Bí ẩn đằng sau vụ thôn tính Megastar

0
698

Thông tin về thương vụ “đổi chủ” của hệ thống rạp chiếu Megastar với trị giá lên tới nhiều chục triệu đô la giữa CJ – CGV và EMP đã “hâm nóng” rất nhiều trang báo thời gian qua.

Nhưng không nhiều người biết, vụ mua bán này đã được hoạch định tỉ mỉ từ xấp xỉ cả chục năm về trước.

Từ FnC

Cách đây chục năm, trong một cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS), tin phong thanh về một dự án làm phim hợp tác Việt – Hàn đã được tiết lộ.

Một kịch bản do nhà biên kịch Shim Dong Ik chấp bút đã được gửi cho phía Việt Nam từ năm 2001, nhà biên kịch Hồ Diệu Hương được giao nhiệm vụ nôm na là “Việt hóa”. Rồi ba năm sau, báo giới rầm rộ đưa tin về dự án phim sitcom (situation comedy – hài kịch tình huống) đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. 24 tập phim “Lẵng hoa tình yêu” là sản phẩm kết hợp giữa TFS và FnC (viết tắt của Future and Culture – Tương lai và văn hóa). Cũng theo ông Hùng, FnC muốn thông qua việc hợp tác này để chuyển giao công nghệ thu hình Sitcom bằng nhiều camera cho TFS. Kế hoạch này đã được chuẩn bị từ 2 năm trước đó. Song song với việc sản xuất, FnC sẽ giúp TFS xây dựng và thực hiện dự án công nghệ phim trường mở, quay nhiều camera.

Và ông cũng tràn trề hi vọng, rằng “nhờ áp dụng công nghệ hiện đại này, TFS sẽ tiến đến đáp ứng yêu cầu 50% thời lượng phát sóng phim Việt Nam trong năm vì thời gian để hoàn thiện 24 tập phim chỉ cần 4-6 tháng, giảm được 1/3, thậm chí 1/2 thời gian so với trước, đồng thời tạo ra diện mạo mới cho phim truyền hình, thu hút khán giả trở về với phim nội”.

Cái tên FnC còn một lần nữa được nhắc tới khi đạo diễn Lê Dân “bật mí” về một đối tác đã hứa sẽ chung tay cùng sản xuất dự án phim truyện nhựa sử thi “Đam San” của Hãng phim Tân Hữu Nghị. Chẳng biết vì lý do gì, bộ phim đến giờ vẫn chỉ nằm trên giấy, nhưng cái tên FnC đã bắt đầu khiến khá nhiều nghệ sĩ trong giới điện ảnh – truyền hình tò mò tìm hiểu.

Đến CJ – VIFA

Cuối năm 2005, Tập đoàn CJ Media (Hàn Quốc) cũng đã chính thức tuyên bố thành lập liên doanh hợp tác với Công ty Gia đình Việt (VIFA), với tên gọi CJ – VIFA. Nhằm tăng cường khả năng sản xuất phim của Việt Nam, đồng thời góp phần vào việc xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài thông qua quá trình sản xuất được nội địa hóa. CJ và VIFA đã quyết định thực hiện dự án đầu tiên, bộ phim truyền hình có độ dài 100 tập x 50 phút mang tựa đề “Mùi ngò gai”.

Từ giữa tháng 12/2005, câu chuyện về ý chí vượt khó của một cô gái muốn giới thiệu tinh hoa văn hóa ẩm thực của người Việt Nam ra với bạn bè thế giới – đã chính thức được bấm máy tại xã Tân Vĩnh Hiệp của thị trấn Tân Phước Khánh thuộc tỉnh Bình Dương. Đây là bộ phim truyền hình đầu tiên được thực hiện dựa trên kỹ thuật sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc kết hợp với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam, cũng là tác phẩm đánh dấu sự hợp tác liên doanh giữa CJ Media và VIFA với mục đích nâng cao sức cạnh tranh của phim truyền hình nội địa và tiến tới xuất khẩu các sản phẩm này ra nước ngoài, thông qua 9 kênh truyền hình cáp mà CJ Media sở hữu. Trong một cuộc trò chuyện với ông Kim Se Hyuk, Giám đốc điều hành tại Việt Nam của CJ Media, thông tin FnC chính là công ty con của tập đoàn này đã được tiết lộ.

Với sự góp mặt của ê kíp 17 người Hàn Quốc, ông Kim cố gắng trấn an những khán giả lo lắng bộ phim sẽ là “món phở đậm mùi kim chi” bằng lời hứa hẹn: “chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ về kỹ thuật để phim đạt tiêu chuẩn chất lượng cao hơn mà thôi”. Sau “Mùi ngò gai”, danh sách những dự án kế tiếp của CJ- VIFA còn có “Vườn ảo thuật” (500 tập x 30 phút), “Lẵng hoa tình yêu 2” (76 tậpx 45 phút). Ngoài ra, những phim đã lên kế hoạch gồm 50 tập Romeo và Juliet hiện đại; 70 tập phim về tình yêu, tình bạn cùng tham vọng của hai anh em trong một gia đình; 5 tập phim dành cho dịp đặc biệt; những chương trình giải trí âm nhạc quy mô lớn…

Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng phim trường được liên doanh này đặt lên hàng đầu. Ông Kim dự tính: “Hiện chúng tôi đang tạm bằng lòng với phim trường nhỏ, diện tích khoảng 6.000 m2 tại quận 9 TP.HCM. Còn trong tương lai gần, phim trường CJ- VIFA, với diện tích 13.000 m2, được thiết kế và xây dựng đúng tiêu chuẩn sẽ được xây dựng tại Phú Mỹ Hưng” . Và ông cũng hé lộ về một dự án lớn mà CJ đã đưa vào lộ trình: “một hệ thống rạp chiếu bóng của CJ tại Việt Nam cũng là điều chúng tôi đang hướng tới”.

Chỉ chưa tới 9 tháng sau, một phim trường – sản phẩm hợp tác giữa VIFA, CJ Media, Trường cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và Trung tâm Truyền hình cáp HTVC gồm khu ngoại cảnh nằm ở quận 9 và nội cảnh ở quận 2 đã chính thức được đưa vào sử dụng. Khu quận 9 có diện tích 4.000 m2. Phim trường quận 2 gồm 2 studio lớn có thể sử dụng để xây dựng cùng lúc 15 bối cảnh, được trang bị các hệ thống ánh sáng hiện đại. Vậy là phía CJ đã có thể xoa tay thở phào, rằng những dự án sản xuất phim kế tiếp sẽ có một phim trường đủ đáp ứng chứ không phải chịu cảnh thuê mướn, ăn đong.

Từ Tập đoàn CJ

CJ có xuất xứ từ một công ty gốc của tập đoàn Samsung mang tên Cheil Jedang, được thành lập từ năm 1953. Đúng 40 năm sau, CJ và Samsung tách ra thành hai công ty độc lập nhưng vẫn giữ mối quan hệ rất chặt chẽ. Năm 2002, CJ đổi tên thành Công ty trách nhiệm hữu hạn CJ Entertainment. Hiện tại, tập đoàn CJ bao gồm 85 công ty con phục vụ các tiện ích vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe của con người.

CJ chiếm tới 30% thị phần nội địa của Hàn Quốc, đồng thời cũng là công ty có mức vốn hóa thị trường khoảng 400 triệu USD – lớn thứ hai trong ngành công nghiệp này tại Hàn Quốc. CJ sở hữu trong tay 9 kênh truyền hình lớn như kênh giải trí tổng hợp M.Net, kênh thông tin diễn viên và công nghệ giải trí KM, kênh phim truyện Hàn Quốc CGV, XTM, O’live, kênh địa lý quốc gia, kênh phim hoạt hình Champ, kênh CGV choice, chương trình âm nhạc đa kênh OZIC. Tại khu vực châu Á, CJ Media có số lượng chương trình truyền hình cung cấp ra nước ngoài lớn nhất của Hàn Quốc, thông qua sự hợp tác cùng các công ty phân phối phim ảnh hàng đầu như CJ Entertainment, CJ Cable Net, CJ Systems, CJ Power Cast…

Và phải đợi tới đầu năm 2007, ông lớn trong ngành công nghiệp giải trí xứ Hàn mới chính thức xuất đầu lộ diện tại Việt Nam, sau khi công ty con FnC cùng liên doanh với VIFA. Được biết tới như một trong 10 công ty hàng đầu, hoạt động mạnh trong lĩnh vực điện ảnh và giải trí xứ Hàn, Tập đoàn CJ đã bày tỏ sự quan tâm lớn đến việc đổ tiền đầu tư xây dựng hàng loạt dự án như: một phim trường rộng 50 ha, khu công viên Safari với diện tích 300 ha tại huyện Củ Chi hay các khu mua sắm, vui chơi giải trí ngay tại trung tâm TP.HCM. Đề nghị này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía UBND TP.HCM.

Tới CJ – CGV

Đây là chủ nhân đích thực điều hành hoạt động hệ thống rạp chiếu phim multiplex “lớn nhất của Hàn Quốc mang tên CJ- CGV. Là một công ty con của “Tập đoàn CJ được thành lập năm 1996, CJ – CGV là liên doanh giữa CJ Hàn Quốc (Hong kong) và Village Roadshow (Úc). CGV là viết tắt của CJ Golden Village. Hiện tại, liên doanh này chỉ còn mỗi CJ, khi hai đối tác Úc và Hongkong đã hết mặn mà.

CGV khai trương rạp chiếu đa năng đầu tiên tại Hàn Quốc vào tháng 4/1998 và mở chi nhánh đầu tiên tại nước ngoài ở Thượng Hải (Trung Quốc) vào cuối năm 2006. Tại khu vực Bắc Mỹ, Los Angeles – California được đặt vào đầu năm 2008. Tháng 2/2011, CJ-CGV của Hàn Quốc từng thông báo kế hoạch phát triển tại hai thị trường mới mẻ, đầy tiềm năng là Việt Nam và Ấn Độ và chính thức mở chi nhánh hoạt động tại TP.HCM dưới sự quản lý của ông Ryu Seong-soo.

Trong một bài viết đăng tải trên báo Tuổi trẻ, ông Jonathan S.Kim – người phụ trách phát triển kinh doanh của Trung tâm CJ-CGV cho biết, trong một tương lai gần CJ-CGV sẽ mở hệ thống cụm rạp chiếu phim tại Việt Nam với số vốn đầu tư khoảng 23 triệu USD.

Và dự định ấy gần như đã trở thành hiện thực. Khi thương vụ chính thức hoàn tất, CJ – CGV sẽ nắm giữ 80% cổ phần trong Megastar. 20% cổ phần còn lại vẫn thuộc về đối tác Việt Nam – Công ty Văn hóa Phương Nam (PNC). Cũng theo thông tin từ FilmBiz, việc mua lại Megastar là bước đi tiếp theo của CJ-CGV trong chiến lược mở rộng thị trường ra nước ngoài, sau khi đã mở một rạp quy mô nhỏ ở khu Koreatown tại Los Angeles (Mỹ) và 5 rạp khác tại Trung Quốc.

Đầu tư theo cách mà CJ-CGV đang thực hiện dễ hơn nhiều so với việc đầu tư một dự án mới. “Một bên muốn bán, một bên muốn mua. Họ có tiền và sẵn sàng đầu tư. Họ sẽ chỉ mất vài tháng để thương lượng chuyện mua bán, trong khi đầu tư dự án mới thì vừa mất công làm thủ tục, rồi còn xây dựng cụm rạp, điều hành…”.

Nhớ lại năm 2008, tập đoàn Lotte Cinema với hệ thống siêu thị và trung tâm giải trí Lotte (Lotte Shopping/Lotte Entertainment) của Hàn Quốc cũng đã mua lại Liên doanh Diamond (DMC) và sở hữu 6 cụm rạp tại hai đô thị lớn TP.HCM và Đà Nẵng. Giờ có thêm sự góp mặt của CJ-CGV, tập đoàn thống lĩnh thị trường chiếu bóng Hàn Quốc với 75 cụm rạp và 610 phòng chiếu, dự báo một cung cách làm ăn theo kiểu Hàn sẽ được thổi vào ngành chiếu bóng còn non trẻ của Việt Nam. Chưa kể, đằng sau hai tập đoàn này còn là ngành công nghiệp điện ảnh hùng mạnh với hàng trăm phim truyện mỗi năm và nhiều ngôi sao được hâm mộ ở Việt Nam. Sự kiện trên khiến người ta tin là dòng phim nhập khẩu từ Hàn Quốc và một số nước châu Á sẽ đậm nét hơn trên rạp chiếu, đồng thời bớt đi vị trí gần như độc tôn của các siêu phẩm đến từ Hollywood.

Thương vụ mua bán này cũng là dấu hiệu cho thấy, xu hướng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang tiếp tục lấn sâu vào Việt Nam. GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, đầu tư theo cách mà CJ-CGV đang thực hiện dễ hơn nhiều so với việc đầu tư một dự án mới. “Một bên muốn bán, một bên muốn mua. Họ có tiền và sẵn sàng đầu tư. Họ sẽ chỉ mất vài tháng để thương lượng chuyện mua bán, trong khi đầu tư dự án mới thì vừa mất công làm thủ tục, rồi còn xây dựng cụm rạp, điều hành…”.

Ngoái nhìn lại quãng thời gian 10 năm, kể từ khi một ý tưởng làm phim hợp tác mới manh nha thành hình cho tới khi kịp thâu tóm và có cơ hội kế thừa vị trí “thống lĩnh thị trường” mà Megastar đã xác lập vững chắc, CJ đã tiến được những bước đi vũ bão. Kết quả đó chỉ có được nhờ một chiến lược hợp lý được thực hiện theo một lộ trình rất đỗi khôn ngoan. Đây chắc hẳn sẽ là một bài học kinh nghiệm quý đối với nhiều doanh nghiệp nội Việt Nam nếu một ngày nào đó ôm mộng vươn mình ra ngoài biên giới. Megastar bị kiện

Ngày 1/3/2010, sáu doanh nghiệp trong nước gồm: CTCP Điện ảnh SG (“ông chủ” của rạp Cinebox Hòa Bình), CTCP Điện ảnh 212 (Cinebox Lý Chính Thắng), CTCP Truyền thông điện ảnh Sài Gòn (cụm rạp Đống Đa, Thăng Long, Toàn Thắng, Vinh Quang), CTCP Phim Thiên Ngân (cụm rạp Galaxy), Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội (cụm rạp Tháng Tám), Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai (rạp Thanh Bình và Sông Phố) đồng loạt đệ đơn lên các ban ngành quản lý, tố cáo Megastar tận dụng ưu thế thống lĩnh trên thị trường để nâng giá thuê phim và áp đặt các điều kiện phát hành. Việc khởi động điều tra được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) bắt đầu từ ngày 12/5/2010. Ngày 8/6/2010, MegaStar chính thức tham dự phiên họp điều trần với Cục Quản lý cạnh tranh. Ngày 18/6/2010, Cục này có Quyết định số 67 điều tra chính thức. Kết quả, Công ty TNHH một thành viên điện ảnh Hà Nội, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai “bị loại” khỏi nguyên đơn vì không có đủ cơ sở pháp lý để đứng ra kiện.

Luật Cạnh tranh của Việt Nam cấm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (chiếm 30% thị phần trên thị trường liên quan) thực hiện một số nhóm hành vi gây tổn hại đến môi trường cạnh tranh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Cụ thể, với mỗi phim phân phối cho các đơn vị khác chiếu, Megastar áp đặt mức thu 25.000 đồng trên mỗi vé mà các đơn vị này bán ra, bất kể giá vé tại các rạp ở mức nào. Theo “đơn kiện”, cách thu áp dụng từ đầu tháng 6/2009 này khiến các đơn vị chiếu bóng phải nâng giá để tránh lỗ và kết quả là khán giả thiệt hại do giá vé tăng. Ngoài ra, các “nguyên đơn” cho rằng Megastar còn áp đặt điều kiện muốn có phim “bom tấn” này thì phải lấy kèm một phim “nhẹ ký” khác!

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Khoa Kinh tế Luật ĐHQG TP.HCM, một trong số ít chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về Luật Cạnh tranh cho rằng, Megastar đã có dấu hiệu “áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ một cách bất hợp lý” (Theo quy định của Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp thống lĩnh không được tăng quá 5% giá vé trong vòng sáu tháng nếu không có những biến động đặc biệt trên thị trường. Trong khi đó, Megastar áp đặt giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem là 25.000 đồng sau thuế làm cho giá thuê phim tăng trung bình 19%-30%). Ngoài ra, Megastar còn có dấu hiệu “áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa dịch vụ”.

Tờ Tuổi trẻ cho biết, trước thông tin về “giao dịch triệu đô” giữa Megastar và tập đoàn CJ (Hàn Quốc) trong khi đang bị kiện, một quan chức Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định, doanh nghiệp mua Megastar sẽ phải kế thừa trách nhiệm. Điều đó đồng nghĩa, nghĩa vụ với vụ kiện sẽ không thay đổi.

Chiến lược “vết dầu loang”

Megastar – tên viết tắt của Công ty liên doanh Megastar Media JV Việt Nam khai trương cụm rạp đầu tiên tại tòa nhà Vincom – Hà Nội vào tháng 4/2006. Ngay lập tức, cụm rạp với 8 phòng chiếu này đã trở thành hình mẫu hiện đại hàng đầu Việt Nam. Thời kỳ đầu, với giá vé cao gấp đôi các rạp bình thường, Megastar từng vắng khách đến độ người ta nghĩ liên doanh này khó cầm cự. Nhưng, nói như ông Chủ tịch HĐQT Megastar, kinh doanh chiếu bóng trông về lâu dài chứ không phải vài ba năm, nhà phát hành và chiếu bóng nước ngoài dày dạn kinh nghiệm này biết cách để chờ đợi, để đi từng bước vững chắc và thu được thành công.

Chỉ vài năm, “vết dầu loang” Megastar đã lan ra 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai) với 7 cụm rạp gồm 54 phòng chiếu được khai thác hết công suất. Năm 2005 (khi chưa có Megastar), doanh số vé bán được của các rạp toàn quốc là 2 triệu USD, thì năm 2008 con số đó là 12 triệu USD, trong đó Megastar chiếm 7 triệu.

Chiếm 60% doanh thu phòng vé ở Việt Nam, Megastar đạt doanh thu ước tính khoảng 23 triệu USD vào năm ngoái. Ngoài ra, Megastar được biết tới như một trong những đầu mối phân phối phim hàng đầu tại Việt Nam, nhà hoạt động của 4 hãng phim lớn của Hollywood ở thị trường Việt Nam và là đơn vị được hai hãng phát hành phim lớn nhất Hollywood là United International Pictures và Buena Vista International ủy thác phát hành độc quyền tại Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, với 7 cụm rạp, liên doanh này đã đạt được thỏa thuận vay 25 triệu USD từ ngân hàng ANZ để mở rộng phát triển kinh doanh với mục tiêu 10 cụm rạp và 100 rạp chiếu. Ngoài nhóm khách hàng có thu nhập khá trở lên, việc mở rộng rạp của Megastar còn nhằm hướng tới phân khúc khán giả có thu nhập trung bình. Tham vọng này đang khiến các đơn vị chiếu bóng hạng vừa và nhỏ lo ngay ngáy.

Được biết, sắp tới Megastar sẽ tăng thêm số lượng cụm rạp. Cụ thể, cụm rạp thứ 2 ở Hà Nội với quy mô và tiêu chuẩn quốc tế đang được gấp rút hoàn thiện tại tòa nhà Picomall với màn hình vòng cung.

“Đắt xắt ra miếng”

Từ năm 2006, Megastar trở thành điểm đến của những người yêu điện ảnh cho dù giá vé gấp đôi, gấp 3 nơi khác.

Cách thức kinh doanh của chủ rạp rất nhanh nhạy với thị trường và nắm bắt tâm lý khách hàng rất tốt.

Megastar đã tạo một thói quen hưởng thụ sản phẩm điện ảnh đỉnh cao cho khán giả trẻ Việt Nam. Việc cùng lúc được thưởng thức các siêu phẩm bom tấn với thị trường lớn nhất Bắc Mỹ đã trở thành một thói quen, thậm chí với khán giả tuổi “teen”, chọn

Megastar là cách để trưng diện, để thể hiện sự “sành điệu” của bản thân nữa.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here