6 chiến lược áp dụng tiếp thị thần kinh học

0
758

Nếu thả một con ếch vào nồi nước sôi, nó sẽ lập tức nhảy ra ngoài. Nhưng nếu cho con ếch vào nồi nước lạnh rồi đun sôi, con ếch sẽ chết trước khi kịp nhảy ra ngoài. Neuro-marketing (tiếp thị thần kinh học) được xem là một xu hướng tiếp thị mới được dự báo sẽ trở thành điểm nóng trong năm 2015.

Neuro-marketing tận dụng triệt để “điểm mù” trong hệ ý thức của khách hàng, phát triển chúng trở thành hiện tượng nhận thức một cách dần dần và dẫn mọi người đi theo một quyết định cuối cùng tương tự nhau.

Sau đây là những chiến lược neuro-marketing hứa hẹn sẽ tạo nên nhiều thay đổi trên thị trường trong tương lai:

1. Cho tôi một lý do

Nghiên cứu kinh điển “máy photocopy Xeros” của tiến sĩ Ellen Langer thuộc Đại học Harvard chứng minh uy lực của việc giải thích. Bối cảnh là một sinh viên cố gắng cắt ngang một hàng người đang chờ sử dụng máy photocopy.

  • Trong trường hợp 1, cô nói: “Xin lỗi, tôi có 5 trang giấy. Tôi có thể dùng máy photo Xeros được chứ?”; 60% số người đồng ý cho cô chen hàng.
  • Trường hợp 2, cô nói: “Xin lỗi, tôi có 5 trang giấy. Tôi có thể dùng máy photo Xeros được chứ bởi vì tôi đang rất gấp!”. Số lượng người chấp thuận tăng tới 94% khi nghe thêm một lời giải thích.
  • Trường hợp 3, “Xin lỗi, tôi có 5 trang giấy. Tôi có thể dùng máy photo Xeros được chứ bởi vì tôi cần photo?”. Tỷ lệ đồng ý là 93%, với lời giải thích khá dư thừa và hài hước kia. Não bộ con người thích những câu trả lời và những lời giải thích, đó là vì sự hiếu kỳ trước những lời thách đố và những màn cân não.

Những cuộc đối thoại tỏ ra gắn kết nhất không chỉ truyền đạt thông tin mà còn đưa ra giải thích về giải pháp. Do đó, những sản phẩm hiệu quả nhất không chỉ giải quyết vấn đề mà còn giải thích một cách hợp lý nhất về giải pháp mang tới.

2. Nghịch lý của lựa chọn

Khách hàng yêu thích có nhiều sự lựa chọn, nhưng các nhà tiếp thị thì thích điều ngược lại. Nghiên cứu cho thấy chỉ 3% khách hàng quyết định mua hàng ngay khi nhìn thấy có đến 24 nhãn hiệu mứt giới thiệu trước mặt họ, trong khi có 30% người mua ngay khi chỉ có sáu sản phẩm trước mặt.

Tương tự, khách hàng sẽ ngập ngừng khi có đến 50 gói quỹ đầu tư được giới thiệu, thay vì chỉ có năm giải pháp tài chính. Quá nhiều lựa chọn khiến thần kinh của người mua hàng bị “tê liệt” và từ chối mua hàng.

Để tránh xảy ra hiện tượng ấy, trong lúc bán hàng, nên trình bày tối đa ba lựa chọn giải pháp vì tỷ lệ hoán đổi người xem hàng thành mua hàng gia tăng khi số lượng chọn lựa giảm xuống.

3. Nỗi sợ bị mất mát

Nỗ lực tiết kiệm 1 triệu đồng lớn hơn rất nhiều so với nỗ lực kiếm thêm 1 triệu đồng! Đó là vì phản ứng của cảm xúc đối với sự mất mát mạnh gấp hai lần niềm vui sướng khi nhận được thêm, đó là nghiên cứu từ Stern School of Business thuộc Đại học New York, năm 2012.

Đưa vào thí nghiệm thực tế, một nhóm giáo viên được đưa trước 4.000 USD với điều kiện họ sẽ phải trả lại tiền nếu học sinh của mình không cải thiện thành tích học tập.

Một nhóm khác được hứa hẹn sẽ nhận thêm 8.000 USD nếu học sinh của họ nâng cao thành tích. Kết quả, thành tích học tập của học sinh đạt được cao hơn từ nhóm giáo viên nhận trước 4.000 USD.

Do đó, một nhà tiếp thị tinh ý sẽ nhấn mạnh những gì khách hàng sẽ bị mất đi nếu không mua sản phẩm chứ không xoáy vào những gì họ được nhận thêm.

4. Màu sắc, mùi vị và âm thanh

Những siêu thị thường có khuynh hướng đặt hoa và bánh ngọt tại các vị trí gần ngõ vào hoặc lối ra thanh toán, với mùi hương và màu sắc bắt mắt. Chính hai yếu tố ấy thúc đẩy giác quan hoạt động, tạo cảm giác dễ chịu ở người mua sắm, kích thích họ mua hàng.

Màu sắc cũng tạo nên những phản ứng cảm xúc và tâm lý rất khác nhau. Người phục vụ mặc trang phục đỏ thường nhận được nhiều tiền bo hơn. Bệnh viện sử dụng màu trắng để tạo cảm giác trấn an. Nhà hàng dùng màu vàng để kích thích dịch vị, tạo cảm giác đói bụng. Âm nhạc nhịp chậm khiến người mua sắm di chuyển chậm hơn và mua hàng nhiều hơn. Nhạc cổ điển giúp gia tăng doanh số tại các nhà hàng và cửa hàng rượu vang. Nhạc vui giúp người chờ điện thoại trên đường dây tổng đài kiên nhẫn hơn…

5. Nguyên tắc khan hiếm

Những mẫu quảng cáo như “thời gian có hạn” sẽ đẩy tâm lý mua hàng của các bà nội trợ lên đỉnh điểm. Các hãng hàng không với “chỉ còn ba ghế” sẽ hối thúc bạn đặt chỗ ngay.

Khi lựa chọn trở nên quá khan hiếm, những gì còn lại sẽ trở thành hấp dẫn. Những nhà tâm lý học gọi đó là hiện tượng “co rút thế giới tạm thời” khiến quyết định và nhận thức của chúng ta tức thời thay đổi.

6. Hiệu ứng đồng vị

Một nghiên cứu từ Đại học Stanford tại cửa hàng bán lẻ hàng cao cấp Williams-Sonoma cho thấy một máy nướng bánh mì với giá 275 USD dường như thu hút rất ít sự quan tâm của khách hàng.

Nhưng sau đó, họ đặt cạnh đó một máy nướng bánh mì tương tự, có kích thước lớn hơn đôi chút với bảng giá 429 USD, ngay lập tức chiếc máy trị giá 275 USD trở thành “món hời” trong mắt người mua hàng và doanh số gia tăng gấp đôi!

Một người bán hàng thông minh sẽ giới thiệu một sản phẩm có giá cao nhất trước khi đưa ra những sản phẩm giá thấp hơn để lôi kéo người mua. Mức giá cao chót vót ban đầu sẽ trở thành tiêu chuẩn so sánh và khiến mọi thứ khác trở nên hợp lý và phải chăng.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here