Tranh luận nảy lửa về Uber và GrabTaxi

0
618

Diễn biến bất ngờ xảy ra trong Hội thảo về Thương mại điện tử trên nền tảng di động, khi phần lớn thời gian thảo luận trở thành cuộc tranh luận giữa doanh nghiệp taxi truyền thống với đơn vị kinh doanh dịch vụ mới như Uber hay GrabTaxi.

Hội thảo do Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 18/3, là diễn đàn đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước, giới kinh doanh và chuyên gia thảo luận riêng về xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng di động, đặc biệt là sự ra đời của các dịch vụ mới như Uber, GrabTaxi.

Trong phần trình bày của mình, đại diện Uber và GrabTaxi đã có những phần trình bày, đưa ra nhiều thông tin về ưu điểm của các loại hình dịch vụ này như giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, tăng thu nhập cho tài xế, giảm số xe lưu hành cùng lúc, giúp bảo vệ môi trường… Giám đốc Uber Việt Nam – Đặng Việt Dũng thậm chí còn hứa hẹn về một dịch vụ mới mang tên UberPool, cho phép nhiều người đi chung một xe và dòng chảy vận chuyển không bao giờ dừng…

Tuy nhiên, phần thuyết trình của Uber lại tạo hứng cho những tranh luận từ phía các hãng taxi truyền thống. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội – Đỗ Quốc Bìnhcho biết kể từ khi những tranh cãi về tính pháp lý của Uber hay GrabTaxi nổ ra, Hiệp hội Taxi Hà Nội chưa hề lên tiếng. “Nhưng khi chúng tôi lên tiếng thì hãy coi chừng”, vị này cảnh báo.

Một mặt khẳng định xu thế công nghệ là không thể đảo ngược, ông Bình đề nghị cơ quan quản lý có cách tiếp cận thấu đáo hơn với những dịch vụ mới, tránh tình trạng “Bộ Công Thương thì thấy đây là một dịch vụ để thu thuế, còn Bộ Giao thông thì bảo đây là doanh nghiệp công nghệ, không liên quan đến chúng tôi”.

Với bản thân Uber hay GrabTaxi, ông Bình cũng đặt ra nhiều câu hỏi, tập trung vào vấn đề an toàn của hành khách, trách nhiệm của tài xế khi họ ký hợp đồng với một doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp ấy vẫn thu phí trong khi không thể kiểm soát triệt để hoạt động. “Đã là vận tải thì phải quan tâm đến phương tiện và người lái. Nhưng nếu người lái đăng ký số khung, số máy ảo thì làm sao Uber biết được”, vị này chất vấn.

Tuy vậy, chốt lại phần phát biểu, đại diện này vẫn bày tỏ mong muốn có một cơ chế hợp tác với những loại hình vận tải mới, để các doanh nghiệp cùng được hưởng miếng bánh thị trường ngày một to hơn.

Gay gắt hơn ông Bình trong phần phát biểu sau đó, ông Nguyễn Sơn – Giám đốc công ty taxi Sông Hồng khẳng định Uber là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, trái với những phủ nhận trước đó của thương hiệu này. Ngoài ra, vị này cũng chất vấn đại diện Uber, GrabTaxi một loạt vấn đề liên quan đến pháp lý: như công ty chịu trách nhiệm hoạt động của Uber tại Việt Nam lại nằm tại Việt Nam, hay nghi vấn vi phạm luật Lao động, luật Cạnh tranh khi GrabTaxi sử dụng tài xế của hãng khác.

“Để hoạt động taxi, chúng tôi phải có khoảng 4 tầng giấy phép, tới đây còn phải chi phí rất nhiều nếu quản lý bằng định vị vệ tinh (GPS)… trong khi doanh nghiệp nước ngoài vào thì chẳng cần điều kiện gì. Như vậy là không công bằng”, vị này khẳng định.

Đáp lại những thắc mắc của các hãng taxi, Giám đốc Uber Việt Nam – Đặng Việt Dũng cho biết ông chia sẻ với những bức xúc nêu trên, vì hãng này đã “quen” với việc bị phản đối khắp thế giới. Tuy nhiên, vị này từ chối bình luận thêm về tính pháp lý hay an toàn của dịch vụ, do khuôn khổ diễn đàn chủ yếu bàn về thương mại điện tử.

“Tôi nghĩ rằng ở một diễn đàn khác, có mặt của cả các luật sư, họ sẽ giải thích rất chi tiết về vấn đề này”, ông Dũng nói. Trước đó, vị này cũng như nhiều đại diện khác của Uber từng nhiều lần khẳng định sẵn sàng đối thoại với các hãng vận tải và nhà chức trách.

Về mô hình kinh doanh của công ty, ông Dũng tái khẳng định Uber là một công ty công nghệ, không chỉ làm dịch vụ về xe, mà còn cả trực thăng, ẩm thực… “Tôi hiểu những phản đối của các hãng taxi và cho rằng đó không phải lỗi của họ. Câu trả lời, tôi nghĩ nên được dành cho nhà chức trách, bởi nhiều khuôn khổ pháp lý có thể không theo kịp công nghệ”, vị này chốt lại.

Chia sẻ với Uber, đại diện GrabTaxi Việt Nam – bà Emily Thu Đỗ cũng từ chối bình luận về vấn đề pháp lý tại diễn đàn này. Đại diện này cũng tái khẳng định quan điểm cho rằng thị trường hiện và trong tương lai đủ lớn để các loại hình dịch vụ cùng có thể phát triển mà không phải triệt tiêu lẫn nhau. Chốt lại buổi thảo luận, ông Nguyễn Thanh Hưng đề xuất một buổi tọa đàm khác, do ngành giao thông tổ chức để giải quyết triệt để những tranh cãi xung quanh vấn đề này.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here