Sôi động thị trường suất ăn hàng không

0
784

Sau khi Vietnam Airlines ra mắt cơ sở chế biến suất ăn hiện đại thì FLC, Sasco cũng đang muốn “chen chân” vào lĩnh vực được cho là đầy tiềm năng này.

Thị trường sôi động

Cuối tháng 3 vừa qua, Tập đoàn FLC vừa có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét hướng dẫn thủ tục và chấp thuận chủ trương cho đơn vị này nghiên cứu đầu tư xây dựng khu chế biến suất ăn tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trước đó, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco; UpCOM: SAS) cũng vừa trình cổ đông thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không và dịch vụ cung cấp suất ăn đường sắt.

Thị trường này đang cho thấy sự cạnh tranh ngày một tăng lên khi cuối năm ngoái, Công ty Cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài (UpCom: NCS, và cũng là đơn vị thành viên của Vietnam Airlines) vừa khánh thành cơ sở chế biến suất ăn hàng không mới với công suất 35.000 suất ăn/ngày, gấp 3,5 lần công suất của cơ sở trước đó.

Ngoài Vietnam Airlines, NCS còn cung ứng suất ăn cho hơn 26 hãng hàng không trong và ngoài nước, như All Nippon Airways, Asiana Airlines…

Hiện thị trường có 4 doanh nghiệp tham gia vào ngành cung ứng suất ăn bao gồm CTCP Suất Ăn Hàng Không Nội Bài (NCS), CTCP Dịch Vụ Hàng Không Sân Bay Đà Nẵng (MAS) và Công ty TNHH MTV Suất Ăn Hàng Không Việt Nam (VACS), CTCP Dịch vụ Suất ăn Hàng không (VINACS).

Trong 4 cái tên trên, chỉ VINACS là doanh nghiệp tư nhân, 3 cái tên còn lại đều là doanh nghiệp có liên quan tới Vietnam Airlines (cổ đông lớn nhất). Phần lớn hoạt động và doanh thu của nhóm 3 công ty này đều phụ thuộc vào Vietnam Airlines trong khi các hãng hàng không lớn khác chỉ chiếm một thị phần nhỏ.

VINACS là doanh nghiệp tư nhân duy nhất trong ngành suất ăn, với chiến lược cạnh tranh xây dựng chuỗi công ty suất ăn có mặt tại hầu hết các Cảng hàng không quốc tế Việt Nam. VINACS chỉ mới gia nhập ngành suất ăn hàng không vào tháng 3.2017.

Hiện, VINACS đang cung cấp suất ăn tại Nội Bài, Cam Ranh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Quốc. Với khách hàng chính như Vietjet Air, Azur Air, Cathay Dragon, Thai, Tigerair…VINACS, có cổ đông là CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco- công ty chuyên về kinh doanh bán lẻ tại sân bay, vẫn đang gặp khó khăn để cạnh tranh trên thị trường suất ăn.

Các doanh nghiệp đang kinh doanh ra sao?

Lĩnh vực thức ăn hàng không cũng giống như nhiều lĩnh vực có tính chất độc quyền khác trong ngành hàng không. Theo đó, các doanh nghiệp có sự chi phối của Nhà nước chiếm đại đa số, chỉ một số ít doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện tham gia.

Gần 2 năm tham gia thị trường, tính đến hết quý III/2018, VINACS báo lỗ 39 tỉ đồng, phần lớn đến từ chi nhánh Nội Bài khi hiện Vietnam Airlines vẫn sử dụng dịch vụ từ công ty thành viên là NCS. Một lý do khác liên quan đến nhà máy của VINACS tại Nội Bài có quy mô lớn nên khấu hao và chi phí lãi vay cao ảnh hưởng đáng kể đến kinh doanh công ty.

Còn NCS năm nay doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại thấp hơn năm ngoái. Cụ thể, 2018, NCS đạt doanh thu gần 653 tỉ đồng, lợi nhuận gần 46 tỉ đồng. Trong khi, 2017 doanh thu đạt 630 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 83 tỉ đồng. Nguyên đến từ việc khấu hao tài sản tăng gần gấp đôi. Các khoản phải phải trả tăng gấp 7 lần (từ 3 tỉ đồng lên 21 tỉ đồng trong 2018). Tiền cho vay mua các công ty nợ của đơn vị khác phát sinh thêm 30 tỉ đồng…

Mặc dù, NCS giảm lợi nhuận, VINACS còn thua lỗ nhưng thị trường này đang được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển. Theo thông tin từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường hàng không đang có nhu cầu được cung cấp 120.000 suất ăn/ngày. Trong khi đó, tổng nguồn cung của các doanh nghiệp cung cấp suất ăn hàng không chỉ mới đạt khoảng 62.000 suất/ngày.

Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ là 1 trong số 5 thị trường phát triển nhanh nhất về số lượng hành khách hàng không từ 2016-2035. Cụ thể, trong 5 năm tới, thị trường hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức trung bình 14%/năm và có thể đạt 150 triệu hành khách vào năm 2035.

 
Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here