Những vấn đề cần lưu ý khi mở rộng đội ngũ bán hàng

0
793

Mở rộng đội sales để tăng doanh số và tăng quy mô công ty là điều ắt hẳn chủ doanh nghiệp nào cũng nghĩ tới. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng phù hợp để mở rộng đội sales ngay lập tức.

Trong một lớp đào tạo mới đây, một vị diễn giả khơi dậy niềm đam mê của các chủ doanh nghiệp: “Các anh/chị đang có 5 nhân sự bán hàng, tại sao anh chị không nghĩ tới chuyện phát triển đội sales của mình lên thành 50, 500 hay thậm chí là 5.000 người đi bán hàng?”. Đáp lại câu hỏi này là những gương mặt ngơ ngác của các anh/chị chủ doanh nghiệp bên dưới.

Thực tế, việc mở rộng đội sales không hề đơn giản như vậy. Hiện nay, việc tuyển sales trực tiếp giờ đang khó dần vì phải nhường sân chơi cho telesales và sales online, là các loại hình mà kỹ năng và quy trình tuy tương đồng nhưng môi trường áp dụng rất khác. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp còn cần để ý tới các lý do khiến một công ty khó có thể gia tăng số nhân sự sales như sau:

1. Đối với các công ty SME non trẻ, sếp thường chưa chắc chắn về những việc phải làm do chưa từng có kinh nghiệm đi làm kinh doanh. Vì vậy, nếu phải chỉ đạo thêm cả một đội quân quy mô lớn, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Các chủ doanh nghiệp cần tìm ra được mô hình chuẩn cho riêng mình trước, rồi mới tính đến chuyện tăng đội sales.

2. Với công ty lâu năm, nhưng ở trong ngành đã không còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, việc tăng thêm đội sales sẽ gặp bài toán “lợi nhuận cận biên giảm dần”, tức là càng mở rộng thì càng lỗ, “lợi bất cập hại”. Vì thế, thay vì tăng số người, các doanh nghiệp này nên tập trung vào chất lượng người trước đã, cho tới khi người tiêu dùng gia tăng nhiều hơn, cả theo giới và lứa tuổi thì hãy “bung lụa”.

3. Ngược lại, với công ty phát triển tốt, ở trong một thị trường còn nhiều dư địa. Thông thường, các công ty này nếu chưa bung ra ngay được là do trình độ quản lý còn non. Khi chưa khắc phục được yếu điểm này và vẫn quyết định bung ngay, sức ép từ bên trong có thể còn lớn hơn sức ép từ thị trường bên ngoài. Quản lý không tốt sẽ khiến nhân sự nhanh chóng nghỉ việc, và với quy mô công ty nhỏ, rất khó để tuyển ngay người mới vào thay thế? Hoá ra phát triển mà lại thành thụt lùi.

4. Công ty có đủ điều kiện để tăng, nhưng tiềm ẩn nguy cơ khi mở rộng ra sẽ đánh động đối thủ, đặc biệt là đối thủ dạng lắm tiền nhiều của và đông quân. Họ sẽ sẵn sàng lao vào cánh cửa mở sẵn do chính chúng ta tạo ra để diệt chúng ta ngay trên sân nhà! Càng thời của startup thì điều này càng rõ ràng hơn hết!

5. Công ty thuộc dạng ông chủ khống chế mức phát triển của công ty. Tôi xin phép không nêu lý do vì nó sẽ khá lắt léo. Tuy nhiên, bản chất các công ty dạng này sẽ chỉ tăng doanh số tới tầm 3 tỷ đồng là sẽ chuyển sang làm sản phẩm mới. Cá biệt, tôi biết còn nhiều công ty, cứ 3 năm một lần là lại cho phá sản để hưởng chế độ ưu đãi thuế của nhà nước sau đó mở lại công ty với tên khác, ở một địa điểm khác, với ông chủ (trong giấy) khác, nhưng với bộ sậu ở dưới y hệt! Đây là một dạng thủ thuật được thừa nhận ở các nước tư bản nhưng chưa hoàn toàn được chấp nhận ở nước ta!

Vậy hãy nghĩ kỹ, và lường trước các khó khăn cũng như cơ hội trước khi dễ dàng chấp nhận việc tăng số lượng sales vô tội vạ!

5/5 - (1 bình chọn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here