Nội Dung Chính
Ngài Richard Branson là một sự kết hợp của nhiều mâu thuẫn. Một người đàn ông trông có vẻ rụt rè nhưng lại tạo nên được sức hút xung quanh mình.
Một người có tinh thần trách nhiệm xã hội cao nhưng lại sống như ẩn dật trên hòn đảo Necker (tại quần đảo Virgin thuộc Anh) do ông sở hữu. Một nhà hoạt động môi trường rất tích cực đang muốn đưa khách du lịch giàu có bay vào vũ trụ.
Nhưng một trong những mẫu thuẫn lớn nhất ở ông chính là con người mà ông phô diễn trước công chúng – một doanh nhân điều hành đế chế kinh doanh rộng lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực – lại không hề phản ánh đúng con người ông trên thực tế. Bởi lẽ, sự thật là Ngài Richard gần như không tham gia điều hành gì cả. Tập đoàn Virgin Group của ông nắm giữ cổ phần trong nhiều doanh nghiệp khác nhau nhưng với vai trò là nhà đầu tư hơn là nhà điều hành. Virgin Group gần giống như một công ty tư nhân lớn quản lý một danh mục đầu tư rộng khắp và danh mục này do các nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp đứng ra phụ trách. Phần lợi nhuận thu về sẽ được chuyển cho gia đình Branson thông qua một số công ty ủy thác và một mạng lưới các công ty holding.
“Richard quan tâm đến điều gì đang xảy ra trong danh mục đầu tư, chứ không điều hành bất kỳ doanh nghiệp nào trong đó. Mối quan tâm hằng ngày của ông không nằm ở chuyện điều hành doanh nghiệp”, ông Josh Bayliss, Tổng Giám đốc Virgin Group Holdings (VGH), quản lý danh mục đầu tư và thương hiệu Virgin của Ngài Richard, nhận xét.
Trong số khoảng 80 doanh nghiệp mang thương hiệu Virgin, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ lữ hành, vận tải, giải trí, cho đến viễn thông, truyền thông, chưa tới phân nửa là do VGH nắm cổ phần trực tiếp. Các công ty Virgin kiếm được 15 tỉ bảng Anh doanh thu trong năm tài chính vừa qua, nhưng những công ty này gần như không có mối liên quan gì đến giá trị và tình hình hoạt động của công ty holding. VGH sở hữu 27% cổ phần trong 12 công ty Virgin lớn nhất xét về doanh thu.
Đáng chú ý là những công ty này thậm chí không phải là khoản nắm giữ quan trọng nhất trong danh mục đầu tư của VGH. Virgin Money, công ty Virgin lớn thứ 12 xét về doanh thu, chiếm 15% danh mục đầu tư, trong khi Virgin America là 10%, theo sau là Virgin Active, Virgin Atlantic và Virgin Mobile France.
Ngài Richard cho biết Tập đoàn đang trong “vị thế mạnh nhất từ trước đến nay” và “đang dồi dào tiền mặt”.
Phần lớn số tiền VGH kiếm được không phải đến từ các khoản đầu tư – nhất là khi một số doanh nghiệp lớn mang họ Virgin không hề kiếm ra một đồng lợi nhuận nào – mà từ các khoản phí Tập đoàn thu của các công ty này vì cho mượn cái tên Virgin.
Vì vậy “mỗi ngày trôi qua, khi Richard trở nên già đi, vấn đề duy trì thương hiệu Virgin lại càng trở nên lớn hơn, vì thương hiệu chủ yếu gắn chặt với hình ảnh của ông ấy”, Jez Frampton, Tổng Giám đốc tổ chức tư vấn thương hiệu Interbrand, nhận xét.
Giấc mơ không gian
Bàn tay vàng của Ngài Richard Branson đã giúp đưa một công ty kinh doanh đĩa theo đơn đặt hàng qua bưu điện trở thành một tập đoàn toàn cầu với 80 công ty mang thương hiệu Virgin. Ông nhảy vào mọi thứ từ tàu vũ trụ, các khoản vay thế chấp cho đến video game và hiện xếp thứ 7 trong danh sách các tỉ phú Anh do Tạp chí Forbes bình chọn. 44 năm sau khi Ngài Richard mở công ty đầu tiên, giá trị tài sản ròng của VGH giờ ước tính vào khoảng 5 – 5,5 tỉ bảng Anh.
Kể từ năm 2005, Ngài Richard, giờ đã 64 tuổi, đã rời khỏi hoạt động điều hành hằng ngày tại VGH để tập trung vào các hoạt động từ thiện và du lịch không gian. Đặc biệt, ông đặt nhiều kỳ vọng vào công ty du hành vào không gian Virgin Galactic. Với công ty này, ông hy vọng không chỉ đưa mọi người vào không gian mà còn khai thác thương hiệu cá nhân của ông và của thương hiệu Virgin nhằm gia tăng các cơ hội nhượng quyền, đặc biệt là tại Mỹ.
Về mô hình kinh doanh của Galactic, VGH đi theo mô hình khởi nghiệp yêu thích của Tập đoàn. Đó là dùng vốn tài trợ tư nhân mà thường là có một tổ chức khác cùng tham gia góp vốn. VGH cho biết, cho đến nay, Virgin Galactic đã nhận được tới 600 triệu USD vốn đầu tư, trong đó 380 triệu USD là của Aabar, đơn vị đầu tư nhà nước của Abu Dhabi.
Cơ cấu của VGH cho phép tài trợ vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư. Và giờ thì Virgin Galactic đã xài hết khoản tiền của Aabar, nên công ty này đang phải dùng đến tiền từ VGH. Ông Bayliss cho biết Virgin không huy động thêm vốn từ Aabar, cũng không tìm kiếm đối tác mới.
Liệu vốn VGH có đủ để trang trải các chuyến bay thử nghiệm của Virgin Galactic, nhất là khi sự cố tàu vũ trụ SpaceShipTwo của Virgin Galactic bị phát nổ hồi 31.10 vừa qua. Điều này càng khiến cho nhiều người đặt dấu hỏi về giấc mơ không gian của Ngài Richard. Chuyến bay thương mại vào vũ trụ dự kiến sẽ diễn ra vào năm tới càng trở nên ít có khả năng xảy ra đúng như kế hoạch.
Ngài Richard đã cam kết sẽ tiếp tục thử nghiệm các con tàu vũ trụ và dường như không có kế hoạch từ bỏ Virgin Galactic. Và hồi đầu tháng 11, Công ty trả lời tờ Financial Times rằng chỉ 3% trong số khoảng 700 người đã đăng ký một suất bay (đặt cọc trước 20.000 USD hoặc thanh toán toàn bộ tiền vé là 250.000 USD) là yêu cầu hoàn tiền lại.
Nếu Ngài Richard quyết định từ bỏ Virgin Galactic, việc trả lại 380 triệu USD cho Aabar, 89 triệu USD tiền vé khách hàng đã trả trước và “cú sốc” đối với bảng cân đối kế toán hơn 220 triệu USD sẽ không quá nặng nề đối với VGH, nhất là khi xét đến việc danh mục đầu tư của VGH trị giá tới hơn 5 tỉ bảng Anh. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục với Virgin Galactic, đây lại là một vấn đề khác.
Bởi vì VGH được điều hành như một công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân, nên câu hỏi đặt ra là làm thế nào đảm bảo dòng tiền liên tục chảy vào tiếp sức cho Virgin Galactic và các doanh nghiệp Virgin khác. VGH có thể duy trì dòng vốn rót bao lâu nữa?
Ngài Richard cho biết Tập đoàn đang trong “vị thế mạnh nhất từ trước đến nay” và “đang dồi dào tiền mặt”. VGH cũng đang xúc tiến kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cho Virgin Money. VGH cũng đang triển khai IPO cho Virgin America, hãng hàng không Mỹ mà VGH sở hữu 22% cổ phần, theo hồ sơ doanh nghiệp này gửi lên Ủy ban Hối đoái và Chứng khoán Mỹ.
Virgin America chỉ mới có lãi trở lại vào năm ngoái. Đợt lên sàn sắp tới của Virgin America được các ông chủ kỳ vọng sẽ định giá hãng hàng không này ở mức lên tới 1 tỉ USD. Và quan trọng là đợt IPO của Virgin America sẽ cho phép hoàn trả hoặc chuyển đổi thành vốn cổ phần ít nhất 650 triệu USD giá trị khoản nợ, cộng với tiền lãi từ món nợ này. Món nợ trên là Virgin America nợ VGH và nhà đồng đầu tư của nó là công ty quản lý quỹ Cyrus Capital.
VGH cho biết phần lớn số tiền thu về sẽ vẫn được giữ lại trong Virgin America để dùng vào việc hỗ trợ cho tăng trưởng của Công ty trong tương lai nhưng nó cũng cho VGH một số ít tiền mặt nắm trong tay để phòng thân.
VGH sử dụng tiền mặt hoặc cổ phần trong các công ty Virgin để hỗ trợ cho các công ty Virgin khác. Nhưng rất khó để đánh giá tính bền vững lâu dài của các công ty này.
Trong thế giới đầu tư tư nhân, các thỏa thuận tài chính như vậy không phải là lạ, trước khi một khoản đầu tư được thoái vốn. Tuy nhiên, vì kể từ năm 2007, Virgin America không hề trả lãi cho món nợ nói trên, nên rất khó để đánh giá tính sinh lời trong hoạt động kinh doanh của hãng hàng không này.
VGH không tiết lộ số tiền mặt có trong danh mục đầu tư của mình, dù nói rằng có “hàng trăm triệu USD sẵn có trong tay”. Giá trị của Tập đoàn phụ thuộc vào việc giá trị tài sản của các khoản đầu tư có tăng lên hay không. Nhưng thu nhập của VGH lại đến từ phần cổ tức và dòng tiền thu được từ các khoản đầu tư này, bao gồm lãi trên món nợ mà Tập đoàn đã cho các công ty Virgin vay, số tiền thu được từ các hoạt động tái cấp vốn, bán hoặc niêm yết cũng như nguồn doanh thu từ việc cấp phép dùng thương hiệu Virgin.
Thực sự là không có gì sai luật về việc VGH sử dụng tiền mặt hoặc cổ phần trong các công ty Virgin để hỗ trợ cho các công ty Virgin khác. Nhưng rất khó để đánh giá tính bền vững lâu dài của các công ty này và có thể “bóp méo” các quyết định điều hành, gây thiệt hại cho các cổ đông nhỏ lẻ.
Dấu hỏi lớn về tương lai của Virgin
Một câu hỏi thậm chí còn lớn hơn đối với VGH và các công ty khác sử dụng thương hiệu Virgin là mức độ thiệt hại mà vụ phát nổ tàu vũ trụ ngày 31.10 có thể gây ra cho giá trị của doanh nghiệp.
Virgin America cũng nói xa nói gần về thương hiệu Virgin. “Chúng tôi không kiểm soát thương hiệu Virgin và vì thế, phản ứng tiêu cực của công chúng đối với thương hiệu Virgin có thể đảo ngược lại triển vọng của công ty chúng tôi”, Virgin America khuyến cáo trên bản cáo bạch IPO của Hãng.
Ông Bayliss cho biết tiền bản quyền – tức khoản tiền thu được từ việc cho phép các công ty sử dụng thương hiệu Virgin – đã tăng ổn định trong những năm gần đây và “sức nặng” của chúng trên danh mục đầu tư nói chung của VGH cũng tăng tương ứng. Doanh thu từ thương hiệu Virgin giờ lên tới khoảng 120 triệu USD mỗi năm. Thương hiệu được định giá dựa trên cơ sở dòng tiền chiết khấu (DCF) ở mức xấp xỉ 1 tỉ bảng Anh. Như vậy, thương hiệu Virgin chiếm một tỉ trọng đáng kể trong tổng giá trị 5 – 5,5 tỉ bảng Anh của VGH.
VGH đã tập trung phần lớn kế hoạch bành trướng ở Bắc Mỹ trong những năm qua và kỳ vọng sử dụng hoạt động của Virgin Galactic để tăng sức hấp dẫn cho thương hiệu Virgin tại đây. “Ngài Richard rất nổi tiếng ở New York nhờ vào Virgin Atlantic, nhưng ra ngoài New York, ông ấy không nổi tiếng như thế”, ông Frampton, thuộc Interbrand, nhận xét.
Vẫn còn một vấn đề gây bàn cãi là liệu sự cố ở Virgin Galactic có làm ảnh hưởng đến nguồn thu từ tiền bản quyền của VGH.
Ông Bayliss thì cho rằng thương hiệu Virgin đang tự đứng vững trên đôi chân của mình. “Nếu bạn đổi thương hiệu Virgin Atlantic, một hãng hàng không, thành Cloud Airways chẳng hạn, họ sẽ trả tiền bản quyền ít hơn, nhưng về mặt chiến lược và hoạt động, Virgin Atlantic sẽ tiếp tục làm những gì xưa nay nó vẫn làm, mặc dù không có lợi ích từ thương hiệu Virgin mang lại”, ông nói.“Hơn bất cứ ở đâu khác, tại Anh, Ngài Richard có liên quan rất lớn đến những gì người ta cảm nhận về thương hiệu Virgin. Nhưng nó là một thương hiệu rất đa dạng và trưởng thành, biểu tượng cho nhiều thứ ở nhiều thị trường khác nhau”, Bayliss nhấn mạnh.
Vẫn còn một vấn đề gây bàn cãi là liệu sự cố ở Virgin Galactic có làm ảnh hưởng đến nguồn thu từ tiền bản quyền của VGH, nhất là khi người ta liên tưởng tới những thất bại trước đó trong việc gia tăng hình ảnh thương hiệu Virgin ở thị trường Bắc Mỹ.
Mặc dù đã phải giảm mức giá mà Tập đoàn kỳ vọng sẽ huy động được từ đợt IPO của Virgin Money, nhưng VGH cho biết sự cố SpaceShipTwo đã không gây tác động gì đến mức định giá dự kiến cho đợt IPO của Virgin America. “Trong 7-8 năm qua, kể từ khi Richard ít can thiệp vào điều hành hơn, chúng tôi đã chú trọng đến việc xây dựng giá trị cho doanh nghiệp với một thương hiệu vượt ra ngoài phạm vi gây ảnh hưởng của Richard”, ông Bayliss nói.