Nội Dung Chính
Không cần chạy theo các chiêu thức quảng cáo tốn kém, Line vẫn thu hút đông đảo người dùng và trở thành ứng dụng được ưa thích tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Khi Naver Corporation lần đầu ra mắt ứng dụng nhắn tin miễn phí Line vào năm 2011, không ai nghĩ đây sẽ là một “quả bom” khủng. Tuy nhiên chỉ sau 18 tháng phát hành, Line đã có hơn 100 triệu người dùng, trở thành ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất ở Nhật Bản từ đó đến nay.
Sự thành công của Line nhanh chóng lan rộng khắp Châu Á và trên toàn thế giới. Hiện tại, Line là ứng dụng nhắn tin chính tại Indonesia, Thái Lan và Đài Loan. Line cũng duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của mình tại thị trường Columbia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico,… bỏ xa các đối thủ cạnh tranh khác như WhatsApp và WeChat.
Dưới đây là một số chiến lược đằng sau sự tăng trưởng “thần kỳ” của Line.
1. Biểu tượng icon dễ thương, sống động, khiến mọi người dễ chia sẻ với nhau
Ngày nay, icon đã trở thành một phần không thể thiếu của ứng dụng nhắn tin như Facebook Messenger, Wechat, Telegram… Tuy nhiên, ít ai biết Line là người “thổi bùng” xu hướng này thông qua hình tượng Gấu Brown và Thỏ Cony.
Điểm khác biệt giữa icon của Line với các ứng dụng khác là sự đa dạng, phong phú trong cách bày tỏ cảm xúc. Hai nhân vật chính của Line, Gấu Brown và Thỏ Cony, hiện lên như một cặp đôi đang yêu, có hẹn hò, có tranh cãi, khiến nhiều người dùng cảm thấy có hình ảnh mình trong ấy.
“Icon Cony và Brown rất thú vị vì có nhiều cảm xúc phong phú, không phải hình nào cũng giống hình nào”, Melissa Palacios, một trong những người sáng tạo icon của Line chia sẻ.
Đối với các ứng dụng nhắn tin như Line, trải nghiệm tích cực từ phía người dùng là chìa khóa cho sự tăng trưởng, khi chỉ bằng vài câu truyền miệng từ bạn bè, người thân, bạn sẽ quyết định có nên tiếp tục hay tạm dừng sử dụng tiếp một ứng dụng nào đó.
2. Tăng độ nhận diện thương hiệu thông qua hình ảnh các cửa hàng, quán cà phê có chủ đề Brown, Cony
Chúng ta đã nghe điều này rất nhiều lần: Đây là thời đại kỹ thuật số, truyền thông hiện đại thông qua Facebook, Google…đã chiến thắng và các hình thức quảng cáo truyền thống đã hết chỗ đứng.
Chắc chắn thành công của Line phụ thuộc chủ yếu vào sự phổ biến của điện thoại thông minh, tuy nhiên không thể phủ nhận, các hình thức quảng cáo truyền thống được biến tấu độc đáo đã mang lại hiệu quả cho thương hiệu.
Ứng dụng đã mở một loạt cửa hàng, quán cà phê chủ đề Brown, Cony tại các thành phố lớn như Bangkok, Seoul, Thượng Hải, Singapore, Đài Bắc và Tokyo. Các cửa hàng này không chỉ bày bán sản phẩm của Line mà còn đóng vai trò như đại sứ thương hiệu cho ứng dụng. Thông qua các bức tượng Brown, Cony cỡ lớn đặt trong cửa hàng, người qua đường sẽ dễ dàng bị thu hút và sau đó chụp ảnh, chia sẻ lên các trang mạng xã hội, từ đó tăng độ phổ biến của ứng dụng.
Tốt nhất, đừng bao giờ coi thường hình thức quảng cáo truyền thống. Thay vào đó, hãy suy nghĩ xem làm cách nào để tạo ra một đại diện “vật lý” rõ ràng cho mô hình kinh doanh của bạn, giúp người dùng liên tưởng ngay đến sản phẩm, dịch vụ mỗi khi nhìn thấy đại diện này.
3. Có thái độ thông cảm, sẻ chia với các vấn đề thiên tai, thảm họa
Người ta nói cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Và Line đã làm việc này rất tốt.
Thông thường người dùng sẽ tải miễn phí hoặc trả tiền mua các bộ icon phiên bản đặc biệt của Line để dùng trong các cuộc hội thoại. Tận dụng đặc tính này, vào năm 2013, Line phát hành một bộ icon đặc biệt khi cơn bão Haiyan càn quét Phillipines. Toàn bộ tiền thu được từ việc bán icon được dùng để hỗ trợ các nạn nhân chịu thiệt hại trong cơn bão.
Gần đây nhất, vào tháng 4/2016, Line cũng ra mắt một bộ icon đặc biệt để hỗ trợ nạn nhân vụ động đất Kumamoto tại Nhật Bản. Bộ icon nhận được rất nhiều hưởng ứng từ phía người dùng, đồng thời xây dựng hình ảnh Line như một ứng dụng biết quan tâm, sẻ chia với nỗi đau của cộng đồng.
Công việc từ thiện nếu được làm đúng cách có thể là một phương thức marketing hiệu quả cho nhãn hàng, sản phẩm.