Nhà đầu tư Thái và chiến thuật bao phủ

0
752

Nhà đầu tư Thái thể hiện quyết tâm lớn hơn tại thị trường Việt Nam. Có thể thấy tầm ảnh hưởng của thương hiệu Thái đang ngày càng lớn dần.

Tầm ảnh hưởng ngày càng lớn

Có thể thấy tầm ảnh hưởng của thương hiệu Thái đang ngày càng lớn dần, trở thành một trong những nhà đầu tư ngoại hàng đầu, bên cạnh các đối thủ như Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc hay Singapore.

Ở mảng nông nghiệp, Tập đoàn C.P mới đây công bố khoản đầu tư trị giá 200 triệu USD vào dự án chế biến gà xuất khẩu ở Bình Phước. Nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019-2020 với công suất 50 triệu con mỗi năm, tức có quy mô lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.

Ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết: “Dự án sẽ nhanh chóng được thực hiện để có thể xuất khẩu sản phẩm gà chế biến vào đầu năm 2020 và đưa Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia sản xuất thực phẩm quan trọng trong nền công nghiệp thực phẩm thế giới”.

Cách đây không lâu, C.P Việt Nam cũng khánh thành dây chuyền chế biến xúc xích công suất 10.000 tấn/năm tại Củ Chi (TP.HCM). Sản phẩm làm ra sẽ được phân phối tại hơn 6.000 điểm kinh doanh truyền thống và thông qua kênh siêu thị trên cả nước.

Chiến lược thâm nhập sâu hơn vào mảng kinh doanh thực phẩm cho thấy quyết tâm của C.P trong việc khai thác tiềm năng tiêu dùng ngày càng gia tăng ở Việt Nam, đồng thời bù đắp lại phần nào kết quả kinh doanh sụt giảm ở mảng thức ăn chăn nuôi. Trong năm 2017, C.P ghi nhận lợi nhuận ròng chỉ ở mức gần 42 triệu USD, giảm 84% so với năm trước. Nguyên nhân được giải thích là do mảng kinh doanh tại thị trường Việt Nam ghi nhận khoản lỗ lớn do khủng hoảng thịt heo.

Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều tăng từ 11,5 tỉ USD trong năm 2015 lên 15,3 tỉ USD năm 2017 với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 15,5%/năm. Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Sontirat Sontijirawong, Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu khối lượng giao thương giữa Thái Lan – Việt Nam lên đến 20 tỉ USD vào năm 2020. Vì vậy, các nhà đầu tư Thái đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam.

Một doanh nghiệp lớn khác của Thái đang hiện diện tại Việt Nam phải kể đến là Central Group. Gặp rắc rối với hàng trăm tỉ đồng truy thu thuế cũng như thị phần điện máy của Nguyễn Kim ngày càng tụt lại so với đối thủ Điện Máy Xanh, nhưng Central Group tiếp tục lên kế hoạch rót thêm 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam. Mục tiêu mà nhà bán lẻ này nhắm tới là nâng gấp 3 lần tổng số cửa hàng và trung tâm thương mại lên con số 750 nhằm tăng cường độ phủ trên cả nước.

Chiến lược mới mà ông chủ của điện máy Nguyễn Kim và hệ thống siêu thị Big C mong muốn đẩy mạnh là phân phối các dòng sản phẩm không phải thực phẩm (non-foods). Điển hình cuối năm ngoái, Central Group đã ra mắt chuỗi quà tặng LookKool và hiện đã đạt quy mô 26 của hàng.

 

Mở rộng, thâm nhập sâu

Hiện Central Group đang thử nghiệm hai thương hiệu mới là chuỗi làm đẹp Hello Beauty và chuỗi nội thất Home Mart. “Chúng tôi đã hiện diện rất vững chắc trong mảng thực phẩm nhưng cần chuẩn bị cho tương lai, khi người tiêu dùng có những nhu cầu khác ngoài thực phẩm”, CEO Central Group Vietnam Philippe Broianigo chia sẻ. Năm 2017, Central Group ghi nhận doanh thu từ thị trường Việt Nam lên đến 1,3 tỉ USD, tương đương với mức tăng trưởng 2 con số.

Bên cạnh ngành hàng căn bản như nông nghiệp, thực phẩm, nước uống, vật liệu xây dựng và bán lẻ, thương hiệu của người Thái còn dần mở rộng sang các lĩnh vực khác có nhiều sức hút như bất động sản. Công ty Frasers Property của tỉ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã thâu tóm một số dự án nhà ở tại TP.HCM và mới đây đã khởi công dự án căn hộ cao cấp Q2 Thảo Điền.

Hiện quy mô tầng lớp trung lưu của Việt Nam chỉ mới chiếm 13%, nhưng dự kiến sẽ tăng lên 36% vào năm 2026. Quy mô dân số cũng sẽ tăng lên 120 triệu vào năm 2050. Về phần mình, Thái Lan đang bước vào giai đoạn già hóa dân số và tầng lớp trung lưu đã chiếm đến 35% trong tổng 68 triệu người. “Tiềm năng thị trường Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với Thái Lan”, ông Philippe Broianigo nhận định.

Thực tế, so với các nhà đầu tư khác, hiếm có nhà đầu tư nào đến sớm, vào sâu nhiều lĩnh vực và bám chặt thị trường Việt Nam như nhà đầu tư Thái Lan. Cho đến nay, nhà đầu tư Thái đang gặt hái thành quả khi thể hiện quyền chi phối, kiểm soát các kênh phân phối tại Việt Nam.

Kim ngạch hai chiều Việt Nam – Thái Lan trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 8 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2017. Thái Lan thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Tuy nhiên, Thái Lan là nước mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất trong ASEAN, đứng thứ 3 trong số các thị trường mà Việt Nam nhập siêu, sau Hàn Quốc và Trung Quốc.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here