Đối phó với fake news trong thời hiện đại

0
1286

Nhiều người cho rằng mạng xã hội ngày nay là bãi rác của tin vịt, nhưng suy cho cùng cũng cần xem lại thói quen sử dụng mạng xã hội của chúng ta.

Ngày nay nhờ sự phát triển mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội mà tiếp thị nội dung (content marketing) ngày càng đóng vai trò quan trọng và khẳng định tính hiệu quả của nó so với các hình thức quảng bá tiếp thị truyền thống nhờ khả năng lan tỏa (viral) dễ dàng và nhanh chóng. Những nội dung độc lạ, giàu cảm hứng sáng tạo và mang tính giáo dục (gồm có tin tức, hình ảnh, video, ebook, infographic, case study…) sẽ được người dùng mạng xã hội chia sẻ không công với tốc độ chóng mặt, giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và sản phẩm của mình rất hiệu quả với chi phí thấp.

Song song đó, các nghiên cứu hành vi người tiêu dùng cũng cho thấy đánh vào sự sợ hãi, bôi nhọ cá nhân, an toàn sức khỏe cộng đồng… cũng là những nội dung đem lại hiệu ứng chia sẻ cao hơn cả những nội dung tốt. Nắm bắt được nhu cầu đó, những đối tượng bất chính thường tung ra những nội dung mang tính chất câu kéo như ảnh thương tâm, ảnh cảm động, thông tin giật gân giả tạo… mà chúng ta hay gọi là tin vịt hay fake news nhằm khuyến khích người dùng mạng xã hội tương tác (Like, Comment, Share) để trục lợi bất chính. Vấn nạn này gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm không chỉ cho các doanh nghiệp mà cho toàn xã hội và đang khiến cả thế giới đau đầu tìm cách ngăn chặn.

Trước vấn nạn này, người sử dụng mà nhất là chủ doanh nghiệp cần có sự sáng suốt và tỉnh táo để không bị lạc lối trong mạng xã hội.

Làm thế nào để nhận ra fake news?

Những báo cáo gần đây trên thế giới cho thấy người dùng mạng xã hội thường bị dẫn dắt dễ dàng mà không quan tâm đến nguồn gốc bởi những fake news dưới dạng:

  • Dự báo đại thảm họa tương lai
  • Những hình ảnh thương tâm
  • Những phương pháp trị bệnh nan y không dùng thuốc
  • Những câu chuyện chính trị mang tính kích động
  • Những câu chuyện phanh phui đời tư người nổi tiếng
  • Những câu chuyện “quá” thú vị kể về những sự trùng hợp hiếm có
  • Những khuyến mãi hời với cách tham gia dễ dàng

Khi bắt gặp những nội dung trên người dùng cần tỉnh táo kiểm chứng tính hư thực của chúng trước khi tin tưởng và chia sẻ. Một số chi tiết liệt kê dưới đây có thể giúp bạn nhận ra fake news (dựa theo khuyến cáo của Facebook):

Tin mang những dòng tít khả nghi

Tin giả mạo ngoài việc dùng lời lẽ gây sốc thường in hoa cả tít và đưa thêm nhiều dấu chấm cảm thán kiểu !!!,!!???

Tin có địa chỉ trang web khác thường

Tin giả mạo thường được đăng trên những trang web có địa chỉ trang web kỳ quặc, vô nghĩa… Khi click vào trang này sẽ hiện lên nhiều mẩu quảng cáo hoặc dẫn dắt sang nhiều trang web khác với những đường link liên kết tới những nội dung không trong sáng (khiêu dâm, game, bạo lực…), nhiều trang còn đòi hỏi bạn phải nhập thông tin các nhân, đăng ký số điện thoại… Các bài viết trên những trang web này cũng đều có nội dung gây sốc như liệt kê ở trên.

Tin không ghi rõ nguồn gốc

Những câu chuyện giật gân giả mạo thường không ghi rõ nguồn gốc hoặc nếu có thì độc giả nên tranh thủ truy nguyên nguồn gốc bằng công cụ tìm kiếm Google. Các tin tức có tầm ảnh hưởng quan trọng toàn cầu kiểu như “tuyên bố của NASA”, “Bill Gates bị cáo buộc…”, “Dịch bệnh ở Somali”, “Thị trường chứng khoán sụp đổ”… nếu có chắc chắn sẽ được những cơ quan thông tấn uy tín chính thống trên thế giới đăng tải, các hãng truyền thông lớn trong nước cũng sẽ đồng thời dẫn dịch và đưa tin. Người dùng cũng nên tập thói quen lọc chọn trang tin để đọc thay vì chỉ chăm chú đến nội dung.

Trong một môi trường đầy rẫy tin rác, rồi sẽ đến lúc người dùng khát khao những tin sạch như hiện trạng an toàn thực phẩm hiện nay.

Tin có định dạng kỳ quặc

Những trang tin vặt thường có định dạng kém chuyên nghiệp, màu mè, sai nhiều lỗi chính tả và văn phong lủng củng.

Tin có hình ảnh không tự nhiên

Các tin sốc thường can thiệp chỉnh sửa hình ảnh hoặc video. Một số hình ảnh có thể là thật nhưng bị mang ra khỏi ngữ cảnh. Độc giả khi nghi ngờ có thể dùng công cụ tìm kiếm hình ảnh của Google (https://images.google.com) để kiểm chứng lại những bức ảnh ấy từng xuất hiện trong các ngữ cảnh nào.

Tin với ngày đăng lạc hậu

Nhiều câu chuyện gây sốc đã từng xảy ra nay được đổi ngày hoặc chia sẻ lại kiểu như tin tăng giá xăng, thảm họa…

Tin khoa học không dẫn nguồn tham khảo

Đặc biệt với những bài viết liên quan đến sức khỏe, ngoài việc đòi dẫn nguồn chính xác, người đọc cần đòi hỏi tác giả đưa ra những căn cứ khoa học. Cần nhận thức rõ ràng rằng kiến thức y khoa không phải dễ dàng áp dụng, nó đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu và điều kiện áp dụng. Nếu quá dễ dàng chữa các bệnh nan y theo kiểu dân gian thì Việt Nam đã đầy rẫy người nhận giải Nobel y học rồi.

Vì tin tức giả mạo suy cho cùng là nhằm trục lợi hoặc gây chia rẽ, đánh vào lòng tham hoặc sự đố kỵ của con người, nên khi đọc bất cứ tin tức nào, chúng ta cũng cần có tư duy phản biện theo kiểu: “Sao lại có thể đơn giản dễ dàng như vậy?”, “Sao chỉ có trang này đăng?”, “Sao lại có những món hời như vậy?”… Từ đó chúng ta bình tĩnh kiểm chứng lại tính chân thực của tin tức theo những gợi ý bên trên.

Làm thế nào để tránh tiếp xúc với fake news?

Nhiều người cho rằng mạng xã hội ngày nay là bãi rác của tin vịt, nhưng suy cho cùng cũng cần xem lại thói quen sử dụng mạng xã hội của chúng ta

Một nghiên cứu của American Press Institute cho biết người đọc ngoài việc chỉ khư khư bám vô nội dung tin tức họ lại thường tin tưởng vào người chia sẻ (đặc biệt là người có sức ảnh hưởng KOLs) hơn cả nguồn tin. Do vậy, trước tiên chúng ta hãy tự rà soát lại xem những người chúng ta kết bạn, những fanpage chúng ta đang “theo dõi” (follow) là những hotgirl, hotboy khoe thân hay những nhà khoa học, những chuyên gia uy tín.

Đặc biệt, nhiều trang fanpage thông qua việc đưa ra những ứng dụng “nhảm” nhưng kích thích tính tò mò như “Ai đang thầm thương trộm nhớ bạn?”, “Kiếp trước bạn là ai?”, “Tên tiếng Lào của bạn”… sẽ khai thác thông tin cá nhân của người dùng và “gài” họ vào danh sách thích hoặc theo dõi những trang này. Sau khi đạt được lượng “like” đủ lớn (mà người ta gọi là “nuôi fanpage”), chủ sở hữu trang có thể bán lại với giá hời cho một công ty marketing nào đó đang cần có nhanh một danh sách khách hàng tiềm năng.

Thói quen sử dụng phần mềm “bẻ khóa”, vượt tường lửa… cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dùng bị dính phải những phần mềm gián điệp, virus… luôn dẫn tới những trang web có nội dung đồi trụy và những trang tin có nội dung giả mạo.

Do vậy, không thể đổ lỗi hết cho mạng xã hội khi chính những nhu cầu, sở thích và lòng tham của chính chúng ta đã tạo điều kiện dung dưỡng và lan truyền những tin tức xấu.

Cách ứng phó trong trường hợp doanh nghiệp bị tấn công bằng tin vịt

Với người dùng mạng, nếu thận trọng và quan tâm đến những nội dung đã đề cập ở trên thì khả năng tin vịt ảnh hưởng sẽ giảm đi rất nhiều. Tuy vậy, đối với các doanh nghiệp trong trường hợp rủi ro bị tấn công hoặc bôi nhọ bằng tin vịt, công tác xử lý khủng hoảng truyền thông cần được triển khai với những gợi ý sau:

1. Khoanh vùng thật và giả

Doanh nghiệp hãy tỉ mỉ “highlight” những thông tin giả, phần bị xuyên tạc và bôi nhọ trong những bài viết, sau đó đưa kèm những thông tin chính xác, đối chiếu song song thật giả cho người đọc dễ dàng so sánh và kiểm chứng.

2. Viết lại sự thật một cách ấn tượng

Thông thường sau khi bị dính tin vịt, các doanh nghiệp thường có thông cáo báo chí hoặc bài đính chính. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế rằng, các bài đính chính của doanh nghiệp thường khô khan, kém hấp dẫn nên không gây được hiệu quả bởi lẽ “tin dữ thường đi mau, tin tốt thì theo sau”. Do vậy, những bài viết “chữa cháy” cũng phải có lối viết “hot” và hấp dẫn như những tin vịt thì mới đủ sức dập tắt ngọn lửa đang lan tràn.

3. Sử dụng người có sức ảnh hưởng thay vì tự giải thích

Sống chung với mạng xã hội là một thực tế không thể tránh khỏi và doanh nghiệp cần biết khai thác nó như một kênh truyền thông và quảng bá hiệu quả.

Như đã trình bày ở trên, nếu như tin vịt lan nhanh do chia sẻ thì tin đính chính cũng sẽ được dập tắt bởi những người chia sẻ có tầm ảnh hưởng cộng đồng trong lĩnh vực của họ (KOLs). Do vậy, cách hiệu quả nhất là hãy sử dụng KOLs làm lính cứu hỏa, sức lan tỏa sẽ nhanh và đảm bảo tính khách quan hơn là doanh nghiệp tự mình đính chính.

4. Im lặng đôi khi là giải pháp

Nếu nhận định rằng tin vịt chỉ là một ý kiến cá nhân không gây tác hại nghiêm trọng, doanh nghiệp có thể lựa chọn sự im lặng. Tuy nhiên, trong trường hợp này im lặng không có nghĩa là không có phản ứng. Công tác truyền thông nội bộ sẽ phải giải thích lý do im lặng đến nhân viên, cổ đông hoặc những người có thể liên đới lợi ích. Song song đó vẫn lên kế hoạch truyền thông, sẵn sàng đối phó khi tin vịt bùng phát như trong gợi ý từ 1-3.

5. Đừng đợi đến khi dính tin giả rồi mới làm truyền thông

Thật ra trong thời đại ngày nay, việc dính phải tin vịt là một trong những rủi ro rất dễ xảy ra. Do vậy, trước khi để nó xảy đến, các doanh nghiệp cần chủ động quan tâm công tác truyền thông xây dựng thương hiệu, triển khai các chương trình trách nhiệm xã hội (CSR) và truyền thông nội bộ (Internal PR) để tạo sẵn cho mình một cộng đồng “người hâm mộ” luôn đứng về doanh nghiệp trong những trường hợp xảy ra khủng hoảng. Họ sẽ là những người lính tự nguyện “tiêu diệt” những kẻ tung tin xấu và giải vây doanh nghiệp trong những tình huống nguy cấp.

Trong công tác quản trị và phát triển kinh doanh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến việc áp dụng chuẩn mực đạo đức kinh doanh, sự tuân thủ về môi trường và chính sách lao động. Những hành vi bất chính vô ý hoặc chủ ý đều sẽ là kẽ hở để những “tổ kiến” tin vịt làm vỡ “đoạn tường thành dài” trong quá trình phát triển doanh nghiệp.

Do vậy, có thể nói sống chung với mạng xã hội là một thực tế không thể tránh khỏi và doanh nghiệp cần biết khai thác nó như một kênh truyền thông và quảng bá hiệu quả. Chính bản thân người dùng và doanh nghiệp cần sự tỉnh táo trong việc nhận tin và phát tán tin. Trong một môi trường đầy rẫy tin rác, rồi sẽ đến lúc người dùng khát khao những tin sạch như hiện trạng an toàn thực phẩm hiện nay. Do vậy ngoài việc lựa chọn mô hình kinh doanh “sạch”, doanh nghiệp cũng cần tỉnh cáo lựa chọn mô hình phát tán truyền thông sạch để có sự phát triển bền vững trong tương lai.

5/5 - (1 bình chọn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here