Tiếp thị bảo tàng, nói thì hay…

0
519

Trong một cuộc giao lưu với các chuyên gia văn hóa đô thị Sài Gòn, có bạn trẻ đã đứng lên hỏi câu hỏi đơn giản nhưng hóa ra lại làm khó các diễn giả: “Bảo tàng nào ở TPHCM giới thiệu rõ nhất về văn hóa Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung?”.

Sau vài giây lúng túng, thì một vài cái tên được nêu ra, nhưng chính người hướng dẫn cũng dè dặt thòng theo một câu “tuy nhiên, bảo tàng lịch sử ở ta thì bạn biết rồi…”

Người viết cũng từng nhiều lần lúng túng và không biết giải thích thế nào khi có bạn bè phương xa đến Sài Gòn, thi thoảng nhờ tư vấn đến một bảo tàng để tham quan, tìm hiểu rõ hơn lịch sử, văn hóa vùng miền, đô thị này nói chung. Lúng túng, quả thật là cảm giác chung, khi ta hình dung ra cảnh những không gian trưng bày các mô hình, hiện vật thiếu sức sống, nhàm chán cũ kỹ, đơn điệu, dường như chưa thoát ra khỏi mùi, màu, không khí bao cấp. Một số bảo tàng còn tranh thủ sử dụng không gian cổ kính, cải thiện để có thêm chi phí bằng cách cho thuê không gian làm đám cưới, tiệc tùng hay cho thuê quay phim, chụp ảnh cưới.

Bảo tàng như một cuốn sách mở. Một khi cuốn sách đó bị chi phối bởi các yếu tố nằm ngoài chuyên môn, thì khó có thể tìm thấy độ tự nhiên, khách quan, sức hấp dẫn của câu chuyện được kể; khó tìm thấy sự uyển chuyển, phóng khoáng, bất ngờ trong các tình tiết để đem lại sự hấp dẫn cho người thưởng ngoạn, khám phá, tìm hiểu.

Một không gian bảo tàng rất gần gũi, mà có lẽ nhiều chuyên gia bảo tàng Việt Nam đều có thể đã đến và trải nghiệm, đó là Bảo tàng Quốc gia Singapore (National Museum of Singapore). Với một kiến trúc độc đáo, đồ sộ, với hệ thống hiện vật được bố trí khoa học, những “đường dẫn” cho thấy lối kể chuyện về sinh thái, văn hóa, phong tục, nghệ thuật ở đảo quốc có tuổi đời trẻ hơn nhiều so với lịch sử bốn ngàn năm của ta, lại có cảm tưởng nhiều câu chuyện hấp dẫn hơn bất cứ một bảo tàng nào ở Việt Nam. Ấy là nhờ những chuyên gia bảo tàng ở đây đã chọn một cách kể đầy sáng tạo, bay bổng, khoa học. Đó là chưa kể đến một hệ thống công nghệ chỉ dẫn được lắp đặt bên trong để khách tự khám phá hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Thấy người ta làm bảo tàng mà thèm thuồng, sốt ruột. Hẳn rằng, bước ra bên ngoài, giới làm bảo tàng ở ta cũng có cảm giác đó. Tuần rồi, có một hội thảo do Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, và Đại học Văn hóa TPHCM đồng tổ chức, chủ đề “Marketing bảo tàng và di tích 2016”. Khái niệm “marketing bảo tàng” được đưa ra bàn luận sôi nổi. Nhiều ý hay được bàn thảo, như: cần xem bảo tàng là mặt hàng bán được, các bảo tàng cần có bộ phần truyền thông cho đơn vị mình, kết nối với những nhà lữ hành, tổ chức tour để thu hút du khách, mở rộng giới thiệu giá trị bảo tàng trong dân, đưa bảo tàng gần hơn với trường học, phục vụ ngoại khóa giáo dục…

Nhưng xin mở ngoặc đơn một chút, khái niệm marketing bảo tàng gần đây được nói nhiều, người du nhập nó vào Việt Nam, nếu không lầm thì đó là bà Karin Rottmann – Phó giám đốc Cơ quan Giáo dục bảo tàng tại Cologne (Đức). Trong một cuộc gặp gỡ giới làm quản lý bảo tàng Việt Nam tại Hà Nội hồi tháng 4-2015, bà Karin Rottmann, người có kinh nghiệm làm bảo tàng 25 năm tại Đức đã chia sẻ đại ý rằng, bảo tàng cần chủ động truyền thông để mời gọi khách đến.

Thật ra, đó là một gợi mở tích cực trong xu thế xóa dần bao cấp, thúc đẩy yếu tố thị trường trong kinh doanh văn hóa, ngay cả ở khu vực quốc doanh. Nhưng một khi đã đặt vấn đề như thế, thì câu hỏi trọng tâm cụ thể sẽ là: giá trị sản phẩm (mặt hàng) hay dịch vụ ở đâu, có gì đặc sắc khiến người ta đến bảo tàng chứ không đến một nơi nào khác? Câu hỏi đó kéo các nhà làm bảo tàng trở về với một thực tế đầy chướng ngại. Chướng ngại trước hết là tư duy từ lâu quen bao cấp và sau đó là việc cởi bỏ những rào cản cơ chế, định chế cứng nhắc xưa nay, xem bảo tàng là nơi phóng to của những mô hình “phòng truyền thống”, thiếu sức sống và thiếu cả độ khả tín về chuyên môn (như vụ tranh giả ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM vừa qua là một thí dụ điển hình).

Cũng cần có cơ chế khuyến khích, cởi mở trong quản lý để xã hội hóa, tư nhân hóa việc kinh doanh trong lĩnh vực này.

Không nên hô hào xong thì để đó.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here