Vua mì tôm Miliket: Đuối sức đường trường

0
743

Chậm đổi mới, thiếu sáng tạo là những nguyên nhân chính khiến cho thương hiệu mì ăn liền Miliket đình đám một thời giờ teo tóp ở nửa cuối bảng xếp hạng thị phần.

Từng được mệnh danh “Vua mì tôm”, vào những năm 90, Miliket của Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket, tiền thân là Xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Colusa và Xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Miliket, gần như chiếm thị phần tuyệt đối. Tại thời điểm này, hình ảnh gói mì với 2 con tôm dường như là sản phẩm duy nhất trên thị trường. Thế nhưng, sự xuất hiện của các doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính hung hậu và nhiều kinh nghiệm quốc tế đã khiến thị phần của Miliket nhanh chóng bị thu hẹp.

Ngủ quên trên chiến thắng

Điều gì khiến một thương hiệu đi tiên phong trên thị trường mì ăn liền nhưng lại cán đích ở nửa cuối bảng xếp hạng thị phần? Có nhiều nguyên nhân lý giải cho thực trạng “phú quý giật lùi” của Miliket, nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Sự bảo thủ trong phương thức kinh doanh và trì trệ trong đổi mới mô hình quản trị chính là những tác nhân.

Trong khi các công ty khác liên tục thay đổi mẫu mã với những chiến lược maketing hùng hậu, thì Miliket lại ngủ trên quên trên chiến thắng và vẫn trung thành với mẫu mã bao bì hình ảnh 2 con tôm trên nền gói giấy. Miliket cũng không có nhiều đổi mới về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, kênh phân phối duy trì ổn định nhưng không có sự áp dụng các quy trình phân phối quốc tế chuyên nghiệp mà các đối thủ trực tiếp áp dụng.

Về quản trị, năm 2006, Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket đã được cổ phần hóa. Tuy nhiên với chiến lược phát triển không rõ ràng nên dù khoác lên mình “chiếc áo” được cho là “năng động” hơn, thì Miliket cũng không hãm được đà suy thoái. Minh chứng rõ nét nhất là đến năm 2012, xét về sản lượng, thị phần của Miliket là 4,4% nhưng xét về doanh thu chỉ dừng ở con số khiêm tốn 2,7%. Đây cũng là điều dễ hiểu vì sản phẩm của Miliket có giá thấp, phục vụ cho giới bình dân.

Sự thiếu năng động của ban lãnh đạo được thể hiện rõ, khi nhiều doanh nghiệp đau đầu vì thiếu vốn mà không vay được ngân hàng thì Miliket lại dư dả tiền không biết làm gì. Lấy ví dụ, thời điểm quý I/2013, tiền mặt tồn quỹ và các khoản tiền tương đương của Miliket là 83,1 tỷ đồng, chiếm 52,1%. Tỷ lệ này năm 2012 là 32,12%.

Trong khi các công ty khác liên tục thay đổi mẫu mã với những chiến lược maketing hùng hậu, thì Miliket lại ngủ trên quên trên chiến thắng và vẫn trung thành với mẫu mã bao bì hình ảnh 2 con tôm trên nền gói giấy.

Cơ hội nào cho Miliket?

Chỉ trong vòng 4 năm, từ 2008 – 2012, sản lượng tiêu thụ mì ăn liền của Việt Nam tăng 37%, lên trên 400.000 tấn còn doanh thu tăng gần gấp đôi lên trên 20.000 tỷ đồng. Dù chững lại trong năm 2014 và 2015, nhưng với trên 5 tỷ gói được tiêu thụ một năm trong những năm gần đây, Việt Nam xếp thứ tư trong danh sách các nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới. Trong đó, sản phẩm của 3 ông lớn Acecook Việt Nam, Masan và Asia Food chiếm phần lớn thị phần. Mì ăn liền cũng là ngành hàng lớn nhất hiện nay với khoảng 50 DN tham gia.

Chưa dừng tại đó, giữa tháng 5/2015, Công ty CP Kinh Đô chính thức hợp tác liên doanh với Công ty TNHH Saigon Ve Wong (Kinh Đô góp 49% vốn, Saigon Ve Wong góp 51%) để đầu tư xây nhà máy sản xuất mì ăn liền, gia vị, cháo, nuôi, phở… tại KCN VSIP Bắc Ninh. Mục tiêu của Kinh Đô là lọt vào mục tiêu lọt vào top 3 ngành thực phẩm thiết yếu.

Trong khi, Acecook Việt Nam khẳng định sẽ không ngừng đầu tư nâng chất lượng sản phẩm, nghiên cứu đem lại những giá trị mới cho sản phẩm và đem lại niềm vui, sự ngạc nhiên cho người tiêu dùng; giữ vững vị trí dẫn dắt thị trường mì gói Việt Nam.

Đưa ra các dẫn chứng như vậy để thấy rằng, việc lấy lại thị phần của Miliket trên thị trường mì ăn liền Việt Nam hiện nay là rất khó. Bởi không chỉ về số lượng mà quy mô của các doanh nghiệp tham gia cũng rất lớn.

Mặc dù, đến thời điểm hiện tại, bên cạnh sản phẩm mì ăn liền truyền thống, sản phẩm Colusa – Miliket đã trở nên phong phú hơn với các mặt hàng thực phẩm chế biến khác như: miến, bún, phở, hủ tiếu, cháo ăn liền… nhưng vẫn chưa thấy có sự khác biệt, đột phá trong chiến lược kinh doanh để giành lại thị phần.

Trong quá khứ, việc những thương hiệu đình đám như Dạ Lan, Ha So, Cao Sao Vàng, Thorakao… đã trở thành dĩ vãng là một bài học, và nếu Miliket không có những nỗ lực cải thiện mang tính đột phá thì cũng sẽ không phải là ngoại lệ.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here