Mon men bên những người khổng lồ

0
642

Chuỗi giá trị toàn cầu gồm bốn khâu: nghiên cứu – thiết kế, tìm chọn công nghệ, nguyên phụ liệu rồi sản xuất và tiếp thị, phân phối. Trong chuỗi này, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang ở nấc thấp nhất là cung ứng nguyên phụ liệu. Dù còn “mon men” nhưng DN Việt đang từng bước nắm lấy cơ hội trở thành đối tác của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Hộp giấy cho Intel

Quyết tâm tìm kiếm các đối tác “nội địa 100%” của Intel mở ra nhiều cơ hội cho các nhà cung ứng bản địa, cũng như tạo chất xúc tác cho ngành công nghiệp phụ trợ công nghệ cao của Việt Nam.

Khi dự án nhà máy Intel được công bố, ngoài mối quan tâm về lao động bản địa, Intel cũng rất sốt sắng tìm kiếm các nhà cung ứng phụ trợ, đơn giản như vỏ hộp, tấm lót, đến phức tập như thiết bị phần cứng, phụ tùng… Khi đó, đại diện của Intel đã bắt đầu nói đến khái niệm “hình thành ngành công nghiệp phụ trợ” tại Việt Nam.

Cho đến cách đây gần hai năm, dù đang làm việc với hơn 50 nhà cung ứng nhưng Intel Việt Nam vẫn quyết tâm tìm kiếm các đối tác “nội địa 100%”, bởi hầu hết các đối tác hiện hữu của nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới tại Việt Nam khi đó tồn tại dưới hình thức liên doanh hoặc công ty 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vào thời điểm kể trên, Intel Việt Nam cũng đã công bố kế hoạch hoạt động.

Theo đó, trong giai đoạn 2012 – 2015, nhà máy của Intel tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) sẽ có 52 dây chuyền đi vào hoạt động. Ngoài ra, mỗi năm, Intel sẽ sản xuất ra một loại sản phẩm mới. Cụ thể, đến cuối năm 2012, họ sẽ sản xuất Panther Point, là một sản phẩm khá phức tạp sẽ chỉ được sản xuất tại Việt Nam và Trung Quốc.

Bà Nguyễn Hoài Hương, Giám đốc Bộ phận thu mua nguyên vật liệu của Intel Việt Nam, cho rằng, những đối tác nội địa có thể tạo cho Intel những lợi thế vì sự am hiểu văn hóa địa phương, thị trường, quy định pháp lý và chi phí.

Sự xuất hiện của Intel mặc nhiên không còn là chuyện tạo cú hích cho thị trường Việt Nam trong thu hút FDI ở lĩnh vực công nghệ cao, mà còn giúp DN Việt góp mặt vào chuỗi giá trị trong các sản phẩm mang tính toàn cầu của Intel.

Tất nhiên, Intel Việt Nam cũng đưa ra rất nhiều tiêu chí khắt khe đối với các nhà cung cấp nguyên liệu, sản phẩm phụ trợ theo chỉ số chất lượng của Intel đề ra. Ngoài ra, để đi cùng với những “người khổng lồ”, các DN Việt cũng cần phải đảm bảo “sức khỏe tài chính”.

Ông Ngô Chí Dũng, phụ trách mua hàng nội địa của Intel Việt Nam, cho biết, Intel cần biết lợi nhuận của nhà cung ứng trong vòng ba năm liên tiếp và dòng tiền của họ có đảm bảo để ổn định sản xuất trong vòng một năm hay không, tức họ đặc biệt quan tâm báo cáo tài chính của DN.

Hơn nữa, trước khi tiến hành sản xuất, Intel sẽ thông báo đến nhà cung ứng chuẩn bị từ 1 – 2 năm và thời hạn thanh toán tối đa từ phía Intel là trong vòng 60 ngày.

Khi tham gia hội thảo về chuỗi cung ứng cho Intel, một DN quan tâm đến việc gia công hộp giấy nhận định: “Các DN sản xuất vỏ hộp giấy lớn ở Việt Nam cũng chưa đủ khả năng nhận hợp đồng với Intel. Nhưng nếu nhận được hợp đồng này thì DN không chỉ nhận được “chứng chỉ” đi vào thị trường toàn cầu, mà đơn hàng hằng năm cũng rất lớn”.

SHTP đã ký bản ghi nhớ với Intel Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ công nghệ cao. Theo bản ghi nhớ, Intel cam kết sẽ giúp nâng cao năng lực của các DN trong nước…

Ngoài ra, Intel Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ SHTP thành lập một trung tâm kiểm định tại TP.HCM trong vòng 3 năm tới để đánh giá chất lượng sản phẩm và dịch vụ của các DN có tiềm năng, trở thành nhà cung ứng cho Intel.

Được biết trong giai đoạn 2 phát triển Khu Công nghệ cao, TP.HCM đã dành khoảng 14,5ha để mời gọi các DN là nhà cung ứng linh kiện, phụ kiện sản phẩm công nghệ cao vào đây sản xuất.

Trả lời Báo Doanh Nhân Sài Gòn về tiềm năng ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, ông Rick Howarth – Tổng giám đốc Nhà máy Intel Việt Nam, cho rằng: “Tôi cho rằng cơ hội cho các DN cung cấp các lĩnh vực phụ trợ cho ngành công nghệ cao tại Việt Nam là rất lớn.

Tuy nhiên, để các DN trong nước hội đủ các yêu cầu và kỳ vọng của các tập đoàn nước ngoài như Intel thì rất cần có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ để tháo gỡ các rào cản về thuế, thủ tục và cả việc đầu tư hiệu qua vào các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng”.

Michelin – HAGL: Chất keo từ mủ cao su

Nếu bắt tay được với Michelin, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) giải quyết được nhiều mục tiêu: giảm thiểu rủi ro từ thị trường Trung Quốc; mở rộng sang thị trường châu Âu; và nghiễm nhiên, nhóm hàng cao su sẽ trở thành mũi nhọn mới của tập đoàn.

Thay vì xuất khẩu toàn bộ lượng mủ cao su mà Tập đoàn khai thác, vào tháng 10/2012, Công ty Chứng khoán Vietcombank đã đề cập đến thông tin, Tập đoàn HAGL đã đã ký hợp đồng bán mủ cao su cho Michelin – một trong 10 nhà sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới, nhưng chưa chốt mức giá bán.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP HAGL cho hay, Michelin muốn bao tiêu toàn bộ lượng mủ cao su trồng ở Lào của HAGL. Đây là một phần trong chiến lược của Michelin, họ thu mua khoảng 10% sản lượng mủ cao su trên thế giới hiện nay.

Tính đến năm 2012, HAGL trồng được 43.500 ha cao su tại khu vực Đông Dương, trong đó có 24.300 ha trồng ở Lào, phần lớn ở tỉnh Attapeu với 22.000 ha và Sêkông có 2.000 ha. HAG cũng đã xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su ở Lào với công suất 25.000 tấn/năm với tổng giá trị 11 triệu USD.

Mảng cao su dự kiến sẽ thu về 200 tỷ đồng lợi nhuận cho năm 2013, nhưng chỉ có 10% sản lượng khai thác từ Lào. Theo ông Đức, đối tác thu mua sẽ bắt đầu từ năm 2014.

Không chỉ Michelin mà trên thế giới hiện có 79 nhà sản xuất lốp xe, trong đó có 10 tập đoàn đa quốc gia (5 tại châu Á) đang có mặt và tập trung phối hợp với nông dân, doanh nghiệp trồng cao su ở châu Á để lấy mủ cao su. Việt Nam tuy không phải là quốc gia có diện tích cao su đứng đầu khu vực Đông Nam Á (sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia) nhưng vẫn có không ít DN tham gia trồng và hiện đang sở hữu diện tích cao su khá lớn như Công ty Cao su Đồng Nai, Dầu Tiếng…

Sự kết hợp với các đối tác lớn, như Michelin không những đảm bảo về đầu ra, giá cả mà còn tận dụng được những kinh nghiệm về kỹ thuật trồng trọt, đảm bảo về chất lượng sản phẩm, so sánh được sản phẩm của DN mình với các vùng cao su nguyên liệu khác trên thế giới mà các chuyên gia từ đối tác mang đến.

Dù kết quả lợi nhuận có giảm do giá giảm nhưng nhìn chung các DN ngành cao su Việt Nam vẫn đạt kế hoạch lợi nhuận. Đáng chú ý, tỷ suất sinh lời của ngành vẫn luôn ở mức cao, thấp nhất cũng 22% và cao nhất đến 46%. Với hợp đồng từ Michelin, những DN như HAGL có thể giảm thiểu những rủi ro từ Trung Quốc – thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Đồng thời, Michelin cũng là một “chứng chỉ” để HAGL có cơ hội xuất mủ cao su sang châu Âu hoặc châu Mỹ với giá cao hơn xuất cho Trung Quốc, nếu hàng chất lượng tốt. Sau khi các mũi nhọn chính là bất động sản và khoáng sản không phát huy hiệu quả do suy thoái kinh tế, có thể coi cao su là một mũi nhọn mới mà HAGL khai thác trong thời gian tới.

Nội địa hóa Fastfood

Một ngày đẹp trời, những thương hiệu bánh nổi tiếng của Việt Nam như ACB, Kinh Đô sẽ trở thành đối tác cung cấp hàng cho KFC, Lotteria, Jollibee hay Burger King? Một nửa câu hỏi này đã được trả lời.

Đối với hệ thống cửa hàng Lotteria (thuộc Tập đoàn Lotte Hàn Quốc), nhờ vào lợi thế về nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ tập đoàn mẹ tại Hàn Quốc, Lotteria tại Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng. Năm 2012, họ có 140 cửa hàng trên toàn quốc, năm 2013 sẽ bổ sung thêm 50 cửa hàng vào hệ thống. 

Ngành công nghiệp fastfood (thức ăn nhanh) với mức độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên thế giới đạt 26%, tại Việt Nam, tỷ lệ này có khi lên đến hơn 30%. Sau hơn 18 năm, kể từ ngày cửa hàng thức ăn nhanh đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM, đến nay, thị trường đã hội đủ nhiều thương hiệu lớn từ các cửa hiệu gà rán, pizza cho đến hamburger.

Song, dẫn đầu về số lượng cửa hàng vẫn là KFC, Lotteria và Jollibee. Tỷ lệ thuận với tốc độ mở rộng là doanh thu, nhu cầu về nguyên vật liệu chế biến cũng tăng lên chóng mặt.

Tất nhiên, gia nhập chuỗi cung ứng cho các tên tuổi này cũng là mong muốn của nhiều nhà cung cấp Việt Nam.

Nếu so với chuỗi cà phê Angel-in-us (một mảng kinh doanh khác của Lotte, với 4 cửa hàng tại Việt Nam), hiện đang phải nhập khẩu hơn 90% nguồn cà phê chế biến thì hoạt động kinh doanh của chuỗi Lotteria đã được nội địa hóa đến 70%.

Trước đây, bên cạnh nguồn thịt gà nhập khẩu, Lotteria chỉ làm việc với một nhà cung cấp thịt gà tại Việt Nam nhưng sau đó do cầu tăng nên Lotteria đã ký kết thêm với một DN Việt nhằm cung ứng đủ lượng hàng.

Lotteria đang có chiến lược mở rộng thêm 50 cửa hàng trong năm 2013, Subway sẽ nâng số lượng cửa hàng từ 10 lên 13; trong khi KFC tăng từ 116 lên 200 cửa hàng, Jollibee hiện có 25 cửa hàng và trong tương lai sẽ tiếp tục mở rộng khi họ đã mua chuỗi Phở 24 và Highland Coffee. Các kế hoạch mở rộng này cho thấy, các nhà kinh doanh chuỗi thức ăn nhanh sẽ cần một lượng lớn nguồn nguyên liệu về gà, bánh mì… 

Ông Trương Hàm Liêm, Trưởng phòng Marketing Lotteria Việt Nam, cho biết, dù đã tăng cường một nhà cung cấp thịt gà nhưng hiện vẫn không đủ. Và đây chính là cơ hội cho các DN thực phẩm trong nước khác cùng tham gia.

Cầu đang dần vượt cung nhưng theo ông Liêm, không vì thế mà Lotteria bỏ qua các tiêu chuẩn chọn nhà cung cấp thịt gà. Theo đó, họ ưu tiên ba yếu tố là: an toàn vệ sinh thực phẩm, thương hiệu và giá phải cạnh tranh.

Nhân dịp ra mắt tại Việt Nam, Jollibee có chuyến đưa đoàn nhà báo Việt Nam đi thăm nhà máy của Jollibee tại Philippines cách đây 3 năm. Trong chuyến đi này, bà Joanna Marigold Tantoco, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh tiếp thị của Jollibee, còn nhắc đi nhắc lại khó khăn do phải chuyển bánh mì, gà từ Philippines sang Việt Nam để đảm bảo chất lượng.

Năm 2011, Công ty TNHH San Hà (SanHaFoods) đã làm việc với chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Jollibee về việc cung ứng thịt gà. Đang “bắt tay” với nhiều đối tác lớn, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Điều hành SanHaFoods, chia sẻ: “Về tiêu chuẩn, Jollibee rất khắt khe, ngay đến giờ phút này, nếu hàng hóa không đủ chất lượng, họ không ngại ngần trả hàng về!”.

Bà Hà cho hay, ngoài việc có mức giá hợp lý cho Jollibee thì công ty phải đảm bảo nguồn hàng ổn định, ngay cả khi những lô hàng bị trả lại, phía nhà cung ứng phải có lô hàng khác “đắp vào”. Bình quân, San Hà cung cấp khoảng 50 tấn gà cho Jollibee hằng tháng.

Được biết, trước đây, hầu hết các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh như Jollibee đều lấy thịt gà từ Tập đoàn thực phẩm CP Việt Nam. Do đó, DN Việt với quy mô nhỏ khó có cơ hội chen chân vào các kênh này nên thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở các chợ truyền thống.

Đại diện SanhaFoods cũng tiết lộ, “ông trùm gà rán” KFC, với việc tiêu thụ 4 tấn gà/ngày, cũng đã “đánh tiếng” mời San Hà làm nhà cung ứng nhưng công ty vẫn đang trong tư thế chuẩn bị về nhà máy và nhân sự vì tiêu chuẩn của KFC cũng không dễ, buộc DN phải có riêng một ê-kip để phục vụ, chăm sóc và làm việc với họ, có như vậy mới phát triển tốt.

Song, điều mà người ta chờ đợi nhất là khi McDonalds hoạt động, ai sẽ là nhà cung ứng nguyên vật liệu cho “gã khổng lồ” này? Hiện, thông tin McDonalds đã vào và đang âm thầm tìm kiếm những mặt bằng thích hợp tại TP.HCM đang lan truyền trong giới kinh doanh chuỗi thức ăn nhanh ở Việt Nam.

Chắc chắn, sự xuất hiện của McDonalds sẽ làm thị trường kinh doanh thức ăn nhanh thêm phần kịch tính, nhưng đó sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp cận với các đối tác lớn.

Mới đây, trả lời phỏng vấn báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Kao Siêu Lực, Giám đốc Doanh nghiệp Bánh kẹo Á Châu (ABC), cho biết, trong năm 2012, ông đã tham gia nhiều buổi họp về phát triển ngành công nghiệp thức ăn nhanh với KFC, Lotteria và một số tên tuổi khác.

Theo đó, nhiều DN đề cập đến việc chọn ABC là nhà cung ứng bánh mì hamburger trong tương lai gần khi họ phát triển thêm cửa hàng. Với năng lực hiện nay của ABC, ông Kao cho biết, trừ khi các nhà phát triển chuỗi thức ăn nhanh tăng thêm 50 cửa trong năm 2013, còn hiện nay ABC có đủ năng lực sản xuất theo đơn đặt hàng của họ.

Người đứng đầu thương hiệu bánh kẹo ABC cũng cho biết thêm, năm 2013, ABC chuẩn bị mở thêm một xưởng sản xuất nhằm hướng tới mục tiêu xuất khẩu và mở rộng thị trường tại Việt Nam. Dự án này dự kiến sẽ hình thành sau khoảng 1,5 năm xây dựng, đáp ứng được những đòi hỏi rất khắt khe của các nhà nhập khẩu.

“Tôi đang trong quá trình đàm phán với một thương hiệu mạnh quốc tế để trở thành nhà cung ứng, nếu vào Việt Nam, họ sẽ là trùm của KFC lẫn Burger King!”, ông Lực cho biết.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here