Ba xu hướng định hình lại ngành ẩm thực năm 2019

0
776

Thói quen ăn uống của người tiêu dùng thay đổi, ăn gì, ở đâu và ăn như thế nào, đang làm xáo trộn ngành thực phẩm, từ các công ty thực phẩm đóng gói tới siêu thị hay nhà hàng. Trong bối cảnh đó, những xu hướng dưới đây được dự báo tiếp tục định hình lại thị trường tiêu thụ thực phẩm trong năm 2019.

Làn sóng M&A của các công ty thực phẩm đóng gói

Các doanh nghiệp ẩm thực mới nổi đang dần lấy bớt thị phần và không gian cửa hàng khỏi tay các công ty lớn, nhờ vào xu hướng tiêu dùng về thức ăn đặc sản và có lợi cho sức khỏe nhiều hơn. Kỳ vọng làn sóng công ty lớn sẽ tiếp tục mua lại các doanh nghiệp mới nổi nhằm tìm kiếm tăng trưởng hoặc tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi thế đàm phán với các nhà bán lẻ. Trong số các thương vụ M&A trong lĩnh vực thực phẩm và bán lẻ trong năm 2018 do Dealogic ghi nhận, ba giao dịch hàng đầu ở Mỹ trong năm 2018 đều đến từ lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.

Thương vụ lớn nhất là nhà sản xuất K-Cup, Keurig Green Mountain, mua lại hãng nước ngọt Dr Pepper Snapple với giá 19 tỉ đô la Mỹ và cổ phiếu thưởng. Đứng thứ hai là thương vụ Conagra mua lại Pinnacle Foods với giá gần 11 tỉ đô la Mỹ nhằm mở rộng quy mô trong phân khúc thực phẩm lạnh, một điểm sáng hiếm hoi nhằm thu hút người tiêu dùng tới các cửa hàng bán thực phẩm tươi sống sơ chế, thịt và hải sản.

Trong số những nhãn hiệu nhỏ bị các công ty thực phẩm đóng gói lớn mua lại trong những năm gần đây, có hãng bò khô Krave (Hershey’s mua lại), hãng súp hữu cơ Pacific Foods (Campbell Soup mua lại) và hãng sản xuất thanh protein RXBAR (Kellogg’s mua lại). Có lý do để các công ty lớn vội vã mua lại các doanh nghiệp này: hơn 10 tỉ đô la Mỹ doanh số ngành thực phẩm đóng gói đang chuyển từ tay các doanh nghiệp lớn sang doanh nghiệp nhỏ kể từ năm 2013, theo nghiên cứu của IRI công bố hồi tháng 10 năm nay.

Xu hướng ăn tại nhà lên ngôi

Ngày càng nhiều người tiêu dùng muốn ăn tại nhà, không phải vì họ muốn nấu ăn và tiết kiệm tiền. Theo công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, người tiêu dùng muốn dành thời gian ở nhà vì những lý do như “truyền thông trực tuyến, làm việc tại nhà, nhu cầu ở nơi thoải mái và tránh xa chỗ công cộng ồn ào, hoặc luyện tập Hygge, một nghệ thuật sống an yên của người Đan Mạch.”

Cùng với xu hướng đó, nhu cầu đặt hàng thức ăn tại nhà gia tăng, theo NPD. Trong chín tháng đầu năm 2018, hoạt động ăn uống tại nhà hàng đang chững lại so với cuối năm ngoái, chiếm 37% tổng lượt đến nhà hàng. Mặt khác, các lượt đến nhà hàng mua đồ về ăn tại nhà lại tăng 2% và giờ đây đã chiếm 32%. Người trưởng thành độc thân có thu nhập từ 100.000 đô la Mỹ trở lên là động lực tăng trưởng chính cho nhu cầu mua đồ ăn về nhà, trong khi gia đình và nhóm năm người trở lên cũng chiếm 31% bữa ăn giao về nhà, NPD cho biết trong một báo cáo.

Thêm một điểm sáng khác trong lĩnh vực cửa hàng bán lẻ thực phẩm, số người đặt thức ăn chuẩn bị sẵn hoặc có thể ăn liền ở siêu thị và cửa hàng tiện lợi bao gồm Kroger và 7-Eleven đã tăng gấp đôi.

Trong chín tháng đầu năm 2018, hoạt động ăn uống tại nhà hàng đang chững lại so với cuối năm ngoái, chiếm 37% tổng lượt đến nhà hàng. Mặt khác, các lượt đến nhà hàng mua đồ về ăn tại nhà lại tăng 2% và giờ đây đã chiếm 32%.

Với những người muốn nấu nướng nhưng cũng muốn tiện lợi, các loại thức ăn làm sẵn để nấu bày biện dày đặc trên kệ siêu thị và những nơi khác. Kroger đã ra mắt các túi thức ăn làm sẵn Home Chef trong các cửa hàng của hãng này. Jet.com, trang thương mại điện tử của Walmart chuyên cho thế hệ millennial đô thị, đang bán các túi thức ăn làm sẵn Blue Apron, còn HelloFresh hồi tháng Sáu cho biết hãng bắt đầu bày bán các túi thức ăn làm sẵn tại khoảng 600 siêu thị Giant Food và Stop & Shop ở Mỹ, cùng với kế hoạch mở rộng ra nhiều chuỗi bán lẻ hơn.

Giao hàng là động lực tăng trưởng

Khi lối sống bận rộn trở thành điểm chung của người tiêu dùng, các bữa ăn giao tới nhà và chỗ làm đã trở thành dịch vụ cơ bản quan trọng nhất trên thực đơn của ngành nhà hàng. Đây là vấn đề quan trọng trong bối cảnh lượng khách tới nhà hàng sụt giảm trong ít nhất ba năm qua, theo nghiên cứu của TDn2K công bố trong tháng 12.

Thực chất, các nhà hàng còn gặp phải nhiều vấn đề khác chứ không phải do sự thay đổi hành vi người tiêu dùng. Nghiên cứu của TDn2K cho biết lưu lượng khách đến các chuỗi nhà hàng đang bị ảnh hưởng cạnh tranh gia tăng từ các nhà hàng riêng lẻ và từ cửa hàng tiện lợi và tạp hóa có cung cấp các phần đồ ăn liền.

Khi lưu lượng khách đến sụt giảm, nhà hàng cũng bắt đầu tham gia vào cuộc đua giao thức ăn tới nhà. Chuỗi cà phê Starbucks khi đối mặt với doanh số tăng trưởng chậm lại ở Mỹ đã “hùa theo” nhu cầu giao hàng như các chuỗi từ McDonald’s tới Cheesecake Factory bằng cách: cung cấp dịch vụ giao hàng Starbucks Delivers thông qua Uber Eats tại gần 1/4 trong số hơn 8.000 cửa hàng Starbucks ở Mỹ từ đầu năm sau. CEO của McDonald’s, Steve Easterbrook hồi tháng 10 cho biết giao hàng “đang ngày càng trở thành đóng góp có ý nghĩa” vào tăng trưởng doanh số của công ty.

Doanh số toàn ngành giao hàng có thể đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 20% vào năm 2030, lên 365 tỉ đô la Mỹ trên toàn cầu, theo báo cáo của UBS. Nhu cầu giao hàng cũng đang thúc đẩy các công ty thiết kế bao bì mới hoặc thiết lập không gian bếp ảo (ghost kitchen), dịch vụ thức ăn chỉ dành cho giao hàng.

Stephen Joyce, CEO của IHOP và công ty mẹ Applebee của Dine Brands, cho biết cả hai chuỗi của công ty mà ông quản lý đang nhanh chóng mở rộng trong lĩnh vực đặt món trực tuyến nhằm tăng doanh số bán hàng và giao hàng. Tại IHOP, bao bì được thiết kế lại để bánh kếp giao tới nhà khách hàng không bị nhão. Công ty cũng đang lên kế hoạch mở thêm địa điểm trong các “thị trường thành phố đông đúc” dưới cả hai thương hiệu mà chỉ có nhà bếp cung cấp dịch vụ đặt món.

Nhu cầu giao thức ăn đồng nghĩa đem lại sự phát triển cho các công ty giao hàng như Uber Eats và DoorDash. Uber Eats được cho là có giá trị lên tới 20 tỉ đô la Mỹ, trong khi DoorDash có giá trị vào khoảng bốn tỉ đô la Mỹ sau khi huy động thêm 250 triệu đô la Mỹ vào tháng Tám.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here