Nội Dung Chính
Ở Hàn Quốc, Samsung là một trong những tập đoàn góp phần quan trọng làm nên “kỳ tích sông Hàn”. Ở Việt Nam, Samsung cũng đang dệt những thành công cho mảnh đất nằm bên dòng sông Đuống.
Từ “đại bản doanh” Hàn Quốc
Chiếc xe EQUUS màu đen, một dòng sedan hạng sang của Hyundai, đưa chúng tôi đến thăm trụ sở chính của Samsung ở Suwon (Hàn Quốc). Nhiều người lầm tưởng, Samsung phải là ở Seoul – Thủ đô xứ Hàn, nhưng không phải vậy.
Ở Seoul, cũng có những tòa cao ốc mang tên Samsung, nhưng ở Suwon – cách Seoul 45 km, có hẳn một thành phố mang tên “Samsung Digital City” (Thành phố Kỹ thuật số Samsung).
Với diện tích 1,72 triệu mét vuông, Samsung Digital City hoành tráng ngay từ chiếc cổng vào, rồi đến những dãy những tòa nhà cao tầng liên tiếp nhau, đường nội bộ to và rộng thênh thang, chẳng khác nào một thành phố hiện đại. 40.000 nhân viên Samsung đang làm việc ở đó.
Còn có hẳn một trung tâm nghiên cứu 25 tầng dành riêng cho các kỹ sư Samsung phát triển sản phẩm mới.
Chủ tịch Lee Kun Hee và các lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn đều ngồi trong các tòa nhà cao tầng này để vạch chiến lược và trực tiếp điều hành Samsung.
An ninh đương nhiên được thắt chặt, cấm quay phim, chụp ảnh ngay cả bên ngoài các tòa cao ốc, chứ chưa nói đến trong văn phòng. Gật gù, vậy mới xứng là tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc. Mà không chỉ là hàng đầu Hàn Quốc, ông Kim Deug Geun, Phó chủ tịch Bộ phận Truyền thông toàn cầu của Samsung Electronics, cho biết Samsung hiện là tập đoàn điện tử lớn nhất toàn cầu, tính theo doanh thu.
Năm 2012, Samsung Electronics đạt doanh thu 187,8 tỷ USD, còn lợi nhuận sau thuế là 22,3 tỷ USD. Samsung hiện cũng đứng đầu toàn cầu về thị phần của các sản phẩm như tivi, màn hình, điện thoại di động (ĐTDĐ) thông minh, ĐTDĐ nói chung, DRAM… Ước tính hiện nay, cứ mỗi 30 phút thì lại có 23.000 chiếc ĐTDĐ và 3.000 chiếc TV nhãn hiệu Samsung được bán ra trên toàn thế giới.
Nhưng những tòa nhà cao tầng thì ở đâu cũng có. Độ hoành tráng của “đại bản doanh” Samsung, chắc chắn nhiều tập đoàn khác trên toàn cầu cũng không thua kém. Sự khác biệt và thú vị, có lẽ lại nằm ở Chang-jo Kwan (có nghĩa là Viện Sáng tạo), Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực của Samsung, ở Yongin.
Chang-jo Kwan chính là nơi mà những tư tưởng quản lý mới, cũng như tinh thần cốt lõi của Samsung được giới thiệu và triển khai đến các nhân viên của mình. Hàng năm, khoảng hơn 50.000 nhân viên Samsung được tới đào tạo tại đây. Cách Chang-jo Kwan không xa là Ho-am Kwan, nơi đào tạo đội ngũ lãnh đạo mang tầm vóc toàn cầu của Samsung.
Chang-jo Kwan nằm trong một khuôn viên khổng lồ, với xanh mướt cây lá, y hệt một công viên. Hẳn nhiên, nếu là vào mùa thu, sắc vàng sắc đỏ sẽ khiến Chanjo Kwan tuyệt vời lắm.
Nhưng thực ra, chỉ riêng Chang-jo Kwan thôi, bản thân nó đã đầy sức hấp dẫn, với một tòa nhà khổng lồ, có mái nhà kiểu Hàn truyền thống, mà mỗi tầng của tòa nhà lại có một chủ đề riêng, gắn với các nghệ sĩ nổi tiếng. Ngay trên đường đi vào là một bản đồ trên nền đá, có những bóng đèn nhấp nháy. Đèn đỏ là nơi Samsung sắp đặt chân đến. Còn đèn xanh là nơi Samsung đã có mặt. Đèn xanh gần như bao phủ. Và chúng tôi nhìn thấy ba cái tên quen thuộc trong khu vực Đông Dương: Việt Nam, Campuchia có đèn màu xanh, còn Lào là đèn màu đỏ.
Bên trong tiền sảnh của Chang-jo Kwan có khắc một dòng chữ tiếng Anh: “Go! Go! Go!” (Tiến lên! Tiến lên! Tiến lên!). Một tinh thần Samsung, mà phải đến khi được ông Je Hwan Song, “Phó tướng” ở Chang-jo Kwan dẫn tới tham quan phòng Sin-gyeong-yeong (kinh doanh mới), thì chúng tôi mới thấu hiểu.
Một căn phòng nhỏ và đơn giản, nhưng được bài trí để tái hiện y hệt căn phòng họp của một khách sạn ở Franfurt (Đức), nơi đó vào năm 1993, Chủ tịch Lee Kun Hee đã ra tuyên bố chính sách “Quản lý mới”, với câu nói bất hủ “hãy thay đổi tất cả, trừ vợ con bạn”. Đây chính là sự bắt đầu cho một quá trình cải tổ ở Samsung, mà nhờ vậy mới có một kỳ tích Samsung ngày hôm nay. Tháng 6 vừa qua, Samsung đã kỷ niệm 20 năm sự kiện trên.
“Ở Hàn Quốc, Tập đoàn Samsung đóng góp 20% tổng kim ngạch xuất khẩu và 20% GDP. Còn tỷ lệ vốn hóa thị trường là 30%”, TS. Hwang In Seong, Phó chủ tịch Phòng Nghiên cứu các vấn đề toàn cầu, Viện Nghiên cứu kinh tế Samsung cho biết.
Dù ở ngành hàng nào, Samsung cũng giữ vị thế hàng đầu.
Samsung, ở Hàn Quốc, có thể nói là một biểu tượng trong thời kỳ kinh tế phát triển cực thịnh của đất nước này sau thời nội chiến, gắn liền với “kỳ tích sông Hàn”. Và Samsung không chỉ gắn với ĐTDĐ, máy tính, tivi, tủ lạnh, mà còn có tên trên khắp các sản phẩm khác, từ bánh, kẹo, mỹ phẩm cho tới sâm, linh chi, hay thậm chí cả ô tô, hàng dệt may… qua các công ty con về bảo hiểm, xây dựng …
Dù ở ngành hàng nào, Samsung cũng giữ vị thế hàng đầu. Còn tất nhiên, với Samsung điện tử, nhánh quan trọng nhất của Tập đoàn Samsung, thì ĐTDĐ, mà cụ thể là smartphone, chính là “vũ khí chiến lược”. Bắt đầu từ năm 2010, Samsung tung ra thị trường dòng Galaxy S. Ban đầu là S2, S3, rồi S4, đây chính là dòng sản phẩm đã mang lại cho Samsung ngôi vị nhà sản xuất ĐTDĐ lớn nhất thế giới. Ngày 4/9, lại một niềm tự hào của Samsung – Galaxy Note 3 – đã ra mắt tại Berlin (Đức).
Một chút tiếc nuối, là chuyến thăm Hàn Quốc lần này, chúng tôi không tới được nhà máy sản xuất ĐTDĐ Gumi của Samsung, nơi hiện có khoảng 10.000 nhân viên đang làm việc. Nhưng ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina nói, thay vì đến Gumi, hãy đến Bắc Ninh (Việt Nam), nơi mà nhà máy sản xuất ĐTDĐ lớn nhất toàn cầu của Samsung đang hoạt động hết công suất, với những công nghệ sản xuất mới nhất được đưa vào áp dụng.
Tới “cứ điểm sản xuất mới”
Năm 2012, hơn 400 triệu chiếc ĐTDĐ được Samsung bán ra trên thị trường toàn cầu. Gần 1/3 trong số đó (khoảng 120 triệu chiếc) là được xuất xưởng từ nhà máy của Samsung Electronics Việt Nam (SEV).
Không thể so sánh độ hoành tráng với Samsung Digital City, bởi đó là khu vực cơ quan đầu não của toàn Tập đoàn, nhưng SEV – có thể sẽ là một trong những nhà máy lớn, đẹp và hiện đại bậc nhất Việt Nam. Đặc biệt, chỉ cần tới SEV mỗi lần cách nhau vài tháng, sẽ ngỡ ngàng vì sự phát triển vô cùng nhanh chóng của nhà máy này, mà nay đã trở thành Khu tổ hợp công nghệ Samsung (Samsung Complex), với tổng vốn đầu tư không phải chỉ là 670 triệu USD như ban đầu mà đã tăng lên 2,5 tỷ USD. Khoảng 40.000 công nhân đang làm việc ở đây. Samsung Complex cũng chẳng khác nào một thành phố công nghệ cao.
Cuối tháng 9 này, một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) mới sẽ được SEV khai trương ở Hà Nội, nơi Công ty phải tạm thuê khoảng 8.000 m2 mặt bằng. Khoảng 2.000 kỹ sư sẽ làm việc tại đây, cho tới năm 2020. Đó là thông tin mà chúng tôi mới nhận được từ ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Khu tổ hợp Samsung Complex.
Chưa thể so sánh ngay với quy mô của 34 trung tâm R&D khác mà Samsung đặt ở khắp các châu lục trên thế giới, nhưng một khoản đầu tư đáng kể và nghiêm túc của Samsung cho Trung tâm R&D ở Hà Nội là điều mà Việt Nam đã chờ đợi từ lâu.
Một thông tin rất đáng chú ý vừa được đăng tải trên trang ET News (Hàn Quốc), rằng Samsung sẽ thay đổi phong cách thiết kế cho sản phẩm ĐTDĐ của họ từ năm 2014, với khả năng sẽ sử dụng lớp vỏ bằng magiê, nhôm và một số loại kim loại khác, thay vì chỉ bằng nhựa polycarbonate.
Nguồn tin này cũng cho biết, Samsung đang nghiên cứu các loại thiết kế và vật liệu mới tại nhà máy của họ tại Gumi, nhưng một phần công việc sẽ được tiến hành tại nhà máy của Samsung ở Việt Nam.
Gạch nối Gumi – SEV, Hàn Quốc – Việt Nam dường như đã ngày càng gần hơn. Việt Nam đã và đang thực sự trở thành cứ điểm sản xuất mới của Samsung trên toàn cầu, đúng như lời tuyên bố của ông Shin Jong Kyun, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông di động Samsung Electronics.
Sau khi nhà máy của Samsung ở Thái Nguyên (SEVT), 2 tỷ USD, đi vào hoạt động ổn định, Samsung sẽ có 240 triệu chiếc ĐTDĐ sản xuất tại Việt Nam mỗi năm, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng ĐTDĐ của Tập đoàn trên toàn cầu. Chưa kể, tập đoàn này đã đệ trình kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch và linh điện ĐTDĐ ở Thái Nguyên, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Một kế hoạch đầu tư bài bản, nghiêm túc và lâu dài, không thể coi là chỉ đến Việt Nam để “hớt váng” ưu đãi như một số nhà đầu tư “ăn xổi, ở thì” khác.
“Nếu Việt Nam có khoảng 10 dự án như Samsung, thì thực sự là quá tốt”, ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nói như vậy.
Quả thực, sau 25 năm thu hút FDI, Việt Nam đã có gần hơn 15.000 dự án FDI, nhưng quy mô lớn và làm ăn hiệu quả, tạo sức lan tỏa lớn đến kinh tế – xã hội Việt Nam như Samsung là rất hiếm.
“Có thể, SEV hiện tại chưa nộp nhiều thuế như một số doanh nghiệp Việt Nam khác, nhưng hãy nhìn vào chuyện giải quyết việc làm, R&D, xuất khẩu… để thấy những đóng góp của họ cho Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thừa nhận.
Một sự so sánh, có thể là khập khiễng, nhưng năm 2012, SEV xuất khẩu được 12,6 tỷ USD, đóng góp 11% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp của SEV năm ngoái cũng đã đạt tới 13 tỷ USD, bằng gần 10% GDP của Việt Nam (khoảng 138 tỷ USD). Khi các kế hoạch đầu tư mới của Samsung hoàn tất, những đóng góp này chắc chắn sẽ tăng lên.
Trong khi đó, số liệu từ Ban quản lý KCN Bắc Ninh cho biết, 6 tháng đầu năm, SEV đã nộp 19,225 triệu USD (tương đương 413 tỷ đồng) tiền thuế. “SEV hiện đứng đầu trong số các doanh nghiệp FDI nộp thuế cho tỉnh”, ông Lương Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nói và cho biết, năm nay, SEV có thể sẽ nộp khoảng 1.000 tỷ đồng tiền thuế.
Ngoài ra, ước tính khi khoản đầu tư 1 tỷ USD mà SEV vừa tăng đầu tư, được đưa vào giải ngân, mỗi năm SEV sẽ đóng thêm 350 tỷ đồng cho ngân sách. Trong khi đó, ở Thái Nguyên, chỉ tính riêng khoản đầu tư 2 tỷ USD, mỗi năm Samsung ước sẽ nộp khoảng 700 tỷ đồng tiền thuế.
Vĩ thanh
Khi còn ở Hàn Quốc, được hỏi đâu là yếu tố mang lại thành công cho Samsung, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế Samsung bảo, đó là vì Tập đoàn đã đầu tư nghiêm túc và chiến lược cho R&D; thực hiện nguyên tắc “tốc độ” trong tất cả các khâu, từ R&D, sản xuất cho đến marketing và bán hàng; và sẵn sàng thay đổi, chấp nhận thay đổi như một phần tất yếu của cuộc sống. Tất cả những nguyên tắc này cũng đã và đang được áp dụng tại Việt Nam, mang lại những thành công cho Samsung ở đất nước cách quê hương của họ ít nhất 5 giờ bay.
Và hôm chúng tôi rời khỏi SEV, vào đúng giờ nghỉ trưa, thấy rất đông các cô gái trẻ của Samsung ngồi bên ngoài khuôn viên nhà máy, cũng thoáng mát và rộng rãi như một công viên. Họ đang thêu những bức tranh thêu chữ thập, một kiểu thêu được coi là “mốt” trong giới trẻ hiện nay, để chuẩn bị cho một buổi lễ nào đó. Họ đang cười rất tươi, “cười như mùa thu tỏa nắng”. Thấy nhớ nắng Seoul và thấy ấm áp một mùa thu Bắc Việt.