Kinh doanh điện tử và thương mại điện tử

0
805

Kinh doanh điện tử (e-business) và thương mại điện tử (e-commerce) là hai lĩnh vực không giống nhau. Sự phân biệt tương đối giữa hai khái niệm này sẽ giúp nhà quản trị phân định rõ mục tiêu và hướng tiếp cận.

Kinh doanh điện tử

Kinh doanh điện tử là thiết lập hệ thống hay ứng dụng thông tin để phục vụ và làm tăng hiệu quả kinh doanh. Ngày nay, quá trình điện tử hóa này chủ yếu dựa trên công nghệ web. Như vậy, kinh doanh điện tử bao phủ quá trình hoạt động trong doanh nghiệp, từ mua hàng qua mạng (e-procurement, e-purchasing), quản lý dây chuyền cung cấp nguyên vật liệu, xử lý đơn hàng, phục vụ khách hàng và giao dịch với đối tác qua các công cụ điện tử cho đến chia sẻ dữ liệu giữa các bộ phận chức năng trong doanh nghiệp.

Trong một công ty, kinh doanh điện tử có thể gồm một hệ thống thông tin có nhiều phần (module), bao gồm HRM (Human Resource Management – quản trị nguồn nhân lực) dành cho bộ phận nhân sự, ERP (Enterprise Resource Planning – hoạch định tài nguyên doanh nghiệp) và MRP (Material Requirements Planning – hoạch định nhu cầu vật liệu) dành cho bộ phận sản xuất, CRM (Customer Relationship Management – quản trị quan hệ khách hàng), cùng với Sales Management (quản trị bán hàng) dành cho bộ phận kinh doanh. Ngoài ra, còn có Document Management (quản trị thông tin) dùng cho các bộ phận để chia sẻ văn bản chung quanh một cơ sở dữ liệu chung (database) với chương trình EAI (Enterprise Application Integration – tích hợp các ứng dụng trong doanh nghiệp).

Như vậy, kinh doanh điện tử đề cập đến sự phối hợp giữa doanh nghiệp, đối tác, khách hàng và tổ chức hoạt động trong nội bộ doanh nghiệp. Tùy theo nhu cầu và khả năng, doanh nghiệp có thể ứng dụng các module phù hợp cho từng giai đoạn.

Thương mại điện tử

Thương mại điện tử tập trung vào việc mua bán và trao đổi hàng hóa, dịch vụ, thông tin qua mạng, các phương tiện điện tử và internet. Theo nghĩa rộng hơn, thương mại điện tử là việc sử dụng các phương tiện điện tử để triển khai thương mại.

Nói cách khác, thương mại điện tử là thực hiện quy trình cơ bản và quy trình khác của giao dịch thương mại bằng phương tiện điện tử, cụ thể là trên mạng máy tính và viễn thông một cách rộng rãi, ở mức độ cao nhất có thể. Các quy trình cơ bản của một giao dịch thương mại gồm tìm kiếm (mua gì, ở đâu…), đánh giá (có hợp với mình không, giá cả và điều kiện ra sao…), giao hàng, thanh toán và xác nhận. Các quy trình khác của một giao dịch thương mại gồm diễn tả (mô tả hàng hóa, dịch vụ, các điều khoản của hợp đồng), hợp thức hóa (thỏa thuận là hợp pháp), nâng cao uy tín và giải quyết tranh chấp. Tất nhiên, có những quy trình không thể tiến hành trên mạng như việc giao hàng hóa ở dạng vật thể (máy móc, thực phẩm…), song quá trình của giao dịch nếu có thể thực hiện trên mạng thì đều có thể tiến hành bằng phương tiện điện tử.

Từ “thương mại” không chỉ bao hàm nghĩa buôn bán hàng hóa và dịch vụ theo cách hiểu thông thường, rộng hơn, bao gồm các vấn đề nảy sinh từ mọi mối quan hệ mang tính chất thương mại. Những mối quan hệ này bao gồm cung cấp, trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ, đại diện hoặc đại lý thương mại, ủy thác hoa hồng, cho thuê dài hạn, xây dựng công trình, tư vấn, kỹ thuật công trình, đầu tư cấp vốn, ngân hàng, bảo hiểm. Còn có thể kể đến các thoả thuận khai thác hoặc chuyển nhượng, liên doanh và các hình thức khác về hợp tác công nghiệp, kinh doanh, chuyên chở hàng hóa hay hành khách bằng đường biển, đường không, đường sắt hoặc đường bộ.

Tóm lại, theo nghĩa rộng, thương mại điện tử là quy trình kinh doanh sử dụng các phương tiện điện tử và công nghệ xử lý thông tin số hóa, liên quan đến các tổ chức hay cá nhân. Nhà nước, khu vực tư nhân, nhà chuyên môn, người tiêu dùng đều dễ dàng thống nhất rằng, thương mại điện tử là phương thức cách mạng trong thương mại ngày nay. Đây là quá trình đang phát triển và tiến hóa liên tục mà bất cứ nhà quản trị kinh doanh nào cũng không thể đứng ngoài cuộc hoặc bỏ qua.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here