Nội Dung Chính
Anita Roddick – bà chủ của hơn 3.000 cửa hàng mỹ phẩm The Body Shop – là nữ doanh nhân nổi tiếng nhất nước Anh với tài sản hàng trăm triệu bảng Anh. Con đường kinh doanh thành công của bà là niềm cảm hứng cho nhiều doanh nhân khác.
Bài viết dưới đây về bài học kinh doanh thành công của Anita Roddick – bà chủ của hơn 3.000 cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm The Body Shop (cả sở hữu lẫn nhượng quyền). Bài viết được chia sẻ bởi Denise Corcoran – chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ các công ty mở rộng kinh doanh và vượt qua các thách thức, đồng thời là CEO của agency Empowered Bussiness (chuyên cung cấp các phương pháp chiến lược dựa vào thần kinh não bộ để giải phóng khả năng lãnh đạo cùng các tiềm năng trong tổ chức).
Bạn đã bao giờ gặp ai đó vào đúng lúc nào đó, và rồi sau đó cuộc đời bạn thay đổi hoàn toàn? Tôi đã may mắn được gặp một người phụ nữ, người đã truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất cho tôi.
Đó là vào năm 1992, khi tôi đang ở trong thời kỳ đen tối nhất của cuộc đời. 3 năm trước đó, tôi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp tài chính, đạt thành công trong kinh doanh và rồi mọi thứ bắt đầu sụp đổ. Phải chiến đấu với một căn bệnh đe dọa tính mạng, không thể làm việc trong hơn 5 năm, buộc phải thanh lý tất cả tài sản, và tôi lâm vào cảnh nợ nần nghiêm trọng đến mức khó thể giữ lại một mái nhà trên đầu và chi trả các loại chi phí y tế.
Nỗi đau sâu đậm nhất trong tất cả mọi nỗi đau là việc nhận ra tôi đã phải bán rẻ linh hồn cho những cạm bẫy của sự thành công hào nhoáng bên ngoài. Và sự thành công đó đã rời bỏ và để lại cảm giác trống rỗng trong tôi. Tôi không còn biết tôi là người thế nào nữa.
Sau đó, một nữ doanh nhân, một nhà hoạt động về nhân quyền đến với cuộc đời tôi. Lúc đó tôi không hề nhận ra, rằng cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh của mình sẽ thay đổi hoàn toàn từ đây.
Người phụ nữa đó là Anita Roddick, nhà sáng lập và CEO của chuỗi cửa hàng The Body Shop. Lần đầu tôi biết tới Roddick là qua những trang sách mà bà viết, quyển sách có tên: Body and Soul: Profits with Principles (tạm dịch: Thân thể và linh hồn: Lợi nhuận cùng nguyên tắc). Cùng lúc đó, tôi đang viết quyển sách của mình về những nữ doanh nhân biết cách vượt qua sóng gió. Và sự đồng điệu đến mức lạ thường xuất hiện.
Không chút ngại ngần, tôi đã đặt một vé máy bay đến Los Angeles chỉ với mục đích duy nhất là xin Roddick viết lời tựa cho quyển sách tôi đang sáng tác. Không chỉ đồng ý, bà mà còn ôm tôi và truyền cảm hứng cho tôi đến tận bây giờ, giúp tôi gây dựng một công việc kinh doanh có mục đích, có động lực và đúng theo những nguyên tắc đã đặt ra. Và tôi sẽ nói cho bạn biết tại sao.
Sự khởi đầu của một kỷ nguyên kinh doanh mới
Năm 1976 ở Brighton (Anh), Roddick đã mở một cửa hàng nhỏ chỉ để có chi phí thanh toán các hóa đơn và hỗ trợ gia đình nhỏ của bà. Lúc đó, việc gây dựng một đế chế chưa bao giờ là một phần trong giấc mơ của bà. Những mục tiêu trước mắt và trọng tâm trong việc kinh doanh của bà đều xoay quanh những nguyên tắc mà bà tin là đúng. Bà đã xây dựng một công ty để thống nhất xã hội, hướng theo quyền con người, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự an toàn của các loài động vật.
Chúng ta hoàn toàn có thể kiếm được lợi nhuận từ sự cam kết trong kinh doanh nhằm tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.
Với việc phát triển công ty theo những nguyên tắc đó, The Body Shop trở thành công ty đầu tiên sử dụng “chủ nghĩa tư bản có ý thức”, đó là: “kinh doanh tốt bởi làm điều tốt”. Bà đã chứng minh được một điều rằng, chúng ta hoàn toàn có thể kiếm được lợi nhuận từ sự cam kết trong kinh doanh nhằm tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.
Những khái niệm đó đều phá vỡ những nguyên tắc kinh doanh căn bản trong những năm thập niên 70, và bị nhạo báng bởi các tập đoàn khác. 40 năm sau, dòng chảy kinh doanh toàn cầu đã theo chân Roddick mà phát triển.
Điều Roddick đã dạy tôi về thành công trong kinh doanh
Danh sách những bài học mà một doanh nhân có thể học từ Anita Roddick là vô tận, nhưng những điều dưới đây là những bài học then chốt đã giúp thay đổi cuộc đời tôi.
1. Không bao giờ bán linh hồn cho tham vọng tiền bạc, không bao giờ trao đổi giá trị bản thân cho những thành công hào nhoáng
Khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh vào những năm 1985, tôi đã rất ham muốn đạt được thành công ở mức độ cao hơn. Và những ham muốn đó vẫn tồn tại đến ngày nay. Tôi đã để “cái tôi” của mình làm chủ và để cho những cảm giác sai lầm của mình quyết định điều gì là quan trọng.
Tôi đã phải đánh mất tất cả để tìm lại bản thân, tìm lại những ý niệm quan trọng nhất đối với tôi. Việc Roddick có thể tự tạo dựng một sự nghiệp kinh doanh xoay quanh những giá trị bản thân và niềm tin cá nhân đã thúc đẩy tôi đi theo con đường đúng đắn và một lần nữa dấn thân vào “con đường chưa từng bước chân”.
Những câu hỏi một doanh nhân cần đặt ra là: Liệu việc kinh doanh của tôi có phải là hiện thân của những niềm tin tôi đang có? Liệu những thành công của tôi có giúp nuôi dưỡng hay xoa dịu tâm hồn tôi?
2. Tự định nghĩa thước đo của thành công và biên độ lợi nhuận
Những “cách đo lường” truyền thống về sự thành công – và còn dùng cho tới hiện nay – đều được điểu chỉnh theo con mắt nam giới. Với tư cách từng là một nhà toán học, tôi cho rằng những con số vẫn có mặt trong sự nghiệp kinh doanh của tôi, chỉ là chúng không phải là những thước đo căn bản.
Roddick đã giúp tôi nhận ra những câu hỏi lớn hơn về định nghĩa của lợi nhuận và thách thức chính tôi định nghĩa lại về chúng. Roddick cũng từng trả lời khi được hỏi bởi nhà báo Martyn Lewis của BBC, khi ông soạn quyển sách của mình với tên Reflections on Success (tạm dịch: Sự phản chiếu của thành công): “Khi một người nói về lợi nhuận, người đó cần tự hỏi: Lợi nhuận từ ai? Làm sao để đem lại lợi nhuận cho nhân viên của mình? Làm sao để đem lại lợi nhuận cho khách hàng? Tại sao chúng ta chỉ định nghĩa lợi nhuận theo góc nhìn tài chính?”.
Trong 30 năm qua, định nghĩa của tôi về lợi nhuận trong kinh doanh đều được định hướng bởi một câu hỏi duy nhất là: Điều gì tốt nhất và cao đẹp nhất cho tất cả mọi người? Nếu trong mọi quyết định mà tôi đều có thể thực lòng nói: “Mọi người đều có lợi” thì khi đó, công việc kinh doanh của tôi đã thành công rồi.
Vậy câu hỏi cần đặt ra ở đây là: Thước đo thành công của tôi có phục vụ một mục đích cao đẹp nào đó không?
3. Hãy dùng đòn bẩy tâm lý để điều hướng kinh doanh
Làm sao biến những cảm xúc cá nhân trở thành sức mạnh, chứ không phải là điểm yếu trong thế giới kinh doanh.
Khi tôi bắt đầu sự nghiệp vào giữa những năm 70, tôi là một trong số ít những phụ nữ làm việc trong môi trường toàn nam giới. Phụ nữ lúc đó bị hằn sâu lối suy nghĩ rằng họ phải đi lại, phải nói chuyện và hành động như những người đàn ông nếu họ muốn đạt được thành công.
Sẽ phạm vào “điều cấm kỵ” nếu bạn muốn thổ lộ cảm xúc cá nhân. Nếu làm vậy, bạn sẽ bị gán nhãn là yếu đuối, không thể vượt qua áp lực và kém cỏi hơn nam giới.
Roddick đã dạy tôi về điều ngược lại, đó là phải làm sao biến những cảm xúc cá nhân trở thành sức mạnh, chứ không phải là điểm yếu trong thế giới kinh doanh này. Niềm đam mê của bà, lòng nhiệt huyết cháy bỏng và sự quan tâm không ngừng nghỉ là những gia vị bí mật đã đưa công ty của bà lên một tầm cao ở mức chóng mặt.
Trái ngược với sự thay đổi của thời gian, phong cách lãnh đạo của Roddick vẫn giữ nguyên ở việc thúc đẩy tính cá nhân, ủy quyền và nuôi dưỡng khả năng tự phát triển của mỗi người. Một lần nữa, Roddick đã đi trước mọi người ở cùng thời đại với bà khi cho rằng: “Sự nghiệp kinh doanh sẽ được cải tiến đến mức không thể đo lường được nếu nó được định hướng bởi những nguyên lý sống của một người phụ nữ: tôn trọng những giá trị của sự yêu thương, sự chăm sóc và sự cảm nhận”.
Còn bạn, bạn có bao giờ tự hỏi: Công ty của tôi đang cải tiến ở mức độ nào?
4. Hãy để sự nghiệp kinh doanh của tôi trở thành chất xúc tác cho những thay đổi, dù vấp phải nhiều tranh cãi thế nào đi nữa
Thậm chí khi Roddick bán chuỗi thương hiệu The Body Shop cho công ty mỹ phẩm lớn nhất Thế Giới L’Oréal vào năm 2006, và qua đời vào năm 2007, những gì bà để lại còn lớn hơn cả những sản phẩm mang tính thiên nhiên, những tài sản của công ty và cả những danh hiệu mà bà đạt được.
Sứ mệnh của bà là khiến cho việc kinh doanh trở thành một sức mạnh cho những điều tốt đẹp, trong khi lý do tồn tại chính của một công ty là kiếm tiền. Công ty của bà trở thành đường truyền dẫn cho những thay đổi mà bà muốn tạo ra trên toàn thế giới. Và bà đã thành công trong việc viết lại một trang sử thi kỳ diệu về tỷ lệ thành công trong kinh doanh.
Đi theo con đường của Roddick, tôi đã gây dựng công việc kinh doanh trong suốt 30 năm qua để góp phần thay đổi nhận thức về nhà lãnh đạo trong thế giới kinh doanh. Và vẫn vậy, món quà tuyệt vời nhất là sự cổ vũ mà bà đã gửi đến tôi để tôi có thể sống thật với bản thân mỗi khi bị lạc lối.
Tôi ước gì mình có thể nói với bà: “Anita này, vì những lời khuyên mà chị đã gửi đến cuộc đời em khi em cần nó nhất, từ tận sâu trong trái tim, em cảm ơn chị. Và vì những gì chị đã làm cho cả thế giới, em thật sự thấy rất hạnh phúc.”
Vậy còn bạn, ai là người tạo động lực cho bạn trong việc kinh doanh? Gia tài bạn sẽ để lại cho thế hệ kế tiếp là gì?