Nội Dung Chính
Sau cuộc cách mạng “bình dân hóa” dịch vụ thông tin di động, Viettel mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang các dịch vụ số để vượt qua thách thức từ sự phát triển của OTT.
Trước khi được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), ông Tống Viết Trung giữ vai trò Giám đốc Công ty Thông tin Di động Viettel (nay chuyển thành Tổng công ty Viễn thông Viettel). Ông đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược “di động cho mọi người” 12 năm trước cũng như đưa ra chiến lược cho cuộc cách mạng số hiện nay.
Hãy đơn giản hóa
* Khi bắt đầu cung cấp dịch vụ thông tin di động, nhiều người ngạc nhiên vì Viettel chọn cách “chăm sóc người nghèo”, trong khi người giàu mới là nhóm khách hàng đem lại lợi nhuận cao. Ông có thể lý giải điều này?
Chiến lược của Viettel từ trước đến nay luôn là phổ cập dịch vụ đến mọi người, chứ không tập trung vào nhóm khách hàng giàu hay nghèo. Tuy nhiên, do số lượng người có thu nhập trung bình và thấp ở Việt Nam 12 năm trước chiếm tỷ lệ lớn nên mọi người hiểu đó là chiến lược “tập trung cho người nghèo”. Về bản chất, Viettel không phân biệt người nghèo hay người giàu khi cung cấp dịch vụ, họ đều là khách hàng của chúng tôi.
Di động là một ngành kinh tế quy mô (economies of scale), nghĩa là hiệu quả chỉ có được khi quy mô khách hàng đủ lớn. Lúc đó, chi phí trên đầu thuê bao sẽ giảm và đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nắm được đặc điểm này, Viettel đã thúc đẩy chiến lược phổ cập dịch vụ một cách có hệ thống xuyên suốt toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, từ phát triển trạm cho đến xây dựng kênh phân phối, tạo điều kiện cho người dân truy cập và sử dụng dịch vụ mọi nơi mọi lúc với mức giá phù hợp.
* Một nhà mạng mới ra đời chọn cách phổ cập dịch vụ cho cả người nghèo đòi hỏi hạ tầng phải được đầu tư rất nhanh và lớn. Viettel đã gặp phải những khó khăn gì?
Đầu tiên là vốn, giá thiết bị, rồi thiết kế mạng lưới, cách xây dựng trạm BTS, xây dựng hệ thống kênh phân phối, rồi làm sao để truyền thông sâu rộng đến mọi người… Chúng tôi may mắn tìm được cách đàm phán, lựa chọn nhà cung cấp thiết bị với giá phù hợp, lại được trả chậm.
Khi triển khai mạng lưới trên quy mô lớn, Viettel chọn cách đơn giản hóa quá trình thiết kế cũng như đầu tư xây dựng, vì nếu làm như các mạng trước đó thì phải mất hàng chục năm. Chúng tôi làm ra bản thiết kế mẫu cùng các hướng dẫn để khi mang xuống từng địa phương, họ có thể tự điều chỉnh theo thực tế.
Mô hình này được chúng tôi gọi đùa là kiểu Tôn Ngộ Không – có thể biến một thành hàng trăm, hàng nghìn người như nhau và thực hiện được rất nhanh. Nếu không, Viettel làm sao đủ kỹ sư viễn thông trình độ cao để công việc được triển khai đồng loạt trên toàn quốc nhanh như vậy.
Ngoài ra còn có rất nhiều vấn đề khác, nhưng chúng tôi đều kiên trì xử lý. Quan trọng nhất vẫn là hãy đơn giản hoá, tìm ra mấu chốt để giải quyết bài toán.
* Chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị” thuộc về Viettel ngay từ đầu hay học hỏi kinh nghiệm nước ngoài?
“Đưa dịch vụ viễn thông về nông thôn, Viettel nhận được sự ủng hộ rất lớn, đặc biệt từ những người có thu nhập thấp, trước đây chưa từng có cơ hội sử dụng điện thoại di động.”
Tống Viết Trung
Có những thứ không có sẵn từ đầu mà phải trong quá trình thực hiện, chiến lược mới dần sáng tỏ. Như tôi đã nói, việc đầu tư lớn hạ tầng ở vùng nông thôn là tầm nhìn chiến lược của công ty. Trong ngành viễn thông, khách hàng càng nhiều thì chi phí đầu tư/khách hàng càng rẻ. Do đó, chúng tôi tự tin mua và lắp đặt hàng nghìn trạm phát sóng trên toàn quốc.
Kết quả là lượng khách hàng lựa chọn và sử dụng dịch vụ của Viettel tại khu vực nông thôn rất đông; tốc độ tăng trưởng khách hàng cao hơn thành thị nhiều. Khái niệm “lấy nông thôn vây thành thị” cũng hình thành từ đó.
Nhờ đầu tư mạnh cho mạng lưới nông thôn, vùng sâu vùng xa, Viettel có sự tăng trưởng đột biến bởi 75% dân số Việt Nam sống ở thị trường tiềm năng nhưng lại bị bỏ quên này. Hơn nữa, là một doanh nghiệp quốc phòng, chúng tôi có nhiệm vụ triển khai mạng lưới nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và duy trì trật tự an toàn xã hội.
Chúng tôi luôn nghĩ đến bài toán làm chủ công nghệ
* Thông thường, các mạng di động khi phát triển dịch vụ mới đều cần những nhà cung cấp hệ thống hỗ trợ thực hiện. Vì sao Viettel có thể tự làm mọi thứ?
Khi kinh doanh viễn thông, chúng tôi luôn tính đến bài toán làm chủ công nghệ. Xét cho cùng, người thắng cuộc là người nắm và làm chủ công nghệ tốt nhất. Hạ tầng của Viettel đều do chúng tôi tự học, tự xây dựng để phù hợp với nhu cầu và đặc điểm cụ thể của mình. Chúng tôi cũng tự xây dựng phần mềm quản lý chứ không phụ thuộc vào đối tác bên ngoài, dù việc này rất khó khăn.
Phần mềm BCCS (hệ thống tính cước và chăm sóc khách hàng) đạt giải thưởng IT World Awards 2016 là sự khích lệ lớn. BCCS thành công dựa vào ý tưởng kinh doanh, tổ chức cũng như cách vận hành của Viettel. Nếu phụ thuộc bên ngoài quá nhiều ở những hệ thống quan trọng, chúng tôi sẽ khó phát triển nhanh.
* Điểm khác biệt mà Viettel đem tới trong lĩnh vực VT – CNTT là gì?
Trước đây, việc ứng dụng CNTT vào các hệ thống lớn của doanh nghiệp, tổ chức Nhà nước thường tủn mủn, không tạo ra điểm nhấn nổi bật. Cách Viettel tiếp cận là giải pháp tổng thể, bao phủ hoạt động của đơn vị và tạo giá trị mới. Những điều này nếu doanh nghiệp, tổ chức tự làm cũng có thể được, nhưng sẽ mất 10-15 năm. Trong khi đó, với sự hỗ trợ của Viettel, thời gian cần thiết chỉ khoảng 1-2 năm. Viettel sẽ đưa CNTT đến khách hàng dưới hình thức dịch vụ trọn gói – điều mà chúng tôi đã thực hiện thành công với dịch vụ viễn thông.
* Trong chiến lược đưa CNTT kết hợp với viễn thông đến từng ngõ ngách của cuộc sống, Viettel đã đầu tư hạ tầng cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức lớn nhưng lại chưa thể thu tiền được ngay. Tính rủi ro của thương vụ này rất lớn, Viettel có suy tính gì khi “nắm dao đằng lưỡi”?
Đã làm doanh nghiệp thì phải chấp nhận rủi ro. Viettel tin rằng nếu mình đem lại giá trị thực sự cho khách hàng thì mình sẽ không phải chịu thiệt thòi. Đừng quá lo lắng về rủi ro, hãy tập trung sáng tạo những giá trị mới – những giá trị thực sự cho khách hàng.
Chúng tôi đang chuyển sang các dịch vụ số
“Đừng quá lo lắng về rủi ro, hãy tập trung vào việc tạo ra giá trị mới – những giá trị thực sự cho khách hàng.”
Tống Viết Trung
* Bình thường, một công ty có giải pháp cho vấn đề nhức nhối trong xã hội thì việc thu tiền cho giải pháp đó là bình thường. Thế nhưng, tại sao Viettel lại cung cấp miễn phí phần mềm Antispam (phần mềm chặn tin nhắn rác) cho khách hàng?
Khách hàng là tài sản quý giá nhất của chúng tôi. Không chỉ liên tục cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mới với chất lượng tốt, Viettel luôn đặt trách nhiệm bảo vệ khách hàng lên hàng đầu. Antispam giúp khách hàng của Viettel tránh khỏi phiền toái từ vấn nạn tin nhắn rác, vì vậy chúng tôi kiên quyết không thu phí với công cụ bảo vệ này.
Dự kiến cuối năm nay, Viettel tiếp tục cung cấp giải pháp bảo mật Viettel Mobile Security để bảo vệ khách hàng ở mức cao hơn nữa.
* Với sự bùng nổ của di động băng rộng, thói quen của người dùng cũng thay đổi. Những công dụng vốn chỉ thuộc về điện thoại như gọi thoại và SMS có thể được thay thế bởi ứng dụng OTT hoặc Facebook. Ông nghĩ gì về điều này?
Nhiều nước trên thế giới áp dụng biện pháp để cấm các doanh nghiệp OTT, nhưng Viettel lại đánh giá đó là cú hích để mình thay đổi. Chúng tôi đang chuyển sang các dịch vụ số. Với khách hàng Viettel, chiếc điện thoại bây giờ còn là ngân hàng di động (BankPlus), sổ liên lạc điện tử (SMAS), con dấu (ViettelCA)… hoặc bất cứ thứ gì nếu nó được tích hợp giữa CNTT và viễn thông. Đó là kết quả của sự sáng tạo khi chúng tôi bị cạnh tranh mạnh.
* Thế nhưng, sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ như hiện nay (còn gọi là cuộc cách mạng số) có khiến Viettel cũng như nhiều mạng di động khác bị suy giảm thị phần và ngày càng ít việc?
“Phải nhìn thấy một thế giới khác đang mở ra, đó là hàng tỷ người có kết nối băng rộng.”
Tống Viết Trung
Nếu chỉ nhìn thuần tuý về viễn thông thì các công nghệ mới đang thay thế những công nghệ truyền thống. Tuy nhiên, phải nhìn thấy một thế giới khác đang mở ra, đó là hàng tỷ người có kết nối băng rộng. Đó là cơ hội mới hoàn toàn, làm thay đổi cách làm việc của tổ chức, doanh nghiệp, làm thay đổi cách sống của từng cá nhân. Năng lực truyền thống của nhà mạng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sự thay đổi đó.
Tất cả doanh nghiệp viễn thông đều phải thay đổi, số hoá các hoạt động của mình. Đây là chuyển dịch rất lớn, kéo theo sự bùng nổ nhu cầu về hạ tầng, con người… Hơn ai hết, nhà mạng phải tham gia vào quá trình này – nơi dồi dào cơ hội công việc và được xem như một thị trường khổng lồ.
* Viettel đã chuẩn bị gì cho cuộc cách mạng số đang diễn ra?
Viettel ý thức điều này từ 4 năm trước và tập trung đầu tư tương đối lớn. Lực lượng nghiên cứu phát triển của Viettel hiện chiếm gần 20% nguồn lực, đến năm 2020 sẽ tăng lên khoảng 40%. Những chỗ khó khăn nhất sẽ là nơi có nhiều cơ hội nhất cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có Viettel. Chúng tôi chủ động đón bắt, thúc đẩy và từng bước hiện thực hóa quá trình này tại Việt Nam.