Mạng 5G và kỷ nguyên mới của thương mại điện tử

0
569

Thương mại điện tử có thể là lĩnh vực ứng dụng thực tế ảo và thực tế tăng cường mạnh mẽ nhất trong bối cảnh các nhà bán lẻ đang chi hơn 1 tỉ đô la mỗi năm cho công nghệ này.

Người tiêu dùng ngày nay không khó lên mạng mua sắm hoặc sử dụng những sản phẩm, dịch vụ mình biết. Người ta cũng nói nhiều đến sự gia tăng nhanh chóng của thương mại di động. Theo thời gian, người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng mua hàng trên thiết bị di động và xu hướng này đang thúc đẩy giới thương gia cung cấp trải nghiệm mua sắm di động mạnh mẽ, hấp dẫn.

Không dừng lại ở đó, thiết bị di động còn đóng vai trò quan trọng trong hành trình mua sắm tại cửa hàng truyền thống. Người tiêu dùng sử dụng thiết bị để nghiên cứu và so sánh các sản phẩm trước khi mua chúng tại cửa hàng.

Cú hích cho VR, AR

Dù vậy, phần lớn hoạt động thương mại vẫn đang diễn ra ngoại tuyến bởi nhiều người muốn dùng thử trước khi mua. Không ít công nghệ mới đã xuất hiện để thu hẹp khoảng cách giữa hai thế giới ngoại tuyến và trực tuyến.

Đáng chú ý, hành trình mua sắm đa kênh nói trên đang đóng vai trò là chất xúc tác cho các ứng dụng thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong lĩnh vực thương mại. Trong thời gian tới, VR và AR là hai trong số những công nghệ có thể được sử dụng phổ biến trong thương mại điện tử với sự xuất hiện của mạng di động thế hệ thứ 5 (5G), có tốc độ nhanh gấp mười lần mạng 4G hiện nay và hầu như không có độ trễ.

Loại công nghệ trên có tiềm năng cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm. Sự tiện lợi của công nghệ số kết hợp với trải nghiệm thực tế liên quan đã được đón nhận trong nhiều ngành công nghiệp. Câu hỏi quan trọng là liệu các thiết bị, mạng có thể hỗ trợ những trải nghiệm tốn nhiều băng thông này hay không. Với mạng di động thế hệ 5 (5G), chúng ta dường như đã có câu trả lời.

Với các tính năng mạng được thiết kế để tăng cường đáng kể tốc độ và sức mạnh xử lý dữ liệu không dây, mạng 5G dự kiến hỗ trợ đáng kể những ứng dụng sử dụng nhiều dữ liệu như VR và AR, từ đó khai thác được tiềm năng to lớn của công nghệ này trong lĩnh vực thương mại.

Những sự trải nghiệm này dường như không thể cung cấp trên các mạng 4G/LTE hiện nay bởi độ trễ – thời gian để một gói dữ liệu truyền từ điểm này sang điểm khác – của nó vẫn còn quá cao nên khó có thể hiển thị hình ảnh ảo, thông tin liên lạc và trải nghiệm theo thời gian thực. Các trải nghiệm VR/AR cần độ trễ cực thấp mà mạng 4G hiện nay không thể đáp ứng.

Thương mại điện tử có thể là lĩnh vực ứng dụng VR/AR mạnh mẽ nhất trong bối cảnh các nhà bán lẻ đang chi hơn 1 tỉ đô la mỗi năm cho công nghệ này. Một số chuyên gia nhận định tốc độ và hiệu quả của mạng 5G là chìa khóa để mở ra các trải nghiệm mua sắm, môi trường ảo lớn và hấp dẫn hơn. Khi đó, sản phẩm trên màn hình sẽ trông thật hơn thông qua những hình ảnh có thể được xoay, phóng to, và trải nghiệm một cách tương tác.

Tốc độ và hiệu quả của mạng 5G là chìa khóa để mở ra các trải nghiệm mua sắm, môi trường ảo lớn và hấp dẫn hơn. Khi đó, sản phẩm trên màn hình sẽ trông thật hơn thông qua những hình ảnh có thể được xoay, phóng to, và trải nghiệm một cách tương tác.

Trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa

Thông qua camera điện thoại, AR có thể đưa sản phẩm ảo mà người sử dụng quan tâm hoặc muốn mua vào thế giới thật, cho phép họ cảm nhận và tương tác với nó. Trong khi đó, các nhà bán lẻ có thể sử dụng VR để mang đến trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa cho người tiêu dùng.

Tốc độ cực nhanh của mạng 5G giúp trải nghiệm VR trở nên mượt mà hơn, như cho phép người sử dụng ngồi ở nhà vẫn có thể dễ dàng duyệt, mua, lưu lại và nhận thông báo về những sản phẩm đang quan tâm bên trong một cửa hàng ảo. Chưa hết, mạng 5G còn hứa hẹn cải thiện chất lượng nội dung VR, giúp nhà bán lẻ hưởng lợi khi sử dụng VR để giới thiệu sản phẩm trong cửa hàng ảo bởi người tiêu dùng khi đó có thể xem chúng rõ ràng hơn.

Một số công ty đang tìm cách khai thác lợi ích từ các công nghệ mới nói trên. Chẳng hạn như ứng dụng di động Visualizer của công ty sơn AkzoNobel (Hà Lan) cho phép người sử dụng sơn không gian sống hoặc thử nghiệm màu sơn trong môi trường ảo trước khi mua.

Trong khi đó, hãng nội thất IKEA (Thụy Điển) hồi năm 2016 sử dụng thí điểm ứng dụng VR đầu tiên, cho phép người sử dụng mang kính Hive của công ty HTC (Đài Loan) khám phá không gian thiết kế nội thất nhà bếp trong môi trường ảo. Gần đây hơn, IKEA trình làng cửa hàng VR trực tuyến ở Úc, nơi người sử dụng có thể tham khảo sản phẩm nội thất ngay tại nhà thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính để bàn.

Đi xa hơn, công ty Cimmerse (Đan Mạch), thuộc số những doanh nghiệp chuyên ứng dụng VR/AR để giúp khách hàng bán sản phẩm trên mạng, cho rằng nhờ công nghệ 5G, một nhân vật ảo trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ người mua sắm những thông tin cần thiết về sản phẩm trong môi trường ảo để họ ra quyết định. Một khi trở nên phổ biến, mạng 5G còn mang đến cho nhà bán lẻ và nhà tiếp thị khả năng gửi video độ phân giải cao hơn đến người tiêu dùng với hy vọng thúc đẩy họ chi tiêu cho mua sắm nhiều hơn.

Một ứng dụng tiềm tàng khác là phòng thử đồ của tương lai, nơi “gương thần” tương tác có thể nhận biết thông tin về sản phẩm đang được thử thông qua thẻ RFID, từ đó cung cấp thông tin giá trị về khách hàng. Một cửa hàng có thể dùng dữ liệu này để hiển thị quảng cáo được cá nhân hóa theo thời gian thực, như một đôi giày được xem là phù hợp với trang phục đang thử hay không.

Trong khi đó, người mua sắm có thể dễ dàng chia sẻ thông tin về những gì mình mua trên mạng xã hội hoặc thông qua tin nhắn. Sự hiện diện của mạng 5G tại cửa hàng sẽ giúp ích nhiều cho những hoạt động nói trên.

“Những công nghệ như AI và học máy có nhiều tiềm năng lớn nhưng đòi hỏi băng thông rộng cao và độ trễ thấp để đạt được kết quả tối ưu. Điều này cũng đúng với những công nghệ như VR và AR, vốn có thể mang đến cho khách hàng trải nghiệm chưa từng có”, ông Mo Katibeh, Giám đốc tiếp thị của AT&T Business, nhận định.

Trong khi đó, ông Jeff Weisbeinm, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty truyền thông số Best Techie (Mỹ), cho rằng ứng dụng công nghệ 5G có thể dẫn đến những thay đổi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong đó đáng chú ý là cải thiện trải nghiệm bán lẻ thông qua cá nhân hóa.

Tóm lại, công nghệ 5G sẽ nằm ở trung tâm của thế giới siêu kết nối mới của những năm 2020. Từ mua sắm, thiết bị thông minh đến xe tự lái, những thông số kỹ thuật di động mới này sẽ mở ra một kỷ nguyên kết nối mới, hứa hẹn giúp các thương nhân và người mua sắm đến gần nhau hơn bao giờ hết.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here