Tiềm năng tiếp thị số

0
700

Vài năm trở lại đây, thuật ngữ tiếp thị số (digital marketing) được nhắc đến nhiều trong cộng đồng DN.

Để hiểu rõ hơn hiệu quả của phương thức tiếp thị này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Left Brain Connectors.

* Sự phát triển nhanh chóng của internet tại Việt Nam đang khiến nhiều DN nghĩ đến việc thay đổi phương thức tiếp thị từ truyền thống sang tiếp thị số. Ông đánh giá hiệu quả của hình thức này như thế nào?

Ông PHẠM VIỆT ANH: – Xét về marketing, internet chỉ là một trong những công cụ tiếp thị nên thật khó để nói có hiệu quả hay không. Bởi, dù lượng người sử dụng internet ở Việt Nam tăng nhanh, song hiệu quả về mặt truyền thông, tiếp thị lại phụ thuộc vào đối tượng khách hàng của DN là ai, mục tiêu là gì trong từng chiến dịch…

Xác định được đối tượng mới có thể tìm được kênh tiếp thị phù hợp, chứ không thể nói tiếp thị số phù hợp với mọi DN, với tất cả mọi chiến dịch, chương trình tiếp thị. Chẳng hạn, nếu sản phẩm của DN sản xuất ra phục vụ đối tượng là người lớn tuổi hoặc để bán về thị trường nông thôn, tiếp thị số hoàn toàn không phù hợp vì đối tượng này ít sử dụng internet.

Cũng có ý kiến cho rằng sử dụng kênh tiếp thị số giúp DN tiết kiệm chi phí. Song nên nhìn vào kết quả cuối mình nhận được. Nếu DN bỏ ra 10 đồng cho các kênh truyền thống khác và tiếp cận được 5 khách hàng vẫn còn hơn bỏ ra 1 đồng cho tiếp thị số mà không tiếp cận được đúng khách hàng mục tiêu, đối tượng giao tiếp.

Lúc này, 1 đồng cũng là lãng phí. Việc xác định rẻ hay đắt phụ thuộc vào mục tiêu quảng bá và đối tượng khách hàng. Có thể khẳng định tiếp thị số là kênh tiếp thị tiềm năng, nhưng không phải DN nào cũng nên đổ xô vào làm vì nó có thể là cơ hội cho DN này nhưng không phải cơ hội cho DN khác.

* Khi mải chạy theo trào lưu tiếp thị trên các kênh internet như các diễn đàn, các trang mạng xã hội, không ít DN bỏ quên việc chăm chút cho website riêng của mình?

DN nên chăm chút cho website nhiều hơn chứ không chỉ cho những quảng cáo. Vì quảng cáo trên truyền hình, báo in… thường phải theo chiến dịch và để có được hiệu quả cao, mỗi chiến dịch chỉ nên truyền tải một thông điệp duy nhất, với một đối tượng mục tiêu cụ thể.

Nhưng website thì khác, nó có thể truyền tải nhiều giá trị của DN chỉ trong một địa chỉ, cùng một lúc giao tiếp với nhiều đối tượng có lợi ích liên quan khác nhau như nhân viên và cộng sự, đối tác, nhà cung cấp, nhà đầu tư, bạn hàng trong và ngoài nước, chính quyền, những nhân tài tiềm năng… Vì vậy, việc bỏ quên, không chăm chút website của mình là một điều lãng phí.

Kỷ nguyên số đang mở ra nhiều cơ hội tiếp thị, kinh doanh. Song cái gì cũng có hai mặt của nó. Có thể thấy, kinh doanh trong thế giới ảo phải làm thật vì bản thân thế giới ảo đã khiến người ta thiếu tin tưởng do không thể cầm, nắm, sờ vào món đồ được quảng bá.

Vì thế, để giảm thiểu tối đa những tiêu cực cho thương hiệu cần phải làm thật; sản phẩm thật, chất lượng thật, cam kết thật… vì chỉ cần có một thông tin tiêu cực bởi sự “thất hứa” được loan ra, tốc độ lan truyền của nó sẽ không thể nào kiểm soát được và hậu quả cũng không thể lường trước.

* Câu chuyện tiếp thị trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng khiến nhiều DN phải cân nhắc kỹ bởi những lo lắng về việc tiếp thị sai lầm?

Trong kinh doanh, khi khách hàng thay đổi hành vi tiêu dùng là khi đó họ bắt đầu tạo ra phân khúc mới. Trong bối cảnh khó khăn, hành vi người tiêu dùng thay đổi khiến doanh thu của DN bị ảnh hưởng là đương nhiên.

Nhưng DN cần tỉnh táo xác định nguyên nhân vì đâu mình bị giảm doanh số. Phải xác định lại khách hàng trong quá khứ, khách hàng hiện thời và khách hàng tương lai là ai, ở đâu và cần gì ở DN, sản phẩm. Nếu không xác định đúng dễ dẫn đến việc tiếp thị sai lầm.

DN không thể bán một sản phẩm đúng vào phân khúc sai, hay ngược lại. Để gia tăng tính cạnh tranh lâu dài, DN nên xây dựng nghiêm túc công tác nghiên cứu và phát triển. Song đa phần các DN Việt Nam là DNNVV nên chưa coi trọng khâu nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm, giải pháp giá trị cho khách hàng mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, quan sát của người chủ DN.

Có một số DN cho rằng sản phẩm của tôi tốt, thị trường đón nhận và tôi không cần phải quảng bá, tiếp thị. Điều này cũng đúng một phần vì tâm lý DN tận hưởng sự tăng trưởng hữu cơ của thị trường. Tuy nhiên, nếu biết cách đầu tư cho quảng bá, tiếp thị song song với việc gia tăng công suất hợp lý, DN sẽ gia tăng hiệu quả chi phí và biên lợi nhuận nhiều hơn, quá trình tích lũy nguồn vốn sẽ nhanh hơn, tạo thuận lợi cho việc tái đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh trong tương lai tốt hơn.

Bởi, nếu nhu cầu thị trường lớn và có tốc độ tăng trưởng tốt mà DN không đáp ứng đủ sẽ làm lợi cho đối thủ cạnh tranh, giúp đối thủ cạnh tranh tăng trưởng bằng chính chi phí tương lai của DN. Thị trường nào, sản phẩm nào cũng có chu kỳ, nếu trong thời kỳ tăng trưởng tốt DN không tận dụng cơ hội để tối đa hóa lợi nhuận, công suất và tối ưu hóa chi phí, trong tương lai khi chu kỳ tăng trưởng suy giảm đến suy thoái, việc đầu tư gia tăng công suất để bù đắp lợi nhuận sẽ rủi ro hơn, khả năng hoàn vốn đầu tư (ROI) chậm hơn.

Xin cảm ơn ông.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here