Với cách thức quản lý nhượng quyền chặt chẽ và thực đơn phù hợp với từng thị trường, McDonald’s hiện là một trong những chuỗi cửa hàng ăn nhanh thành công nhất thế giới với doanh thu 2012 hơn 27,5 tỷ USD.
Năm 1940, hai anh em Richard và Maurice McDonald thành lập nhà hàng McDonald’s Bar-B-Q tại California (Mỹ). Ban đầu, đó chỉ là một cửa hàng điển hình, khách được phục vụ tận bàn, với thực đơn đa dạng. 8 năm sau, hai anh em cải tiến McDonald’s Bar-B-Q thành nhà hàng tự phục vụ. Đồ ăn cũng được giảm xuống chỉ còn vài món như hamburger, cheeseburger, nước uống có gas, sữa, cà phê, khoai tây chiên và bánh. Món tủ của họ trong thực đơn là hamburger giá 15 cent.
Năm 1954, trong một lần ghé thăm McDonald’s, anh nhân viên kinh doanh Ray Kroc rất ấn tượng với việc kinh doanh của hãng và ngỏ ý làm đối tác nhượng quyền của họ trên toàn quốc. Một năm sau, Kroc mở cửa hàng McDonald’s đầu tiên của mình tại Illinois. Thiết kế cửa hàng màu trắng – đỏ và vòng cung vàng được kiến trúc sư Stanley Meston nghĩ ra năm 1953. Chỉ 10 năm sau, số cửa hàng McDonald’s đã lên tới 700 tại Mỹ.
Kroc sau đó đã mua lại cổ phần của anh em McDonald trong công ty và niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ năm 1965. Các hoạt động kinh doanh tích cực của Kroc đã đẩy bật hai anh em nhà McDonald ra khỏi ngành công nghiệp đồ ăn nhanh. Tự truyện của cả ba người sau này đều ghi lại họ đã có một quãng thời gian trở mặt với nhau vì tranh giành quyền quản lý McDonald’s.
Cửa hàng đầu tiên của McDonald’s mở tại nước ngoài là vào năm 1967, tại Canada và Puerto Rico. Ngày nay, họ đã có mặt tại 119 quốc gia trên cả thế giới. Trong đó, riêng tại châu Á là 38 nước. Theo thông báo trên website, hiện McDonald’s có hơn 34.000 cửa hàng trên thế giới, chỉ khoảng 20% là do chính công ty điều hành. Logo của hãng được thiết kế lại năm 1969 với chữ M hình vòng cung vàng như ngày nay.
McDonald’s hiện là chuỗi cửa hàng hamburger lớn nhất thế giới. Năm 2012, hãng đạt doanh thu 27,5 tỷ USD trên toàn cầu, tính cả các cửa hàng nhượng quyền, tăng 2% so với năm 2011. Lợi nhuận ròng cũng đạt hơn 5,4 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm trước đó.
Theo giới phân tích, thành công của McDonald’s đến từ sự quản lý chặt chẽ về chất lượng của các cửa hàng nhượng quyền. Kroc đã đặt ra khẩu hiệu cho các cửa hàng của McDonald’s là phải duy trì “Chất lượng, Phục vụ, Sự sạch sẽ và Giá trị cốt lõi”. Kroc thậm chí còn mở hẳn Đại học Hamburger tại Illinois (Mỹ) năm 1961 để đào tạo cho chủ các cửa hàng nhượng quyền tất cả yêu cầu về quản lý của McDonald’s.
Bên cạnh đó, McDonald’s cũng thường xuyên thay đổi để thích nghi với từng quốc gia. Các cửa hàng của hãng tại Mỹ rất khác so với tại Nhật Bản, Trung Quốc hay Ấn Độ, do McDonald’s luôn chú trọng tìm hiểu văn hóa và ẩm thực địa phương.
Tại Trung Quốc, tất cả các loại burger gà đều sử dụng thịt đùi, thay vì thịt ức như truyền thống, theo sở thích của người dân nước này. McDonald’s còn tổ chức bữa ăn Tết âm lịch với các món gà và trang trí cửa hàng bằng biểu tượng 12 con giáp. Các món thịt lợn hay thịt bò cũng không có trong thực đơn của hãng tại Ấn Độ để tôn trọng người theo đạo Hindu và Hồi giáo.
Sau khi lấn sân nhiều nước châu Á, sáng 16/7, McDonald’s cũng tuyên bố đã chọn được đối tác nhượng quyền để khai trương cửa hàng tại Việt Nam đầu năm sau. Đó là ông Nguyễn Bảo Hoàng, nhà sáng lập Good Day Hospitality kiêm Tổng giám đốc quỹ đầu tư IDG Ventures. Sau Starbucks Coffee, sự góp mặt của McDonald’s hứa hẹn thay đổi thị phần đồ ăn nhanh tại Việt Nam, vốn đang được các thương hiệu như KFC, Lotteria, BBQ nắm giữ.