Trong một đất nước có nền sản xuất vững mạnh và trình độ công nghệ bậc nhất, doanh nhân 85 tuổi Shintaro Tsuji của xứ mặt trời mọc nổi lên như một nhân vật kì lạ. Ông là nhà sáng lập hãng Sanrio – chuyên sản xuất văn phòng phẩm, quà tặng và phụ kiện tại Nhật Bản. Sanrio nổi tiếng nhất với các sản phẩm mang hình ảnh mèo Hello Kitty, được hãng giới thiệu trên thị trường quốc tế từ năm 1974.
Mặc dù Hello Kitty có lực lượng đông đảo antifan, cũng không thể phủ nhận Hello Kitty là một trong những câu chuyện về chiến lược marketing thành công lạ lùng nhất trên thế giới.
Được gọi là Walt Disney của Nhật Bản, nhưng khác với Disney, nỗ lực đa dạng hóa chuyên môn vào lĩnh vực phim ảnh, công viên giải trí, chương trình truyền hình và truyền thông của Sanrio vẫn chưa gặt hái được thành công thực sự.
Sanrio rất giống với Disney ở chỗ đã làm rất tốt trong việc đa dạng các mặt hàng khi gần đây, Tsuji tái định hướng công ty theo hướng bán bản quyền hình ảnh nhân vật cho các hãng khác, thay vì chỉ tập trung bán sản phẩm như trước đây.
Năm 2011, hãng còn đạt thỏa thuận bán quyền sử dụng hình ảnh Hello Kitty trên quần áo và trang sức của Wal-Mart, Zara và Swarovski. Các hợp đồng này đã giúp họ thu về 2,1 tỷ yên, nhiều nhất trong một thập kỷ. Hãng cũng đang kỳ vọng vào sự tăng trưởng tại thị trường Mỹ, châu Mỹ Latin và châu Á.
Sanrio có một chương trình cấp phép toàn cầu vô cùng lạ lùng, là đưa hình ảnh cô mèo Kitty lên tất cả các mặt hàng, từ sản phẩm của trẻ em cho tới sản phẩm của người lớn như đồ lót phụ nữ. Hiện tại rượu bia cũng được bổ sung vào hàng loạt những sản phẩm có mặt của Hello Kitty với sự ra mắt mới đây của hãng bia có thương hiệu ở Đài Loan và Trung Quốc, được sản xuất với sự liên kết với công ty bia Taiwan Tsing Beer Co.
Khi được phỏng vấn ở Tokyo cho một dự án sách khoảng một thập kỷ trước, Tsuji đã nói rất lâu về những phẩm chất lí tưởng mà Hello Kitty có. Với giọng điệu không hề có một chút mỉa mai, Tsuji nói Hello Kitty là hiện thân của những gì tốt đẹp nhất, như vẻ đẹp thánh thiện, tình bạn, và to lớn hơn là hòa bình thế giới.
Thực tế về khía cạnh thương mại của Hello Kitty dường như lại không giống với những giá trị trên. Cô mèo trứ danh đã trở thành một biểu tượng thời trang toàn cầu và một siêu thương hiệu, bởi trong cùng một lúc, thiết kế hoạt họa cơ bản của Kitty vừa không nói lên một điều gì cả, lại vừa có thể nói lên tất cả. Hình ảnh mang chiều văn hóa tối giản của Hello Kitty đã mời gọi người xem mang lại ý nghĩa của riêng họ cho hình ảnh này.
Đối với trẻ em ở Tokyo và Singapore, Kitty vẫn nổi lên với biểu tượng của vẻ đẹp dễ thương và quý giá. Ngược lại, vào năm 2009, Lady Gaga đã chọn thương hiệu của Sanrio cho những bức hình thời trang của riêng mình, trong đó Hello Kitty lại gắn với biểu tượng đầy quyền lực của một cô gái cuồng dâm, là vật biểu thị của tình dục thô bỉ. Cuối năm ngoái, các nghệ sĩ từ mọi miền trên thế giới đã tụ tập tại New York để lật đổ đứa con tinh thần của Tsuji, và sự kiện này một phần nào đó đã làm lung lay đội ngũ marketing của Sanrio.
Bạn có thể nhạo báng Hello Kitty vì hiện thực kì dị trên, nhưng vẫn không thể phủ nhận đây là thời kỳ hoàng kim của Hello Kitty. Cổ phiếu của Sanrio đã tăng gấp đôi trong năm nay trên sàn chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), đưa Tsuji lên thuộc tóp những tỉ phú được Bloomberg để mắt tới.