Thương hiệu lớn trong chuỗi giá trị sản phẩm

0
543

Việc doanh nghiệp (DN) liên kết, hợp tác để cùng tồn tại và phát triển đã trở nên bức thiết hơn bao giờ hết khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại sắp đến thời hạn hiệu lực.

Thời gian qua, các DN trong nước đã chú trọng đến việc hợp tác và liên kết. Đầu năm 2015, sự kiện Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Vissan ra mắt thương hiệu bò tơ Úc đã gây được tiếng vang lớn trong cả nước. Cái bắt tay này được cho là mở màn ấn tượng cho những thương hiệu mạnh trong nước đi tìm “tiếng nói chung”.

Bằng việc hợp tác với Vissan, HAGL đã tìm được đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp mà cụ thể là chăn nuôi bò thịt mà công ty này đã đầu tư. Theo đó, HAGL sẽ cung cấp nguồn bò thịt Úc cho Vissan giết mổ và chế biến.

Các sản phẩm chế biến từ thịt bò Úc HAGL được tung ra thị trường không chỉ có bò tươi mà còn có giò bò đặc biệt, bò viên, xúc xích các loại được phân phối tại hệ thống các siêu thị Satrafood, Co.opmart, Maximark, Vinatexmart…

Chỉ riêng trong dịp Tết vừa qua, Vissan đã tiêu thụ 2.000 con bò Úc của HAGL. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL, cho biết, sản phẩm mới này là bò Úc có độ tuổi từ 18 tháng trở lên, có trọng lượng 200 – 250 kg/con được nhập về Việt Nam, sau đó tiếp tục nuôi lên 500 – 550 kg tại các trang trại của HAGL.

Chia sẻ về lợi ích của sự hợp tác này, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết, dự án sẽ mang lại sự cạnh tranh rất lớn cho sản phẩm trong nước. Không chỉ DN khai thác được thế mạnh của mình mà người tiêu dùng cũng có cơ hội dùng sản phẩm chất lượng cao với giá cạnh tranh.

Với những lợi thế về nông nghiệp và chăn nuôi, giá bò hơi của HAGL chỉ khoảng hơn 1 USD/kg, trong khi bò hơi Vissan nhập từ Úc về khoảng 3,2 USD/kg, vì thế, giá bán rất cạnh tranh. Cũng theo ông Mười, hiện Vissan đang xây dựng dự án cụm công nghiệp thực phẩm chế biến tại Long An có công suất 100.000 tấn/năm sẽ tiêu thụ toàn bộ lượng bò do HAGL cung cấp.

Cũng theo ông Mười, nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong cả nước là 3.000 – 4.000 con/ngày. Tại TP.HCM, mỗi ngày có 600 con bò được giết mổ và riêng Vissan là 50 con. Lượng bò trong nước không đủ cung cấp nên các DN phải nhập khoảng 1 triệu con mỗi năm.

Vì thế, việc HAGL đã tận dụng các thế mạnh về quỹ đất để trồng cỏ, nguồn thực phẩm dồi dào từ cây bắp, dầu cọ, phụ phẩm mía đường cũng như việc áp dụng công nghệ cao vào ngành nông nghiệp đã tạo ra sản phẩm căn nuôi giá cạnh tranh.

“HAGL đã hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhưng chưa có ngành nghề nào có lợi nhuận như nuôi bò. Vì vậy, chúng tôi sẽ dồn lực để phát triển các dự án chăn nuôi cả bò sữa và bò thịt. Chúng tôi đang lên kế hoạch để năm 2016 sẽ nhập con giống về nuôi và cho sinh sản tại Việt Nam. Dự kiến, đến năm 2017 sẽ có bò tơ Việt Nam giống Úc. Thậm chí, sẽ nhập giống từ Mỹ”, ông Đức cho biết. Và không dừng lại ở 100.000 con, đến năm 2016, số lượng đàn bò của HAGL sẽ tăng lên 200.000 con.

Không chỉ có HAGL, Vissan và Nutifood cùng hợp tác để phát triển mà trước đó, nhiều DN cũng đã hướng đến việc “nắm tay nhau cùng đi”. Các quan hệ liên kết, liên doanh đã được thực hiện rất nhiều giữa các DN nhỏ với nhau, giữa DN nhỏ và vừa với DN lớn, giữa DN nhà nước với DN nhà nước; và DN nhà nước với DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2013, ba tập đoàn lớn là Dầu khí Việt Nam (PVN), Điện lực Việt Nam (EVN) và Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã liên kết với nhau trong sử dụng dịch vụ của nhau. Không chỉ có các DN nhà nước mà nhiều DN tư nhân cũng “xích lại” gần nhau hơn.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử thanh toán điện tử, bán lẻ trực tuyến, tiếp thị internet… việc liên doanh, liên kết càng mạnh mẽ hơn. Trước đây, các DN cung cấp dịch vụ thường hoạt động riêng lẻ, mạnh ai nấy làm nhưng vài năm gần đây đã biết liên kết cùng nhau nhằm cung cấp cho người dùng dịch vụ trọn vẹn hơn, kích thích mua sắm trực tuyến phát triển.

Chẳng hạn như Ngân Lượng liên kết với mạng xã hội mua sắm Ebay.vn, Bảo Kim hợp tác với Trung tâm điện máy Việt Long, cổng thanh toán – ví điện tử VTC Pay với siêu thị điện máy Pico…

Ngay như thương hiệu lớn trong ngành hàng không là Vietnam Airlines thời gian qua cũng đã liên kết với MobiFone để mang lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Không chỉ khách hàng thân thiết của Vietnam Airlinea được chăm sóc tốt mà thành viên của MobileFone cũng hưởng những ưu đãi từ đối tác.

Theo các chuyên gia kinh tế, các quan hệ liên kết, liên doanh của các DN thời gian qua đã thực hiện rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp thì chỉ mới bắt đầu. Đây không đơn thuần là sự hợp tác để sử dụng dịch vụ của nhau mà là kết quả của quá trình hợp tác chiến lượng về sản xuất nông nghiệp giữa 3 DN lớn trong nước.

Theo đó, HAGL lo khâu chăn nuôi bò còn Nutifood và Vissan sẽ thu mua thịt, sữa và phân phối ra thị trường. Đây cũng là lần đầu tiên cả 3 DN Việt Nam cùng hợp tác đầu tư vào một dự án nông nghiệp quy mô lớn.

Sự hợp tác này có nhiều triển vọng, mở ra mô hình kinh doanh mới cho các DN Việt Nam phát triển bền vững. Việc này càng chứng tỏ DN Việt Nam đã nhận thấy tầm quan trọng của việc tăng sức mạnh để cạnh tranh với DN nước ngoài khi thị trường mở cửa hoàn toàn.

Không những thế, theo TS. Trần Du Lịch, đây là tín hiệu đáng mừng để tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam. Bởi, muốn đứng vững và phát triển ổn định trong thời kỳ hội nhập đòi hỏi DN Việt phải liên kết kinh doanh, góp phần tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng nhằm cải thiện sức cạnh tranh.

Việc hợp tác này cho thấy, các DN trong nước đã biết tận dụng sức mạnh của nhau để tạo nguồn lực trong cuộc cạnh tranh thời hội nhập.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here