Tô mì tôm trộn = ba tô phở vẫn chơi

0
1060

Ai là dân ghiền mì ngoại? Theo nhiều nguồn tin dọc theo các siêu thị, loại mì này tuy mắc, nhưng hạp khẩu vị với giới trẻ, vì chúng ngon hơn, hạp túi tiền của cha mẹ trung lưu có con lỡ mê…

Thị trường mì tôm nội địa đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt. Với quy mô lên đến 10 tỉ gói (nếu con số này đúng, thì Việt Nam đã là cường quốc mì thứ ba thế giới chứ không như số liệu chính thức là thứ năm), thị trường liên tục xuất hiện thêm “tay chơi” mới nên “miếng bánh” thị phần sẽ thuộc về ai biết làm nên sự khác biệt. Trái ngược với phân khúc sôi động của thị trường mì tôm made in Việt Nam, mì ngoại lại chọn cách âm thầm, không ồn ào để thâm nhập thị trường. Chưa có doanh nghiệp hay tổ chức nào ước lượng thị phần cụ thể mì tôm ngoại, nhưng đâu đó, người tiêu dùng dần dần học thói quen ăn mì trộn của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia…Và họ cũng đang chấp nhận trả giá cho một gói mì tôm ngoại gấp ba tô phở bò.

Ngoại bó hẹp ở Hàn và Nhật

Hiện nay, chiếm lĩnh thị trường mì ăn liền ngoại nhập phải kể đến là các loại mì của Hàn Quốc, Nhật Bản. Hệ thống siêu thị Maximark, Co.opmart, Lotte, Aeon, Big C, Metro đều có dành riêng khu vực bán mì ngoại. Mì ngoại còn bán ở cửa hàng tiện ích, siêu thị mini nhưng tuyệt đối không cạnh tranh với mì nội ở phân khúc chợ và tiệm tạp hoá. Người tiêu dùng có thể ghé vào siêu thị Maximark Ba Tháng Hai mua mì ăn liền ở khu vực dành riêng cho “mì quốc tế”, nơi đây trưng bày hơn 20 loại mì ăn liền Hàn Quốc, Nhật Bản. Qua quan sát, mì Hàn có trọng lượng từ 117 – 276g, với các thương hiệu như Nong Shim, SamYang, Ottogi… Hương vị của gói mì cũng khá đa dạng như mì hương vị hải sản (mực, tôm, cá hồi), hương củ cải, hương kimchi, mì Udon, dầu ôliu, ớt cay nồng, thịt bò, rong biển, tương đen… Sự khác biệt dễ nhận biết giữa mì ngoại và mì nội nằm ở trọng lượng tịnh. Mì nội phổ biến 60 – 65g mỗi gói, còn mì ngoại từ 120g trở lên, “ăn một gói là đủ cho cái dạ dày “no lăn no lóc!”. Giá cả mì ngoại cũng không hợp chút nào với nhà nghèo. Nếu muốn ăn thử một gói mì trộn dầu ôliu, bạn phải nhịn ít nhất hai, thậm chí là ba buổi điểm tâm sáng bằng tô phở bò.

Chị Lưu Mỹ Ngọc ở quận 10, đi siêu thị Maximark (quận 10) vừa dò đọc tên các loại mì Hàn Quốc vừa cho biết con gái tuổi dậy thì của chị thích mì trộn Hàn Quốc. Một tuần nó ăn hai ba gói, có hôm nhịn cơm ăn mì trộn. Mì Hàn, theo cảm nhận của chị Ngọc, tuy giá cao hơn mì của Việt Nam năm mười lần nhưng hương vị có sự khác đặc biệt rõ rệt. Sợi mì dai, trơn và mịn. Nước xúp ngon, đậm đà và không cảm nhận có vị bột ngọt như mì nội. Dễ nhận thấy bất cứ gói mì ngoại lai nào cũng có tem phụ, ghi thành phần nguyên liệu na ná như mì nội. Nguyên liệu chủ đạo là sợi mì, bột mì. Sau đó là dầu cá, tinh bột biến tính, gluten, muối, tinh bột khoai tây… Gia vị có gói xúp, gói rau chế biến sẳn. Cô bán hàng tên Linh (nhân viên nhà nhập khẩu Vạn Thịnh Phú, TP.HCM) ở siêu thị Lotte Mart (quận 7) còn giải thích mì Hàn có sợi to, dai và đặc biệt là sợi mì tươi chứ không chiên, nấu, xào như các thương hiệu mì Việt. Ngoài ra, mì ăn liền sản xuất trong nước chỉ việc đổ nước sôi vào là ăn được, còn mì ngoại phải nấu kỹ ba bốn phút thì sợi mì mới mềm. Cách ăn cũng khác, Linh nói nhiều người sau khi mua về ăn không được đã đến trực tiếp quầy hàng mắng vốn. “Họ bảo tại sao pha tô mì để nguyên cả nước ăn không có vị gì. Mì Hàn phải đổ nước, cặn lấy sợi mì, đổ gói xúp, rau trộn đều thì ăn mới đúng cách”, cô này giải thích thêm.

Gu của cô cậu teen

Mức giá trung bình từ 15.000 cho đến gần 100.000 đồng mỗi gói mì ngoại được xem là quá cao so với thu nhập số đông người tiêu dùng Việt Nam. Ấy vậy mà qua khảo sát, mì ngoại dù không phô trương gây thanh thế bằng các chương trình, chiêu thức quảng cáo, khuyến mãi rầm rộ như mì Việt nhưng vẫn có sức hút. Gian hàng được giới thiệu là “mì quốc tế” ở các siêu thị hay cửa hàng tiện ích thật ra chỉ có vài loại, phổ biến vẫn là mì Hàn và mì Nhật. Cô bán hàng tên Thuỷ, nhân viên hãng mì Ottogi Hàn Quốc ở siêu thị Lotte Mart quận 7, nói một ngày phải “châm” một lần mì lên kệ. Ottogi có cả thảy sáu loại mì. Hàng được trữ ở kho siêu thị, thứ bảy chủ nhật khách mua đông nên công việc của Thuỷ mệt hơn. Cô không rời chân khỏi quầy hàng. Vừa túc trực “châm” mì lên kệ, vừa liền miệng giải thích cho khách hiểu cách ăn mì. “Giá mì Hàn cao nên ít tăng giá lắm. Mấy năm trước có ít người Việt tới mua nhưng vài năm nay họ ăn nhiều lắm. Tụi em để ý khách quay lại mua lần hai, lần ba khá nhiều. Riêng quầy của em thì năm nay so với năm ngoái em nhẩm tính sản lượng mì bán ra phải tăng 10% chứ không ít đâu”, Thuỷ có thâm niên ba năm bán mì Hàn, cho biết thêm.

Có lẽ sẽ là ý kiến chủ quan nếu cho rằng mì Hàn Quốc hay Nhật chỉ hấp dẫn với giới trẻ và một số người mê phim Hàn. Thực tế khi coi phim Hàn, trong phim, thường thấy nhất là cảnh các diễn viên bưng nguyên nồi mì ăn liền và húp xì xụp. Điều này đã gây ấn tượng và tò mò với khán giả Việt. Và, ai cũng muốn ăn thử mì Hàn một lần cho biết ngon dở thế nào. Điều này có phần đúng khi quan sát ở các siêu thị, người tới mua mì ngoại phần đông là lớp trẻ. Không cứ Tây hay ta. Người mua một gói, người hai ba, có người mua gần nửa triệu đồng mì Hàn Quốc. “Em thích loại mì Hàn hương vị ôliu, loại này sợi dai, trộn với gói xúp ăn rất ngon”, một sinh viên năm 2 trường đại học Tôn Đức Thắng, tâm sự.

Giới sản xuất mì nội địa ước thị phần mì ngoại chiếm khoảng 2%. Con số khiêm tốn này dễ làm người ta bỏ qua trong các cuộc đua tranh thị phần. Một lý do khác là mì ngoại giá cao nên ít bị xem là đối thủ, tuy nhiên thực tế thị trường lại không hẳn như vậy bởi làn sóng xài mì ngoại vẫn đang âm ỉ… chạy. Tui có ông bạn làm cùng cơ quan. Ổng kể con gái ông học lớp 8 rất khoái món mì trộn Hàn Quốc. “Chị ta mua mì về, luộc chín, trộn thêm gói xúp, gói rau sẵn trong gói mì, rồi còn cho thêm ít tương ớt, xì dầu vào. Hôm nào ăn chị ta cũng khen ngon”, ông bạn kể. Không biết cách ăn này có phải là gu giới trẻ tương lai không, nhưng rõ ràng, có nhiều ý kiến khen mì Hàn, mì Nhật ngon.

Mì gói từ Hàn Quốc vào Việt Nam đang chịu mức thuế nhập khẩu 25% (đã giảm so với 35% trước đây), cộng thêm thuế VAT 10% nên mỗi gói mì hiện chịu thuế khoảng 35%, vì vậy giá mì nhập khẩu khá cao. Tương tự, theo hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Nhật Bản và ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2015 – 2019, từ ngày 1.4.2015 hơn 3.000 mặt hàng từ Nhật Bản được hưởng thuế suất 0% (tương đương 33,8% tổng biểu thuế), trong đó có mặt hàng mì gói. Tương lai không xa, việc hưởng thuế suất ưu đãi giúp mì ngoại chắc chắn rẻ hơn bây giờ.

Hẳn các nhà làm mì nội địa biết phải làm gì rồi.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here