Việt Nam nhất thế giới: Quảng cáo và uống rượu, bia thỏa thích

0
672

Bất kể lúc nào, ở đâu kể cả ở miền núi, vùng kinh tế hàng hóa chưa phát triển…mọi người đều có thể có được rượu bia nếu có nhu cầu.

Ths Vũ Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) đã đưa ra nhận định này và chỉ thêm nhiều hệ lụy từ việc lạm dụng rượu bia.

Nhiều hình thức quảng cáo rất tinh vi

* Thưa bà, liên quan đến câu chuyện phòng chống tác hại của rượu bia, có nhiều ý kiến cho rằng tại Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống pháp luật trong lĩnh vực này. Theo bà khoảng trống đó là gì? Dự thảo “Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia tại Việt Nam” đã bổ sung được những điểm còn khuyết thiếu trong công tác quản lý?

Đúng là hiện Việt Nam còn nhiều khoảng trống của pháp luật đối với việc phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.

Cụ thể như văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện mới chỉ bước đầu chú trọng đến giảm thiểu tác hại của lạm dụng rượu, chưa đề cập đến giảm tác hại của lạm dụng bia trong khi mức độ tiêu thụ lượng rượu nguyên chất bình quân/người từ 15 tuổi trở lên/năm của người Việt Nam có nguồn gốc do dung nạp từ bia cao hơn hẳn so với từ rượu.

Văn bản QPPL về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu chưa mang tính hệ thống, các nội dung điều chỉnh nằm rải rác ở nhiều văn bản với hiệu lực pháp lý khác nhau cũng như do nhiều ngành/lĩnh vực khác nhau ban hành.Phạm vi điều chỉnh còn chưa đầy đủ, thiếu cơ sở pháp lý để đảm bảo triển khai đồng bộ các nhóm quy định nhằm giảm tác hại của lạm dụng rưuu bia (RB).

Có hiện tượng chồng chéo, không thống nhất giữa các văn bản QPPL hiện hành và chưa có sự đồng bộ trong quy định hoặc quy định không rõ ràng chẳng hạn như cấm bán rượu mạnh ở quán Karaoke nhưng không cấm bán ở vũ trường…

Một số quy định còn chung chung, khó áp dụng trong việc triển khai thực hiện; chưa có chế tài xử lý hoặc chế tài chưa đủ mạnh; hay thiếu đồng bộ trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực như bán rượu cho người dưới 18 tuổi, quảng cáo, tiếp thị rượu trái với quy định…

Hiệu lực pháp lý của các văn bản QPPL về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu còn thấp.

Đến nay, Dự thảo “Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia tại Việt Nam” đã khắc phục được những bất cập trên.

Theo đó, việc phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia đã được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong quản lý và kiểm soát vấn đề này.

Kiểm soát tình trạng lạm dụng bia cũng đã được đề cập trong Dự thảo Luật lần này. Cùng với đó các nhóm giải pháp về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia trong Dự thảo Luật toàn diện hơn, đồng bộ hơn, bao gồm cả kiểm soát cung, kiểm soát cầu và các biện pháp giảm tác hại trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của truyền thông giáo dục sức khỏe.

Các văn bản QPPL hiện nay mới chỉ đề cập đến các biện pháp hạn chế cung hoặc hạn chế cầu một cách rời rạc với phạm vi điều chỉnh nhỏ, lẻ…

* Trước đó luật chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên. Điều nà���ồng nghĩa rượu dưới 15 độ, bia và đồ uống có cồn được quảng cáo như hàng hóa, dịch vụ bình thường, vì thế không hạn chế về đối tượng tiếp cận, nội dung, thời gian và không gian. Bà có thể chia sẻ thêm về thực trạng này? Theo bà tình trạng quảng cáo tràn lan như vậy có ảnh hưởng như thế nào tới thế hệ trẻ – lứa tuổi không nên tiếp xúc với bia rượu?

Ở nước ta chỉ sau 5 năm (2003 đến 2008) đã tăng thêm 10% nam và 8% nữ thanh niên, vị thành niên có sử dụng rượu bia. Đặc biệt có 60,5% nam và 22% nữ vị thành niên, thanh niên thừa nhận đã từng bị say rượu bia…

Trước đây trong một thời gian dài, chúng ta chỉ cấm quảng cáo với rượu từ 30 độ trở lên, từ khi Luật Quảng cáo được ban hành thì mới cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên.

Tuy vậy trong thực tế hiện vẫn còn hiện tượng một số loại rượu mạnh có thương hiệu đang được quảng bá với các hình thức rất tinh vi như đêm nhạc Hennesy đi cùng với sự xuất hiện của các ngôi sao ca nhạc, thể thao có tên tuổi trên thế giới và ở trong nước.

Riêng bia và một số mặt hàng rượu có nồng độ cồn thấp hơn 15 độ hiện đang được quảng cáo tràn lan trong cả nước.

Hiếm có quốc gia nào lại có thể rất dễ dàng tiếp cận với rượu bia như ở Việt Nam hiện nay. Bất kể lúc nào, bất kể ở đâu kể cả ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế hàng hóa chưa phát triển; mọi người đều có thể có được rượu bia nếu có nhu cầu sử dụng.

Hệ lụy của tình trạng này là sự gia tăng nhanh về mức độ tiêu thụ rượu bia trong cộng đồng đặc biệt là với nhóm thanh niên vị thành niên.

Kết quả nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới đã cho thấy thành niên từ 16 – 29 tuổi sẽ tăng mức độ tiêu thụ rượu bia từ 2 – 2,5 lần nếu họ được xem phim có các hình ảnh quảng cáo về rượu bia hoặc được xem quảng cáo về rượu bia trước khi xem phim…

Và ở nước ta chỉ sau 5 năm (2003 đến 2008) đã tăng thêm 10% nam và 8% nữ thanh niên, vị thành niên có sử dụng rượu bia. Đặc biệt có 60,5% nam và 22% nữ vị thành niên, thanh niên thừa nhận đã từng bị say rượu bia…

Chi phí tiêu thụ bia nhiều gấp 4 lần mức đóng góp cho ngân sách nhà nước

* Thực tế Việt Nam có thu nhập đứng thứ 8 khu vực Đông Nam Á nhưng mức tiêu thụ rượu bia lại đứng thứ nhất, vượt xa các nước Thái Lan, Philippines. Phải chăng chuyện quảng cáo tràn lan và khe hở của Luật có phải là một trong những nguyên nhân của tình trạng này? Theo bà thành tích uống bia đó có hệ lụy thế nào và phải làm cách nào để hạn chế bớt đi?

Mức độ tiêu thụ lượng cồn nguyên chất từ dung nạp rượu bia của người Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Chỉ trong vòng 5 năm mức độ sử dụng rượu bia ở nước ta đã tăng gần gấp đôi (2005: bình quân 3,8 lít cồn/người từ 15 tuổi trở lên đến năm 2010 là 6,6 lít trong khi toàn thế giới dường như không thay đổi trong suốt 15 năm qua với mức là 6,2 lít.

Thực trạng này là kết quả tất yếu của quá trình tăng trưởng kinh tế, gia tăng mức sống của người dân trong những năm vừa qua và đặc biệt là trong bối cảnh thiếu các chế tài đủ mạnh để kiểm soát kịp thời đối với các lĩnh vực cung, cầu của các sản phẩm rượu bia.

Hệ lụy của việc lạm dụng RB là hết sức nặng nề. Trước hết là gánh nặng bệnh tật do rượu bia gây ra đối với người sử dụng và cộng đồng. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của 30 mã bệnh và nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh thuộc ICD10 (theo phân loại bệnh tật quốc tế).

Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp hàng thứ 4 trong 8 yếu tố nguy cơ gây nên gánh nặng bệnh tật ở nước ta. Rượu bia là một trong số các nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông. Rượu bia gây nên nhiều phí tổn về kinh tế cho đất nước cũng như cho từng hộ gia đình. Rượu bia là một tác nhân phổ biến gây nên bạo lực và tội phạm…

Để hạn giảm thiểu tác hại do lạm dụng RB gây ra cần phải chú trọng thực hiện các giải pháp về kiểm soát cung (quy định về cấp giấy phép sản xuất và kinh doanh đối với mặt hàng rượu bia; quy định về hạn chế các điểm bán, giờ bán; kiểm soát chất lượng của các sản phẩm RB lưu thông trên thị trường…).

Các giải pháp về kiểm soát cầu (quy định về độ tuổi được phép mua RB, quy định về cấm sử dụng RB đối với 1 số nhóm dễ bị tổn thương, quy định về cảnh báo tác hại của lạm dụng RB trên nhãn các sản phẩm…) và các giải pháp về giảm tác hại (truyền thông giáo dục sức khỏe về tác hại của lạm dụng rượu bia, hỗ trợ điều trị cai nghiện, hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính cho người nghiện RB…)

Không thể phủ nhận ngành sản xuất bia rượu mang lại nguồn thu, mà muốn mang lại nguồn thu lớn thì phải bán được nhiều nên phải quảng cáo nhiều, ở khắp nơi và bằng mọi cách. Nhưng hệ lụy của việc tiêu thụ sản phẩm bia rượu thì đã rõ. Vậy cần cân đối giữa hai việc này như thế nào? Kinh nghiệm của các nước khác họ làm như thế nào và theo bà Việt Nam có áp dụng được không, thưa bà?

Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp hàng thứ 4 trong 8 yếu tố nguy cơ gây nên gánh nặng bệnh tật ở nước ta và là một trong số các nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông.

Các cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu bia có những đóng góp đáng kể trong giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong nước và hàng năm thường đem lại nguồn thu có ý nghĩa cho ngân sách quốc gia.

Tuy nhiên nếu không có các biện pháp kiểm soát đủ mạnh thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng “lợi bất cập hại”. Kinh nghiệm ở 1 số nước trên thế giới trong đó có Đức và trải nghiệm thực tế ở nước ta trong những năm vừa qua đã phản ánh rất rõ điều này.

Năm 2012, Việt Nam tiêu thụ 3 tỷ lít bia tạm tính tương đương với 3 tỷ USD, ước tính khoảng gần 3% số thu ngân sách của cả nước đó là chưa kể đến những chi phí gián tiếp để giải quyết những hậu quả do sử dụng rượu bia gây ra trong khi đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu, bia, nước giải khát ở VN năm 2012 chỉ là >16.000 tỷ đồng (tương đương 800 triệu USD).

Có thể thấy chỉ tính riêng chi phí trực tiếp cho tiêu thụ bia đã nhiều gấp 4 lần mức đóng góp cho ngân sách nhà nước…

Hoặc như Đức là nước tiêu thụ RB đứng thứ 9 trên toàn cầu thiệt hại do RB/năm khoảng 20 tỷ Euro trong khi doanh thu của ngành công nghiệp sản xuất rượu bia tối đa chỉ đạt 17 tỷ và nộp ngân sách chỉ có 3,5 tỷ (chiếm từ 4-10% tổng thu thuế).

Để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh rượu bia mà vẫn giảm thiểu được những tác hại do lạm dụng rượu bia gây nên, theo kinh nghiệm thế giới cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp về kiểm soát cung, kiểm soát cầu và giảm tác hại như tôi đã trao đổi ở trên.

* Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here