Nội Dung Chính
Trong vai trò lãnh đạo, người có cá tính dễ chịu sẽ gặp khó khăn để có thể tìm đủ nguồn lực cần thiết cho đội, nhóm của họ.
Bạn cảm thấy rất khó khăn khi cần biện hộ và bảo vệ lợi ích cho bản thân? Có lẽ bạn không phải là người duy nhất. Dạng cá tính mà các nhà tâm lý gọi là “dễ chịu” nói đến “sự sẵn lòng để hòa hợp với người khác”.
Nếu bạn là người có cá tính dễ chịu, bạn có thể dễ dàng hòa đồng với mọi người. Nhưng nếu bạn “quá dễ thương”, điều này đôi khi lại cản trở bạn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Bất cứ khi nào bạn đề nghị, yêu cầu điều gì đó ở nơi làm việc, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ bị từ chối và có thể làm cho người được đề nghị không vui. Chính vì thế, những “người dễ chịu” thường lảng tránh ngay từ đầu khi cần phải yêu cầu điều gì đó. Song thái độ đó lại có thể trở thành trở ngại đối với họ trong công việc.
Nghiên cứu cho thấy những người “được tiếng dễ thương” thường kiếm ít tiền hơn “người khó chịu” (dù sự thật là người khó chịu có thể phải mất việc thường xuyên hơn). Còn trong vai trò lãnh đạo, người có cá tính dễ chịu sẽ gặp khó khăn để có thể tìm đủ nguồn lực cần thiết cho đội, nhóm của họ. Như vậy, bạn có thể làm gì để trở nên quyết đoán hơn dù cá tính của bạn không phải như thế?
Thay vì tránh né, hãy đề cập trực tiếp
Những cách nói như “có lẽ”, “phần nào”, “hầu như” có thể làm dịu bớt mức độ cần thiết những gì bạn đang cố nói ra, nhưng cũng làm bạn trông kém tự tin hơn mức cần thiết để có thể đạt được điều mình mong muốn. Chẳng hạn, khi nói rằng mình đã “gần như hoàn thành” một dự án, bạn không khẳng định rằng mọi thứ đã hoàn tất mà chỉ “đâu đó gần đích đến”.
Là một người dễ chịu, bạn nghĩ rằng cơ hội đạt được điều mình muốn sẽ cao hơn nếu như bạn trông có vẻ không cố áp đặt yêu cầu của mình. Nhưng có thể bạn đang sai lầm. Sử dụng ngôn ngữ như thế khiến cho yêu cầu của bạn không thể hiện được hết mức độ quan trọng. Thậm chí, bạn còn có vẻ không chắc chắn rằng đề nghị của mình có đáng được đáp ứng hay không.
Hãy khẳng định yêu cầu của bạn một cách trực tiếp hơn. “Tôi cần…” hoặc “Tôi muốn…” là cách nói giúp bạn tiến gần đến mục đích. Những người ra quyết định trong các tổ chức không thể giúp bạn trừ khi bạn khẳng định rõ ràng những gì mình cần và giải thích rõ vì sao nó quan trọng đến thế. Ngay cả khi không thể tức thời đáp ứng điều bạn muốn, họ cũng có thể giúp bạn về sau này.
Ứng xử với lời yêu cầu giống như khi tạo ấn tượng đầu tiên
Không chỉ có nội dung mà cả sự tự tin của người nói cũng ảnh hưởng đến người nghe. Điều này cũng đúng khi chúng ta cần đề nghị điều gì đó. Những bài học kinh nghiệm về việc tạo ấn tượng với người mới gặp lần đầu đều có thể áp dụng khi chúng ta cần đưa ra một yêu cầu dù là trong trường hợp này, bạn đã biết rõ người đối diện và đang làm việc cùng với họ hằng ngày. Hãy trình bày một cách rõ ràng, duy trì sự tiếp xúc qua ánh mắt và hành động như thể bạn mong nhận được sự hợp tác từ họ.
Cá tính dễ thương có thể khiến bạn chọn cách tiếp cận thân thiện, xuề xòa hơn nhưng bạn cần phải cưỡng lại “sự thôi thúc” đó, tương tự như trường hợp bạn đang gặp một người mới quen. Bạn cần thể hiện mong đợi rằng lời yêu cầu của bạn sẽ được xem xét một cách nghiêm túc và thái độ tự tin của bạn có thể làm tăng cơ hội thành công.
Luôn đưa ra lý do
Đưa ra lý do để chứng minh, bảo vệ yêu cầu của mình là rất quan trọng dù nhiều người lại quên mất điều này. Bạn không cần phải đưa ra một lời giải thích dài dòng, mà chỉ cần một lời khẳng định rõ ràng về nhu cầu hoặc mục đích – điều này sẽ giúp bạn thể hiện được sự quyết đoán.
Mọi người cần biết bạn muốn gì, lý do vì sao bạn cần nó và cần thể hiện mong muốn này một cách ngắn gọn. Khi bạn trình bày lý do một cách gãy gọn, mọi người sẽ cho rằng bạn đã cân nhắc kỹ về điều đó. Nếu bạn nói một cách dông dài, không mạch lạc thì có vẻ như bạn chưa suy nghĩ thấu đáo về lời yêu cầu này.
Với những người có cá tính dễ chịu và thường ngại ngùng khi phải đề nghị điều gì đó, chỉ cần tập trung đưa ra một lời giải thích ngắn gọn đã có thể giúp họ tiến rất gần hơn đến mục đích.
Nên nhớ rằng đưa ra lời yêu cầu là chuyện bình thường và cần thiết
Cuối cùng, đừng quên rằng những người đang giữ trọng trách biết rằng bạn đang cần họ đáp ứng yêu cầu. Đây là một phần trách nhiệm của họ, họ có nhiệm vụ phân bổ những nguồn lực này. Điều đó nghĩa là không phải bạn đang làm điều gì đó “sai sai” khi tiếp cận và đề nghị họ. Và nếu họ buộc phải nói “không” cũng không có nghĩa là họ đang giận bạn. Nói cách khác, đây không phải là một vấn đề cá nhân.