Xiaomi: Startup tỷ đô hay chỉ là quả bom… xịt

0
741

Tất cả những kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng đều chưa được hiện thực hoá khiến con số định giá Xiaomi 45 tỷ USD hoàn toàn không khả thi.

Mọi thứ từng diễn ra rất tốt đẹp và suôn sẻ đối với Xiaomi. Khách hàng xếp hàng dài chờ mua sản phẩm của họ, nhà đầu tư thì bị hấp dẫn và bằng chứng là họ đã kết thúc vòng huy động vốn mới nhất với mức định giá cao kỷ lục lên tới 45 tỷ USD. Tuy nhiên, đó là những gì diễn ra vào năm ngoái.

Hiện tại, Xiaomi – một trong những câu chuyện khởi nghiệp thú vị nhất của Trung Quốc những năm gần đang gặp khó khăn và có thể họ sẽ không hoàn thành được mục tiêu bán ra 80 triệu chiếc điện thoại thông minh trong năm nay. Trong khi đó, các nhà cung cấp cũng cắt giảm mục tiêu cho hãng này.

Tất cả những tín hiệu đó cho thấy Xiaomi đang đứng trước thử thách duy trì phong độ sau khi vượt qua cả Apple và Samsung ở thị trường Trung Quốc. Nếu trước đây các nhà đầu tư bị “quyến rũ” bởi sức trẻ và mô hình kinh doanh trực tuyến độc đáo của Xiaomi thì hiện tại, tốc độ phát triển ở Trung Quốc sụt giảm cùng với sự sao chép chiến lược kinh doanh của các đối thủ cạnh tranh đã vô hiệu hoá lợi thế là người đi tiên phong trong thị trường của Xiaomi.

Quan trọng hơn, nó khiến nhiều người phải đặt câu hỏi hoài nghi xung quanh con số định giá quá cao của họ.

“Tất cả những kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng đều chưa được hiện thực hoá khiến con số 45 tỷ USD hoàn toàn không khả thi”, theo Alberto Moel – một chuyên gia phân tích tại Sanford C Bernstein. “Một số người cho rằng mô hình kinh doanh của Xiaomi giống với Apple và họ đang phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, thực tế thì tốc độ phát triển của họ đang chậm lại và không đạt được thành tựu tốt như Apple”.

Đối với các nhà cung cấp, Xiaomi không cung cấp con số chính xác của đơn hàng mà thay vào đó dựa trên cơ sở số lượng đặt mua thông qua website. Tuy nhiên, công ty luôn yêu cầu nhà cung ứng phải chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của Xiaomi bất cứ khi nào. Mặc dù vậy, một số nguồn tin cho biết các nhà cung cấp này đều đã chuyển hướng nguồn lực sang các đối tác khác không phải là Xiaomi.

Theo công ty nghiên cứu Canalys, số lượng sản phẩm bán ra thị trường tại Trung Quốc bao gồm cả dòng sản phẩm cao cấp Mi 4 và Redmi đã giảm 8% trong quý thứ 3 so với đầu năm nay đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên của hãng. IHS – một công ty nghiên cứu khác thì cho rằng lượng sản phẩm bán ra của Xiaomi có thể đã giảm 3,9%.

Đây là một thay đổi lớn so với triển vọng tăng trưởng táo bạo được đặt ra trước đây để mình chứng Xiaomi là một trong những công ty khởi nghiệp giá trị nhất thế giới. Tháng 3 năm ngoái, CEO Lei Jun đã dự đoán rằng họ sẽ bán ra được 100 triệu chiếc điện thoại thông minh trong năm 2015. Tuy nhiên 9 tháng đầu năm nay, Xiaomi mới bán được tổng cộng 53 triệu chiếc.

Điều đáng nói là, nhờ những kỳ vọng lạc quan kể trên, Xiaomi đã tiếp tục thu hút được thêm 1,1 tỷ USD tiền đầu tư vào tháng 12 năm ngoái, bao gồm của cả GIC, All-Stars Investment và DST.

Theo Peter Fuhram – Chủ tịch và CEO China First Capital thì: “Sự thổi phồng và kỳ vọng có lẽ là 2 yếu tố chính dẫn tới mức định giá quá cao dành cho Xiaomi”.

Vào tháng 3, sau khi kết thúc vòng huy động vốn và Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng thấp nhất trong vòng 15 năm, CEO Lei Jun đã loại bỏ dự đoán từ đầu năm về việc bán được từ 80 – 100 triệu chiếc điện thoại mỗi năm.

Sự sụt giảm trong quý 3 vừa qua diễn ra trong bối cảnh công ty này giới thiệu chiếc Redmi Note 2 với mức giá chỉ 125 USD. Trong quý thứ 4 này, tốc độ phát triển có thể tăng trở lại nhờ ngày Cô đơn tại Trung Quốc và phiên bản mới nhất của chiếc Redmi Note.

“Tôi không quan tâm tới con số định giá bởi thị phần của họ hiện chiếm đáng kể. Trong khoảng 12 tháng tới, những gì Xiaomi đang nỗ lực thực hiện trong lĩnh vực nhà thông minh và dịch vụ không gian sẽ biểu hiện rõ ràng hơn”, theo Hans Tung đến từ CGV Capital nói.

Xiaomi cũng muốn lảng tránh danh xưng là nhà sản xuất điện thoại thông minh mà thay vào đó là “công ty Internet” cung cấp hàng loạt thiết bị và dịch vụ trực tuyến bao gồm từ sạc dự phòng, ti vi, thiết bị tập thể dục, game, thanh toán di động…

Chuyên gia Hans Tung cũng cho rằng, những sản phẩm khác như thiết bị lọc không khí Mi Air 2 vừa giới thiệu trong tuần này sẽ giúp Xiaomi mở rộng doanh số bán hàng và kéo khách hàng quay trở lại với hệ sinh thái những sản phẩm thiết bị gia đình kết nối với Internet và thông qua ứng dụng di động.

Dẫu vậy, những mảng kinh doanh phụ vẫn còn tương đối nhỏ và công ty này kỳ vọng mảng dịch vụ có thể chỉ chiếm 1tỷ USD trong tổng doanh thu dự kiến 16 tỷ USD của cả năm. Doanh số bán điện thoại bên ngoài Trung Quốc chiếm 7% trong tổng số vào quý 3 vừa qua.

Một thách thức lớn nhất đối với Xiaomi có lẽ là bởi những đối thủ như Huawei, Lenovo và Gionee đang nhanh chóng copy mô hình kinh doanh của họ với những thiết bị siêu mỏng, giá rẻ và website bắt mắt.

Chen Si – 25 tuổi từng mua chiếc Mi 3 sau khi nó ra mắt vào năm 2013 và hiện tại đang dùng iPhone 6 nói: “Xiaomi rất nổi tiếng bởi đây là thương hiệu đầu tiên bán ra thị trường những chiếc điện thoại theo phiên bản có giới hạn. Tôi sẽ không nói mình là một khách hàng trung thành của Xiaomi, tôi chỉ nghĩ rằng một chiếc điện thoại nên có giá hợp lý và dễ sử dụng. Nếu không, nó cần phải thay đổi”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here