Nâng cao tính xã hội hóa của website

0
791

Nếu đang vận hành một website của doanh nghiệp, hẳn là bạn đã làm quen với việc tối đa hóa công cụ tìm kiếm (SEO – Search Engine Optimization). Một website nếu được tận dụng tối đa vào việc chia sẻ truyền thông xã hội sẽ thu hút được một lượng lớn người truy cập và tạo nên sự gắn bó lâu dài giữa doanh nghiệp với khách hàng. 

Theo hướng đó, bạn nên tham khảo vài hướng dẫn dưới đây để nâng cao tính xã hội hóa cho website của doanh nghiệp mình.

Khuyến khích những trải nghiệm mang tính cộng đồng

Ta biết rằng chỉ có hai hành động có thể xảy ra khi một người truy cập website và đọc thông tin là chia sẻ tin tức với người khác, hoặc không có phản ứng gì cả. Do đó, nên khuyến khích họ chia sẻ và tăng cường sự gắn kết của mọi người với website của bạn bằng cách chọn lựa và sử dụng những ngôn từ giàu cảm xúc nhất. Hãy tuyển chọn những từ ngữ thể hiện bản chất thương hiệu của doanh nghiệp sao cho gần gũi như đang trò chuyện với khách hàng.

Ví dụ, nên thay đổi cụm từ “Thử ngay bây giờ!” thành “Bạn đã sẵn sàng khám phá chưa?”, vì câu hỏi mới khơi gợi được hành động và khiến cú nhấp chuột trở thành một trải nghiệm rất độc đáo cho người ghé thăm trang web. Trong thời đại quảng cáo truyền thông đại trà đến toàn cộng đồng, việc khiến lời mời chào đặc biệt và đậm chất cá nhân sẽ giúp người mua hàng cảm thấy thoải mái hơn và họ còn thể hiện điều đó bằng cách để lại những lời bình luận hoặc chia sẻ thông tin cho bạn bè và người thân.

Nâng cấp chất lượng nội dung

Tạo ra những nội dung khác biệt, hấp dẫn và bổ ích cho người đọc luôn là chìa khóa dẫn đến thành công của bất kỳ chiến lược tiếp thị trực tuyến nào. Nếu không có một nội dung hay, website của bạn sẽ ít có cơ hội được khám phá và được giới thiệu bởi các trang khác thông qua đường truyền backlink. Cải thiện chất lượng của nội dung là một trong những cách giúp website trở nên có tính chất xã hội hóa hơn.

Hãy kiểm tra xem bạn có đang tạo ra một bản tin, một bài viết trong blog hay một video clip đáng được chia sẻ cho cộng đồng trên mạng không? Xin lưu ý là tựa đề bài viết phải có sức lôi cuốn và đặt nút nhấn chia sẻ sát ngay nội dung bài viết. Định dạng và độ dài của nội dung bài cũng đóng vai trò thiết yếu không kém. Hình ảnh, video, biểu đồ và cách trình bày súc tích, ngắn gọn thường được chia sẻ rộng rãi hơn những bài viết dài lê thê và quá chuyên sâu vì người đọc luôn thích những thông tin dễ dàng và nhanh chóng được “tiêu hóa”. Điều ấy càng quan trọng hơn khi chúng ta đang bước vào thời đại tiếp cận giới tiêu dùng qua thiết bị di động.

Khích lệ bất cứ khi nào có thể

Bằng cách khuyến khích những người truy cập với các hình thức game ảo rất đơn giản, ví dụ huy hiệu, ngôi sao, điểm số…, bạn có thể tiếp cận được đến nhu cầu bản năng muốn hoàn tất và chiến thắng của mọi người. Những yếu tố có thể áp dụng trên website của bạn để khen thưởng cho việc chia sẻ là xếp hạng hoặc bỏ phiếu bầu chọn.

Một minh họa thú vị là chương trình “Hãy là người mua hàng” của ModCloth – một nhà bán lẻ quần áo trực tuyến. Để chọn được mẫu trang phục mà công ty sẽ tung ra thị trường trong thời gian tới, ModCloth kêu gọi các khách hàng của mình bỏ phiếu chọn lựa mẫu trang phục họưa thích và khuyến khích bạn bè, người thân cùng bỏ phiếu. Sản phẩm nào đạt đủ số phiếu bầu sẽ được ModCloth nhanh chóng đưa ra thị trường. Chương trình ấy đã khích lệ người mua sắm truy cập website của ModCloth thường xuyên, giúp gia tăng số lượng người truy cập và ảnh hưởng đáng kể đến việc bán hàng, còn người mua hàng nhận được cơ hội mua sắm những trang phục mà họ không thể mua tại những nơi khác.

Chủ động tìm kiếm phản hồi từ khách hàng

Lần cuối cùng bạn hỏi thăm khách hàng đâu là thứ họ muốn nhìn thấy tại cửa hàng của bạn là ngày nào? Đừng bao giờ xem nhẹ uy lực và vai trò của những ý kiến phản hồi của khách hàng. Chiến lược sử dụng nguồn lực của đông đảo khách hàng thông qua website luôn khuyến khích người ghé thăm giao lưu với bạn và với những khách hàng khác.

Cần mẫn theo dõi và đưa ra những chỉnh sửa cần thiết. Có những thương hiệu được tạo ra để dễ dàng chiếm thị phần và thu được thành công cao hơn hẳn trong việc gắn kết với mạng xã hội so với những nhãn hàng khác, nhưng trường hợp đó khá hiếm hoi. Thành công đến chắc chắn và bền vững phải thông qua một quá trình chiến lược của sự kiểm nghiệm và thay đổi.

Nhằm gia tăng sự gắn kết của mọi người với website của bạn, hãy kiểm nghiệm những yếu tố có liên quan, ví dụ đâu là nơi đến tiếp theo khi khách hàng nhấn nút chia sẻ và thông điệp nào có sức thuyết phục khách hàng hành động. Hầu hết những website đều có Google Analytics hoặc các công cụ nghiên cứu khác, song chỉ có một số ít sử dụng chúng để theo dõi tần suất lưu thông của mạng truyền thông xã hội để hiểu ra cách giúp khách hàng xây dựng mối quan hệ bền chặt với mình.

Đôi lúc, chỉ một sự thay đổi đơn giản, chẳng hạn sử dụng ngôn ngữ trực tiếp hơn có thể gia tăng được đáng kể hoạt động xã hội của website. Kinh nghiệm cho thấy, những doanh nghiệp không chủ động kiểm nghiệm và không biết điều chỉnh chiến lược của mình thì thường nhanh chóng bị mất đi sự gắn kết với khách hàng, nhường trận địa cho chính những đối thủ của họ.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here