Người mua thị trấn Mỹ kể chuyện PhinDeli

0
861

Cách đây gần 2 năm (2012), doanh nhân Phạm Đình Nguyên nổi đình đám với chuyện mua lại Buford, một thị trấn ở Mỹ. Một năm sau khi mua, ông Nguyên đổi tên thị trấn thành PhinDeli, đồng thời ra mắt thương hiệu cà phê rang xay PhinDeli tung vào hai thị trường Việt Nam và Mỹ. Giữa tháng 6.2014, nghĩa là khoảng một năm sau ngày ra mắt PhinDeli, ông Nguyên đã công bố quyết định bán phần không nhỏ công ty cà phê này cho Tập đoàn Kinh Đô với tỷ lệ cao. Hàng loạt câu hỏi đặt ra là vì sao chỉ vừa một năm ra đời, PhinDeli lại “lọt” vào mắt xanh của ông lớn Kinh Đô với giá bán khả quan? Bán PhinDeli, ông Nguyên sẽ làm gì? Và liệu bán công ty cà phê có đồng nghĩa với việc bán luôn thị trấn?

* Tôi được biết ông từng bỏ ra 20 tỉ đồng để mua thị trấn Buford của Mỹ và cà phê PhinDeli của ông chỉ vừa mới một tuổi. Nhiều lời đồn đoán cho rằng, ông bán hết công ty PhinDeli cho Kinh Đô, rồi sẽ bán luôn thị trấn này?

Tôi đâu có ý định bán thị trấn của mình. Còn việc Kinh Đô sở hữu PhinDeli thì là có, tỷ lệ sở hữu là hơn 50%. Tôi không thể công bố chính xác, nhưng chẳng có gì là chi phối cả. Chúng tôi có những hợp đồng ngay từ đầu về sự hợp tác của hai bên. Kinh Đô có kênh phân phối tốt, PhinDeli thì có sản phẩm tốt và tiềm năng.

* Vì PhinDeli còn quá mới, liệu khi bán cho Kinh Đô, có được cái giá 20 tỉ như số tiền mà ông đã mua thị trấn Buford? Sau này, nếu Kinh Đô trả một khoản tiền lớn để yêu cầu sở hữu toàn bộ PhinDeli thì ông tính sao?

Sao chỉ có 20 tỉ đồng, hơn gấp nhiều lần chứ. Dĩ nhiên, tôi không được phép tiết lộ cụ thể. Và tôi sẽ không bán tất cả PhinDeli nếu được đề nghị. Nếu bán hết thì bây giờ tôi đã bán rồi. PhinDeli là tình yêu của tôi mà. Anh Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên của Kinh Đô cũng hiểu điều đó. Chúng tôi đang là những đối tác trong hợp tác chiến lược.

Doanh nhân Phạm Đình Nguyên nổi đình đám với chuyện mua lại Buford, một thị trấn ở Mỹ.

* Vậy khi hợp tác, ông có nghĩ về những trường hợp không thành công của Kinh Đô trước đây với Tribeco và Nutifood không? Kinh Đô sẽ giúp PhinDeli làm những gì?

Tôi không quan tâm đến những chuyện không phải là của mình. Nhưng như tôi cũng đã nói, chúng tôi đã ngồi lại với nhau để nói về chặng đường hợp tác một cách cụ thể, ngay cả với cách hành xử trong những việc có thể xảy đến, chứ không mơ hồ. Dĩ nhiên, sau này nếu có trục trặc nhỏ thì cũng là chuyện bình thường. Có nhiều doanh nhân thành lập công ty rồi bán kiếm tiền, còn tôi thành lập công ty để phát triển cùng với mình. Nhưng nếu tôi xây dựng kênh phân phối thì quả là rất lâu, trong khi Kinh Đô rất mạnh, có thể giúp chúng tôi tiếp tục phát triển nhanh chóng. Sau khi Kinh Đô hợp tác, PhinDeli sẽ lấn sang mảng cà phê hòa tan đang có thị trường lớn nhưng cạnh tranh cũng khá khốc liệt.

* Tôi được biết, ông có mối quan hệ thân hữu với ông Phan Quốc Công của ICP, và ngay cả với hai anh em Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên của Kinh Đô. Nhiều lời đồn đoán cho rằng, cuộc chơi mua thị trấn Buford và bán PhinDeli cho Kinh Đô là có những mối dây liên kết?

Nhân đây tôi muốn nói luôn là anh Công, anh Thành, anh Nguyên là những bậc đàn anh cho tôi nhiều lời khuyên, chứ chuyện mua thị trấn của chuyện của riêng tôi. Còn về việc vì sao PhinDeli hợp tác với Kinh Đô, tôi đã tìm kiếm rất nhiều nhà phân phối rồi, cả trong nước và quốc tế. Nhưng Kinh Đô là hợp nhất. Vì Kinh Đô làm bánh, PhinDeli làm cà phê. Hai sản phẩm này có cùng kênh phân phối.

Có nhiều doanh nhân thành lập công ty rồi bán kiếm tiền, còn tôi thành lập công ty để phát triển cùng với mình.

* Thị trường cà phê hòa tan là một đại dương đỏ cạnh tranh thảm khốc. Ông nghĩ PhinDeli sẽ phát triển như thế nào dưới sự hậu thuẫn của Kinh Đô?

Tôi được biết thị trường cà phê hòa tan Việt Nam vào khoảng 5.000 tỉ đồng, thị trường cà phê rang xay cao hơn một chút, với các ông lớn Vinacafe, Trung Nguyên và Nescafe chiếm giữ. Dĩ nhiên, cà phê rang xay mang lại mức sinh lời cao hơn. Nhưng chúng tôi vẫn mở rộng cà phê hòa tan, một sản phẩm rất ưa chuộng của thế giới. Mục tiêu là vừa chiếm lấy thị phần, vừa mở rộng sang những ngách thị trường khác, cũng như xuất khẩu. Kinh Đô khá mạnh khi xuất khẩu vào 5 thị trường Mỹ, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, còn PhinDeli thì đã bước đầu “cắm sào” trên đất Mỹ. Tôi tin vào những gì độc đáo của mình trong cuộc chinh phục này.

* Ông có nghĩ mình tự tin quá chăng khi trên thị trường, có nhiều nhà làm cà phê quốc gia rất lâu đời về uy tín và đã có những công thức sản phẩm đặc biệt để gìn giữ thị trường?

Tôi biết rào cản thị trường này là cao. Nhưng tại Việt Nam, nếu sản phẩm tiêu dùng của bạn kém, bạn sẽ rất khó vào siêu thị. Tôi chỉ nói vậy để bạn vào các siêu thị ở Việt Nam và quan sát sự hiện diện của cà phê rang xay PhinDeli. Tôi có 2 đồng sự rất giỏi và có gu đặc biệt về cà phê, một trong số đó đã từng lên kế hoạch lớn cho việc thâm nhập của thương hiệu nổi tiếng Maxwell House vào châu Á. Còn cà phê hòa tan, chúng tôi chưa thể bật mí kế hoạch của mình.

* Tôi thấy các ông lớn như Trung Nguyên, Vinacafe đã làm khá tốt cà phê rang xay. Họ đã và đang lên dự án xây dựng hàng loạt chuỗi quán cà phê để bán cà phê rang xay, xem như là chiến lược chính. Ông có đi theo con đường của họ?

Dĩ nhiên, chiến lược này hay mà! Chúng tôi đang lên ý tưởng cho chuỗi quán của mình tại Việt Nam và toàn cầu luôn. Nhưng tôi vẫn đang chọn lựa ý tưởng độc đáo nhất. Cái này thực sự rất khó, vì nếu giới thiệu ra thị trường mà không được đón nhận thì việc sửa lại sẽ phức tạp lắm. Nhưng theo ý kiến của tôi, kinh doanh quán là không lời. Phần lợi nhuận chủ yếu đến từ việc bán cà phê rang xay.

* Có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng cho rằng, ông dùng thị trấn Buford như một địa điểm giao thương xuất hàng Việt vào thị trường Mỹ. Điều đó có đồng nghĩa với việc, ông sẽ kiêm thêm chuyện hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng vào Mỹ?

Cái đó là chuyện nên làm nhưng phải lâu dài. Bây giờ tôi lo cho PhinDeli của mình trước đã. Bạn biết đó, hàng Việt qua Mỹ đâu dễ. Thương hiệu Kềm Nghĩa phải mất gần một thập kỷ mới tạo được chỗ đứng tại thị trường Mỹ. Hàng hóa Việt vào trong các siêu thị ở Mỹ thì càng khó hơn rất nhiều lần, vì hàng hóa nào trên thế giới mà chẳng muốn vào Mỹ. Tôi nghĩ mình mua cái thị trấn Buford đó cũng có cái lợi. Có lần, tôi gặp một doanh nhân Việt sở hữu chuỗi bán lẻ rất lớn tại Mỹ, ông ấy nói với tôi là nếu tôi không sở hữu thị trấn tại Mỹ thì ông ấy sẽ không tiếp tôi!

* Ông nghĩ cà phê PhinDeli sẽ bán tốt vào Mỹ?

Tôi tin là thế. Tôi quan sát nhiều khách hàng Mỹ đi ngang qua thị trấn của tôi và ghé vào uống cà phê. 80% trong số họ thích vị đậm đà của cà phê Việt Nam, ngay cả với những vị khách đến từ Columbia, một quốc gia mạnh về cà phê. Tôi nghĩ Việt Nam thực sự mạnh về sản phẩm này, trong khi người Mỹ thì uống cà phê rất, rất nhiều. Cà phê ở Mỹ thì ít đậm đà hơn. Tuy nhiên, đến lúc này, việc xuất khẩu PhinDeli từ Việt Nam qua Mỹ cũng còn ít. Chúng tôi chỉ mới xuất 3 chuyến hàng, mỗi chuyến khoảng 1 tấn cà phê để thăm dò. Dĩ nhiên, trong tương lai thì là chuyện khác.

* Ông có ý định sẽ dưỡng già tại thị trấn này hoặc cùng gia đình sống tại đó?

Chắc là không. Ở đây buồn lắm, người già và trẻ con thì nhiều. Tôi không thích sống. Mà gia đình tôi thì phải ở cùng tôi. Thị trấn này chỉ để kinh doanh. Hồi trước, sau khi mua lại thị trấn này, tôi có tìm người Việt quản lý hộ, nhưng không bền, vì mọi thứ thật sự khắc nghiệt. Cả thị trấn chỉ có cái nhà, cây xăng, tiệm bán lẻ tiện ích. Ở Mỹ, cứ khoảng 60-100 dặm là phải có cây xăng, còn nhà láng giềng gần nhất của chúng tôi cũng cách xa 15km, đêm đến thì gió lộng thổi, buồn lắm. Vì thế, tôi phải nhờ người chủ cũ ở lại phụ giúp tôi trông coi thị trấn và buôn bán. Chỉ có ông ấy mới hiểu và sống được tốt ở đây. Và điều làm tôi thích nhất là ông ấy tận tụy, chân thành, biết cách tạo nên những điều lợi ích nhất và khá tử tế. Nhưng nhìn chung, láng giềng xung quanh cũng đều như vậy cả.

* Xin cảm ơn ông!

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here