gửi thư mời bạn tham gia tiệc sinh nhật. Bạn lại có quá nhiều việc chưa làm hoặc mệt mỏi sau một ngày làm việc, chỉ muốn đi ngủ sớm. Nhưng sao bạn không thử đến tham gia, biết đâu, ở đó bạn tìm được một chi tiết gỡ rối cho công việc đang rối bù của bạn. Các sự kiện của người khác bao giờ cũng có cái để cho chúng ta học hỏi, có khi là một công nghệ mới, hoặc cách thể hiện một tiết mục lạ hơn bình thường hay đơn giản là họ mắc phải sai lầm nào để lần sau ta tránh được. Người viết vừa rồi đã rút ra được kinh nghiệm từ việc dùng dây cáp để đưa diễn viên ra sân khấu trong chương trình VN’s Next Top Model 2011 nhưng đột nhiên dây cáp không hoạt động, và mãi đến lúc một người mẫu đứng dưới phát hiện thì thí sinh mới được “giải cứu”.
3. Cởi mở trong trao đổi và suy nghĩ
Đôi khi, trò chuyện với ai đó, chúng ta thấy họ phát biểu những điều rất “điên rồ” và cảm thấy chán chường chẳng muốn nói chuyện với họ nữa vì họ quá dở hơi. Nhưng nếu bạn chịu khó gợi mở họ để họ nói rõ ra thì có khi bạn lại tìm thấy một ý tưởng rất táo bạo và đặc sắc mà bình thường khó có ai nghĩ ra được. Đôi khi suy nghĩ của họ khác thường và cách họ bày tỏ vấn đề cũng khó hiểu, khó tiếp thu, nhưng chẳng phải mọi điều phi thường trên đời đều bắt nguồn từ những suy nghĩ khôn tưởng hay sao?
4. Rèn luyện óc quan sát
Thói quen quan sát là một thói quen tốt, giúp bạn nhìn rõ sự việc hơn và nếu có thắc mắc gì thì bạn sẽ tìm cho ra. Khi thấy một điểm lạ trong sự kiện bạn tham gia mà bạn chưa hề biết trước đó, bạn có bao giờ tự hỏi “người ta làm thế nào để được như thế” hay không? Những thắc mắc như thế khi được giải quyết sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc lượm nhặt các kiến thức và áp dụng nó vào trong công việc sáng tạo ý tưởng của mình hay là sử dụng các công nghệ trong những sự kiện bạn tổ chức.
5. Tập phân tích các sự việc
Mọi sự việc đều có nguyên nhân của nó, nếu bạn chịu khó để ý sẽ thấy như vậy. Ví dụ, khi thấy một vài người nhìn chăm chú về một hướng bạn sẽ có phản xạ là nhìn về hướng đó. Và khi thấy người ta bu lại xem việc gì thì rất nhiều người cũng hiếu kì xúm lại dù chẳng biết chuyện gì xảy ra. Tận dụng điều này, dịp Giáng sinh vừa qua, Triumph đã có một tiết mục quảng cáo rất thú vị là thuê những cô gái chân dài xinh đẹp làm người mẫu đứng trong tủ kính và nhún nhảy theo nhạc khiến cả đoạn đường tắc nghẽn vì người dân dừng xe lại xem, cộng thêm việc các báo mạng đưa tin làm cho hiệu quả truyền thông tăng gấp nhiều lần. Nếu chịu khó phân tích các sự việc, bạn sẽ có cách đưa ý tưởng tiếp cận với đối tượng mục tiêu chính xác và thực hiện hiệu quả hơn.