Asanzo + Kooda: Mở mặt trận của TV Việt

0
754

Đầu tư 250 tỉ đồng cho Kooda, Asanzo muốn đẩy mặt trận của thương hiệu TV Việt ra rộng hơn.

Asanzo có tham vọng thâu tóm phân khúc TV giá rẻ bằng chiến lược ngách khi mà nhiều thương hiệu TV lớn đang dần rút lui. Mới đây, trong thương vụ đầu tư 250 tỉ đồng vào Kooda, ông chủ của Asanzo lại cho thấy tầm ngắm vào thị trường TV cao cấp.

Từ phòng bếp, đánh ra phòng khách

Theo thông tin từ Asanzo, trong năm 2016 số TV mà công ty này bán được là 500.000 chiếc, chiếm 15% thị phần và Asanzo đang đặt mục tiêu doanh thu năm 2017 đạt 4.000 tỉ đồng. Với định vị “TV phòng bếp”, Asanzo chiếm lĩnh được phân khúc thị trường TV giá rẻ. Các dòng TV của Asanzo khá phổ thông ở thị trường nông thôn hay các nhà nghỉ, khách sạn…

Tuy nhiên, đây chính là lý do khiến Asanzo gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận phân khúc cao cấp, trước sức ép của các thương hiệu lớn như Samsung, Sony TCL, Toshiba hay Panasonic.

Chẳng hạn, nhiều khách sạn ở Vũng Tàu hiện nay sử dụng TV Asanzo. “Phòng khách của khách sạn đầu tư đại trà nên chỉ cần giá rẻ, tốt là được. Dòng TV này giá rẻ hơn TV cùng cấu hình 30%, chất lượng khá tốt”, người quản lý của khu resort Cote D’Azur giải thích về việc lắp đặt TV Asanzo tại đây.

Tuy nhiên, tham vọng của Asanzo là tiếp tục đánh chiếm phòng khách sau khi đã thành công ở phòng ngủ và nhà bếp. Đây cũng lý do đáng để Asanzo quyết định trong thương vụ mua lại Kooda.

Thương vụ này gây bất ngờ là vì một thương hiệu lâu năm như Asanzo lại quyết định thâu tóm một doanh nghiệp mới khởi nghiệp được vài tháng và chưa hề có tên tuổi trên thị trường. “Nếu không thâu tóm Kooda, chúng tôi sẽ phải chuẩn bị kịch bản tương lai trở thành đối thủ của Kooda”, ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc Công ty Asanzo, giải thích.

Bởi vì, Kooda chuyên lắp ráp TV cao cấp dòng OLED, smart TV và TV 4K với giá bán từ 4 triệu đồng trở lên so với sản phẩm ở phân khúc giá rẻ từ 1,5-2 triệu đồng trở lên mà Asanzo đang nắm giữ. Với tham vọng nhắm đến phân khúc cao hơn, Asanzo quyết định đầu tư vào Kooda.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Tam cho biết, chi phí để đưa Kooda tiếp cận với đại lý không hề nhỏ. “Trong 2 tháng, Kooda tổ chức 20 hội nghị bán hàng, tôi chi hơn 2.000 lượng vàng để khuyến khích đại lý bán hàng”, ông Tam chia sẻ. Đây là lý do tại sao một thương hiệu TV mới như Kooda nhưng nhanh chóng bán được hơn 10.000 chiếc chỉ trong vòng 2 tháng.

Ngoài ra, ông Tam cũng nhìn ra tình huống, nếu một thương hiệu lớn của Trung Quốc đầu tư vào Kooda và đưa sản phẩm vào các hệ thống của Nguyễn Kim, Thiên Hòa chuyên bán hàng cao cấp, đi kèm chương trình marketing lớn thì sẽ gây không ít khó khăn cho Asanzo.Trong khi hiện nay, kinh doanh điện tử tại Trung Quốc đang bão hòa, nên một số công ty muốn chuyển hướng đầu tư tại Việt Nam. Chắc chắn Kooda cũng đang nằm trong tầm ngắm của họ”, ông Tam cho biết. “Cứ mỗi đợt hội nghị, chúng tôi ra các gói sản phẩm 5, 10, 15 chiếc cho các đại lý, cứ mỗi gói tương ứng 0,5, 1 và 1,5 chỉ vàng và tặng ngay tại hội nghị. Ngay lúc đó, chúng tôi có ngay những đơn hàng 5 gói, 10 gói có đơn lên đến 18 gói”, ông Tam chia sẻ.

“Tôi nhận thấy nếu không chớp cơ hội đầu tư này thì Kooda chắc chắn cũng kêu gọi được các chủ đầu tư ngoại khác. Người cộng sự của tôi (ông Liêu Chí Dũng, nhà sáng lập Kooda) đã có kinh nghiệm 20 năm làm việc tại các công ty sản xuất TV của nước ngoài, khả năng ngoại ngữ tốt.

Tổng lực cho thị trường còn bỏ ngỏ

So với những năm trước đây, cuộc chiến của các thương hiệu sẽ càng khốc liệt hơn bởi tỉ lệ tăng trưởng của ngành chưa thực sự cao. Theo dự báo của GfK Việt Nam, ngành hàng TV tăng trưởng với tốc độ 12%. Asanzo gần đây tham gia nhiều sản phẩm như điện gia dụng, điện lạnh, gần đây nhất là điện thoại khiến Công ty thiếu đi sự tập trung cho mảng TV.

Asanzo vẫn có động thái sẽ tiếp tục đầu tư tiếp cho các dự án khác nếu thấy phù hợp với mức đầu tư thấp nhất là 5 triệu USD. Người đứng đầu công ty này cũng thừa nhận sự phát triển quá nhiều mảng làm cho Asanzo mỏng đi nhiều về nguồn nhân lực chuyên môn. Do đó, việc đầu tư này vừa là một cơ hội đầu tư vừa có lợi cho cả đôi bên.

Tiêu chí của ông Liêu Chí Dũng, người sáng lập Kooda, cũng khá phù hợp với Asanzo khi khai thác thị trường ngách. Theo đó, TV Kooda sẽ tích hợp karaoke và có thể sử dụng online hoặc offline, chương trình sẽ tự động cập nhật bản mới khi có mạng internet.

Ông Tam phân tích: “TV thương hiệu nước ngoài chỉ sản xuất đồng loạt, không dành riêng cho quốc gia nào hay sở thích nào. TV Kooda sẽ nhắm đến sở thích của người Việt Nam như karaoke, hoặc kết hợp hỗ trợ các gói xem truyền hình, các giải đấu ngoại hạng Anh miễn phí từ 6 tháng đến 1 năm”.

Phân khúc giá của Kooda hướng đến trong khoảng từ 10 triệu đồng ở các dòng sản phẩm TV công nghệ thông minh 4K và OLED sẽ cạnh tranh với các sản phẩm cao cấp cùng loại thương hiệu ngoại có giá 17-18 triệu đồng/chiếc.

Tiêu chí này phù hợp với Asanzo và ngoài việc đầu tư vốn sản xuất cho Kooda, Asanzo sẽ hỗ trợ toàn bộ về nguồn lực lao động, hệ thống quản lý, nhà máy. Bộ máy vận hành của Kooda chưa đến 10 người trong khi các bộ phận hoạt động khác đều sử dụng từ hoạt động của Asanzo. Do vậy, Kooda có nhiều cơ sở để đưa ra giá rẻ hơn.

Chịu chi cho chăm sóc điểm bán đã giúp ông chủ Asanzo nhanh chóng có được 6.000 điểm phân phối sản phẩm. Việc mở đường này cơ bản đã khá tốt cho sự phát triển của Kooda khi đi sâu vào thị trường ngách. Ở phân khúc thấp, Asanzo chiếm khoảng 15% thị phần, “Với Kooda, tôi chỉ mong chiếm được 5-6% ở phân khúc cao cấp”, ông Tam nói.

Trước câu hỏi về khả năng bị cạnh tranh ở phân khúc TV giá thấp, ông Tam cho biết những thương hiệu lớn đang có xu hướng rút khỏi phân khúc thấp hoặc sẽ không đầu tư vì chi phí vận hành ở phân khúc này cao. “Bộ máy hoạt động của họ quá lớn, chắc chắn sẽ không ai đầu tư nhiều chi phí để đạt được mức lợi nhuận thấp. Riêng Asanzo và Kooda, hai dòng sản phẩm này có tỉ lệ lợi nhuận tính trên mỗi chiếc như nhau, nhưng tôi lại khai thác khá tốt”, ông Tam chia sẻ.

Quy mô thị trường điện máy tại Việt Nam ước tính khoảng 70.000 tỉ đồng, nhưng hiện 40% thị phần vẫn nằm trong tay các cửa hàng nhỏ lẻ. Theo số liệu của GfK Việt Nam, trong năm 2016, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 triệu chiếc TV. Thị phần của các thương hiệu TV tại thị trường Việt Nam hiện chia theo thứ tự: Samsung chiếm 36%, Sony 25%; LG 17%; Asanzo 15%…

Vấn đề là các chuỗi bán lẻ hiện khá mỏng và chỉ tập trung tại các tỉnh, thành lớn. Trong bối cảnh các cửa hàng điện máy, đại lý cấp 1 cạnh tranh với các siêu thị lớn, thì các sản phẩm của Asanzo, Kooda nhắm tới kênh phân phối là các kênh truyền thống. Hiện Asanzo đã chiếm 70% thị phần TV ở khu vực nông thôn. Kooda sẽ nhắm tới 30% thị phần trung và cận cao cấp còn lại – vốn là thị trường ngách mà các ông lớn bỏ ngỏ. Như vậy, bộ đôi Asanzo và Kooda vẫn có dư địa và thời gian để hoàn thành mục tiêu.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here