Thủ tướng Singapore: ‘Xây dựng quốc gia thông minh cần tinh thần khởi nghiệp dám dấn thân’

0
615

Hướng đến một quốc gia thông minh, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khuyến khích tinh thần khởi nghiệp: dám mơ ước, dám thất bại, dám đương đầu mọi thách thức.

Trong bài diễn văn phát biểu mới đây về chủ đề xây dựng quốc gia thông minh, Thủ tướng Lý Hiển Long khiến mọi người phải kinh ngạc khi ông “vô tình” hé lộ mình là một coder – dân lập trình thứ thiệt. Chương trình gần nhất mà thủ tướng Singapore “code” là trò chơi giải ô chữ Sudoku nổi tiếng cách đây mới vài năm.

Qua 20 phút chia sẻ, người đứng đầu đảo quốc sư tử đề cập đến nhiều khía cạnh trong việc xây dựng quốc gia thông minh: bối cảnh, mục tiêu, thời cơ và thách thức. Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định, mặc dù tình hình kinh tế giới còn nhiều khó khăn song ngành công nghệ vẫn là điểm sáng. Trong hơn 10 năm qua, Singapore đã chi ra hơn 30 tỉ đô-la Singapore vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Bằng cách phát triển các viện nghiên cứu kết hợp cùng các doanh nghiệp, nhiều giải pháp mới gắn liền với các vấn đề thực tiễn đã được đưa ra.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, Singapore triển khai Chính phủ điện tử từ lâu, đưa hệ thống khai thuế qua mạng từ năm 1998. Việc cải cách thủ tục hành chính này giúp các công dân không còn phải mất quá nhiều thời gian khai báo, đồng thời tránh được các vụ gian lận hay nhầm lẫn đáng tiếc.

Bên cạnh đó, người dân Singapore có thể đăng ký hộ chiếu và visa trực tuyến. Thậm chí, chỉ cần mất 15 phút, một cá nhân có thể đăng ký thành lập công ty qua mạng. Những dịch vụ công thiết yếu trên mang lại lợi ích to lớn đến tất cả mọi đối tượng, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh chất lượng dịch vụ.

Singapore vốn sẵn có nền tảng mạnh cả về công nghệ và con người để phát triển chương trình Quốc gia thông minh. Quốc đảo sắp kỉ niệm 50 năm độc lập này (9/8) sở hữu lực lượng đông đảo có trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin, toán và khoa học tự nhiên. Nhiều người Singapore đã và đang đóng vai trò then chốt trong các trung tâm công nghệ hàng đầu như Google, Facebook, Silicon Valley.

Hiện tại, số lượng điện thoại di động lớn hơn cả dân số Singapore. Trung bình, cứ 2 người sở hữu 3 chiếc điện thoại. Về cơ sở hạ tầng, Singapore được biết đến là một hòn đảo kết nối. Trên các ga tàu điện ngầm, trạm phát sóng wifi được gắn ở khắp nơi, có thể theo dõi mật độ người khu vực đó ra sao. Tốc độ Internet của Singapore thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ, không ít thành phố trên thế giới mang dáng dấp thành phố thông minh như Kansas, Rio de Janeiro, Seoul hay New York nhưng Singapore có sự khác biệt đáng kể bởi hòn đảo có diện tích chỉ nhỉnh hơn đảo Phú Quốc này vừa là thành phố vừa là quốc gia.

Người đứng đầu đất nước giàu mạnh trong khu vực Đông Nam Á cũng tâm sự, cách đây 40 năm, sau khi có bằng tốt nghiệp Toán học, ông tiếp tục học thêm ngành Khoa học máy tính theo lời khuyên của người cha, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Chính “nhà lập quốc” Singapore khuyên ông rằng tương lai nằm ở ngành mũi nhọn này.

Chương trình Quốc gia thông minh của Singapore tập trung vào 3 mục tiêu chính: hỗ trợ người già; cải thiện, nâng cao chất lượng giao thông vận tải và khai phá dữ liệu an ninh, an toàn. Ba mục tiêu này có ý nghĩa lớn cả về mặt kinh tế và xã hội. Singapore hiện đang trong quá trình “già hóa” dân số với tỉ lệ 1/9 là người già (trên 65 tuổi).

Nhưng chỉ 15 năm nữa thôi, tỉ lệ người già sẽ tăng ở mức “báo động” là 20%, ngang với Nhật Bản. Một khi tích hợp các giải pháp và công nghệ (máy cảm biến, ứng dụng phần mềm, hệ thống theo dõi, hỗ trợ sức khỏe từ xa v.v…), tầng lớp người già ở Singapore sẽ có cuộc sống độc lập hơn, ý nghĩa hơn.

Về mặt giao thông vận tải, chương trình sẽ nghiên cứu phát triển công nghệ nhằm cải tiến hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng trong bối cảnh nguồn tài nguyên đất đai của Singapore rất hạn chế.

Về mặt dữ liệu, chính phủ Singapore đã và đang xây dựng cổng dữ liệu mở (data.gov.sg). Thông tin được minh bạch hóa tối đa trong phạm vi cho phép để tất cả các tổ chức, cá nhân có thể khai phá dữ liệu. Từ đó, cộng đồng sáng tạo ra các ý tưởng mới, làm giàu thêm nguồn dữ liệu đã có.Trong phần kết của bài phát biểu, thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng Singapore tràn đầy tự tin và quyết tâm xây dựng một quốc gia thông minh.

Để hướng đến mục tiêu lớn, Singapore cần phải nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp: dám mơ ước, dám thất bại và dám đương đầu với mọi thách thức. Trên thế giới, nhiều quốc gia nỗ lực nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp nhưng chỉ có một số ít thành công như Mỹ hay Israel. Singapore đã và đang tạo mọi điều kiện tốt nhất để nuôi dưỡng tinh thần ấy.

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore là cầu nối liên kết giữa chính phủ, cộng đồng startup, nhà đầu tư và các tài năng công nghệ. Singapore sẵn sàng trải thảm đỏ đối với các tài năng, không chỉ trong cộng đồng người Singapore mà cả các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài. Singapore là mảnh đất lành của khởi nghiệp, thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định.

Trên fanpage của mình, thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ, bất cứ ai nếu bắt được lỗi trong chương trình giải ô chữ Sudoku thì hãy báo lại cho ông biết. Lời nhắn nhủ này có thể xem như là sự cầu thị chân thành của người đứng đầu chính phủ Singapore đến cộng đồng. Với một nhà lãnh đạo thông minh, tài năng, khiêm tốn, sẵn sàng học hỏi và có tầm nhìn xa như vậy, Singapore sẽ sớm trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here