Trận chiến thế kỷ giữa Uber và taxi tại London

0
687

Cuộc chiến ở London phản ánh chia rẽ trong cuộc bỏ phiếu Brexit, xung đột giữa dân nhập cư và người bản địa, giữa toàn cầu và quốc gia.

6 giờ sáng, Zahra Bakkali rón rén ra khỏi phòng, chuẩn bị bữa sáng cho lũ trẻ. Sau khi chúng rời khỏi nhà, cô tới garage, ngồi vào chiếc Toyota Prius của mình, bật ứng dụng Uber và chờ đợi công việc đầu tiên trong ngày.

Bên kia thành phố, Paul Walsh đang dùng cà phê sáng và đọc báo. Chào tạm biệt vợ con, ông khởi động chiếc taxi màu đen dán quảng cáo của công ty du lịch Memphis và hướng tới sân bay Heathrow.

Mỗi ngày, họ cùng chạy xe trên những con phố, là người lạ nhưng cũng là kẻ thù trong trận chiến thế kỷ giữa Uber và taxi truyền thống.

Trận chiến ở London đặc biệt hơn một chút. Nó phản ánh những xung đột trong cuộc bỏ phiếu đã khiến Anh rời EU, là cuộc chiến giữa dân nhập cư và người bản địa, giữa cái cũ và cái mới, giữa toàn cầu và quốc gia.

Những chiếc taxi của London xuất hiện từ năm 1634. Để được hành nghề, tài xế phải ghi nhớ 25.000 con phố và 100.000 địa điểm mới vượt qua được “Bài thi kiến thức” được đánh giá khó nhất thế giới.

Uber xuất hiện từ năm 2012 nhưng số tài xế hiện đã là 40.000 – gần gấp đôi so với 21.000 tài xế taxi truyền thống. Họ dùng thiết bị định vị để tìm đường. Và rất nhiều tài xế Uber là dân nhập cư.

Giá Uber thấp hơn taxi khoảng 30%. Sự chênh lệch này khiến tài xế taxi cho rằng Uber đang âm mưu cướp công việc của họ. “London mà thiếu taxi đen thì cũng chẳng khác gì London không có Big Ben”, Walsh khẳng định.

Brexit là cuộc chiến giữa những người hưởng lợi từ toàn cầu hóa với những người bị đe dọa bởi nó. 6 trên 10 người dân London, trong đó có Bakkali, không đồng tình. Trong khi đó, Walsh và hầu hết tài xế taxi lại ủng hộ Brexit.

Một năm kể từ ngày bỏ phiếu, London đã chứng kiến 4 vụ tấn công khủng bố đẫm máu và luôn trong tình trạng bất ổn. Trong khi đó, Travis Kalanick – cựu CEO của Uber phải từ chức do những cáo buộc về nạn quấy rối nhân viên, đối xử bất công với tài xế và lách luật

Cô Bakkali và ông Walsh chỉ là những nhân tố bé nhỏ trong cuộc chiến nảy lửa này. Họ đều chung một mục tiêu là cho con cái mình một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Với Bakkali, taxi đen là hiện thân của sự phân biệt chủng tộc. “Họ không bao giờ nhường đường và thậm chí còn lăng mạ tôi”, cô cho hay. Còn với Walsh, Uber là tổng hợp tất cả các hệ lụy từ việc toàn cầu hóa và sai lầm của Chính phủ khiến những người dân chăm chỉ như ông phải gánh chịu.

Ở những nơi khác, dân mới nhập cư sẽ chọn nghề lái taxi, nhưng London thì không, Walsh cho biết. “Đầu tiên, bạn sẽ phải dành vài năm để học thuộc đường sá, sau đó đầu tư gần 60.000 USD cho chiếc taxi của mình”, ông nói.

Theo Walsh, Uber không chỉ đang giết chết một loại hình kinh doanh, mà là một nét văn hóa. Ông tự hào nhận mình là điển hình cho tài xế taxi ở London – có chính kiến, hóm hỉnh và hiểu biết về thành phố. Ông khẳng định có thể nói liên tục suốt 2 phút về bất cứ chủ đề nào.

Huy hiệu lái taxi là tấm vé tới mức sống cao hơn, nhưng đòi hỏi bạn phải vượt qua “Bài thi kiến thức”. Tỷ lệ bỏ cuộc là 70%.

Tuần nào Walsh cũng dành 6 ngày lượn quanh thành phố bằng xe máy để tập nhớ đường, tới mức những con đường đi cả vào trong giấc mơ mỗi đêm. Ông nhận được huy hiệu vào năm 1994, sau 3 năm ôn luyên. “Bài thi ấy đã chiếm trọn tâm trí của tôi. Và giờ đây Uber phủ nhận nó bằng một ứng dụng di động”, ông nói.

Tháng 6 năm ngoái, chỉ một tuần trước cuộc bỏ phiếu rời EU, Bakkali mới bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của mình. Sinh ra tại Morocco, cô tới London năm 1997 khi mới 18 tuổi, không biết đọc viết hay lái xe. Giờ đây ở tuổi 38, cô khao khát được đi học. Cô đăng ký một lớp học toán tại trường cao đẳng công cộng Westminster như một cách tự thưởng cho bản thân. “Con gái ở làng tôi không được phép học hành”, cô nhớ lại.

Năm 2010, Bakkali khi ấy đang mang thai đứa con thứ năm, bước lên xe bus cùng 4 người con lớn. Lái xe – một người đàn ông da đen, lập tức buông lời lăng mạ cô. Đó không phải là lần đầu tiên. Tối đó, cô nói với chồng rằng mình sẽ không bao giờ sử dụng phương tiện công cộng nữa và muốn mua một chiếc xe riêng.

Sau khi thi đỗ bằng lái, Bakkali nhận ra mình rất thích lái xe. Cô thổ lộ với chồng ước mơ trở thành tài xế xe bus. “Em đã nghiên cứu Uber chưa?”, chồng cô hỏi.

Họ bắt đầu lên mạng tìm hiểu. Và chỉ vài tuần sau, Bakkali chính thức trở thành tài xế Uber.

11 giờ sáng, đồng hồ Big Ben đổ chuông khi Walsh lái xe qua Quảng trường Quốc hội, đâm vào con đường nhỏ dẫn tới trụ sở Đảng Bảo thủ cầm quyền. Một đám đông tài xế taxi đang biểu tình bên ngoài cổng chính, với khẩu hiệu và biểu ngữ buộc tội Uber và lên án Chính phủ đang đứng về phía Uber.

“Chính phủ và Uber đã thông đồng với nhau”, Walsh nói, “London vẫn luôn đón nhận dân tị nạn. Nhưng có sự khác nhau giữa dân tị nạn và dân nhập cư kinh tế. Họ tới đây khiến cho mức sống của chúng tôi bị hạ thấp. Đã đến lúc phải ngăn chặn việc này”.

“Đây hoàn toàn không phải là phân biệt chủng tộc. Rất nhiều tài xế taxi là ngườ Ireland và Do Thái”, ông bổ sung.

Uber cho biết họ nhận được hàng trăm phàn nàn về việc tài xế của mình bị tài xế taxi sỉ nhục, với những lẽ vừa thô tục vừa có ý phân biệt chủng tộc. “Tài xế taxi được hưởng các ưu tiên như chạy vào làn xe buýt, có chỗ đỗ riêng và có thể nhận khách vẫy dọc đường, nhưng họ vẫn luôn thù địch chúng tôi”, cô nói.

Bakkali từng kiếm được 340 USD cho một chuyến đi chạy một mạch suốt 20 tiếng. Nhưng nhìn chung, mỗi tuần cô chỉ kiếm được khoảng 300USD sau khi đã trả phí bảo hiểm, xăng và rửa xe. Cộng thêm khoản tiền lương từ công việc bán thời gian tại siêu thị của chồng, cả gia đình cô vẫn phải chật vật phụ thuộc vào chính sách trợ cấp. Và mỗi khi có khách hủy chuyến, Bakkali lại lo lắng đó là vì họ biết cô là người Hồi giáo, nhờ vào trang phục cô mặc trong ảnh trên ứng dụng.

Năm ngoái, Uber tăng tỷ lệ chiết khấu cho hãng từ 20% lên 25% đối với tài xế mới. Dù nhận được sự phản đối kịch liệt từ tài xế, hãng vẫn không thay đổi quyết định này.

“Họ quan tâm tới khách hàng nhiều hơn tới tài xế”, Bakkali nhận định. Khi cô nghỉ lái khoảng hai tuần, lượng khách cô nhận được cũng giảm xuống còn một nửa. Dù Uber phủ nhận, cô vẫn cho rằng đó là hình phạt của hãng khi tài xế tạm nghỉ.

Walsh cho biết cuộc chiến của họ là với Uber, chứ không phải với tài xế Uber. “Tôi thấy họ phải ngủ ở trong xe. Uber đang biến mọi thứ về lại thời trung cổ”, ông nói.

Trước khi Uber xuất hiện, mỗi ngày Walsh chạy được 20 chuyến. Giờ chỉ còn chưa tới 5 chuyến. “Họ định sẽ hạ giá để đẩy chúng tôi ra khỏi thị trường, rồi sau đó mới tăng giá lên. Rồi sau này khi ôtô có thể tự lái, thì cả taxi truyền thống lẫn Uber đều sẽ thành dĩ vãng”, ông nói

Trong khi đó, Bakkali lại không hề tỏ ra lo lắng. “Cuộc đời tôi đã thay đổi rất nhiều. Nếu sau này không chạy xe nữa, tôi sẽ chuyển sang nghề thêu thùa may vá”, cô cho biết.

Walsh thừa nhận rằng taxi truyền thống khá chậm trong việc bắt kịp xu hướng. Máy quẹt thẻ chỉ mới được bắt buộc trang bị từ mùa thu năm ngoái. Ứng dụng bắt taxi trên điện thoại vẫn còn rất sơ sài. Nhưng ông tin rằng trí nhớ của mình có thể đánh bại bất cứ hệ thống định vị nào, bởi chúng không thể xác định được tên lóng của các địa danh, lối đi tắt mỗi khi tắc đường hay địa chỉ bán món bánh sừng bò ngon nhất thành phố.

“Chúng tôi vẫn làm việc tốt hơn máy móc chứ. Nhưng ai sẽ bảo vệ chúng tôi đây?”, Walsh nói.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here