Nội Dung Chính
Những bí mật được đúc rút từ câu chuyện của những nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới. Cùng xem nghệ thuật lãnh đạo dưới đây và rút kinh nghiệm cho mình nhé.
1. Yếu tố nào hình thành nên nghệ thuật lãnh đạo?
Trong một cuộc thăm dò để tìm yếu tố thúc đẩy người tham gia trở thành lãnh đạo, John C.Maxwell đưa ra kết quả rằng:
- Năng lực lãnh đạo tự nhiên: 10%.
- Hoàn cảnh thúc đẩy, kết quả từ khủng hoảng: 5%.
- Ảnh hưởng bởi 1 nhà lãnh đạo khác: 85%.
Kết quả này cho thấy điều gì?
Thực tế chỉ có một số ít người thành công bước lên vị trí lãnh đạo do tổ chức của họ gặp phải khủng hoảng, và họ buộc phải làm công việc ấy. Một nhóm nhỏ khác được tập hợp bởi những người được thừa hưởng năng lực lãnh đạo tự nhiên, và họ nhận ra họ có thể lãnh đạo được tổ chức bằng chính con đường riêng của họ.
Nhưng hơn 80% nhà lãnh đạo, có được phẩm chất lãnh đạo bằng ảnh hưởng được tạo dựng thông qua việc học hỏi những người giàu kinh nghiệm.
Thông điệp là: Một số người có khả năng lãnh đạo bẩm sinh, nhưng phần lớn là do quá trình học hỏi lâu dài mà ra. “Hãy nuôi dưỡng niềm đam mê, tính chân thật và sự tôn trọng trên con đường hướng tới sự lãnh đạo”. Trau dồi tỉ mỉ những nghệ thuật lãnh đạo, phẩm chất lãnh đạo trong cuộc sống của bạn, bạn luôn có thể hoàn thành tốt vị trí ấy.
2. Những nhà lãnh đạo có gặp khủng hoảng và thất bại trong đời sống không?
Dĩ nhiên là có, kể cả những vị lãnh đạo giỏi nhất trên thế giới.
Nếu tìm hiểu về Steve Jobs bạn sẽ biết, năm 30 tuổi, Jobs đã phải trải qua 1 cơn khủng hoảng và suy sụp khi bị sa thải khỏi công ty do chính mình sáng lập, sau này ông trở thành người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Tổng thống Abraham Lincoln đã kinh nghiệm hết thất bại này đến thất bại khác trong suốt 28 năm. Năm 1833, ông bị suy nhược thần kinh. Khi ông ra ứng cử cho chức vụ phát ngôn viên và ông đã bị thua. Năm 1848, ông bị thua cuộc tái nhiệm chức vào Quốc Hội và bị gạt bỏ chức nhân viên đất đai (land officer) vào năm 1849.
Những thất bại này đã không ngăn cản ông tiếp tục tranh đấu. Năm 1854, ông bị thua trong cuộc bầu cử vào Thượng Nghị Viện. Hai năm sau ông lại bị thua trong cuộc bổ nhiệm vào chức phó tổng thống và một lần nữa thất bại trong cuộc bầu cử cho Thượng Nghị Viện năm 1858. Tuy nhiên, bất chấp mọi điều đó, năm 1860 ông đắc cử tổng thống và đi vào lịch sử là một trong những lãnh đạo vĩ đại nhất nước Mỹ.
Bất cứ ai cũng đều sẽ có lúc trải qua những cơn khủng hoảng trong cuộc sống, dù là bạn, hay kể cả những nhân vật lỗi lạc nhất. Ta sẽ phải đối mặt với hàng mớ chuyện khó khăn, cảm giác bế tắc, chịu đựng sự tổn thương, mệt mỏi, thậm chí tuyệt vọng.
Nhưng sau tất cả, sự nghiệp của họ cho ta thấy rằng khủng hoảng hay thất bại không phải là kết thúc. Nó là cột mốc cho sự phát triển, mà mỗi một lần đối diện với nó là bạn đang mài sáng tư chất của mình trên con đường hướng tới nghệ thuật lãnh đạo và thành công.
Thông điệp là: Người chiến thắng vượt qua giới hạn của mình ngay trong những cơn khủng hoảng. Kể cả những lúc bạn cảm thấy thật áp lực, hãy tin rằng đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang trở nên xuất sắc hơn.
3. Người hướng nội có thể trở thành lãnh đạo giỏi hay không?
Trong phân loại tính cách MBTI, chữ I dành cho những người hướng nội – Introverted: là những người có thiên hướng nhút nhát, rụt rè, ngại giao tiếp, thích đọc sách, khiêm tốn, nhạy cảm, thận trọng, nghiêm túc, sống nội tâm, hiền lành, điềm tĩnh, thích tìm sự đơn độc, ngại mạo hiểm, dễ bị tổn thương bởi lời lên án hoặc xúc phạm.
Nếu bạn là người hướng nội, có vẻ bạn cảm thấy khó thành công khi trở thành lãnh đạo. Thật vậy, nhiều nhà lãnh đạo có tính cách hướng nội cảm thấy mình mờ nhạt so với những lãnh đạo khác, kỹ năng giao tiếp trước đám đông khiến họ thấy lo sợ và ái ngại.
Tuy nhiên hãy biết rằng bạn không đơn độc, các lãnh đạo nổi tiếng thế giới như Warrent Buffet, Bill Gates và ngay cả Barrack Obama cũng được đánh giá là người hướng nội và họ vẫn thành công vượt trội với vai trò lãnh đạo. Bạn cũng không ngoại lệ nếu nghiêm túc hướng đến điều này.
Giáo sư Mills nói: “Bạn vẫn cần phải có một chút gì đó bạo dạn, dĩ nhiên; không thể làm lãnh đạo của một tập đoàn được nếu mỗi lần bước vào một căn phòng đầy người bạn lại mặt cắt không còn giọt máu vì sợ hãi và vội vã lỉnh đi. Nhưng bạn cũng không cần phải quá bạo dạn. Tôi đã được biết rất nhiều lãnh đạo của các tập đoàn lớn là những người rất nội tâm, và luôn phải chuẩn bị tinh thần rất kỹ lưỡng trước khi phải diễn thuyết hoặc thuyết trình”.
Đó cũng xem là điểm mạnh của họ. Suy nghĩ thấu đáo và chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi làm mọi việc là những điều làm nên một nghệ thuật lãnh đạo tuyệt vời, người hướng nội hoàn toàn đáng tin cậy trong vị trí lãnh đạo của mình.
Người hướng nội tìm mọi nỗ lực để hiểu được cách thức làm việc trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào quan trọng. Họ chuẩn bị kỹ, phán đoán các hướng xảy ra vì thế mà các quyết định đột phá thường đạt kết quả mong muốn.
Người lãnh đạo không phải là người quảng giao, chạy theo số lượng người quen mà có xu hướng hình thành các mối quan hệ rất vững chắc với một nhóm người. Những mối quan hệ tuy ít mà chất do được họ quan tâm chu đáo đến thời điểm nào đó sẽ hỗ trợ tốt cho sự nghiệp và cuộc sống.
Dù được nhìn nhận như là rất nhút nhát, nhưng thực tế người hướng nội thực sự nói tốt trước công chúng bởi vì họ có xu hướng nghiên cứu hay trình bày vấn đề thấu đáo nhất. Khi họ nói về điều đặc biệt đam mê hoặc có kiến thức thì hiệu quả truyền đạt sẽ gây bất ngờ.
Thông điệp là: Đối với rất nhiều người, thiên tính hướng nội là một phần rất quan trọng, cốt yếu của con người họ. Nếu bạn là người hướng nội, đừng bao giờ chối bỏ thiên hướng ấy của mình. Bạn hoàn toàn có thể tập trung vào những điểm mạnh mà chỉ người hướng nội mới có được và tạo nên sự khác biệt cho chính mình từ nó.
4. Điều gì tạo nên nghệ thuật lãnh đạo tuyệt vời
Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt đã từng nói: “Một nhà lãnh đạo tốt là người biết truyền cảm hứng cho những người khác để họ có niềm tin vào nhà lãnh đạo. Nghệ thuật lãnh đạo là truyền cảm hứng cho những người khác để họ có niềm tin vào chính bản thân họ”.
Thông điệp là: Hãy là một tấm gương về sự nghiêm túc với công việc, điều đó giúp bạn trở thành nguồn cảm hứng với cộng sự. Với việc đem đến cảm hứng cho người khác, tin tưởng và giúp họ tin vào mình, bạn sẽ thấy những kết quả mà họ tạo ra tốt hơn những gì bạn kỳ vọng rất nhiều.
5. Và cuối cùng, ai nên học kỹ năng lãnh đạo?
“Nghệ thuật lãnh đạo chính là tạo ảnh hưởng không hơn không kém” – John C. Maxwell
Dù là chủ 1 doanh nghiệp, đứng đầu 1 nhóm làm việc, 1 câu lạc bộ, hay chỉ là một thành viên trong nhóm, bạn sẽ nhận thấy rằng kỹ năng lãnh đạo là điều cần thiết với bất cứ ai.
Nhiều người lầm tưởng lãnh đạo chính là phải điều hành một tập thể. Trong cuốn sách về thuật lãnh đạo của mình, John Maxwell nói:
Hầu hết mọi người nhầm lẫn trước khi nhận ra đâu là giá trị của sự lãnh đạo. Họ tin rằng lãnh đạo chỉ dành cho một số người – những người ở tầm cao nhất của công ty.
Họ không biết gì về cơ hội họ đang vươn tới, và cũng không chịu học hỏi cách lãnh đạo. Hiệu trưởng của một trường Đại học than thở với tôi rằng: chỉ có một nhóm nhỏ sinh viên đăng ký học khóa lãnh đạo do nhà trường tổ chức!
Tại sao vậy?
Chỉ có vài người nghĩ bản thân họ là lãnh đạo. Lãnh đạo không hẳn phải là điều hành một tổ chức lớn, đứng đầu một tập thể. Nếu các bạn sinh viên biết rằng lãnh đạo là người có sức ảnh hưởng, thì họ đã khao khát được học môn này. Nhưng đáng tiếc, họ đã bỏ qua điều đó để phát triển.
Thông điệp là: Khi con người vẫn còn tương tác với nhau, thì kỹ năng lãnh đạo luôn là điều cần học và thực hành.