CEO Xiaomi Lei Jun cho biết công ty sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào 100 startup Ấn Độ trong 5 năm tới để tạo ra hệ sinh thái ứng dụng cho thương hiệu smartphone của mình.
Xiaomi cùng công ty anh em Shunwei Capital sẽ đầu tư vào các lĩnh vực như nội dung, công nghệ tài chính, dịch vụ “siêu địa phương” như sửa chữa điện thoại di động, sản xuất nhằm tăng tỉ lệ tiếp cận Internet di động tại Ấn Độ.
Trong bài phỏng vấn, CEO Xiaomi cho biết 4 năm qua, công ty đã đầu tư 4 tỷ USD vào hơn 300 công ty tại Trung Quốc. 5 năm tiếp theo, mục tiêu là 100 công ty tại Ấn Độ, về cơ bản là lặp lại mô hình kinh doanh hệ sinh thái thành công nhất. Xiaomi chỉ tập trung vào một số điểm quan trọng còn mọi thứ khác để cho đối tác cung cấp. Họ đã đạt được quy mô khổng lồ chỉ trong 7 năm nhờ vào mô hình hợp tác/phân bổ này.
Xiaomi, từng là startup giá trị nhất thế giới, là một nhà đầu tư Trung Quốc nổi bật tại Ấn Độ chỉ sau hai gã khổng lồ Internet Alibaba và Tencent. Dù vậy, không như hai công ty kia, Xiaomi chỉ tìm kiếm những khoản đầu tư có thể mở rộng lượng sử dụng Internet di động và “trói” người dùng với điện thoại của hãng trong một thị trường vốn dĩ đã khá đông đúc. Nhờ cung cấp nội dung giải trí và các dịch vụ khác, Xiaomi hi vọng có thể khiến thiết bị trở nên hấp dẫn hơn và khác biệt so với đối thủ như Samsung, Vivo, Oppo.
Xiaomi gia nhập thị trường Ấn Độ năm 2014, chiếm 23,5% thị phần smartphone nước này trong quý III, theo hãng nghiên cứu IDC. Nhà sản xuất hiện đang bán điện thoại tại khoảng 60 quốc gia, Ấn Độ là thị trường lớn nhất ngoài Trung Quốc, nơi công ty đang bán nhiều loại sản phẩm như tivi, smartwatch, máy lọc không khí, máy lọc nước… 2 quý tiếp theo, Xiaomi sẽ giới thiệu thêm các thiết bị khác.
Giá trị của Xiaomi đã giúp Lei trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc. Ông tiết lộ công ty chưa có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán vì có nhiều bất cập. Họ chỉ IPO khi cảm thấy thuận lợi.