Nội Dung Chính
Có rất nhiều người nghĩ ra những ý tưởng kinh doanh mới nhưng không phải tất cả chúng đều được phát triển thành các công ty thành công. Vậy làm thế nào để biết được ý tưởng của bạn thực sự có hiệu quả?
Dưới đây là 5 cách xác định tính khả thi của ý tưởng kinh doanh do doanh nhân Manish Bhalla – Nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty công nghệ FATbit Technologies chỉ ra:
Dựa vào lợi thế
Để tránh mắc sai lầm, hãy xây dựng ý tưởng kinh doanh dựa trên những sở thích và điểm mạnh của bản thân. Điều này sẽ giúp công ty “né” được những sai lầm cơ bản và biết cách giải quyết rắc rối trong công việc sau này nhờ vào những kỹ năng mà bạn đã được trang bị sẵn.
Bằng cách đó, ý tưởng của bạn sẽ có lợi thế hơn hẳn so với những dự án “mới toanh”.
Bạn có thể tự nghĩ ra ý tưởng, thực hiện các cuộc khảo sát thăm dò hoặc tham khảo ý kiến của bạn bè. Đồng thời, nên thử tính toán xem liệu công ty sẽ “trụ” được bao lâu trước khi thu về lợi nhuận. Mục tiêu/ tầm nhìn của một doanh nhân, đối với bạn, là gì?
Tìm hiểu thị trường cạnh tranh
Nghiên cứu thị trường là bước chuẩn bị quan trọng giúp chúng ta phân tích được những yếu tố then chốt có khả năng biến sản phẩm/dịch vụ trở nên độc nhất khi tung ra ngoài thị trường.
Bên cạnh đó, bạn nên ưu tiên hàng đầu cho việc xác định đối thủ cạnh tranh của mình là ai (bao gồm cả đối thủ hiện tại và đối thủ tiềm năng) và hiện họ chiếm bao nhiêu thị phần? Hãy thử đánh giá các chiến lược marketing, thương hiệu trực tuyến, giá cả cũng như chất lượng sản phẩm/dịch vụ mà họ cung cấp.
Cách này có thể giúp bạn thấu hiểu được những mong muốn của khách hàng cũng như khám phá ra những nhu cầu mới chưa được ai khai thác để từ đó làm hài lòng các khách hàng mục tiêu sau này.
Chọn mô hình kinh doanh phù hợp
Bán hàng trực tuyến là một trong các hình thức kinh doanh phổ biến hiện nay
Cho dù bạn chọn mô hình phân phối kiểu liên kết, B2B hay cửa hàng thương mại điện tử thì mỗi thứ đều sở hữu những khách hàng mục tiêu, năng lực cốt lõi cũng như giá trị riêng. Việc kiểm tra xem khả năng đáp ứng của công ty đối với các yêu cầu riêng biệt của từng loại mô hình sẽ xác định được tỷ lệ thành công của nó, từ đó dễ dàng nhận diện được đâu là mô hình phù hợp với dự án kinh doanh của bạn.
Các mô hình kinh doanh phổ biến hiện nay là bán hàng trực tuyến, bán hàng trực tiếp hay phân phối qua đại lý bán lẻ, v.v… Tuy nhiên bạn đừng chọn đại một mô hình bất kỳ trong số này khi chưa có đủ cơ sở phân tích.
Hãy cố gắng thu thập thêm thông tin về doanh thu tiềm năng, cấu trúc chi phí cũng như những giải pháp giá trị của công ty trước khi lựa chọn một loại hình kinh doanh cụ thể.
Kiểm tra tính bền vững
Tính bền vững của một ý tưởng kinh doanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nhu cầu của khách hàng và nguồn cung sẵn có. Nếu sản phẩm/dịch vụ của bạn chưa có ai làm, hoặc chúng cung cấp những thứ tốt hơn các giải pháp hiện có thì chắc chắn ý tưởng này sẽ có tiềm năng phát triển lâu dài.
Đồng thời, việc kiểm tra nguồn cung trước khi biến ý tưởng thành hiện thực sẽ giúp bạn ngăn chặn bớt những thất bại trong tương lai.
Ngoài ra, bạn cũng cần quan tâm đến giai đoạn mở rộng sản phẩm/dịch vụ của ý tưởng này và tính toán khả năng chi trả của khách hàng trong tương lai.
Gộp chung tất cả những yếu tố này lại sẽ giúp bạn xác định xem liệu ý tưởng kinh doanh trên có đủ khả năng sinh lợi từ thu nhập kỳ vọng hay không.
Tham khảo ý kiến chuyên gia marketing
Sẽ tốt hơn nếu bạn nhận được lời khuyên từ một chuyên gia marketing ngay từ lúc đầu. Bởi điều này sẽ hạn chế bớt những rủi ro cũng như giảm thiểu chi phí kinh doanh nhờ vào những kiến thức chuyên sâu về chiến lược quảng cáo, khuyến mại mà họ cung cấp cho bạn.
Thực tế, các công ty khởi nghiệp thường “lờ” đi những giá trị của marketing và cho rằng đó là việc của tương lai, cho đến khi họ nhận ra những sai lầm mà họ mắc phải sau này vốn dĩ đã có thể tránh được ngay từ đầu nhờ vào những hiểu biết nền tảng đó.
Ví dụ, nếu công ty của bạn lựa chọn hình thức kinh doanh trực tuyến thì ngay từ đầu, bạn cần phải có một trang web tiện ích, có khả năng tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Và bằng những kinh nghiệm sẵn có, một chuyên gia marketing kỹ thuật số sẽ chỉ cho bạn biết trước rằng trang web đó phải có url thân thiện với công cụ tìm kiếm và cần được xây dựng theo đúng cách.