Tính Chuyên Nghiệp

0
925

Tính Chuyên Nghiệp

Sau khi tốt nghiệp về lại quê nhà anh chàng hộ pháp Ronald Reagan nộp đơn xin vào làm việc cho một cửa hàng giày của công ty Converse mới mở tại thị trấn của mình. Có quá nhiều người nộp đơn vào chức vụ quản lý cửa hàng chỉ có một kia. Một số đã có kinh nghiệm và từng trải nhiều vị trí quản lý. Ronald biết hầu hết những người này, thị trấn đâu có bao lớn. Ngồi chờ đến lượt phỏng vấn Ronald thầm nghĩ nếu được nhận anh nhất định sẽ biến cửa hàng này thành cửa hàng danh tiếng và lớn nhất miền trung tây Hoa Kỳ. Bằng một giọng kể nhẹ nhàng không khoa trương, trong hồi ký của mình Tổng Thống Ronald Regan đã chia sẽ một ý nghĩ nhỏ nhoi lúc khởi đầu sự nghiệp của mình như thế. Tôi không nghĩ là Ronald Reagan đã có ít chuyện hơn trong cuộc đời phong phú 93 năm để kể hơn là một đoạn chỉ chừng vài dòng trong số 400 trang quyển hồi ký của mình nói về việc mình đã mong muốn làm gì cho một cửa hàng nhỏ. Có lẽ với ông nó là một đoạn nhiều ý nghĩa. Với tôi đoạn văn này làm tôi xúc động vì ý nghĩ của cậu bé sinh viên mới ra trường đã cho thấy một tính cách chuyên nghiệp ngay từ sớm. Theo tôi đây không phải chỉ là tính cách của cậu sinh viên mới tốt nghiệp Ronald Reagan mà còn là tính cách chung của số đông người Mỹ. Không làm thì thôi, hễ làm là phải chuyên nghiệp.

Chuyên nghiệp là gì?

Tôi không tìm thấy ở đâu có sự giải thích khả dĩ giúp tôi thỏa mãn nên khi trao đổi với học viên trong các khóa huấn luyện tôi chọn cách không giải thích ý nghĩa của từ này mà đưa ra một giả định đối nghịch. Chuyên nghiệp là gì? Và thế nào là một người chuyên nghiệp? Khó diễn tả chỉ biết rằng anh ta không phải là dân amateur. Anh ta làm việc này không phải tùy hứng theo kiểu tài tử, mà nếu không làm việc này anh ta không biết làm việc gì để sống cả. Tuy nhiên dù có là tài tử hay amateur gì đi nữa thì điều đó cũng không quan trọng bằng khi đang sinh sống bằng cách làm việc đó mà làm thua người ta hoặc không có được cảm nhận tự hào thuộc hàng bậc thầy thì anh ta cũng không bao giờ thỏa mãn dầu cho có kiếm bao nhiêu tiền đi nữa. Đến một lúc tính chuyên nghiệp sẽ vượt qua tất cả những trở ngại về vật chất, tiền bạc hay danh vọng … chỉ còn lại con người chuyên nghiệp và kiệt tác của mình.

Một số người làm việc và quay quắt, thượng đội hạ đạp, chỉ để gia tăng thêm con số không đằng sau mức lương của mình. Một số khác làm việc để bảo vệ vị trí chức vụ, lợi ích và quyền lực của mình, và thông qua quyền lực để mưu cầu vật chất. Một số khác vì bị ép buộc phải làm một việc mà mình không thích cho sự tồn tại của mình. Hoặc giả tệ hơn nữa chỉ cố làm tất cả mọi thứ miễn có tiền. Những người này chỉ làm cho họ tồn tại mà không bao giờ để lại lợi ích gì đáng kể cho xã hội, tiếng tăm gì để đời cho mình.

Tuy nhiên cũng có những thứ do cuộc sống áp đặt khiến cho người ta không thể phát huy được tính chuyên nghiệp. Trước hết là sự bảo bọc, tiếc thay đây là tính chất cố hữu của người Việt. Trước hết là lo cho con từ A đến Z. Lo chạy trường chạy lớp, chạy thày, chạy bạn… cho con. Lo hết phổ thông rồi lên đại học, du học nước ngoài, khi về nước thì chạy nơi chạy chỗ làm việc, hoặc giả không có việc gì làm hoặc làm những việc nhàn nhàn không ra ngô khoai gì nhưng vẫn có tiền có xe xịn vẫn có đám cưới lộng lẫy, nhà cửa xênh xang thậm chí bị ấn vào làm giám đốc một công ty do cha mẹ lập ra. Khi được bảo bọc kỹ lưỡng nâng đỡ mọi mặt người ta không có cái cảm giác sống chết với công việc, mà cái cảm giác sống chết rất quan trọng trên con đường xây dựng tính chuyên nghiệp. “Nếu làm việc này không xong thì chắc chết” hoặc giả “Đầu tư vào thành lập công ty này chỉ còn mỗi một con đường là thành công chứ không thì chết …” Những ý nghĩ kiểu này, chẳng may lại rất quan trọng vì nó đặt người ta vào một sự nghiêm túc cao nhất có thể khi tiến hành công việc. Một khi bạn nghĩ rằng được thì được không được thì thôi thì khó trông mong bạn trở thành gì với cái ý nghĩ ấy.

Tính chuyên nghiệp có được dựa trên sự sớm sủa xây dựng tính độc lập và cảm giác nghiêm túc cao độ khi tiến hành việc gì mình cho là ưu tiên và có tầm quan trọng thực thi.

Trong một trừơng hợp khác tính chuyên nghiệp cũng sẽ không bao giờ là tính cách của một người miễn cưỡng làm công việc mà anh ta thật sự chẳng thấy chút hứng thú. “Tôi ở đây làm việc này vì người ta muốn tôi như thế, chứ tôi đâu có muốn, tôi đâu có thích”. Đó là đặc trưng của kiểu suy nghĩ rồi sẽ mang người ta đến chỗ trở thành một tay amateur nữa mà thôi. Người Mỹ có câu: “hãy học cái nghệ thuật kiếm tiền công việc mà mình ưa thích”. Đây là cái khởi đầu với sự chuyên nghiệp.

Chính sự đam mê sẽ nuôi dưỡng tính chuyên nghiệp và nhất định không chịu kiếm sống bằng thứ mình không thích làm là một yêu cầu quan trọng trên con đuờng chuyên nghiệp.

Hoặc là công ty đã cản trở nhân viên mình trở nên chuyên nghiệp. Những phòng ban tổng hợp không giúp nhân viên trở nên chuyên nghiệp. Khi đi tham gia tư vấn tại các công ty tôi thấy có một phòng thiếu tính chuyên nghiệp nhất mà than ôi quá phổ biến tại các công ty Việt Nam chúng ta. Đó là phòng kinh doanh. Trong phòng này người ta thực hiện đủ hết các công tác, bán hàng, tiếp thị, vận chuyển, mua hàng, kế hoạch sản xuất, tồn kho, hậu cần… Dễ nhận thấy trưởng phòng này sẽ không bao giờ chuyên nghiệp, bởi vì anh ta sẽ phải tham gia quá nhiều các cuộc họp và đối thoại với quá nhiều đối tác trên một diện rộng các đề tài, thì cái gì anh ta sâu? Phân phối, bán hàng hay marketing? Và từng nhân viên trong phòng, khi điều động từ việc này sang việc khác đảm nhiệm đủ thứ việc rồi cũng sẽ không chuyên nghiệp.

Hoặc lôi cuốn vào việc thành lập quyết định một vấn đề chuyên nghiệp bởi những người không chuyên. Tôi đã từng trình bày kế hoạch marketing với nhiều công ty tầm cỡ Việt Nam. Trong một phòng họp không dưới 20 quan chức và ¾ trong số đó chẳng liên quan gì đến marketing, như trưởng xưởng sản xuất, trưởng phòng kế toán, giám đốc nhà máy, trưởng phòng hành chánh quản trị và thậm chí trưởng phòng nhân sự. Sau những cuộc họp như vậy mọi việc chỉ có thể rối tinh lên khi có quá nhiều ý kiến đối nghịch, và những câu hỏi ngớ ngẩn thể hiện những quan tâm và ưu tiên riêng của những phòng ban khác nhau. Ví dụ khi bà kế toán với nhiệm vụ kiểm soát việc chi tiêu vào phòng họp với sẵn một chủ ý, nhất định phản đối tới cùng việc chi tiêu nhiều tỉ bạc cho một chiến dịch thì thử hỏi dự án có thể tiến triển theo cái cách triển khai như thế.

Thật vậy một tổ chức được sắp xếp theo định hướng chuyên nghiệp hóa sẽ sản sinh ra những người chuyên nghiệp.

Liên Đoàn Bóng Đá Việt Nam được tổ chức chuyên nghiệp hướng tới chuyên nghiệp sẽ có những giải đấu chuyên nghiệp và những cầu thủ chuyên nghiệp. Theo hướng đó những hiệp hội ngành nghề như Hội nghệ sĩ, Hội nhiếp ảnh, Luật sư đoàn, Y sĩ đoàn … cũng có thể áp dụng công thức tổ chức nhà nghề sẽ sản sinh ra sân chơi nhà nghề và con người chuyên nghiệp.

Ví dụ về những nhân vật đương đại cho thấy tính chuyên nghiệp cao nhất.

● Kịch Sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc.

● Ca sĩ Tuấn Ngọc.

● Chính Trị Gia Chuyên Nghiệp, cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt

● Bác Sĩ Sản Khoa, Cựu Giám Đốc BV Từ Dũ Nguyễn Thị Ngọc Phượng.

● Nhà Báo, Phóng Viên Truyền Hình Tạ Thị Bích Loan

● Nhạc Sĩ Đức Trí

● Điêu Khắc Gia Phạm Văn Hạng

● Nhiếp Ảnh Gia Võ An Ninh

● Sử Gia Dương Trung Quốc.

● …. vv

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here