Những thương hiệu lớn về tay người Thái: Hàng Việt có thất thế?

0
679

Thời gian qua, sự kiện tập đoàn bán lẻ Central Group (Thái Lan) thâu tóm 49% cổ phần của hệ thống bán lẻ điện máy Nguyễn Kim, đang trở thành sự kiện nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận. Câu hỏi được đưa ra, liệu có hay không, việc thị trường Việt Nam sẽ nhuốm màu hàng Thái?

Thực tế, những năm qua, trong lĩnh vực bán lẻ, đã có rất nhiều chuỗi, hệ thống liên kết với nước ngoài, như hệ thống Citimart vừa công bố hợp tác chiến lược với Aeon (Nhật Bản) đổi tên thành Aeon Citimart; hay chuỗi cửa hàng tiện lợi có mạng lưới khá rộng Family Mart, cũng được Tập đoàn Berli Jucker của Thái Lan mua lại và đổi tên thành B’sMart. Thậm chí, ngay cả những thương hiệu dẫn đầu thị trường Việt Nam như bánh kẹo Kinh Đô, Phở 24 cũng đã bị bán đứt với số tiền lớn (Kinh Đô bán cho Mondelez International khoảng 8.000 tỷ đồng, tương ứng 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo; Phở 24 bán cho Tập đoàn Jollibee với giá khoảng 20 triệu USD)… đến giờ là nhà bán lẻ điện máy chiếm thị phần số 1 Việt Nam mang tên Nguyễn Kim, được bán cho Power Buy – công ty chuyên về bán lẻ thuộc tập đoàn Central Group Thái Lan với giá ước tính khoảng 200 triệu USD, chiếm 49% cổ phần.

Có thể nói, số tiền thu về trong mỗi thương vụ của doanh nghiệp Việt là rất lớn và thương vụ nào diễn ra cũng có lý do chính đáng. Song dư luận đặt câu hỏi, việc các thương hiệu “số 1” lần lượt lọt vào tay nước ngoài thì các doanh nghiệp Việt Nam còn được những gì? Với đà này, rất có thể, chỉ thời gian ngắn nữa thôi, thị trường Việt sẽ tràn ngập hàng ngoại. Khi đó, với giá cả phải chăng, chất lượng cũng ổn, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng trong nước, nguy cơ hàng Thái sẽ chiếm lĩnh phần lớn thị trường Việt là điều khó tránh khỏi.

Còn nhớ, hồi tháng 8/2014, tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakd đã bỏ ra gần 900 triệu USD thâu tóm Metro Việt Nam từ tay người Đức để thâm nhập vào thị trường bán lẻ đầy triển vọng của Việt Nam, khiến cho không ít chuyên gia kinh tế lo ngại về việc “gạt bỏ” hàng Việt ra khỏi hệ thống đại siêu thị này. Mới đây, tập đoàn này còn đề xuất xin được mua cổ phần của Bia Sài Gòn. Trước đó, tỷ phú Charoen đã chi 1.800 tỷ đồng mua 11% cổ phần của Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) thông qua công ty con là F&N Dairy Investments – có trụ sở tại Singapore.

Không chỉ đối với hệ thống siêu thị, trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, người Thái cũng đang dần thống lĩnh thị trường Việt. Mới đây, Đồng Nai đã trao giấy xác nhận”Sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi” cho 9 triệu quả trứng gà thương hiệu CP Việt Nam được sản xuất, đóng gói trong thời gian từ 1/11/2014 đến 31/12/2014. Thương hiệu CP là của tỷ phú Thái Dhanin Chearavanant – ông chủ Tập đoàn Chareon Pokphand Group (C.P Group). Được biết, không chỉ trứng gia cầm, CP của Thái Lan đang dẫn đầu lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản tại Việt Nam. Hiện tại CP Việt Nam có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Đắk Lắk, Hà Nội và Hải Dương. Tập đoàn này cũng đang làm mưa làm gió trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm từ gia cầm, gia súc… ở nhiều hệ thống siêu thị cửa hàng trên khắp thị trường Việt Nam.

Thực tế cho thấy, sự thống lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi, con giống, sản phẩm gia cầm… của các doanh nghiệp ngoại, đã và đang khiến người nông dân Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Họ phải mua con giống giá cao, thức ăn giá đắt… không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng nếu chỉ dính dịch bệnh hoặc gặp đúng đợt các “ông lớn” hạ giá trên thị trường. Và giờ đây, khi Nguyễn Kim lại rơi vào tay người Thái, cụ thể là công ty bán lẻ Power Buy- là một trong những nhà bán lẻ hàng điện máy, điện tử hàng đầu Thái Lan, với hơn 80 cửa hàng ở Thái Lan, không biết điều gì sẽ xảy ra với thị trường này của Việt Nam. Hàng Việt liệu có thất thế và hàng Thái có chiếm lĩnh thị trường Việt? Song, đó là nhìn nhận từ phía nhà sản xuất, còn đối với người tiêu dùng, sự vượt trội của hàng ngoại, biết đâu lại đem đến lợi ích. Hàng ngoại chiếm lĩnh thị trường Việt, sẽ là động lực để nhà sản xuất trong nước có bước bứt phá mới trong việc khẳng định vị thế, giành lại thị phần. Đó chính là qui luật hoặc có thể gọi đó là cuộc chơi của cơ chế thị trường.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here