Soi mô hình bán lẻ của tỷ phú Indonesia mà MWG đang theo đuổi

0
733

Năm 1994, Alfamart mở cửa hàng đầu tiên, đến nay, chuỗi bán lẻ này sở hữu hơn 10.000 cửa hàng với doanh thu vượt ngưỡng 3 tỷ USD năm ngoái.

Cuối tháng 8 vừa rồi, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động .MWG công bố thử nghiệm kinh doanh trong ngành thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh thông qua chuỗi bán lẻ mang tên Bách hóa Xanh.

Giai đoạn thử nghiệm kéo dài trên một năm, MWG dự tính bỏ ra số vốn không dưới 30 tỷ đồng để mở từ 30-50 cửa hàng. Diện tích mỗi cửa hàng khoảng 150-400m2.

Theo công bố của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch kiêm CEO MWG tại buổi gặp mặt nhà đầu tư cuối tuần trước, trong giai đoạn phủ sóng, chuỗi cửa hàng này sẽ có quy mô vài nghìn cái nhằm đáp ứng tiêu chí mua nhanh và rẻ cho người tiêu dùng. Ông Tài cũng cho biết Bách hóa Xanh đi theo mô hình cửa hàng Alfamart ở Indonesia.

Alfamart không phải là cái tên quá xa lạ đối với ngành bán lẻ Việt Nam. Hồi năm 2010, Alfamart từng lên kế hoạch liên doanh với FPT phát triển chuỗi bán lẻ của mình tại thị trường Việt Nam.

Song đến năm 2014, tập đoàn bán lẻ này đã hủy bỏ kế hoạch vì gặp nhiều trở ngại về mặt pháp lý. Thay vào đó, ông chủ Alfamart đã mở rộng hoạt động sang thị trường Philippines.

Chuỗi Anfamart hiện được quản lý bởi tập đoàn Alfamart thuộc sở hữu của tỷ phú Djoko Susanto người Indonesia và gia đình.

Cửa hàng đầu tiên được ông Djoko mở năm 1994 khi đó mang tên Alfa Minimart với mục tiêu hướng tới người tiêu dùng bình dân bằng sự tiện lợi và giá cả phải chăng. Djoko bắt đầu đẩy mạnh hoạt động từ năm 2002 khi mở 141 cửa hàng vào thời điểm đó và đổi tên thương hiệu thành Alfamart.

Đến nay, Alfamart đang là chuỗi bán lẻ lớn nhất Indonesia và nắm trên 30% thị phần bán lẻ siêu thị mini tại nước này, theo công bố của tập đoàn.

Hơn 10.300 cửa hàng Alfamart tại Indonesia đang phục vụ cho hơn 3 triệu lượt khách hàng mỗi ngày. Tổng số khách hàng tham gia chương trình thành viên của họ là 5,5 triệu người.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, chuỗi bán lẻ này đã mở thêm hơn 500 cửa hàng mới. Có thể nói, chiến lược của nhà bán lẻ này là xuất hiện với mật độ dày đặc tại các thành phố lớn, chủ yếu tập trung ở khu vực thủ đô Jakarta.

Các cửa hàng Alfamart có diện tích từ 90 – 100m2 nằm hầu hết trong các khu dân cư. Có tới 30% số cửa hàng Alfamart hoạt động dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu.

Ngoài chuỗi Alfamart, tập đoàn này còn sở hữu nhiều chuỗi cửa hàng khác, trong đó có chuỗi cửa hàng tiện lợi liên doanh với Lawson của Nhật. Hiện tập đoàn đang làm việc với trên 500 nhà cung ứng hàng hóa khác nhau.

Theo Nielsen, các chuỗi siêu thị mini tại Indonesia đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng gần 19% trong nửa đầu năm nay.

Doanh thu hằng năm của chuỗi Alfamart tăng trung bình 28%. Năm 2014, doanh thu chuỗi bán lẻ này vượt ngưỡng 3 tỷ USD.

Lợi nhuận ròng cũng tăng trưởng trung bình 22,3% mỗi năm, đạt trên 42 triệu USD năm 2014.

Alfamart đã tiến vào thị trường Philippines từ tháng 7/2014, thông qua việc bắt tay liên doanh với đại gia bán lẻ SM Group (Philippines). Cửa hàng đầu tiên được mở ở vùng ngoại ô Manila. Theo tờ Philippines Star, tính đến tháng 3/2015, liên doanh này đã mở 30 cửa hàng mang thương hiệu Alfamart.

Tờ InsideRetail thì cho biết, các cửa hàng Alfamart tại Philippines có diện tích từ 150 – 300 m2, chi phí tối đa để mở mới một cửa hàng là 681.000 USD (trên 15 tỷ đồng).

Liên doanh Alfamart – SM Group kỳ vọng chuỗi Alfamart sẽ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong vòng 5 năm tới, đồng thời số lượng cửa hàng được kỳ vọng sẽ lên đến con số 3.000.

Năm 2010, ông chủ của Alfamart lần đầu lọt vào danh sách 25 người giàu nhất Indonesia sau hơn 15 năm hoạt động. Theo Forbes, tính đến tháng 10/2015, Djoko Susanto đang nắm giữ khối tài sản trị giá 1,18 tỷ USD.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here