5 bước xây dựng chiến dịch social media hiệu quả

0
704

Alan Seng – chuyên viên truyền thông xã hội (social media) chuyên nghiệp, đã “chạy” 10 chiến dịch lớn và phát triển 5 mạng truyền thông xã hội cho các cơ quan chính phủ Singapore, các công ty tư nhân, và startup.

Với những kinh nghiệm đó, trên Tech in Asia, Alan Seng đã chia sẻ 5 bước cần tuân thủ để xây dựng chiến lược truyền thông xã hội hiệu quả mà tiết kiệm như sau.

Bạn cần có thời gian để xây dựng cộng đồng. Quá trình này có thể kéo dài và tẻ nhạt, thậm chí, việc đơn giản như duy trì hoạt động của trang truyền thông cho một startup cũng là một chặng đường dài.

Ngày nay, mạng xã hội sẽ giống như kênh chăm sóc khách hàng mặc định của một công ty. Ngay khi có thắc mắc gì, khách hàng tiềm năng sẽ tìm đến Facebook hay Twitter để tìm hiểu và đặt câu hỏi. Với một trang Facebook lâu ngày không cập nhật hay đã ngừng hoạt động, khách hàng sẽ có cảm giác cửa hàng của bạn đóng bụi và bị bỏ trống. Họ sẽ không tin tưởng và tâm lý này ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua hàng.

Tuy nhiên, bạn cũng không cần tốn quá nhiều tiền bạc để đầu tư vào mạng xã hội, thay vào đó, bạn chỉ cần một chiến lược nội dung phù hợp. Đây là tin vui cho doanh nghiệp nhỏ hay các startup để có thể duy trì hoạt động truyền thông xã hội với chi phí dễ chịu trên một chặng đường dài.

Bước 1: Hiểu sản phẩm của bạn

Thấu hiểu sản phẩm của bạn tốt như thế nào và mang đến lợi ích gì cho người tiêu dùng là cách tốt để bắt đầu thiết kế thông điệp cho chiến dịch. Hãy nghĩ khách hàng của bạn cần gì: Bạn có mang đến giá trị thiết thực cho họ không? Bạn có đang kết nối cảm xúc với khách hàng? Bạn có đưa đến cho họ một lời đề nghị khó từ chối?

Nếu ý tưởng của bạn không đủ hấp dẫn chính bạn, nó cũng sẽ không thuyết phục được bất cứ ai.

Hãy làm khảo sát, lấy ý kiến khách quan về thông điệp tiếp thị của bạn từ những người không quen biết. Từ đó, bạn sẽ có được những phản hồi chính xác nhất về những điều bạn đang cố gắng truyền tải đến khách hàng.

Bước 2: Hiểu biết về khán giả của bạn

Nếu bạn không chắc chắn những khách hàng mục tiêu của sản phẩm là ai, bạn sẽ không biết cần phải thực hiện chiến dịch gì trên Facebook, đặc biệt là khi bạn dự định trả một phần chi phí cho việc này.

Ngay cả khi đã xác định đối tượng của những chiến dịch, bạn cũng cần suy nghĩ thật kỹ lưỡng những câu hỏi sau, vì chúng sẽ cung cấp cho bạn những dữ liệu hữu ích để bạn nhanh chóng tiếp cận được đúng đối tượng khách hàng:

  • Khách hàng của bạn là ai?
  • Hành vi phổ biến của họ trên mạng xã hội là gì?
  • Điều gì trên mạng xã hội có thể kích thích khách hàng của bạn?

Bước 3: Biết được khách hàng của bạn ở đâu?

Có một ngạn ngữ: “Bạn không tìm một chú khỉ dưới nước”. Nghĩa là, muốn tiếp cận được ai đó, bạn cần phải biết họ đang ở đâu. Có hàng chục mạng xã hội đang tồn tại và mỗi sản phẩm phù hợp với một số tuýp người nhất định.

Vì thế, nếu bạn biết khách hàng của mình là ai, bạn sẽ biết cần tiếp cận với họ thông qua mạng xã hội nào là tốt nhất. Bạn chỉ nên tập trung tiền bạc và thời gian cho kênh thông tin mà khách hàng của bạn sử dụng thường xuyên. Nếu bạn chạy một chiến dịch B2B, các hoạt động bằng Facebook không phải là lựa chọn tốt nhất.

Bước 4: Xây dựng nội dung

Nội dung tốt là thứ níu giữ những khách hàng đã theo dõi trang xã hội của bạn. Trước tiên, bạn cần đặt câu hỏi: Tại sao khán giả của bạn sẽ quan tâm đến những nội dung này? Bạn có mang đến thông tin giá trị không? Bạn có mang đến trải nghiệm tốt cho những người theo dõi không?

Tiếp theo, bạn cần xác định nội dung sao cho phù hợp và hỗ trợ được cho những sản phẩm của bạn. Nếu bạn đang hướng đến truyền thông thị giác, các kênh như Instagram hay Pinterest là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, bạn cần đầu tư nhiều vào chất lượng hình ảnh và đẩy mạnh thực hiện các infographic.

Nếu bạn hướng đến những kênh truyền thông cơ bản như Facebook hay Twitter, bạn có thể sử dụng một tổ hợp các nội dung như: video, podcast và các bài viết.

Cuối cùng, hãy tạo nên thương hiệu cho những nội dung mà bạn tạo ra. Bạn hãy cho khách hàng và những người theo dõi trang xã hội của bạn cảm nhận được phong cách, sự khác biệt của bạn so với những trang khác. Bạn có phong cách, thể hiện được cá tính, đường lối riêng khi viết bài, cách chọn những nội dung để chia sẻ. Hãy khiến trang xã hội của bạn có cá tính nhưng đừng là một trang cá nhân, nói những vấn đề của riêng bạn.

Bước 5: Định lượng và đo lường

Điều này rất quan trọng khi bạn tham gia vào mạng xã hội. Nhiều người đã bỏ qua bước này và đánh mất cơ hội phát triển khi không thu hút được khách hàng tiềm năng. Khi bạn đưa quá nhiều thông tin trên Facebook và Twitter, bạn sẽ không biết mình cần tập trung cho nội dung nào.

Để bắt đầu, bạn hãy lập một bảng tính để ghi lại dữ liệu trong thời gian một tuần. Bạn tập trung vào những tương tác của khách hàng như like, comment, share và lượt click. Bạn có thể thử nghiệm các nội dung trên trang xã hội và ghi chú lại những thay đổi hành vi của người đọc trên bảng tính để đo lường sự tăng trưởng của chiến dịch.

Tất cả những việc bạn cần làm là luôn luôn cố gắng tạo ra những nội dung tốt và thu hút khách hàng.

Bạn cần cho mỗi thí nghiệm đủ thời gian để nhận thấy hiệu quả của nó. Nghĩa là bạn đừng mong đợi video đầu tiên đã thu hút thật nhiều lượt xem. Sau một thời gian, bạn sẽ có một bảng tính ghi lại đầy đủ những ý tưởng, nội dung nào được yêu thích và mang lại hiệu quả nhất cho chiến dịch truyền thông của mình.

Lưu ý cuối cùng

Mọi thứ trên mạng xã hội thay đổi rất nhanh. Xu hướng đến rồi đi, thói quen tiêu dùng hay các thuật toán đều thay đổi mà không báo trước. Vì thế, xây dựng một cộng đồng yêu thích sản phẩm của bạn trên phương tiện này cũng giống như xây lâu đài cát trên bãi biển. Tất cả những việc bạn cần làm là luôn luôn cố gắng tạo ra những nội dung tốt và thu hút khách hàng.

“Hãy tiếp tục xây dựng những lâu đài cát, và xây thật tốt”, Tech in Asia bình luận.

5/5 - (1 bình chọn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here