Nội Dung Chính
Thừa nhận thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, KIDO vẫn đặt mục tiêu chiếm lấy vị trí số 1 trong lĩnh vực thực phẩm. KIDO có tạo được cơ sở để đạt mục tiêu sau hàng loạt thương vụ M&A rầm rộ thời gian gần đây?
Cuối năm 2016, KIDO đã hoàn tất chuyển nhượng 20% cổ phần còn lại tại mảng bánh kẹo cho nước ngoài, qua đó giúp KIDO ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ hơn 1.175 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng từ đó mà KIDO sẽ không còn ghi nhận thêm lợi nhuận từ mảng bánh kẹo. Áp lực lên con số lợi nhuận cũng như các chỉ số tài chính liên quan đến định giá cổ phiếu thường trực.
Với vốn điều lệ hiện nay hơn 2.566 tỷ đồng, KIDO cần phải tạo ra lợi nhuận tương xứng cho cổ đông để bù đắp lại khoản lợi nhuận thời hậu bánh kẹo. Thậm chí, dù việc giá cổ phiếu KDC trên thị trường vẫn đang tăng khá đều đặn từ đầu năm nhưng KIDO vẫn cần phải chứng minh giá trị xứng đáng với cái giá mà các nhà đầu tư đã trả cho cổ phiếu KDC.
“KIDO đã sẵn sàng cho các mục tiêu lớn hơn trong vòng 2-3 năm tới. Đích đến đó chính là vị trí số 1 trên thị trường thực phẩm Việt Nam.”
Tham vọng của KIDO
Có thể nói, trước đây khi chưa bán mảng bánh kẹo, KIDO chính là cái tên nổi bật nhất trong lĩnh vực kinh doanh này trên sàn chứng khoán Việt Nam. Bất chấp khủng hoảng kinh tế diễn ra, KIDO vẫn tăng trưởng với khoản lợi nhuận thu về hàng năm xấp xỉ 500 tỷ đồng nhờ bánh kẹo. Do vậy, việc KIDO bất ngờ nhượng lại 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelēz năm 2014 khiến nhà đầu tư không khỏi bất ngờ.
Vì sao KIDO lại từ bỏ miếng bánh ngon như vậy? Gần đây, khi KIDO đã thâu tóm xong 2 công ty lớn trong ngành dầu ăn là Tường An và Vocarimex, CEO KIDO Trần Lệ Nguyên đã đưa ra câu trả lời về vấn đề này. Đơn giản, đó cũng giống như hoạt động chốt lời của nhà đầu tư khi nhận thấy thị trường bắt đầu đi vào vùng đỉnh.
Bởi theo ông Nguyên, nếu mảng bánh kẹo đã đến thời điểm khó tăng doanh số, phải phụ thuộc rất lớn vào mùa vụ và vòng quay vốn chậm, thì mảng dầu ăn trở nên hấp dẫn khi có điểm phân phối gấp 4 lần bánh kẹo, vòng quay vốn nhanh hơn rất nhiều. Thực tế cũng cho thấy, sau khi hợp nhất với Tường An, vòng quay hàng tồn kho và vòng quay khoản phải thu trong quý I/2017 của KIDO lần lượt là 5 ngày và 8 ngày, con số này thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước khi bán đi mảng bánh kẹo.
Bằng chiến lược tiếp cận có trọng tâm, KIDO đã chính thức sở hữu 2 thương hiệu dầu ăn có quy mô doanh số trên 8.000 tỷ đồng/năm. KIDO Foods (KDF) cũng đang là đơn vị dẫn đầu mảng kem với 35% thị phần. Bên cạnh đó, bằng việc đưa vào hoạt động nhà máy chế biến thực phẩm đông lạnh tại Bắc Ninh, đồng thời thâu tóm một công ty con của CTCP Dabaco Việt Nam (DBC), công ty chuyên sản xuất các mặt hàng đông lạnh như xúc xích, thịt gà, chả lụa, đồ hộp… KIDO đang dần hiện thức hóa tham vọng lấp đầy gian bếp Việt.
CEO KIDO mới đây còn tiết lộ, dự kiến trong tháng 8 năm nay, KIDO sẽ cùng với đối tác nước ngoài cho ra mắt sản phẩm chiến lược tầm khu vực. Sản phẩm cụ thể vẫn chưa được CEO này tiết lộ mà chỉ bật mí là KIDO sẽ lập liên doanh với 2 công ty thực phẩm nước ngoài để triển khai sản xuất một số mặt hàng thiết yếu khác.
Phía ngược lại, KIDO sẽ đưa sản phẩm của mình hướng đến thị trường có quy mô 600 triệu dân tại Đông Nam Á. Để hiện thực tham vọng đó, ông Nguyên cho biết Indonesia sẽ là thị trường đầu tiên KIDO hợp tác chiến lược cùng đưa sản phẩm sang.
“KIDO đã sẵn sàng cho các mục tiêu lớn hơn trong vòng 2-3 năm tới. Đích đến đó chính là vị trí số 1 trên thị trường thực phẩm Việt Nam”, CEO KIDO nói.
Dù vậy, những kế hoạch của KIDO có đi đúng hướng? Đâu là thế mạnh khiến cho KIDO tự tin như vậy trong bối cảnh thị trường thực phẩm ngày cạnh tranh khốc liệt?
Dựa vào đâu?
Theo một chuyên gia, trong chiến lược kinh doanh, điều cơ bản mà nhà kinh doanh nào cũng thuộc nằm lòng đó là khi sản lượng bán hàng còn thấp, thì giá thành sẽ cao, cũng như lãi gộp chưa thề bù đắp các định phí. Sản lượng điểm hòa vốn chi phí trực tiếp là cái đích đầu tiên mà DN phải chinh phục, một khi đã vượt qua được thì chân trời sẽ mở ra tươi sáng. Lý thuyết là như vậy, nhưng không phải bất cứ DN nào cũng có thể làm được điều đó. Cho dù là những công ty nước ngoài có tiềm lực mạnh. Bởi lẽ, muốn có sản lượng phải đáp ứng được nhiều yếu tố, từ giá thành cho đến khâu tiêu thụ…
Dự kiến trong tháng 8 năm nay, KIDO sẽ cùng với đối tác nước ngoài cho ra mắt sản phẩm chiến lược tầm khu vực.
Đối với KIDO, mặc dù bán đi mảng bánh kẹo. Nhưng thực chất, năng lực lõi là kênh phân phối và logistics vẫn không hề mất đi mà thậm chí còn được đẩy mạnh thông qua việc phát triển thêm mảng dầu và thực phẩm đông lạnh. Đại diện KIDO cho biết, bỏ ra hơn chục năm tập trung xây dựng hệ thống logistics và các kênh phân phối, đây là thời điểm phát huy giá trị.
Không những thế, quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hạnh, người có 15 năm kinh nghiệm ở vai trò quản lý cấp cao & điều hành tại các công ty hàng đầu trong lĩnh vực phát triển hệ thống bán lẻ như SaigonCo.op vào vị trí Phó Tổng giám đốc cho thấy sự củng cố nền tảng nội lực mạnh mẽ về mặt con người trong ban điều hành của KIDO. Giờ đây, đội ngũ lãnh đạo của KIDO đã khá hoàn thiện với những nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực tổ chức vận hành, logistics, tiếp thị & phân phối, tài chính.
Hội đủ các yếu từ tài chính, con người, cho đến khâu trung gian đưa hàng đến tay người tiêu dùng. KIDO đang nắm trong tay chiếc chìa khóa vàng để tăng quy mô sản lượng, tăng độ lớn của thị trường để đạt được lợi nhuận mong muốn.
Theo triết lý CEO KIDO, một khi đã có thị trường, có doanh số càng lớn thì lợi nhuận không còn là vấn đề bận tâm. “Thay vì tính giá thành một sản phẩm để ra giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng như nhiều DN hiện nay vẫn làm. Chúng tôi sẽ định mức giá phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trước, sau đó mới đến việc tính toán sao cho hợp lý. Nhưng muốn làm được điều đó, phải có một quy mô (size) đầu ra đủ lớn. Do đó, tăng ‘size’ thị trường thông qua M&A và mở rộng hợp tác đang là trọng tâm hàng đầu mà KIDO vẫn đang hướng đến”, CEO KIDO Trần Lệ Nguyên chia sẻ.
Vấn đề còn lại của KIDO là gì? Rủi ro của KIDO đến từ đâu?
Đó chính là việc các sản phẩm mới đưa ra không đạt được hiệu quả như mong đợi. Trả lời vấn đề này, CEO KIDO tin rằng, sự am hiểu khẩu vị người tiêu dùng Việt, khả năng tạo ra các sản phẩm nhạy bén hợp với thị hiếu và túi tiền người tiêu dùng có thể giải quyết vấn đề trên.
Thậm chí, chiến lược hợp tác liên doanh với các DN đầu ngành của Thái Lan, Indonesia là một sự toan tính hợp lý, giúp đưa ra thị trường những sản phẩm đạt chất lượng đã được người tiêu dùng đón nhận.
Sắp tới đây, KIDO sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua một số vấn đề quan trọng. Trong đó, việc nới “room” ngoại lên 100% là điều khá khó hiểu khi room ngoại của KIDO hiện chỉ mới lấp đầy 17%.
Giải thích về điều này, CEO KIDO tiết lộ việc nới room là để mở đường cho NĐT chiến lược tham gia sở hữu cổ phần của KIDO trong mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi. Trước đó, các đối tác mong muốn mua cổ phiếu quỹ mà KIDO đang nắm, nhưng do KIDO chưa có nhu cầu dùng tiền nên đã từ chối đề nghị này. Thay vào đó, KIDO mở room để các đối tác tự do mua cổ phiếu KDC trên sàn.
Đây được cho là một quyết định rất khôn khéo nữa của KIDO, một mặt đáp ứng kỳ vọng sở hữu của NĐT chiến lược dài hạn, mặt khác giúp giá cổ phiếu Công ty không bị tác động do pha loãng trong ngắn hạn cho đến khi cổ máy KIDO bắt đầu tạo ra lợi nhuận vượt qua thời kỳ còn làm bánh kẹo trước đó.