Đại dương xanh của “con nhà nghèo”

0
750

Khiêm tốn về tiềm lực so với các đối thủ ngoại, song với chiến lược đầu tư, kinh doanh khác biệt, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã gây dựng được tên tuổi ở thị trường quốc tế.

Câu chuyện về cuộc đổ bộ vào thị trường châu Phi

Cuối tháng 10/2014, lãnh đạo Tập đoàn Viettel đã cử Nguyễn Đức Quang, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư quốc tế sang giữ chức CEO Movitel – liên doanh giữa Viettel và Công ty SPI tại Mozambique.

Nguyễn Đức Quang được biết đến như một trong những cán bộ mở đường của Viettel tại thị trường quốc tế, kinh qua nhiều chức danh chủ chốt của Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) – đơn vị chịu trách nhiệm đầu tư ra nước ngoài của Viettel.

Mozambique là một trong những quốc gia nghèo ở châu Phi, với diện tích hơn 800.000 km2, dân số khoảng 24 triệu người, GDP đầu người 823 USD/năm.

Câu chuyện khai phá thị trường Mozambique bắt đầu từ năm 2008, khi Nguyễn Đức Quang tham gia đoàn xúc tiến đầu tư của Chính phủ. Với kinh nghiệm “trận mạc” trước đó tại Campuchia và Lào,

Viettel nhận ra đây là thị trường tốt, là cánh cửa mở ra địa bàn châu Phi. Một kế hoạch xúc tiến đầu tư đã được lên kế hoạch để Viettel tham chiến tại thị trường này.

Trước hết, Viettel phải tìm một đối tác địa phương để thành lập liên doanh. Cái tên được tìm kiếm là SPI – một công ty thương mại có tiếng của Mozambique. Năm 2010, ông Nguyễn Mạnh Hùng, khi đó là Phó tổng giám đốc Tập đoàn và Nguyễn Đức Quang bay sang Mozambique để lựa chọn đối tác. Sau gần nửa năm trời đi lại bàn thảo, với những cuộc đàm phán dường như bất tận, hợp đồng liên doanh được ký kết vào lúc 2 giờ sáng tại Thủ đô Hà Nội.

Để giành được giấy phép viễn thông thứ 3 tại Mozambique vào năm 2010, Viettel đã vượt lên 12 đối thủ sừng sỏ đến từ nhiều châu lục. Viettel thắng không phải vì bỏ giá cao nhất, mà đạt điểm kỹ thuật cao (90/100 điểm).

Khác biệt – đó là triết lý kinh doanh của Viettel. Theo đó, Viettel đầu tư dồn dập, đầu tư diện rộng, đầu tư vào các địa bàn xa xôi, cách trở. Đầu tư xong mới kinh doanh, kinh doanh với giá thấp đi cùng phổ cập dịch vụ cho người dân và hỗ trợ ngành giáo dục dùng Internet miễn phí, hỗ trợ Chính phủ, công an, quân đội…

Ở thị trường Mozambique cũng vậy, ngay sau khi nhận giấy phép vào tháng 1/2011, Movitel đã nhanh chóng xây dựng hạ tầng và đến tháng 11/2011 đã có vùng phủ sóng lớn nhất, vượt qua 2 đối thủ có thâm niên 15 năm là Vodacom và Mcel. Ngày 15/5/2012, Movitel chính thức khai trương dịch vụ, mở ra một cuộc cạnh tranh chưa từng có tại thị trường này.

CEO Nguyễn Đức Quang cho biết, mới sau gần 3 năm hoạt động, Movitel đã trở thành mạng viễn thông có vùng phủ sóng lớn nhất nước này, với 3.000 trạm phát sóng và 27.000 km cáp quang, chiếm 38% thị phần (khoảng 4 triệu thuê bao).

Việc triển khai nhanh khiến đối thủ của Movitel là Vodacom phải ngay lập tức gia tăng đầu tư. Movitel kéo cáp quang, mở trạm BTS đến đâu, Vodacom cũng mở đến đó. Vô hình trung, Movitel đã kéo đối thủ của mình vào cuộc chơi, mà phần thắng là một thị trường viễn thông cạnh tranh, người dân Mozambique được hưởng lợi do giá cước giảm còn một nửa, các dịch vụ phục vụ dân sinh, xã hội được phủ rộng, năng lực cạnh tranh quốc gia được tăng lên.

Bà Safura, Chủ tịch HĐQT Movitel, trong cuộc trò chuyện hiếm hoi với các nhà báo đến từ Việt Nam đã 3 lần nhắc lại câu “Movitel đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Mozambique”.

Với bước đi thích hợp, thành quả đã đến tại thị trường Mozambique. Doanh thu nửa cuối năm 2012 đạt 70 triệu USD, năm 2013 đạt 155 triệu USD, còn năm 2014 trên 170 triệu USD. “Chúng tôi quyết tâm sẽ hoàn vốn đầu tư vào năm 2017”, CEO Nguyễn Đức Quang tự tin nói về mục tiêu của Movitel.

Khi đã trở thành người đồng hành, cơ hội đầu tư của Viettel có vẻ sẽ không dừng lại. “Chúng tôi ưu tiên mời Viettel đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài viễn thông như truyền hình trả tiền, giải pháp về công nghệ thông tin, vì Mozambique là thị trường còn hoang sơ, còn nhiều thứ phải làm, trong khi Viettel có thế mạnh trong các lĩnh vực đó”, bà Safura nói.

Thành công của Viettel tại Mozambique là chìa khóa để Tập đoàn mở cánh cửa ra các địa bàn lân cận. Từ Mozambique, Viettel chính thức có thêm các thị trường Burundi, Cameroon, Tanzania. Nhiều nhà lãnh đạo của Angola, Tanzania, Chad, Sierra Leon, Liberia, Kenya… đã sang Mozambique tìm hiểu cách làm của Movitel và mong muốn Viettel sẽ tới đất nước họ đầu tư. Châu Phi đã trở thành địa bàn chiến lược trong trụ cột đầu tư nước ngoài của Viettel.

Chọn thị trường nào?

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho biết, thị trường viễn thông nhìn chung có 3 loại: thị trường chưa phát triển, với độ phủ dưới 20% dân số; thị trường đang phát triển, với độ phủ dưới 60%; thị trường đi vào bão hòa, với độ phủ trên 60%.

Trừ thị trường chưa phát triển, thì dù ở đâu, viễn thông cũng là lĩnh vực cạnh tranh cao và khá rủi ro. Ngay như ở Việt Nam, khi các đối tác nước ngoài đầu tư vào 2 mạng là SFone và Vietnammobile, thị trường mới có độ phủ dưới 60%, nhưng đến nay, SFone đã chết lâm sàng, còn Vietnammobile đang gặp khó khăn. Trên thế giới có 1.500 công ty đang nắm giữ giấy phép, nhưng chỉ 500 công ty có lãi.

Thị trường dưới 20% hiện chỉ còn Myanmar, Cuba, CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, thị trường có độ phủ 20 – 60% còn khá nhiều, nhất là tại châu Phi.

Theo ông Hùng, Viettel tham gia đầu tư ngoài nước muộn hơn doanh nghiệp khác khoảng 20 năm, do vậy những chỗ “ngon ăn” đã hết, mà chỉ còn những chỗ “xương xẩu”. Chẳng hạn ở Mỹ, mỗi thuê bao bình quân mang lại cho nhà đầu tư 60 USD/tháng, còn sang Haiti chỉ 2,5 USD, trong khi vốn đầu tư, công sức ban đầu là giống nhau. Nhưng Viettel có muốn vào Mỹ cũng không được, vì họ không còn giấy phép viễn thông. Viettel xác định rất rõ, mình là nhà đầu tư, nên chỗ nào có “cửa” thì đầu tư, cho dù có khó khăn. Bởi chỗ khó mà làm được, thì chỗ nào cũng sẽ làm được. Đó là cách mà Viettel chọn đại dương xanh cho không gian phát triển của mình.

Nghèo cũng là lợi thế cạnh tranh

Ra nước ngoài đồng nghĩa với việc Viettel sẽ cạnh tranh với hàng trăm nhà mạng hùng mạnh nhất thế giới, như Bharti Airtel, Zantel, Claro, O2, Vodafone, Telefonica, Ame-rica Movil, Beeline, Singtel, Telecom Malaysia… So với họ, Viettel chỉ là “người tí hon”, nhưng vẫn chiến thắng.

“Nghèo cũng là một lợi thế cạnh tranh, là vũ khí của Viettel”

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Viettel chiến thắng các đối thủ lớn và thành công ở các thị trường lớn ở nước ngoài nhờ… Viettel là con nhà nghèo. “Nghèo cũng là một lợi thế cạnh tranh, là vũ khí của Viettel”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng cho biết, những tập đoàn viễn thông lớn của thế giới đầu tư ở Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique… thường quen với thị trường giàu, có doanh thu trung bình của một thuê bao di động (ARPU) là hàng chục USD/tháng. Khi vào những thị trường mà ARPU chỉ ở mức 10 USD/tháng, thậm chí dưới 5 USD/tháng, họ sẽ gặp khó khăn lớn. Trong khi đó, Viettel đã quen cạnh tranh và thành công ở Việt Nam, nơi có ARPU dưới 5 USD/tháng, thậm chí có nơi chỉ 1 – 2 USD/tháng. Triết lý “con nhà nghèo” nghe có vẻ chẳng liên quan gì đến đầu tư, nhưng trên thực tế, nhờ việc giảm chi phí, giảm giá thành, mà Viettel đã thành công ở nhiều thị trường.

Chẳng hạn, khi Viettel đầu tư vào Haiti, nhiều đại gia khác như Singtel, Telecom Malaysia, Vodafone cũng đã nhòm ngó thị trường này, nhưng họ không thể triển khai được vì không cử được người sang, vì những chuyên gia của họ không chấp nhận được mức sống ở đó. Trong khi đó, “lính” Viettel quen kham khổ, nên không ngại khổ. Thêm nữa, viễn thông là một ngành có lợi nhuận cao, nên các công ty viễn thông thường mắc “bệnh nhà giàu”, tiêu biểu là bệnh “outsourcing” (thuê ngoài). Bệnh này xuất hiện khi doanh nghiệp đã phát triển, quá nhiều tiền, nên lười vận động, ở bất cứ công đoạn nào cũng nghĩ tới “thuê ngoài”. Viettel thì ngược lại, họ làm tất, nên dù doanh thu thấp mà vẫn lãi lớn.

Viettel đã chứng minh được một điều rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đầu tư ra nước ngoài và thành công. Chỉ sau 8 năm bước chân ra thị trường thế giới, đến nay, Viettel đã có mặt tại 9 quốc gia, với tổng dân số 175 triệu dân, gần gấp đôi dân số Việt Nam. Tính đến nay, thị trường nước ngoài đã mang về 278 triệu USD lợi nhuận cho Viettel. Đó là kết quả của sự lựa chọn đúng thị trường, chớp cơ hội nhằm cụ thể thế chiến lược của mình.

Đánh giá hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Viettel, ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét: “Viettel là một trong 6 nhà đầu tư Việt Nam ra nước ngoài có vốn đầu tư đăng ký trên 1 tỷ USD. Cách tiếp cận, lựa chọn địa bàn và đối tác đầu tư của Viettel đến nay đều tốt. Viettel ưu tiên bảo toàn vốn đưa ra, nhanh chóng thu hồi vốn đã đầu tư về nước, tiền để bên ngoài chủ yếu là lợi nhuận và khả năng sinh lời tài sản tại thị trường ngoài nước. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Viettel góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khá tốt, đem lại lợi ích thiết thực cho nước sở tại”.

Tại Hội nghị Toàn cầu vừa diễn ra, Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: “Viettel đang xây dựng chiến lược phải trở thành công ty toàn cầu. Viettel cũng đang đặt mục tiêu đầu tư vào khoảng 25 nước, với thị trường nước ngoài từ 600 đến 800 triệu dân vào năm 2020 và nằm trong Top 10 doanh nghiệp viễn thông thế giới”.

Gặp CEO Nguyễn Đức Quang vừa cùng cộng sự của mình từ Mozambique về Hà Nội dự Hội nghị, được chứng kiến người Viettel không kể quốc tịch tham gia sôi nổi vào các sự kiện giao lưu văn hóa, thể thao, tôi chợt nhớ chia sẻ của bà Safura: “Người Viettel đã tạo nền tảng cho sự thay đổi lớn, họ lao động cần cù và sáng tạo, họ sẵn lòng đến bất kỳ nơi đâu và quan trọng hơn, họ luôn được ghi nhận và trân trọng”. Phải chăng, đó là bộ gene làm nên một Viettel toàn cầu như sự khẳng định của “thuyền trưởng” Nguyễn Mạnh Hùng.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here