Nội Dung Chính
Thời gian gần đây, Facebook và Google đều thay đổi một số chính sách, thuật toán khiến doanh nghiệp cho hay phải tăng chi tiền quảng cáo. Doanh nghiệp làm quảng cáo cũng cho hay đang “đau đầu vì tốn kém”…
Theo dữ liệu từ Statista, tính đến tháng 1-2019, Việt Nam có 61 triệu tài khoản Facebook, xếp thứ 7 thế giới. Số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018 mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước 550 triệu USD. Riêng Facebook giữ 235 triệu USD, Google giữ 152,1 triệu USD.
Quảng cáo trên mạng tốn kém hơn trước
Với gần 10 năm lăn lộn trong ngành quảng cáo, anh Bùi Quang Tinh Tú (giám đốc điều hành Marry Network/Ringer Việt Nam) nhận định Facebook và Google là hai nền tảng kết nối lớn, ảnh hưởng đến chén cơm manh áo của những người làm quảng cáo và các thương hiệu.
Việc trong thời gian ngắn Facebook thay đổi chính sách quản lý tài khoản và dữ liệu người dùng chặt chẽ hơn khiến khả năng tương tác quảng cáo bị sụt giảm. Bởi Facebook ưu tiên nội dung từ bạn bè, họ hàng, người quen hơn những nội dung đến từ các nhãn hàng đăng trên Facebook page (trang).
Năm 2018 mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước 550 triệu USD. Riêng Facebook giữ 235 triệu USD, Google giữ 152,1 triệu USD.
Dựa vào kết quả phân tích hơn 43 triệu bài đăng của 20.000 thương hiệu hàng đầu trên Facebook trong 18 tháng, Buzzsumo và Buffer nhận thấy tất cả các trang Facebook này đều bị giảm hơn 50% độ tương tác. Mức độ tương tác trung bình trên mỗi bài đăng đã giảm hơn 65%, từ 4.490 lượt tương tác trên mỗi bài viết xuống còn 1.582 lượt tương tác trên mỗi bài đăng.
So với năm ngoái, thời điểm hiện tại quảng cáo trên Facebook bị giới hạn hơn rất nhiều. Một trong các góc độ dễ thấy nhất là năm ngoái có thể lấy số điện thoại, email của bất kỳ ai để gõ tìm kiếm ra người đó nhưng nay thì không.
“Những giới hạn trong quảng cáo trên Facebook khiến chi phí quảng cáo tăng lên. Năm nay cũng dùng số tiền bằng năm ngoái nhưng hiệu quả giảm đi” – anh Bùi Quang Tinh Tú nhận xét.
Chẳng hạn trước kia bỏ 15 triệu đồng, nhận được 158.000 hiển thị. Bây giờ phải bỏ ra ít nhất 20-25 triệu đồng để nhận được 158.000 hiển thị. Chi phí cho Facebook tăng từ 5-10% nếu muốn đạt hiệu quả như năm trước.
Muốn có nhiều tương tác, không chỉ chi tiền nhiều hơn mà còn phải đăng nhiều bài hơn, tốn nhiều công sức hơn.
Không chỉ Facebook, Google cũng đang giảm hiển thị lại, doanh nghiệp phải chạy quảng cáo nhiều hơn, chi tiền cao hơn. Doanh nghiệp vừa phải cạnh tranh trực tiếp đối với lượt tìm kiếm tự nhiên và vừa cạnh tranh với lượt tìm kiếm có chi tiền quảng cáo.
Chẳng hạn, đối với Google, trước kia chỉ cần bỏ ra khoảng 10 triệu đồng để nhận được từ 100.000-200.000 hiển thị, nhưng bây giờ phải tăng 5-10% chi phí để nhận được kết quả này.
Google cũng khuyến cáo https trở thành yếu tố cho việc xếp hạng website của Google. Do đó các doanh nghiệp không đổi http sang https đồng nghĩa với việc thứ tự xếp hạng sẽ bị sụt giảm. Ngoài ra, tốc độ tải của website cũng trở thành yếu tố xếp hạng của Google. Google đưa thông báo cũng là lúc doanh nghiệp xoay xở để cập nhật nếu không muốn bị rớt hạng.
Đừng cậy mãi vào Facebook, Google
Ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy (giảng viên Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, thuộc Sở Khoa học – công nghệ TP.HCM) nhận định khi tăng chi phí quảng cáo, độ cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng tăng lên.
Do đó, theo ông Huy: “Doanh nghiệp cần sử dụng các công cụ, nền tảng khác để quảng cáo, tiếp cận khách hàng, tăng nhận diện thương hiệu, thúc đẩy doanh thu. Một doanh nghiệp nên đi nhiều kênh, ít nhất phải có 2 kênh song song, bên này giảm thì có bên kia bù đắp. Có thể khởi đầu dùng Facebook. Nhưng sau khi lớn mạnh hơn cần sử dụng các công cụ hỗ trợ khác”.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn – giám đốc marketing tại Công ty cổ phần công nghệ Haravan – gợi ý công cụ hỗ trợ song song với chạy quảng cáo Facebook là cá nhân hóa thông điệp để quảng cáo thông qua ứng dụng messenger (Facebook), Zalo, tin nhắn điện thoại…
“Một doanh nghiệp nên đi nhiều kênh, ít nhất phải có 2 kênh song song, bên này giảm thì có bên kia bù đắp.”
Theo chuyên gia quảng cáo, hiện tại ở Việt Nam có nhiều nền tảng quảng cáo đang phát triển, các doanh nghiệp cần biết để cập nhật và có lối đi cho mình chứ không chỉ ôm khư khư Facebook, Google.
Cụ thể, giờ đây khách hàng có xu hướng khi cần mua sản phẩm sẽ vào trực tiếp website, ứng dụng Tiki, Lazada, Sendo… thay vì “hỏi” Google. Chính vì sự thay đổi đó, sắp tới sẽ có sự dịch chuyển ngân sách quảng cáo sang các sàn thương mại điện tử. Tiền quảng cáo từ Facebook, Google chuyển qua Tiki, Lazada… Lúc này sàn thương mại điện tử trở thành các agency (công ty dịch vụ truyền thông quảng cáo cung cấp dịch vụ tiếp thị cho các công ty khác) và tính phí các nhãn hàng quảng cáo trên website của họ.
Song song đó Tik Tok, Tinder, Instagram cũng là các nền tảng đang đà phát triển. Chị Th. (quản lý truyền thông cho một doanh nghiệp nước ngoài có sản phẩm tiêu dùng bán tại Việt Nam) cho biết dù không đẩy mạnh quảng cáo Facebook nhưng doanh nghiệp vẫn tăng được doanh số.