Đầu tư kiểu Thế giới di động: Cửa hàng nhỏ + nhiều = Thu tiền to

0
1009

Từ Thế giới di động tới chuỗi điện máy Xanh và trong tương lai là Thế giới thực phẩm, chiến lược của Thế giới di động luôn có một điểm chung.

Ông Nguyễn Đức Tài, nhà sáng lập của chuỗi bán lẻ này từng phát biểu, đầu tư tại Việt Nam có những đặc thù rất khác, vì vậy không thể cứ sao chép nguyên trạng mô hình của nước ngoài về là có thể thành công.

Công thức thành công của Thế giới di động

Sự khác biệt mà ông Tài nhắc đến, có lẽ dễ thấy nhất là diện tích mỗi địa điểm, một điểm chung trong các chuỗi mà công ty này đã và đang dự dịnh triển khai. Trong khi các siêu thị điện máy tập trung xây dựng theo mô hình đại siêu thị, quy mô lên tới vài nghìn mét vuông và bày bán đầy đủ các loại mặt hàng từ di động đến điện máy, Thế giới di động lại chọn ngách nhỏ hơn.

Chuỗi cửa hàng TGDĐ không bán tập trung vào mặt hàng điện máy, tốn diện tích và tăng trưởng chậm như TV, tủ lạnh, mà tập trung vào nhóm hàng ICT (điện thoại, máy tính bảng, laptop) nhỏ gọn, tốn ít diện tích trưng bày và tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều.

Hệ quả là chi phí đầu tư để mở 1 cửa hàng mới của TGDĐ rất thấp. Ông Vũ Đăng Linh, giám đốc tài chính TGDĐ cho biết, chi phí mở mới một cửa hàng TGDĐ hiện chỉ khoảng 2 – 2,5 tỉ đồng. Mặt hàng ICT lại có sức tăng trưởng trên 20%/năm, trong khi tăng trưởng của hàng điện tử tiêu dùng chỉ là trên 10%.

Chi phí thấp giúp chuỗi cửa hàng này gia tăng số lượng cửa hàng rất nhanh chóng. Nếu năm 2009, chuỗi này có 38 cửa hàng thì chỉ sau 5 năm, số lượng cửa hàng đã tăng gấp 9 lần. Tính tới thời điểm này, chuỗi này đã có tới 465 cửa hàng.

Việc tăng nhanh về số lượng cửa hàng đẩy doanh thu của Thế giới di động nhảy vọt. 8 tháng năm 2015, doanh thu của chuỗi Thế giới di động đạt 12,6 nghìn tỉ đồng, cao nhất trong ngành bán lẻ điện máy Việt Nam. Mô hình của Thế giới di động về sau cũng được một số chuỗi khác vận dụng và gặt hái thành công. Fshop của FPT là một ví dụ. Chỉ sau 2 năm đi vào vận hành, chuỗi này đạt doanh thu trên 5,2 nghìn tỉ trong năm 2014 và tuyên bố bắt đầu có lãi.

“Một ưu thế của mô hình nhỏ đó là với những địa điểm kinh doanh không mang lại kết quả mong muốn, TGDĐ có thể nhanh chóng đóng cửa”, một chuyên gia trong ngành cho biết. Trong khi đó, với những doanh nghiệp theo mô hình đại siêu thị điện máy, việc đóng cửa một trung tâm sẽ có tác động rất lớn.

Điện máy Xanh tiếp bước

Chiến lược quy mô nhỏ, chọn một nhóm mặt hàng để đánh tập trung tiếp tục được TGDĐ áp dụng khi quay lại với hàng điện máy truyền thống. Điện máy Xanh, khi bán TV, tủ lạnh cũng tuân thủ nghiêm ngặt công thức thành công cũ của TGDĐ: Không hướng tới mặt bằng lớn.

Một trung tâm điện máy Xanh sẽ có diện tích rộng chỉ 800m2, trong khi diện tích chuẩn của một đại siêu thị điện máy là 4.000 – 5.000m2 cho diện tích bày bán và tổng diện tích có thể lên tới 10.000m2. Chi phí đầu tư sẽ vào khoảng 50 tỉ đồng. Trong khi ước tính, chi phí trung bình cho một trung tâm sẽ vào khoảng từ 6 – 10 tỉ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mô hình truyền thống.

“Chi phí đầu tư cho một trung tâm điện máy Xanh cao hơn từ 3 – 5 lần so với một cửa hàng Thế giới di động, tùy vào kích thước, diện tích từng địa điểm”, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc của TGDĐ cho biết.

Cơ cấu hàng bày bán tại điện máy Xanh là 25% hàng ICT và 75% hàng điện máy tiêu dùng. Tuy nhiên, để phù hợp với diện tích bị co nhỏ lại, trung tâm này định hướng rõ: Không phải cái gì cũng bán mà chỉ tập trung vào nhóm sản phẩm chủ lực, bán tốt nhất.

“90% mặt hàng tại điện máy Xanh sẽ chỉ tập trung vào nhu cầu phổ thông của khách hàng. Chúng tôi loại bỏ các mặt hàng không phổ thông và chỉ tập trung đa dạng hóa nhóm chủ lực”, đại diện chuỗi này cho biết.

Việc thay đổi cơ cấu không chỉ giúp điện máy Xanh tăng doanh số mà còn giảm diện tích trưng bày. Sau khi bỏ tên cũ là dienmay.com để chuyển sang tên điện máy Xanh vào tháng 5 năm nay, chuỗi điện máy này cũng tăng số lượng rất nhanh. Tính tới thời điểm này, chuỗi này có 36 địa điểm. Nếu so với những tên tuổi “gạo cội” cùng ngành điện máy như Nguyễn Kim, Mediamart, HC, Trần Anh,… Điện máy Xanh vụt lên trở thành chuỗi có nhiều trung tâm nhất. Nguyên nhân không chỉ nhờ vào nguồn lực tài chính dồi dào, mà còn đến từ chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn rất nhiều so với mô hình truyền thống.

8 tháng đầu năm 2015, chuỗi điện máy Xanh đạt doanh thu 2,4 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 183%. Dù doanh thu còn nhỏ, nhưng tốc độ tăng trưởng của điện máy Xanh so với các doanh nghiệp còn lại trong ngành là khá đáng nể.

Mở ra 500 trung tâm nhỏ mang tới cái lợi lớn hơn rất nhiều so với mở ra vài chục siêu thị lớn. Mục tiêu của TGDĐ năm nay là đạt hơn 23,5 nghìn tỉ đồng doanh thu. Với những kết quả hiện tại, mục tiêu này là khả thi.

Sẽ còn nhiều chuỗi khác nữa…

Tất nhiên, để làm được như Thế giới di động không hề đơn giản. Chiến lược này đòi hỏi kỹ năng quản lý chuỗi cực tốt. Để vận hành trơn tru vài trăm địa điểm bán lẻ không phải là bài toán quản trị mà doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng có thể làm được. Nó cũng cho thấy TGDĐ đã nắm vững tâm lý mua sắm cũng như đặc thù tiêu dùng ở Việt Nam.

Những dự định trong tương lai của Thế giới di động cũng gắn liền với chữ nhỏ. Với tuyên bố chuyển sang lĩnh vực thực phẩm, doanh nghiệp này tuyên bố sẽ ra mắt “Thế giới Thực phẩm với không gian giống siêu thị, chuyên tập trung vào nhóm hàng thực phẩm”. Diện tích của thế giới thực phẩm là 200m2.

Theo một chuyên gia trong ngành bán lẻ siêu thị, mô hình siêu thị thông thường cần diện tích trung bình 800 – 1000m2 để trưng bày đầy đủ các loại mặt hàng. Với diện tích chỉ 200m2, Thế giới thực phẩm sẽ là mô hình siêu thị mini. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Thế giới thực phẩm cũng sẽ chỉ tập trung vào những mặt hàng thiết yếu với nhu cầu sử dụng lớn.

Với kết quả kinh doanh ấn tượng, Thế giới di động đang ở thời điểm kinh doanh cực thịnh và việc nhảy sang lĩnh vực thực phẩm có thể coi là bước đi mới để tìm động lực phát triển. Theo ông Doanh, quy mô của thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu từ 20 – 30 tỉ USD/năm, cao gấp 4 – 5 lần so với hàng điện thoại, điện gia dụng. Mục tiêu được chuỗi này đặt ra là 30 – 50 cửa hàng trong 24 tháng tới.

Lựa chọn một lĩnh vực bán lẻ hoàn toàn mới so với trước đây, nhưng Thế giới di động vẫn chọn cách tiếp cận cũ: Cửa hàng nhỏ + nhiều = Thu tiền to.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here