Tương lai của comment trên báo chí

0
736

Comment (bình luận) là vấn đề đau đầu với nhiều tòa soạn trên thế giới và Việt Nam trong năm qua. Với sự trợ giúp từ công nghệ, các bên thứ ba, và cách duyệt comment được cải thiện, các tòa soạn đang củng cố lại các mục này và xem chúng như một phần không thể tách rời trong chiến lược tương tác với độc giả. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết trên trang Nieman Reports của tác giả Sara Morrison.

Trong khi nhiều trang tin tức đã đóng cửa mục bình luận, David Hulen, tổng biên tập trang Alaska Dispatch News (ADN) lại quyết tâm giữ lại mục này. Giống như mọi trang web tin tức, những bình luận trên trang ADN cũng gặp nhiều vấn đề. Tuy nhiên, Hulen cũng nhận ra những mặt tốt của mục bình luận, cũng như khả năng biến nó trở thành một diễn đàn quan trọng dành cho cộng đồng tại một tiểu bang lớn nhưng luôn cho cảm giác như một thị trấn nhỏ này.

Sáu năm trước, khi còn là biên tập viên của tờ Anchorage Daily News (được Alaska Dispatch mua lại và sáp nhập năm 2014), Julia O’Malley đã viết một loạt bài 7 phần về hành trình cai nghiện của một người nghiện heroin. Lo ngại rằng nhân vật trong loạt bài, người đã tiết lộ rất nhiều chi tiết riêng tư về cuộc sống của mình cho độc giả, sẽ gặp phải nhiều bình luận không thiện chí, các biên tập viên đã quyết định đặt ra những câu hỏi cụ thể cho các độc giả đăng bình luận – chẳng hạn, “Cuộc đời bạn đã từng bị ảnh hưởng vì heroin bao giờ chưa?” – để định hướng cuộc thảo luận và loại bỏ mọi ý kiến không liên quan đến chủ đề hay có tính chất hạ nhục.

Theo Hulen, kết quả của chiến lược này là rất nhiều bình luận sâu sắc, giàu thông tin và cảm động được thêm vào loạt bài và chứng tỏ rằng việc định hướng cho mục bình luận có thể cải thiện được chất lượng đưa tin, miễn là tòa soạn có nguồn nhân lực để loại bỏ những bình luận không hữu ích.

Nhưng vấn đề nằm ở chính việc có nguồn nhân lực đó hay không?

Tuy là tờ báo lớn nhất Alaska, nhưng quy mô của ADN vẫn tương đối nhỏ với đội ngũ nhân viên chỉ 60 người. Không có nhân lực để kiểm duyệt mục bình luận, một số nhân viên phải chia ra để thay nhau làm công việc này. Và càng lúc họ càng thấy mình ở phe thất thế trong cuộc chiến chống những bình luận ác ý và những người thích nói mỉa. Hulen mô tả rằng đến cuối năm 2015, các mục bình luận của ADN đã trở thành “không gian của những gã thô kệch,” nơi những người đàn ông chửi vào mặt nhau và để lại những bình luận phân biệt chủng tộc và giới tính.

ADN sau đó chuyển sang nền tảng bình luận của Facebook với hy vọng việc người bình luận phải dùng tên thật sẽ buộc họ cư xử văn minh hơn. Nhưng không phải thế. Mục bình luận bị “dội bom” bởi những tài khoản Facebook giả hối thúc độc giả nhấn vào các đường dẫn về những bí mật giảm cân nhanh hay cách làm việc tại nhà mà vẫn kiếm được mức lương 6 con số hàng năm. Những nhân viên sàng lọc không thể theo kịp tình hình này. Và đã đến lúc phải thay đổi.

Trong vài năm qua, lối suy nghĩ của các tòa soạn về mục bình luận – vốn gần như không thay đổi kể từ khi được xuất hiện vào giữa những năm 2000 – cũng bắt đầu có sự chuyển biến. Trong khi nhiều tòa báo đã quyết định bỏ mục bình luận hoặc nhường lại cho các bên thứ ba như mạng xã hội, các tòa báo khác lại xem mục bình luận là một bộ phận thiết yếu trong chiến lược thu hút độc giả tương tác – và chiến lược thu hút độc giả tương tác là một bộ phận thiết yếu trong mô hình kinh doanh.

Một số tòa báo như The Guardian đã nghiên cứu kỹ mục bình luận để có cái nhìn đầy đủ về tương lai của nó. Trong hai khảo sát riêng rẽ, trang phân tích FiveThirtyEight và Dự án Tin tức tương tác của Đại học Texas đã hỏi hơn 9.000 người đăng tải comment về lý do, thời gian và cách bình luận của họ. Tờ Financial Times cũng đã đại tu chiến lược về mục bình luận của mình hồi mùa Xuân vừa rồi, và vào tháng Một, Washington Post đã khởi động bản tin hằng tuần về những cuộc đối thoại và bình luận có chất lượng tốt nhất từ các tin bài được đăng trên ấn bản điện tử trong tuần. Đối với hầu hết các hãng tin, những nỗ lực này là một phần trong một chiến lược lớn lao hơn nhằm lắng nghe độc giả nhiều hơn – cũng như để độc giả biết rằng họ được lắng nghe – và cuối cùng mang đến cho họ một sản phẩm đáng mở hầu bao. Sau thắng lợi của ứng viên tổng thống mà chẳng mấy nhà báo tin là sẽ chiến thắng, và những người ủng hộ tránh các tờ báo mang tính đảng phái nói lên những điều họ muốn nghe thay vì những gì đang thực sự diễn ra, cách suy nghĩ này càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Những nỗ lực này là một phần trong một chiến lược lớn lao hơn nhằm lắng nghe độc giả nhiều hơn – cũng như để độc giả biết rằng họ được lắng nghe.

“Đúng là chúng ta có một mối quan hệ phức tạp với độc giả,” Mónica Guzmán, nhà đồng sáng lập dịch vụ thư tin tức The Evergrey và là một trong những người đầu tiên khởi xướng mục bình luận và tương tác với cộng đồng trong báo chí nhận định. “Tôi nghĩ là chúng ta đang dần hiểu những mối liên kết sâu sắc và những đóng góp tích cực có giá trị như thế nào. Việc chúng ta là người nói còn độc giả là người nghe đã kéo dài quá lâu rồi.”

Điều đó là không nên. Mà để mục bình luận thành chỗ cho người dùng bài bác, chơi khăm nhau cũng không được. Nhưng chuyển hết cộng đồng độc giả này sang cho mạng xã hội cũng không phải là một giải pháp. “Có nhiều cách chúng ta có thể áp dụng để dẫn dắt và định hướng cộng đồng cũng như thiết kế một không gian như vậy cho họ”, Guzmán nói. “Đó là một phần của dịch vụ mà chúng tôi cung cấp. Đó là một trách nhiệm.“

Dịch vụ đó có thể sẽ được thực hiện dễ dàng hơn với những công nghệ mới giúp đạt các mục tiêu đặt ra. Công cụ Civil Comments trao trách nhiệm duyệt bình luận cho tất cả những người đăng comment bằng cách buộc họ xếp hạng những bình luận được chọn ngẫu nhiên trước khi có thể tự mình bình luận. Dự án The Coral lại hy vọng sẽ giới thiệu được một bộ công cụ có khả năng thống nhất và tích hợp tương tác của độc giả, bao gồm cả các bình luận, giữa các trang tin tức. Một số ấn phẩm đã hợp tác với nền tảng Genius, cho phép phóng viên và độc giả trực tiếp bổ sung thêm những ghi chú theo từng dòng bên cạnh một nội dung trên trang web và tổ chức một cuộc thảo luận tập trung về nội dung đó. New York Times đang hợp tác với Google để phát triển một công nghệ tiên tiến nhằm dạy cho máy móc tự động sàng lọc bình luận theo những cách trước đây chưa hề được thực hiện.

Năm 2006, The Washington Post đã trở thành trang tin lớn đầu tiên ở Mỹ cho phép bình luận dưới các tin bài. (Tờ báo này cho phép bình luận trên các trang blog của mình từ tháng 1/2005.) Động lực đằng sau quyết định này, theo Jim Brady, khi đó là tổng biên tập trang WashingtonPost.com, là để xem xem có bao nhiêu tin bài của tờ báo được thảo luận trên trang blog của những người khác. “Mọi người ở khắp nơi trên Internet nói về những gì mà The Washington Post viết. Tại sao chúng tôi lại phải đi tới 20 trang web khác nhau để xem phản ứng với câu chuyện khi chúng tôi có thể tự mình thu thập được thông tin đó?“

Trong khi các bình luận mở ra một không gian tại chỗ cho độc giả thảo luận, Brady cũng thừa nhận rằng không dễ thuyết phục các phóng viên tham gia. Đa số họ đều cảm thấy thoải mái khi giữ độc giả ở càng xa càng tốt. Brady đã nêu ví dụ về Chris Cillizza, một nhà báo từng rất nhiệt tình với những bình luận trên trang blog cá nhân có tên “The Fix” và các tin bài của mình, nhưng đã đổi ý.

Cillizza hiện ủng hộ loại bỏ mục bình luận dưới các tin bài về chính trị vì nghĩ rằng mọi người quá đam mê chủ đề này mà không thực sự đưa ra những thảo luận thú vị và hiệu quả – dù anh cũng tin rằng mục bình luận dưới các câu chuyện tin tức khác vẫn có thể có ích. Anh cũng là người hâm mộ của Quora, trang web hỏi đáp đã hợp tác với những trang như Newsweek hay Slate đăng các câu trả lời đặc biệt mang tính khai sáng hoặc thú vị trên trang web của mình. Tuy nhiên đến nay, đây vẫn giống một thỏa thuận làm ăn hơn một chiến lược tương tác, bởi những độc giả thực hiện tương tác là của Quora.

Một cách mà các hãng tin có thể sử dụng bên thứ ba để tương tác với độc giả thực sự là dùng chú giải. The Washington Post và Los Angeles Times đã hợp tác với nền tảng chú thích Genius để thêm bối cảnh từ các nhà báo và độc giả vào những bài nói của các chính trị gia và diễn viên. Los Angeles Times đã chú thích cho bài phát biểu của diễn viên Jesse Williams khi anh được tôn vinh vì các hoạt động nhân đạo tại lễ trao giải Black Entertainment Television Awards hồi tháng 6/2016. Độc giả không chú thích nhiều, nhưng lại phản hồi với những chú thích của Times, chia sẻ những trải nghiệm riêng của họ về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, nhấn mạnh sự thiếu hụt các bài học về cộng đồng thiểu số trong sách giáo khoa lịch sử và giới thiệu những tác phẩm mở rộng các quan điểm mà Williams đưa ra.

Sự tham gia của tòa soạn có thể mang lại hiệu ứng tích cực – và người bình luận cũng thường xuyên hy vọng các nhà báo sẽ tham gia cùng họ.

Trong khi hầu hết các tòa soạn đang tìm cách kết hợp con người và công nghệ để tạo ra những mục bình luận có chất lượng hơn – tập trung vào việc duyệt bình luận do con người thực hiện – tờ New York Times đang có một chiến lược hơi khác lạ: hợp tác với công ty Jigsaw của Google để tạo ra công nghệ duyệt bình luận theo những tiêu chí được giả định là chỉ có con người có thể thực hiện, ví như giọng điệu hay trao đổi lạc đề. Vấn đề lớn nhất của Times với mục bình luận của mình là cách tiếp cận đó không thể làm trên quy mô lớn: các nhân viên duyệt bình luận chỉ có thể xử lý khoảng 11.000 bình luận mỗi ngày, và đó là lý do mục bình luận hiện chỉ có trong khoảng 10% các tin bài trực tuyến của tờ báo. Nếu quan hệ đối tác này diễn ra thuận lợi, vấn đề sẽ được giải quyết và Times sẽ có thể mở mục bình luận cho tất cả các tin bài của mình – và Google hy vọng sẽ biến công nghệ này thành mã nguồn mở cho phép các hãng tin khác cũng có thể sử dụng.

Các nhân viên duyệt bình luận của New York Times thường đặt tag cho các bình luận không được đăng tải và nêu lý do chúng bị từ chối. Tuy nhiên khi đó, họ không biết rằng cách làm này sẽ hữu dụng khi quyết định hợp tác với Jigsaw để phát triển khả năng tự học của máy móc, giúp chúng dự đoán những bình luận nào sẽ được hay không được nhân viên duyệt bình luận phê duyệt. Đây là bước tiến dài trong việc dùng công nghệ hỗ trợ kiểm duyệt mục bình luận, do trước đây chúng ta hầu hết chỉ dựa vào các bộ lọc để tìm những bình luận có chứa từ ngữ mang nghĩa xấu. Biên tập viên cộng đòng Bassey Etim cho biết tờ Times sẽ bắt đầu đưa thuật toán này vào sử dụng trong vòng vài tháng tới.

Các nhân viên duyệt bình luận cũng không cần phải tốn quá nhiều thời gian để bảo đảm những người bình luận có cư xử đúng mực, và họ sẽ có thêm thời gian cho các nhiệm vụ tạo dựng cộng đồng và tương tác như chọn lọc bình luận để đưa vào các bài viết của New York Times. “Điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho một cộng đồng là chủ động cho họ thấy rằng tòa báo đang lắng nghe ý kiến của họ,” Etim chia sẻ. “Càng đầu tư cho việc đó, bạn sẽ càng thấy bớt căng thẳng hơn trong việc duyệt bình luận sau này.”

Mặc dù quản lý các bình luận là một công việc tương đối vất vả, sự tham gia của tòa soạn có thể mang lại hiệu ứng tích cực – và người bình luận cũng thường xuyên hy vọng các nhà báo sẽ tham gia cùng họ. Một cuộc khảo sát chung do dự án The Coral và dự án Tin tức tương tác của Đại học Texas đã thu về hơn 12.000 phản hồi và phát hiện ra rằng hơn 75% số người bình luận trên các trang tin tức sẽ thích thú nếu các phóng viên trả lời rõ ràng những câu hỏi thực tế trong phần bình luận, và gần một nửa cho biết họ mong các tòa soạn sẽ nêu bật những bình luận có chất lượng. Theo một cuộc khảo sát khác từ năm 2014 của dự án Tin tức tương tác, khả năng xuất hiện bình luận “thiếu văn minh” đã giảm 15% khi các nhà báo tham gia vào mục bình luận. Tuy vậy, sự tham gia này vẫn còn khá hiếm hoi. Nghiên cứu tương tự cũng trích dẫn một khảo sát năm 2010 cho thấy, mặc dù 98% phóng viên các tòa báo đọc các ý kiến bình luận, nhưng có tới 80% cho biết họ “không bao giờ” hoặc “hiếm khi” phản hồi.

Thái độ này đang thay đổi, chậm rãi nhưng chắc chắn. Một khảo sát năm 2016 của dự án Tin tức tương tác thực hiện với 34 nhà báo cho thấy tất cả các nhà báo này đều đọc các bình luận ít nhất một lần, mặc dù có 1/3 không phản hồi. Tuy nhiên đa số đều phản hồi các bình luận và xem sự tương tác đó như một phần công việc của họ.

Guzmán nhớ lại những bình luận đóng vai trò chủ chốt (cũng như những độc giả đã để lại bình luận) khi cô còn làm phóng viên cho phiên bản điện tử tại tờ Seattle Post-Intelligencer. Mặc dù cũng nhận được không ít bình luận ác khẩu, nhưng những bình luận mang tính xây dựng thường xuyên là nguồn ý tưởng cho chuyên mục của cô. “Tôi rút ra được rất nhiều điều từ các bình luận nhận được”, Guzmán cho biết. “Một nửa số câu chuyện tin tức của tôi đến từ những bình luận tôi nhận được từ câu chuyện trước. Tôi coi đó là một việc rất nghiêm túc. Nó có giá trị với tôi tới mức tôi nhìn ra những đồng nghiệp xung quanh và tự hỏi, ‘Tại sao mọi người không làm việc này?”

Guzmán cho biết trải nghiệm của cô với bình luận và thảo luận cộng đồng đã truyền cảm hứng cho The Evergrey, một sản phẩm thư tin mà cô đồng sáng lập kết hợp những phản hồi từ độc giả vào các câu chuyện, từ một bức thư tình gửi tới Seattle hoàn toàn theo gợi ý của độc giả, tới những phần trả lời câu hỏi của độc giả, như cách nhận biết một trang tin tức đáng tin cậy trong bối cảnh có quá nhiều “tin tức giả” lan tràn trên mạng xã hội.

Tuy nhiên các mục bình luận dường như vẫn bị ngó lơ. Khảo sát công bố năm 2016 của dự án Tin tức tương tác thực hiện với 525 biên tập viên và giám đốc tin tức ở tất cả các hãng truyền thông cho thấy, 10 năm sau khi mục bình luận trở nên phổ biến trên các trang tin tức, chỉ có 61% số tòa soạn có nhân viên duyệt bình luận, và chỉ có 22% có các quy định bằng văn bản cho công việc này. Điểm sáng là: 87% cho biết họ có phản hồi với các ý kiến trong mục bình luận trên báo và/hoặc trên mạng xã hội, dù khảo sát không đưa ra sự phân biệt giữa bình luận trên trang web và bình luận trên Twitter hay Facebook.

Trong báo cáo về tương tác của độc giả thực hiện cho Viên nghiên cứu báo chí Hoa Kỳ công bố tháng 5 năm ngoái, Guzmán đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ hợp tác và cùng có lợi với độc giả – “đảm bảo rằng những gì bạn làm có ý nghĩa với độc giả,” từ đó, theo quan điểm kinh doanh, “giúp bảo đảm các tác phẩm tìm được sự ủng hộ cần thiết của công chúng để có sức sống trường tồn.” Bình luận là một phần trong chiến lược tương tác với độc giả mà nhiều hãng tin đang bắt đầu hiện thực hóa, và đóng vai trò thiết yếu cả về mặt biên tập lẫn thương mại.

Sự thúc đẩy nhằm biến mục bình luận thành một khu vực tự do ngôn luận, nơi tất cả các quan điểm được chào đón, có thể có tác dụng ngược. “Đôi khi chúng ta mắc lỗi khi cho phép tất cả mọi người được nêu ý kiến mà không nhận ra rằng điều đó khiến một số nhóm người không thể lên tiếng,” Mary Hamilton, biên tập viên phụ trách hoạt động tương tác với độc giả của The Guardian cho hay. The Guardian, tờ báo khuyến khích độc giả tham gia vào các câu chuyện tin tức đang trong quá trình xem xét cách tiếp cận của mình với mục bình luận và thảo luận cộng đồng. Tháng 4 năm ngoái, The Guardian đã công bố kết quả nghiên cứu 70 triệu bình luận trên trang tin của mình từ năm 1999 đến năm 2016 (mặc dù đa phần những bình luận này có từ sau năm 2006) cho một loạt bài có tên “The Web We Want” (Trang web mà chúng ta muốn) nghiên cứu về sự lạm dụng trực tuyến.

Nhóm nghiên cứu dữ liệu đã xem xét có bao nhiêu bình luận bị chặn, và chuyên mục nào cũng như cây bút nào có xu hướng thu hút nhiều bình luận bị chặn nhất. Số bình luận bị chặn trong số 70 triệu bình luận này khá nhỏ: 1,4 triệu, tương đương 2%. Tuy nhiên những cộng đồng thiểu số trong xã hội lại phải chịu đựng những bình luận ác ý này. Những bài viết do tác giả là phụ nữ thực hiện có tỷ lệ bình luận bị chặn cao hơn so với những bài viết của các tác giả nam, và những bài viết về nữ quyền hay cưỡng dâm nằm trong số những tin bài có tỷ lệ bình luận bị chặn cao nhất. Trong top 10 tác giả nhận được những bình luận nhục mạ nhất, có 8 người là phụ nữ, trong đó có 4 phụ nữ da trắng và 4 phụ nữ da màu. Hai người còn lại là nam giới, một người da màu và một người đồng tính. Toàn bộ 10 tác giả nhận được ít bình luận nhục mạ nhất đều là nam giới.

Nghiên cứu sâu này là một phần trong tầm nhìn chiến lược của tổng biên tập Katharine Viner nhằm tìm cách tăng cường sự trung thành của độc giả và biến sự trung thành đó thành những độc giả trả phí đọc tin. Theo Hamilton, những người viết bình luận thường là những độc giả để tâm và tận tụy nhất: “Mặc dù chỉ chiếm số ít, nhưng đó là những độc giả trung thành nhất. Cách tương tác đó, nếu được làm đúng với sự cam kết và thấu hiểu về sự phù hợp có thể mang lại giá trị to lớn cho tòa soạn.”

Hamilton cho biết The Guardian cũng đang tìm cách đánh giá giá trị của các bình luận, cũng như việc tạo ra những cuộc thảo luận chất lượng và mang tính xây dựng để thu hút độc giả: “Chúng tôi đang suy nghĩ về phương pháp đo giá trị của các bình luận với những người đọc chúng cùng với các bài báo của chúng tôi,” Hamilton chia sẻ.

Aron Pilhofer, người từng phụ trách phiên bản điện tử của The Guardian trước khi đầu quân cho khoa Truyền thông và Thông tin của Đại học Temple hồi mùa hè năm ngoái coi sự tương tác với độc giả là “cốt lõi căn bản với bất cứ ấn phẩm nào coi sự trò chuyện là một điều quan trọng. Tôi đang muốn nói tới hoạt động đăng ký nhận tin tức, thành viên hoặc đóng góp của độc giả.”

Trước khi chuyển đến The Guardian năm 2014, Pilhofer đã là biên tập viên quản lý chiến lược kỹ thuật số của New York Times. Anh đã chứng kiến Times thử nghiệm các chính sách và nền tảng bình luận cũng như những cách thu hút độc giả khác, và dẫn chứng mục “The Lives They Loved” (Những người họ yêu) – một chuyên mục mà độc giả có thể gửi những bức ảnh và câu chuyện về ai đó mà họ biết đã qua đời trong năm qua – như một ví dụ tuyệt vời về “báo chí hợp tác” bắt nguồn từ những sáng kiến như vậy. Tuy nhiên, Pilhofer cũng nói rằng, những dự án này thường chỉ mang tính ngày một ngày hai. Anh muốn có một nền tảng có thể trở thành “bộ công cụ cho các tòa soạn thực hiện loại hình báo chí hợp tác này.”

New York Times đã phối hợp với The Washington Post và Mozilla để tạo lập loại nền tảng cộng đồng này. Vào tháng 6/2014, quỹ Knight đã trao cho dự án The Coral khoản tài trợ 3,9 triệu USD cho hoạt động trong vòng 3 năm kế tiếp. Nhà nghiên cứu phụ trách dự án, Andrew Losowsky, cho biết họ đã lên kế hoạch giới thiệu 2 công cụ mới vào tháng 6/2017, tất cả đều là mã nguồn mở và miễn phí cho bất cứ tòa soạn nào muốn sử dụng.

Hai công cụ này được gọi là Ask (hỏi) và Talk (nói chuyện). Công cụ ra mắt đầu tiên, Ask, sẽ cho phép phóng viên đề nghị độc giả đóng góp hay trả lời các câu hỏi. Công cụ này đã xuất hiện trên trang Philly.com trong cuộc bầu cử tổng thống, được dùng để thu hút các bài viết từ công dân về trải nghiệm bỏ phiếu, sau đó thu thập và đăng phản hồi của độc giả với kết quả bầu cử. ProPublica cũng đã thực hiện hoạt động tương tự phục vụ cho sáng kiến “Get Involved” (Hãy tham gia) của mình, theo đó đề nghị độc giả gửi thông tin về căn hộ đi thuê của họ trong cuộc điều tra về các chủ đất tại New York, hoặc những câu chuyện về việc thông tin y tế của họ bị xâm phạm khi điều tra về các hành vi vi phạm quyền riêng tư của bệnh nhân.

Talk, công cụ mà Losowsky hy vọng sẽ sớm ra mắt đầu năm 2017, về cơ bản là một mục bình luận. Losowsky cho biêt Talk cung cấp cho các nhân viên duyệt bình luận nhiều thông tin hơn về cộng đồng bình luận, có thể được dùng để xác định những kẻ gây rối và các nguồn tin. Biên tập viên cộng đồng có thể tìm những người dùng đăng bình luận nhưng hiếm khi phản hồi những bình luận khác để xác định liệu họ có phải là kẻ chơi khăm hay không. Hoặc họ có thể tìm những người bình luận có tỷ lệ lớn bình luận bị gắn cảnh cáo hoặc bị nhân viên duyệt xóa.

Tích cực hơn, các bộ lọc có thể được dùng để tìm những người đăng bình luận để lại những bài đăng dài hơn và mang tính xây dựng được những người khác đánh giá cao. Nếu một nhà báo đang cần tìm nguồn tin trong những bình luận mà họ có trải nghiệm cá nhân hay là chuyên gia về chủ đề, các bộ lọc cũng giúp quá trình này diễn ra nhanh hơn.

Đương nhiên, công cụ này chỉ có hiệu quả ngang với đội ngũ duyệt bình luận của tòa soạn. “Nó không phải là kiểu “bật-lên-rồi-để-đấy, nó sẽ tự làm mọi thứ cho chúng ta’. Đây là một cách giúp các hoạt động duyệt bình luận của bạn dễ xác định và dễ dự đoán hơn.”

Civil Comments, công cụ yêu cầu người bình luận phải đánh giá chất lượng và tính văn minh của các bình luận khác trước khi được phép đăng bình luận của mình là một cách tiếp cận khác để tinh giản quá trình duyệt. “Chúng ta chỉ cần phải tìm cách sửa chữa lại hậu quả mà thiểu số những người đang hủy hoại trải nghiệm của những người khác gây ra”, Christa Mrgan, nhà đồng sáng lập Civil với Aja Bogdanoff hồi tháng 1/2015 cho biết.

Civil lựa chọn ngẫu nhiên những bình luận cho độc giả đánh giá, để tránh họ thiên vị cho bạn bè và hạ thấp đối thủ của mình. Nếu người dùng cho điểm quá thiên vị, tài khoản của họ sẽ bị đánh dấu cảnh báo. Tuy nhiên Bogdanoff coi công cụ này giống một hệ thống thay đổi hành vi hơn một bộ lọc. Không chỉ buộc người bình luận phải nghĩ kỹ về tính văn minh trước khi gửi bình luận, nó còn biến họ thành những người kiểm duyệt. Trang web càng nhận được nhiều bình luận, thì đánh giá bình luận nhận được cũng càng nhiều. Điều này giúp công việc của các nhân viên duyệt bình luận hay biên tập viên cộng đồng trở nên bớt vất vả, và họ có thể tập trung vào các chiến lược thu hút độc giả khác.

ADN, tòa soạn của David Hulen là một trong những hãng tin lớn nhất sử dụng công cụ Civil. Các tòa soạn khác bao gồm Eugene, The (Oregon) Register-Guard, Honolulu Civil Beat và The Globe and Mail của Canada.

Một tháng sau khi cài Civil Comments, ADN đã đăng một câu chuyện về một người đang tìm bố mẹ đẻ sau khi bị bỏ rơi từ khi còn là một đứa bé. Đây là bản cập nhật của câu chuyện nổi tiếng trên tờ Anchorage và câu chuyện về một người đàn ông muốn biết về nguồn gốc của mình. Câu chuyện này có khả năng kéo theo khá nhiều bình luận ác ý với hệ thống cũ của ADN. Tuy nhiên thực tế thì không như vậy. Hulen tin rằng nền tảng mới đã giúp chuyện đó không xảy ra. Anh chỉ ra hai bình luận ấn tượng nhất.

Toàn bộ văn hóa bình luận cũng cần thay đổi, từ những người đăng bình luận tới người duyệt bình luận.

Một người bình luận nhớ ra là đã từng tới nhà thờ cùng người đàn ông và gia đình nhận nuôi anh ta, sau đó trông anh ta khi anh ta được nhận nuôi. “Anh và con gái tôi rất thích chơi với nhau”, bà viết. “Tôi vẫn nghĩ về anh rất nhiều lần trong suốt thời gian qua. Chúc anh thành công.”

Một phụ nữ khác cho biết cô mới 17 tuổi khi đã mang thai 7 tháng, vì thế câu chuyện của người đàn ông cho cô rất nhiều hoài niệm. “Tôi đã khóc rất nhiều. Tôi đã cầu nguyện, và tạ ơn Chúa đã cho tôi một tấm lưới an toàn, đó là mẹ tôi.” Cô cho biết sẽ tiếp tục cầu nguyện cho người đàn ông “tìm thấy câu trả lời anh xứng đáng được biết, để anh có thể cảm thấy an lòng.”

Nhiều người khác cũng đã nêu nhiều ý kiến giúp người đàn ông tìm gia đình ruột thịt của mình, hoặc chia sẻ câu chuyện được nhận nuôi và mong muốn tìm lại cha mẹ đẻ của chính mình. Không có bình luận vô thưởng vô phạt nào, và trừ một vài ngoại lệ, “tất cả bình luận đều rất ngọt ngào”, Hulen cho biết. “Chúng giàu tính người hơn.”

Những nền tảng bình luận mới này sẽ giúp việc kiểm duyệt trở nên dễ dàng hơn, nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Giành lại những người bình luận có thiện chí, những người đã bỏ mục bình luận khi chúng trở nên tồi tệ, xác định và xử phạt những người đăng bình luận ác ý, cũng như thuyết phục các nhà báo và tòa soạn đóng vai trò lớn hơn trong định hình cộng đồng thảo luận cũng cần được thực hiện. Toàn bộ văn hóa bình luận cũng cần thay đổi, từ những người đăng bình luận tới người duyệt bình luận. Kết quả sẽ là một sản phẩm có giá trị không chỉ về tính thông tin mà còn về tính cộng đồng.

“Bạn sẽ thấy những dòng doanh thu đa dạng, sự bền vững và một cộng đồng lớn mạnh hơn,” Guzmán nhận định về những tòa soạn đã áp dụng thành công chiến lược này. “Đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here