Đường đến 15 tỷ USD của Viettel

0
1195

Viettel là “quả đấm thép” được kỳ vọng sẽ đạt doanh thu 15 tỉ USD năm 2015 để đưa ngành công nghệ thông tin Việt Nam bước lên tầm cao mới.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) xác nhận mục tiêu đạt doanh thu 15 tỉ USD vào năm 2015 của Viettel. Nhìn vào mức doanh thu 7,7 tỉ USD năm 2013 của Viettel, nhiều người tỏ ra hoài nghi về tham vọng quá lớn này. “Nếu nhìn vào những gì Viettel hiện có thì mục tiêu này có vẻ khó. Tuy nhiên, mở rộng khái niệm hoạt động của Viettel thì mục tiêu này không hề xa”, ông Hùng phát biểu trên báo chí. Hơn nữa, thời gian để Viettel chạm đích 15 tỉ USD rất gấp gáp trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Từ tỉ đồng đến tỉ đô

Năm 2012, Viettel chính thức giữ vị trí số 1 trên thị trường viễn thông và là một tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu về cả doanh thu, lợi nhuận cũng như đóng góp vào ngân sách. Đây là công ty viễn thông có bước phát triển ấn tượng nhất cả nước, dù sinh sau đẻ muộn, nhưng hiện nay trở thành công ty có doanh thu lớn nhất, vượt qua cả “ông lớn” VNPT với hai “con gà đẻ trứng vàng” MobiFone và VinaPhone. Chặng đường của Viettel được vẽ lại bằng những nét chấm phá từ những ngày đầu với chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị”. Lúc Viettel bước chân vào thị trường này đã có hai “ông lớn” MobiFone và Vinaphone đang thống lĩnh thị trường. Viettel không chọn cách đối đầu trực tiếp mà đi đường vòng – phủ sóng về khu vực nông thôn. Khi thành trì nông thôn của Viettel đã vững vàng với hệ thống trạm thu phát sóng hòa mạng hầu hết các tỉnh thành, nhà mạng này lại có thêm độc chiêu “vừa bán vừa cho” điện thoại Viettel, loại điện thoại chỉ dùng được sóng di động Viettel.

Chính sách khôn ngoan đó giúp Viettel trở nên gần gũi hơn với hình ảnh người nông dân cầm điện thoại di động khắp nơi, từ đồng ruộng, khi chăn bò, lúc trò chuyện nghỉ ngơi… Nhờ chiến dịch marketing thông minh này, Viettel khai thác được một lượng lớn khách hàng nông thôn. Đó là chưa kể, họ còn xây dựng mạng lưới cộng tác viên là những nông dân đi bán sim di động lúc nông nhàn để tăng thu nhập ở khắp vùng thôn quê. Thông qua đó, Viettel đạt được hiệu quả quảng bá cao hơn là việc quảng cáo trên báo chí, truyền hình trong thời gian đầu. Cứ như thế, những chiếc điện thoại di động này dần đẩy lui chiếc điện thoại cố định vào quá khứ.

Ngoài nông dân, Viettel còn khai thác được một đối tượng khách hàng khác mà sau này đã khiến những nhà mạng khác phải ngước nhìn: học sinh và sinh viên. Đây là đối tượng ít tiền và lúc bấy giờ còn rất ít người dùng điện thoại di động. Trong lúc các nhà mạng khác mải mê đánh chiếm những vùng xa mà bỏ lơ nhóm đối tượng này, Viettel đi tiên phong với những gói cước ưu đãi và gói cước phụ huynh – học sinh để cha mẹ dễ dàng quản lý con cái. Hầu như mức cước Viettel thu được không đáng kể ở phân khúc này. Tuy nhiên, đây chính là nguồn đầu tư cho tương lai của Viettel, những lớp học sinh đó sau này trở thành giới văn phòng, doanh nhân… người đem lại cho Viettel doanh thu lớn. Chính việc đầu tư bài bản và có phần ngược chiều so với những nhà mạng khác đã giúp Viettel đạt doanh thu “khủng” và lợi nhuận mỗi năm đều ở mức 20-25%.

Khi Viettel đã xây vững thành trì nông thôn và “dạy” người dân nơi đây cách dùng điện thoại di động, các nhà mạng khác mới hốt hoảng nhìn thấy nguy cơ bị soán ngôi. Họ rầm rập kéo về nông thôn thì Viettel lại tiến quân ngược về thành thị, tiếp tục viết nên câu chuyện “bành trướng” khắp mọi ngõ ngách đất nước. Chiến lược của nhà mạng khoác áo lính là đi ngược dòng, xây dựng hệ thống trạm thu phát sóng ở các thành phố lớn, cạnh tranh sòng phẳng từ đó sinh ra tiền. Nắm chắc sân nhà, Viettel là một trong số những doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam tiến quân ra nước ngoài. Với 7 giấy phép đầu tư ở nước ngoài, Viettel đã có thị trường 110 triệu dân (Lào, Campuchia, Đông Timor, Mozambique, Cameroon, Haiti và Peru), tức là lớn hơn cả thị trường 90 triệu dân trong nước. Bốn nước đã kinh doanh có lãi với tổng số thuê bao đang hoạt động là gần 10 triệu thuê bao. Đặc biệt, tại Mozambique, với dự án Movitel, Viettel đã có lợi nhuận chỉ sau 6 tháng chính thức kinh doanh. Với hơn 2 triệu thuê bao được phát triển mới, Movitel được đánh giá là dự án đầu tư hiệu quả nhất của Việt Nam vào châu Phi kể từ năm 2008 đến nay. Trong năm 2013, các dự án đầu tư của Viettel tại nước ngoài đạt doanh thu 1 tỉ USD, tăng 30% so với 2012 và lợi nhuận đạt 150 triệu USD. Từ 2-3 tỉ đồng vốn đầu tư ban đầu vào viễn thông năm 1995, đến năm 2007 Viettel đã đạt doanh thu 1 tỉ USD và đến nay là gần 8 tỉ USD.

Môi trường làm việc kiểu nhà binh

Trước cổng trụ sở tập đoàn viễn thông này có một hình ảnh mang tính biểu tượng. Thay vì có lính gác, tập đoàn cho đặt hai bức tượng lớn kích cỡ bằng người thật, một bên là tượng nhà bác học đeo kính trắng, tay cầm sách, còn bên kia là người thợ cầm búa và thước kẻ. Văn phòng của Viettel cũng không phải là nơi phô trương thành tích, mà là nơi trưng bày những tấm bảng về mục tiêu và công việc còn dang dở, như lời nhắc nhở nhân viên về con đường gian nan phía trước. Một nguồn tin am hiểu cho hay, quản lý nhân sự của Viettel vô cùng gắt gao. Nhân sự được tuyển vào đã khó, trụ lại được còn khó gấp bội. Mỗi đợt tuyển dụng, trong số gần 100 bộ hồ sơ, Viettel chỉ chọn ra vài ba người. Ví dụ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Viettel, số lượng nhân sự tính đến ngày 20/3/2013 là 441 người. Trong đó có 33 tiến sĩ, 63 thạc sĩ chuyên ngành và 244 cử nhân đại học. Mục tiêu nhân sự đến năm 2015 sẽ là 1.000 người, năm 2020 sẽ là 2.500 người để đơn vị này vươn tới tầm khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, tập đoàn còn áp dụng chính sách mỗi năm cho nhân viên “thi” một vài lần (khoảng 1 quý/ lần) để xếp loại nhân viên, ai cũng có thể bị loại khỏi cuộc chơi nếu như không vượt qua được bài kiểm tra định kì này. Thế mới có chuyện nhân viên Viettel phải liên tục cố gắng. Người Viettel cũng phải chuẩn bị sẵn tinh thần được cử sang Lào, Haiti, Mozambique để làm việc.

“Ở Viettel có một chính sách: đi nước ngoài cũng giống như ngày xưa đi bộ đội nghĩa vụ, đó là nhiệm vụ của bất kỳ người nào làm ở Viettel thì phải đi nước ngoài bất kỳ lúc nào. Nếu như anh thấy do hoàn cảnh gia đình hoặc anh không thích, anh không muốn thì anh ra khỏi Viettel”, tân Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời phỏng vấn trên báo chí như vậy. Đặc biệt, nhân viên của Viettel không phải là những người phải đi nước ngoài trước, mà họ sẽ chỉ lên đường sau khi chỉ huy đã đi tiền trạm trước. “Khi có động đất hay có dịch bệnh ở bên đấy thì anh chỉ huy cũng đi trước”, ông Hùng nói. Cứ lần lượt cấp lãnh đạo tập đoàn, giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng rồi mới đến nhân viên đi sau cùng để thực hiện những kế hoạch đã được lãnh đạo vạch sẵn.

Mốc 15 tỉ USD có khả thi?

Thực tế đã chứng minh, Viettel đang trên đà phát triển rất mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng hàng năm cao, đặc biệt là tại các thị trường nước ngoài. Tốc độ đầu tư cao thời gian gần đây cũng cho thấy quyết tâm của tập đoàn này trong việc hiện thực hóa mục tiêu 15 tỉ USD doanh thu vào năm 2015. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn đang chờ Viettel ở phía trước.

Chính việc đầu tư bài bản và có phần ngược chiều so với những nhà mạng khác đã giúp Viettel đạt doanh thu “khủng” và lợi nhuận mỗi năm đều ở mức 20-25%.

Cuộc vật lộn OTT

Dịch vụ thoại, nhắn tin miễn phí của Viber, Whatsapp, Lines, Zalo… đã cạnh tranh mạnh mẽ với các nhà mạng viễn thông trong nước. Trước thực trạng giá dịch vụ 3G trong nước rất thấp so với nước ngoài, nhà mạng cũng không thể ngay lập tức tăng giá lên cao, do vậy các doanh nghiệp viễn thông trong nước (trong đó có Viettel) đang gặp khó khăn. Thực tế, dịch vụ thoại và nhắn tin miễn phí trên các ứng dụng OTT đang gây thất thu lớn cho nhà mạng viễn thông. Hãng nghiên cứu thị trường Ovum thống kê rằng, năm 2012 dịch vụ SMS và thoại miễn phí đã khiến các mạng viễn thông trên thế giới thất thu 23 tỉ USD. Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng thì qua theo dõi, Viettel nhận thấy doanh thu trên các thuê bao 3G sử dụng smartphone có cài đặt các ứng dụng OTT thường giảm khoảng 15 – 20% trên 1 thuê bao. Nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và Viber thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm 40 – 50%, vì hiện 80% doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông vẫn đang đến từ những dịch vụ viễn thông cơ bản như điện thoại, nhắn tin.

Đầu năm 2014, rò rỉ nhiều thông tin Viettel sẽ mua lại Viber hoặc Kakao Talk để chính thức bước chân vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, Viber đã được bán cho Rikaten của Nhật Bản, Kakao Talk thì đang được định giá quá cao. Nếu đúng Viettel mua Kakao Talk thì đây là một thương vụ táo bạo của nhà mạng này. Một tin đồn đã xuất hiện khá lâu trong giới công nghệ là Viettel có ý muốn mua lại Zalo của VNG và đang đàm phán giá cả. Dù mua bất cứ hãng OTT nào, câu hỏi lớn nhất là Viettel sẽ làm gì tiếp theo với một sản phẩm về bản chất là đang ăn dần vào doanh thu của ngành chính?

Thị trường bão hòa

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến giữa năm 2013, Việt Nam đã có khoảng 136 triệu thuê bao di động, tức là gấp hơn 1,5 lần dân số Việt Nam. Có thể thấy thị trường viễn thông di động trong nước đang có dấu hiệu sẽ bão hòa nhanh chóng. Nửa đầu năm 2013 cũng chứng kiến việc số lượng thuê bao di động của hầu hết các nhà mạng đều chững lại. Thêm vào đó, Viettel không có chỉ số doanh thu trên thuê bao (ARPU) cao so với các nước trong khu vực cũng như các nhà mạng khác như MobiFone (theo nguồn tin không chính thức là khoảng 4-6 USD/thuê bao/tháng). Rõ ràng, Viettel không thể trông chờ vào nguồn thu này được nữa, đặc biệt là khi còn bị chia sẻ doanh thu cho các nhà khai thác dịch vụ OTT.

Một mảng khác mà Viettel đang khai thác là dịch vụ cung cấp thiết bị đầu cuối. Đây không phải là thế mạnh của Viettel và hiện tại họ đang bị cạnh tranh khốc liệt từ những nhà sản xuất chuyên nghiệp như Nokia, Samsung… Dù có rất nhiều ấp ủ, nhưng cho đến nay những sản phẩm của Viettel vẫn chưa có đột phá gì ngoài những vụ scandal nhập hàng Trung Quốc và một số ít sản phẩm bán cầm chừng. Đó là chưa kể thị trường thiết bị đầu cuối trong nước có quá nhiều người khai thác, các doanh nghiệp Việt rơi rụng gần hết. Những dịch vụ khác như truyền dẫn, bưu chính hay cả đầu tư bất động sản rõ ràng rất “khó xơi”, vì vậy xem ra muốn kiếm nhiều tiền từ thị trường trong nước như Viettel mong muốn không hề đơn giản.

Tiền nước ngoài khó kiếm

Không thể nói Viettel không thành công khi xuất ngoại, tuy nhiên, khó khăn là chắc chắn có và không hề nhỏ. Điển hình là giữa năm 2013 doanh nghiệp này đã nếm trái đắng khi trượt thầu ở Myanmar. Trong tổng số 7 thị trường mà Viettel đang đầu tư ở nước ngoài, có những thị trường Viettel vẫn chưa trả hết nợ, chưa thu hồi được vốn. Dù có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng số tiền chuyển về nước hiện tại không phải là lớn. Những thị trường thành công như Haiti thì lợi nhuận lại thấp. Hơn thế, hầu hết các nước mà Viettel đầu tư đều có nền kinh tế chậm phát triển, mức thu nhập bình quân thấp, là những quốc gia có địa hình không thuận lợi, nhiều đồi núi, nhiều thiên tai, hạn hán hoặc bất ổn về chính trị. Tất nhiên, khó khăn đã rõ ràng, nhưng theo lời ông Nguyễn Mạnh Hùng thì “nơi dễ dàng đã hết rồi”.

Hiểu rõ thị trường trong nước không còn nhiều cơ hội để gia tăng mạnh lợi nhuận, Viettel Global đang chuẩn bị tăng vốn điều lệ thêm 300 triệu USD. Mục đích là tạo điều kiện cho việc mở rộng hoạt động ra thêm 10-15 nước, tăng quy mô thị trường lên gấp 6 lần vào năm 2014. Cho đến năm 2015, chỉ mới sau 1 năm mở rộng đầu tư, những thị trường mới này không thể mang lợi nhuận, doanh thu cao cho Viettel. Hơn nữa, VNPT cũng đã nhìn thấy cơ hội từ các thị trường khác nên cũng đã theo bước Viettel tấn công các thị trường nước ngoài, vậy là gia tăng thêm cạnh tranh.

Cú hích người chỉ huy mới

Đầu năm 2014, Viettel có Tổng Giám đốc mới, như đã nói ở đầu bài là ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó Tổng Giám đốc công ty. Ông Hùng nổi tiếng là người mang lại nhiều dấu ấn cho Viettel cũng như chính là người tạo nhiều khác biệt cho ngành công nghệ thông tin nước nhà. Ông đang được kỳ vọng trở thành thủ lĩnh mới giúp Viettel vượt qua giai đoạn thị trường khó khăn hiện nay. “Viettel hôm nay cũng đã bắt đầu ì ạch và chúng tôi cần một cú hích, một sự “đe dọa” về doanh thu suy giảm nhanh để đổi mới, sáng tạo”, ông Hùng nhấn mạnh.

Dưới thời tướng Hùng, Viettel chính thức từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông để chuyển sang khái niệm nhà cung cấp. Ông Hùng nhấn mạnh: “Thực ra Viettel đã thực hiện việc chuyển đổi này được gần 2 năm. Hiện nay số lượng người mà Viettel đầu tư cho phát triển ứng dụng là gần 10.000 người. Đến năm 2015, sẽ có 40% người Viettel tập trung vào phát triển các ứng dụng. Viettel xác định doanh thu mà ngành viễn thông đem lại vào năm 2015 sẽ chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của Viettel trên toàn cầu”

Viettel đang lấn sân sang hàng loạt lĩnh vực mới như: truyền hình trả tiền, quản lý dữ liệu, tìm kiếm việc làm, sản xuất thiết bị thông tin, bất động sản… Trong đó nổi bật nhất là câu chuyện Viettel sẽ tiến quân vào lĩnh vực truyền hình trả tiền còn đang màu mỡ vào tháng 4 năm nay. Việt Nam hiện chỉ mới có khoảng 20% hộ dân dùng truyền hình trả tiền, tương đương 4,5 triệu thuê bao, còn rất nhiều đất cho Viettel tung hoành. Ngoài ra, Viettel cũng quan tâm đến những lĩnh vực khác. Mới đây, Viettel cùng với một công ty thành viên đã mua lại 70% cổ phần của Xi măng Cẩm Phả từ Tổng Công ty Vinaconex. Trong lĩnh vực tài chính, Viettel là cổ đông lớn nhất nắm gần 15% cổ phần của Ngân hàng Quân Đội và 33% cổ phần của Công ty Tài chính Vinaconex-Viettel.

Phải tăng trưởng bao nhiêu?

Theo ông Hùng, để đạt được doanh thu 15 tỉ USD trong năm 2015 thì Viettel phải có thị trường quy mô khoảng 500 triệu dân, doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn gấp 3 – 5 lần thị trường trong nước. Trong khi đó, doanh thu hiện thời từ thị trường nước ngoài mới chỉ đạt khoảng 1/10 thị trường nội địa. Năm 2013, mức doanh thu này cũng khá cao, khoảng 1 tỉ USD, tương ứng với mức tăng trưởng gần 30% so với năm 2012. Cứ cho rằng, liên tục trong 2 năm tới tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp này tăng lên khoảng 50% mỗi năm thì đến năm 2015, mảng kinh doanh nước ngoài cũng chỉ mới mang lại cho Viettel chưa đến 3 tỉ USD. Nếu xét về mục tiêu chung thì năm 2013 tăng trưởng của Viettel ước đạt 15%, doanh thu khoảng 7,7 tỉ USD. Giả định Viettel duy trì liên tục mức tăng trưởng cao 20% mỗi năm cho đến năm 2015 thì công ty cũng chỉ đạt khoảng 11 tỉ USD, còn thiếu 4 tỉ USD mới đạt mục tiêu.

Phân tích tất cả các yếu tố trên, có thể tạm kết luận rằng, việc đạt đủ 15 tỉ USD doanh thu trong hai năm tới thực sự là thử thách lớn cho tập đoàn viễn thông nhà binh này. Liệu Viettel có chứng minh được mình là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu Việt Nam?

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here