Nội Dung Chính
Mới đây, trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu mạnh nhất thế giới của Interbrand, Samsung đã xuất sắc vươn lên hạng 8 với giá trị thương hiệu đạt 39,6 tỉ USD. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, sự thăng hạng liên tục của Samsung thực sự là điều rất đáng ghi nhận.
Nếu so với những mục tiêu đầy tham vọng hồi đầu thiên niên kỷ của Samsung, chẳng hạn trở thành nhà sản xuất TV hay điện thoại hàng đầu thế giới, thì mục tiêu gia tăng giá trị thương hiệu của Samsung khá khiêm tốn. Samsung chỉ đặt ra chỉ tiêu lọt vào top 15 thương hiệu mạnh nhất thế giới vào năm 2020.
Thế nhưng, những gì diễn ra sau đó thật đáng ghi nhận. Samsung trở thành một trong những thương hiệu có sự gia tăng thứ hạng trong Top 100 của Interbrand nhanh nhất. Mới năm 2000, Samsung lần đầu tiên góp mặt trong bảng danh sách này ở vị trí thứ 43 với giá trị thương hiệu 5,2 tỉ USD, thì sau 13 năm, Samsung đã vươn lên đứng hạng 8 với giá trị thương hiệu 39,6 tỉ USD.
Có nhiều yếu tố khiến Samsung đạt được kết quả khả quan này, đáng kể nhất là hoạt động kinh doanh tích cực trong lĩnh vực TV và điện thoại thông minh. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, nhìn lại thì hoạt động kinh doanh của Samsung chẳng thể… tích cực được nếu tự thân sản phẩm của Samsung không làm nên điều kỳ diệu.
Và người ta tin rằng điều kỳ diệu này đến từ việc Samsung đã đầu tư mạnh vào hai mảng thiết kế và công nghệ.
Thiết kế – nguồn lực chủ yếu trong thế kỷ mới
Cuối những năm 90, Samsung nhận ra sự chuyển đổi từ công nghệ điện toán (analog) sang công nghệ kỹ thuật số (digital) đã mang đến cơ hội mới để những công ty sinh sau đẻ muộn đuổi kịp và vượt qua các đối thủ lâu năm. Trong thời đại số, rất khó để một công ty chiếm độc quyền một công nghệ nào đó, vì vậy, tại thời điểm này, cựu chủ tịch Samsung Lee Kun-Hee đã phán đoán chính xác rằng tốc độ ra mắt sản phẩm mới và đặc biệt là thiết kế ấn tượng chính là nguồn lực cạnh tranh chủ yếu trong thế kỷ mới. Cho đến nay, Samsung luôn liên tục đầu tư để giữ vững vị trí hàng đầu trong lĩnh vực này.
Đội ngũ thiết kế là một trong những bộ phận được chăm sóc đặc biệt nhất công ty. Thường xuyên, đội ngũ này được khám phá các địa điểm nổi danh trên thế giới, đôi khi chỉ để đi thăm viện bảo tàng, các biểu tượng của kiến trúc hiện đại, các khu phế tích. Nhiều người cũng được cử ra nước ngoài, học hỏi các tên tuổi thiết kế nổi tiếng trên thế giới, các chuyên gia về mỹ phẩm hay các công ty tư vấn thiết kế. Họ còn được trang bị kiến thức về những ngành công nghiệp khác ngoài hàng điện tử để mở rộng kiến thức. Hiện nay, Samsung có đến 6 trung tâm thiết kế tại Seoul, London, San Francisco, Thượng Hải, Tokyo và Delhi.
Tính sáng tạo trong thiết kế thể hiện ở mọi dòng sản phẩm của Samsung, chẳng hạn các dòng Smart TV có thiết kế siêu mỏng, gần như không có viền và chân đế, có thể được dùng như món đồ trang trí nội thất đắt tiền; chiếc Galaxy Note 3 vuông vắn ở bốn cạnh với đường viền máy có thiết kế vân kim loại, ốp lưng vân da sang trọng mô phỏng một quyển sổ tay. Có thể nhận thấy sản phẩm của Samsung không đơn giản chỉ là công cụ dùng để nghe điện thoại, xem truyền hình mà còn là vật trang sức, phụ kiện đi cùng trang phục hay một bộ phận không thể tách rời trong tổng thể nội thất.
Đầu tư trong thiết kế đã mang về cho Samsung hơn 600 giải thưởng về thiết kế, trong đó có 91 giải trong năm 2012, bao gồm các giải danh giá như IDEA (Mỹ), iF (Đức). Hầu hết các mặt hàng chủ lực của Samsung như TV, điện thoại, máy giặt, máy nghe nhạc MP3, đầu Blu-ray… đều từng giành các giải thưởng về thiết kế.
Công nghệ – giúp cuộc sống hiệu quả hơn
Không chỉ đầu tư mạnh về thiết kế, Samsung còn tập trung phát triển công nghệ. Ngay từ thời kỳ khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, trong lúc các công ty khác cắt giảm mạnh R&D để tiết kiệm chi phí thì số tiền Samsung đầu tư vào lĩnh vực này đã rất cao. Còn nhớ vào năm 2006, tạp chí Financial Times từng xếp Samsung hạng 9 trong danh sách 1.250 công ty rót kinh phí nhiều nhất vào R&D. Trong lĩnh vực này, Samsung chỉ đứng sau những công ty như Ford Motor, Pfizer Pharmaceutical… và hơn cả Intel, Microsoft…
Năm 2012, Samsung chi đến 10,8 tỉ USD và có đến 67.000 nhân viên tham gia vào công tác R&D, chiếm 25% tổng số nhân viên của Samsung. Nhìn vào số bằng sáng chế cũng có thể hình dung mức độ và hiệu quả của việc đầu tư vào R&D của Samsung. Trên toàn cầu, Samsung có đến 100.000 bằng sáng chế. Tính riêng trong năm 2012, Samsung đã đăng ký 5.081 bằng do Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu thương mại Mỹ cấp. Mỗi sản phẩm, Samsung đăng ký đến hàng trăm bằng sáng chế, chẳng hạn trong quá trình phát triển và sản xuất Galaxy S4, Samsung đã đăng ký hơn 120 sáng chế có liên quan tới giao diện và phần mềm.
Với 33 trung tâm công nghệ trên toàn cầu, hầu như không năm nào mà Samsung không công bố “sản phẩm đầu tiên”, chẳng hạn TV OLED màn hình cong, công nghệ truyền thông không dây thế hệ 5; chip DRAM DDR3 20nm; TV LED mỏng nhất thế giới 3mm…
Những đầu tư về công nghệ của Samsung nhằm tạo ra các sản phẩm khiến cuộc sống trở nên đơn giản, thú vị, hiệu quả hơn và người dùng có thể sử dụng công nghệ để tự do thể hiện bản thân trong mọi việc. Chẳng hạn với Galaxy Note 3, nổi bật nhất với bút S Pen cải tiến, sản phẩm này có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu của một cá nhân hiện đại, từ liên lạc, xử lý công việc (tạo lập và chỉnh sửa các thể loại văn bản, hình ảnh) đến giải trí, giúp người dùng sắp xếp cuộc sống một cách sáng tạo như mình mong muốn.
Khi bong bóng của các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, tư vấn, bất động sản vỡ, cũng chính là lúc người tiêu dùng trở lại với những điều cơ bản nhất: một sản phẩm tốt và giá trị mà chúng mang lại cho cuộc sống. Như nhà kinh tế học vi mô Robert Stiglitz từng tuyên bố: “Thập kỉ sau khủng hoảng toàn cầu 2008 chính là thời đại mà sản xuất lên ngôi. Công nghệ và sự sáng tạo sẽ giúp những ‘gã khổng lồ’ duy trì thế thượng phong của mình.” Rõ ràng, như thường lệ, thương hiệu đứng thứ 8 thế giới Samsung luôn biết cách vạch ra cho mình những hướng đi đúng, cụ thể ở đây là đầu tư vào công nghệ và thiết kế, để duy trì vị trí dẫn đầu.