Phụ trợ Samsung vẫn quá sức doanh nghiệp Việt

0
786

Trái ngược với tốc độ mở rộng quy mô và tăng trưởng doanh số của Samsung tại Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cho Samsung vẫn khá khiêm tốn.

Thực tế trên được phản ánh tương đối rõ nét tại một hội thảo do Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam cùng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) tổ chức hôm 15/7, nhằm tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng trở thành nhà cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp cho Samsung.

Cơ hội thì có, nhưng…

Theo Samsung Electronics, Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất của tập đoàn này với hơn 100.000 nhân viên trực tiếp làm việc tại nhà máy SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên).

Ngoài ra, Samsung cũng đang phát triển một trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội với 1.450 nhân viên.

Năm 2014, nhà máy Samsung tại Việt Nam sản xuất hơn 100 triệu smartphone, tablet…, đạt trị giá xuất khẩu 26,3 tỷ USD. Năm 2015, Samsung đặt mục tiêu đạt 30 tỷ USD.

Tháng 5/2015, tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc cũng đã khởi công xây khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung – Việt Nam (SEHC) tại khu công nghệ cao Tp.HCM – SHTP với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, trước sự phát triển nóng của Samsung tại Việt Nam, vẫn còn quá ít doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng linh phụ kiện cho hãng này.

Theo đại điện Samsung Việt Nam, năm 2014, giá trị mua hàng của hãng đối với các nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2 (4 doanh nghiệp) mới chỉ là 34 triệu USD, và trong năm 2015, giá trị mua hàng dự kiến được nâng lên là 45 triệu USD.

Mặc dù có tới 32 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung, nhưng mới chỉ có 4 doanh nghiệp đã ký hợp đồng trực tiếp. 28 doanh nghiệp còn lại (chiếm gần 90%) chỉ là các doanh nghiệp cung ứng cấp 2, tức là cung ứng gián tiếp thông qua một doanh nghiệp nước ngoài khác tại Việt Nam.

Các sản phẩm cung cấp cũng mới chỉ dừng lại ở những mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ thấp như bao bì, đóng gói và khuôn mẫu.

Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất của tập đoàn này với hơn 100.000 nhân viên trực tiếp làm việc tại nhà máy SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên).

Samsung Việt Nam cho biết, hiện tại có 9 nhà cung cấp tiềm năng có thể trở thành nhà cung cấp cho Samsung và hãng này cũng đang xem xét, nghiên cứu với 2 doanh nghiệp để trở thành đối tác cung cấp phụ linh phụ kiện.

Với hơn 10 mẫu điện thoại, 4 hạng mục và khoảng 200 linh kiện được Samsung mang ra giới thiệu, triển lãm, cơ hội cho các doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam là không nhỏ.

Đi tìm nguyên nhân

Tuy vậy, một số doanh nghiệp phụ trợ (đề nghị không nêu tên) tham gia sự kiện trên cho biết, việc trở thành nhà cung ứng linh phụ kiện cho Samsung đối với họ là quá khó, cho dù sản phẩm có “chất lượng tương đương và hoàn toàn cạnh tranh được” với những sản phẩm mà các đối tác đang cung ứng cho Samsung.

Lý do được họ nêu ra là, các công ty Việt Nam không nằm trong chuỗi cung ứng thường không có quan hệ, phải qua nhiều khâu, nhiều bước, đồng thời còn phải phụ thuộc vào các tổng thầu của Samsung đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Đại diện một doanh nghiệp phụ trợ cho biết, mặc dù Samsung đưa ra danh mục với hàng trăm sản phẩm nhưng khi đầu tư tại Việt Nam, Samsung đã có đầy đủ các vệ tinh đi theo, hoặc là sử dụng chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Nên, có những sản phẩm chúng tôi hoàn toàn có thể cung ứng nhưng vẫn không được Samsung lựa chọn”, vị này nói.K

Đến thời điểm hiện tại, theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Samsung là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tư lớn tại Việt Nam với hệ thống 80 nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng đến từ 9 quốc gia tại Việt Nam, nhưng trong đó, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho Samsung còn thấp, chiếm chưa đến 10% tổng số các nhà cung ứng.

Trong khi đó, theo đại diện Vụ Công nghiệp nặng thì Samsung đã nhận được những ưu đãi cao nhất có thể của Việt Nam, vì thế ông hy vọng rằng, với những cơ chế ưu đãi lớn nhất này, Samsung sẽ hỗ trợ công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện Bộ đang xây dựng nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp phụ trợ với những nội dung, điều khoản chi tiết, cụ thể và sẽ sớm được ban hành.

Khi đó, hành lang pháp lý mới được kỳ vọng sẽ “tác động” tốt hơn đến các doanh nghiệp FDI, trong đó có Samsung, trong việc thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here